Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Trần Thanh Nam, mục tiêu đặt ra cho Chương trình OCOP giai đoạn 2021 - 2025 là xây dựng các trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP gắn với chương trình khởi nghiệp của thanh niên cả nước. |
Góp ý xây dựng khung chương trình và giải pháp thúc đẩy Chương trình OCOP giai đoạn 2021 – 2025 trong khuôn khổ Hội thảo do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức tại TP.Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ngày 27/4/2021, ông Nguyễn Minh Tiến, Cục trưởng – Chánh Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết, một trong những mục tiêu quan trọng đặt ra với chương trình trong 5 năm tới là đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực này.
Công việc cụ thể gồm: xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm OCOP, số hóa quá trình chấm điểm, phân hạng sản phẩm; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị OCOP gắn với giám sát – chứng thực của công tác quản lý nhà nước; thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử OCOP, hình thành các sàn thương mại điện tử quy mô lớn, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng trực tiếp, đặc biệt là với các sản phẩm thủ công, sản phẩm đặc sản của địa phương.
Cùng với đó là việc nâng cao năng lực hệ thống hỗ trợ triển khai Chương trình OCOP thông qua việc xây dựng các trung tâm khởi nghiệp và phát triển sản phẩm OCOP gắn với chương trình khởi nghiệp, quảng bá, giới thiệu và thương mại sản phẩm OCOP ở các vùng trên cả nước, nhằm thu hút sự tham gia của các chủ thể, kết nối du lịch;
Xây dựng tiêu chí, tổ chức nâng cao năng lực bvà quản lý mạng lưới tư vấn nhằm xây dựng mạng lưới tư vấn Chương trình OCOP chuyên nghiệp, có kinh nghiệm, năng lực toàn diện, đoàn kết và thống nhất trong hỗ trợ triển khai chương trình trên cả nước. Nâng cao năng lực hệ thống các cơ sở đào tạo nghề cho lao động gắn với ngành nghề OCOP, bổ sung các quy định về đào tạo nghề (khung đào tạo nghề, độ tuổi học nghề…) để phù hợp với phát triển sản phẩm OCOP.
Các địa phương giới thiệu sản phẩm OCOP tại Hội chợ Hương sắc miền Tây tại TP. Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang ngày 26 - 27/4/2021 |
Chia sẻ định hướng và kế hoạch phát triển sản phẩm OCOP của TP.Hà Nội – một trong những địa phương có số lượng sản phẩm OCOP 4 - 5 sao nhiều nhất cả nước, ông Nguyễn Văn Chí, Phó chánh Văn phòng Điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội cho biết, giai đoạn 2021 - 2025, Hà Nội tập trung triển khai xây dựng “Trung tâm thiết kế sáng tạo và giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với du lịch sinh thái của quốc gia tại Hà Nội”.
Theo đó, mỗi huyện, thị xã xây dựng ít nhất 1 trung tâm thiết kế sáng tạo, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm OCOP, làng nghề gắn với du lịch; Đồng thời, hỗ trợ phát triển Trung tâm bảo tồn nghề gốm tại xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm nhằm xây dựng thành trung tâm bảo tồn, phát triển sản phẩm gốm quốc gia của Việt Nam.
Mục tiêu đặt ra cho 5 năm tới của Hà Nội là công nhận thêm trên 50 làng nghề, nghề truyền thống; phấn đấu có 100 làng nghề, nghề truyền thống được hỗ trợ xây dựng thương hiệu và xác nhận quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể, 100% làng nghề, làng nghề truyền thống được công nhận thuộc danh mục được đánh giá tác động môi trường; thực hiện Kế hoạch bảo tồn, phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025; kết hợp phát triển làng nghề với du lịch; đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật để sáng tác mẫu mã, nâng cao trình độ tay nghề cho thợ trẻ, gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn và đầu tư xử lý môi trường làng nghề để đảm bảo phát triển bền vững...