Trong những năm gần đây, với các chính sách khuyến khích của Chính phủ, nguồn năng lượng tái tạo có sự phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam với những con số ấn tượng. Tính đến hết năm 2021, tổng công suất đặt các nguồn điện gió, điện mặt trời đạt 20.670 MW, chiếm gần 27% tổng công suất đặt toàn hệ thống. Sản lượng điện từ nguồn điện này đã đạt 31,5 tỷ kWh, chiếm 12,27% tổng sản lượng điện sản xuất toàn hệ thống.
Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố thuận lợi, Việt Nam đồng thời phải thực hiện các giải pháp nhằm giải quyết các khó khăn thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trong điều kiện giảm thiểu các tác động môi trường của hoạt động phát điện, phụ tải tăng trưởng với tốc độ cao gây sức ép lên hạ tầng cơ sở ngành năng lượng, đòi hỏi vốn đầu tư lớn cùng các giải pháp kỹ thuật phức tạp.
Chia sẻ tại tọa đàm “Chiến lược và Hợp tác thúc đẩy Chuyển đổi Năng lượng cho Việt Nam” của Báo Công thương sáng ngày 22/6, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo đã cho hay, Việt Nam đang triển khai những bước đầu của quá trình chuyển đổi từ năng lượng truyền thống sang năng lượng tái tạo xanh và sạch hơn. Đây cũng là xu hướng tất yếu giúp đảm bảo một nền kinh tế bền vững. Sự gia tăng của các nguồn điện mới khiến hệ thống phải đối mặt với các thách thức về sự bền vững và ổn định, đòi hỏi sự phối hợp về cả chính sách và công nghệ nhằm đảm bảo nguồn điện đáng tin cậy.
Hiện Bộ Công Thương cũng đã xây dựng, triển khai nhiều chương trình kế hoạch; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, tiết kiệm hiệu quả; bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế thông qua các cuộc gặp gỡ song phương, đa phương nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng tại Việt Nam.
Mang đến góc nhìn mới về chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả thông qua việc chia sẻ những kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong phát triển chính sách, cũng như những hỗ trợ cho Việt Nam trong hành trình này, ông Sean M.Lawlor, chuyên gia năng lượng, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, Hoa Kỳ đã bắt đầu chuyển đổi từ hơn một thập kỷ trước, đến nay đã cắt giảm điện than còn một nửa, phát triển điện khí đạt 38% tổng hỗn hợp năng lượng đồng thời khuyến khích các giải pháp năng lượng sạch. Chính quyền Biden sẽ tiếp tục duy trì nỗ lực này bằng mục tiêu lắp đặt 30 GW điện gió ngoài khơi vào năm 2030 và nâng tỉ trọng điện mặt trời lên tới 40% trong hỗn hợp năng lượng vào năm 2035.
Là đối tác lâu dài của Việt Nam, Hoa Kỳ sẵn sàng chia sẻ công nghệ, vốn, chuyên môn về chính sách và kỹ thuật để đồng hành cùng Việt Nam trong hành trình này.
GE đang tích cực đóng góp cho tương lai ngành năng lượng thông qua việc tăng tốc phát triển điện tái tạo kết hợp với điện khí một cách có chiến lược, giúp giảm phát thải hiệu quả đồng thời mang lại nguồn năng lượng đáng tin cậy với giá cả hợp lý.
Ông Narendra Asnani, Tổng giám đốc Khối Dịch vụ, GE Gas Power châu Á cũng cho hay, các nguồn năng lượng phát thải thấp hơn như khí, cùng với các giải pháp như công nghệ khí hydro và thu giữ cacbon, có thể giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu trung hòa cacbon. Khí tạo ra nguồn điện đủ linh hoạt, có khả năng củng cố lưới điện để bổ trợ cho các loại điện tái tạo.
“Với sự hiện diện lâu dài ở Việt Nam cùng cam kết hỗ trợ kinh tế đất nước tăng trưởng thông qua những công nghệ năng lượng hiệu suất cao mới nhất, GE đang cung cấp các giải pháp phù hợp và kinh nghiệm toàn cầu giúp Việt Nam đáp ứng nhu cầu điện hiện tại đồng thời duy trì tăng trưởng”, ông Narendra Asnani nói.
Để đẩy mạnh chuyển đổi năng lượng, các nguồn điện cacbon thấp cũng được khuyến khích phát triển để giảm phát thải cacbon và hỗ trợ cho điện tái tạo. Đơn cử như GE mới đây đã chính thức công bố sẽ cung cấp tuabin khí 9HA đầu tiên tại Việt Nam cho Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4, quy mô khoảng 1.500 MW do Tổng công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam là chủ đầu tư.