Cụ thể, theo số liệu vừa được NHNN công bố, tính đến cuối tháng 4/2024, tiền gửi cả khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng đạt 13,42 triệu tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng liền trước, tương đương khoảng 140.000 tỷ đồng, tăng 0,4% tương đương khoảng 50.000 tỷ đồng so với cuối năm 2023.
Như vậy, số dư tiền gửi tại các TCTD đã chính thức lập kỷ lục mới sau khi tăng trưởng âm so với cuối 2023 trong ba tháng đầu năm nay. Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,72 triệu tỷ đồng, tăng 2,8% so với đầu năm và tiếp tục lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 4/2024, tiền gửi cư dân đã tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng.
Tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế đến tháng 4/2024 đạt hơn 13,4 triệu tỷ đồng |
Tuy nhiên, tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,7 triệu tỷ đồng, giảm 1,95% hay hơn 133.600 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 3/2024, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 81.000 tỷ đồng. Ngoài ra, NHNN cho biết tổng phương tiện thanh toán tính đến cuối tháng 4 đạt hơn 16 triệu tỷ đồng, tăng 0,13% so với đầu năm.
Trước đó, số liệu NHNN đưa ra, đến cuối tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng là 13,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng liền trước (tăng khoảng 140.000 tỷ đồng), nhưng vẫn giảm 0,5% so với mức đỉnh hồi cuối năm 2023 (giảm khoảng 70.000 tỷ đồng).
Trong đó, tiền gửi của dân cư đã lên gần 6,68 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm và lập kỷ lục mới. Riêng trong tháng 3, tiền gửi cư dân đã tăng thêm 39.000 tỷ đồng. Tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,62 triệu tỷ đồng, giảm 3,14% hay hơn 210.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 2/2024, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng.
Còn số liệu mới nhất của NHNN, tính đến hết tháng 2, tiền gửi dân cư tại hệ thống ngân hàng đạt kỷ lục gần 6,64 triệu tỷ đồng, tăng 1,6% so với đầu năm. Như vậy, sau khi sụt giảm vào tháng đầu năm, tiền gửi dân cư vào hệ thống ngân hàng đã quay lại đà tăng.
Giới phân tích tài chính cho rằng, tiền gửi của người dân tiếp tục lập đỉnh bất chấp lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng đã chạm đáy trong tháng 3 và tăng nhẹ trong tháng 4/2024. Đây là mức cao kỷ lục về lượng tiền gửi cá nhân vào hệ thống ngân hàng.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng dần, ngân hàng chuẩn bị thanh khoản khi tín dụng cải thiện |
Hiện tín dụng đang dần cải thiện và tính đến cuối tháng 5/2024 dư nợ cho vay đối với nền kinh tế tăng 6% so với đầu năm 2024. Vì thế, các ngân hàng bắt đầu tăng lãi suất tiết kiệm để huy động vốn, chuẩn bị thanh khoản đáp ứng cầu tín dụng tăng dần trong mùa cao điểm cuối năm.
Đến cuối tháng 4/2024, lãi suất của nhóm ngân hàng thương mại lớn đã nhích lên 4,45%/năm, nhóm ngân hàng thương mại khác lên 4,58% còn Big4 vẫn giữ nguyên. Đến ngày 15/7, lãi suất của các ngân hàng thương mại lớn lớn đã ở mức 4,78%/năm, còn các ngân hàng thương mại khác khác là 5,06%/năm.
Theo dự báo của giới phân tích tàichin1h, từ nay đến cuối năm, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng từ 0,5 đến 1 điểm % trước áp lực từ lãi suất thị trường liên ngân hàng, việc các ngân hàng đẩy mạnh tín dụng và thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp có dấu hiệu phục hồi.
Trong khi đó, lãi suất cho vay được dự báo sẽ đi ngang hoặc chỉ nhích nhẹ trong bối cảnh các ngân hàng, đặc biệt nhóm quốc doanh, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nền kinh tế.
Bà Bùi Thị Thao Ly – Giám đốc Phân tích, Chứng khoán Shinhan Việt Nam cho rằng, dù dư địa giảm lãi suất không còn nhiều khi lãi suất huy động bắt đầu tăng trở lại trong tháng 6/2024 ở nhiều ngân hàng với mức tăng bình quân khoảng 0,5%.
Tuy nhiên, thông qua việc đẩy mạnh chuyển đổi số, đơn giản các thủ tục cho vay, tiết giảm chi phí, chúng tôi kỳ vọng các ngân hàng có thể sẽ giảm lãi suất cho vay thêm 0,5-1% từ nay đến cuối năm để hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng kinh tế.
Trong nửa đầu năm 2024, NHNN đã duy trì lãi suất chiết khấu và lãi suất tái cấp vốn không đổi ở mức 3% và 4,5% kể từ tháng 6/2023 dù VND chịu áp lực mất giá khi Fed vẫn giữ nguyên lãi suất ở mức cao trong thời gian dài để ứng phó với tình trạng lạm phát dai dẳng.
Sau một loạt các biện pháp can thiệp trên thị trường mở, bán ngoại tệ dự trữ, kiểm soát thị trường vàng, tỷ giá đã có dấu hiệu ổn định trở lại từ giữa tháng 4/2024. Đà tăng CPI có dấu hiệu chững lại trong tháng 5/2024 và vẫn trong ngưỡng mục tiêu 4-4,5%.