Ngân hàng - Bảo hiểm
Thừa tiền, nhưng vẫn đua lách trần lãi suất
Thùy Liên - 24/08/2016 08:02
Dù thanh khoản hệ thống dư thừa, song nhiều ngân hàng vẫn đua nhau lách trần huy động tiền đồng (VND) và USD.
TIN LIÊN QUAN

Dấm dúi lách

Chính sách lãi suất 0% với tiền gửi tiết kiệm USD được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai gần một năm nay, song tình trạng lách trần lãi suất huy động vẫn tiếp diễn. Theo khảo sát của phóng viên Báo Đầu tư ngày 22/8, tình trạng này diễn ra tại nhiều ngân hàng với mức độ công khai và “chuyên nghiệp” khác nhau.

Cụ thể, tại chi nhánh của ngân hàng S. trên đường Lạc Long Quân (Hà Nội), khi được hỏi về lãi suất huy động USD, nhân viên của ngân hàng này trả lời là 0%/năm. Tuy nhiên, khi khách hàng đưa ra sổ tiết kiệm USD sắp hết hạn ở ngân hàng khác thì được nhân viên này cho biết, ngân hàng trả lãi 0,5%/năm đối với tiền gửi bằng USD với kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng. Với số tiền lớn, ngân hàng trả lãi tới 1%/năm. 

Tình trạng lách trần lãi suất diễn ra khá phổ biến, nhất là tại các ngân hàng nhỏ.

Theo tìm hiểu, ngân hàng này cũng có dấu hiệu lách trần huy động với tiền gửi bằng VND. Theo quy định, trần lãi suất huy động của kỳ hạn dưới 6 tháng là 5,5%/năm. Tuy nhiên, tại ngân hàng này, lãi suất huy động từ kỳ hạn 45 ngày đã là 5,5%/năm, đối với những người gửi cao tuổi và tái tục (gửi lại) còn được tặng thêm lãi suất, đẩy lãi suất thực vượt quá 5,5%/năm với kỳ hạn ngắn.

Tại một ngân hàng khác, khi khách hàng mang tiền đến gửi, nhân viên ngân hàng còn mang biểu lãi suất huy động đặc biệt cất dưới gầm bàn ra mời chào. Theo đó, ngoài mức lãi công khai, ở các kỳ hạn ngắn, ngân hàng còn có thêm “chi phí lãi suất cộng thêm” từ 0,46 đến 0,68%/năm. Theo đó, lãi suất huy động thực VND kỳ hạn 1-5 tháng dao động từ 5,91 tới 5,99%/năm. Lãi suất huy động USD được trả từ 0,3 đến 0,84%/năm tùy số tiền, kỳ hạn.

Lách là vì lợi nhuận

Theo khảo sát, tình trạng trên diễn ra khá phổ biến, nhất là tại những ngân hàng nhỏ và vừa. Liệu nguyên nhân dẫn tới tình trạng này có phải do thanh khoản hệ thống lại có vấn đề? Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng khẳng định, 7 tháng đầu năm nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng ổn định, thậm chí dư thừa.

Trên thực tế, câu chuyện ngân hàng lách trần huy động USD đã rộ lên từ tháng 3, tháng 4 năm nay và chìm xuống khi NHNN “tuýt còi” vào tháng 5/2016. Tuy nhiên, tình trạng lách trần lại đang có dấu hiệu bùng phát khi cơ quan chức năng lơ là giám sát. Nguyên nhân chủ yếu là do lợi nhuận. Nếu trả lãi 0%, ngân hàng khó huy động USD, trả 0,5%/năm thì dễ huy động hơn, trong khi lãi suất cho vay USD vẫn ở mức 3-4%/năm và chênh lệch lãi suất vẫn ở mức cao. 

Đề cập thực trạng trên, chuyên gia kinh tế  TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo: “Chính sách chống đô la hóa cần đồng bộ hơn, nếu đưa lãi suất tiền gửi USD về 0% thì NHNN cũng phải dần chuyển hết quan hệ vay - mượn USD sang quan hệ mua bán thả nổi có kiểm soát”.

Mặt trái của chính sách này là tất cả nguồn USD gửi vào ngân hàng được chuyển sang hình thức tiền gửi không kỳ hạn. Vì vậy, ngân hàng chấp nhận “đi đêm” trả lãi thấp cho các khoản huy động USD để có được các khoản tiền gửi có kỳ hạn, bù lại có thể yên tâm cho vay lại với lãi suất cao mà không sợ rủi ro. Do đó, để chính sách lãi suất USD 0% thành công, NHNN phải sớm “bịt” tín dụng ngoại tệ. Trong trường hợp vẫn tồn tại tín dụng ngoại tệ, thì NHNN nên trả một phần lãi nhỏ cho người dân. 

Đối với VND, việc lách trần lãi suất huy động phức tạp hơn, vì với mức lãi suất huy động “lách” hiện nay, rõ ràng ngân hàng không có lãi. Vì vậy, nhiều khả năng, những ngân hàng lách trần huy động VND gặp khó khăn tạm thời về thanh khoản, do áp lực xử lý nợ xấu, lãi dự thu lớn (lãi ảo), nên phải tăng huy động để bù đắp.

Tin liên quan
Tin khác