Ngân hàng
Tiếp tục đà giảm, giá vàng SJC mất mốc 80 triệu đồng/lượng
Tùng Linh - 25/03/2024 17:58
Trước động thái quyết liệt của Chính phủ, giá vàng SJC trong nước những phiên gần đây đang được giao dịch quanh mốc 80 triệu đồng/lượng.

Sau tuần lễ giao dịch lịch sử, giá vàng thế giới không có nhiều biến động trong bối cảnh nhà đầu tư đặt kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ bắt đầu giảm lãi suất vào tháng 6 và sức nóng của USD đã hạ nhiệt.

Ở thời điểm hiện tại, giá vàng giao ngay ở mức 2.165,28 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 4/2024 trên sàn Comex New York đang được giao dịch ở mức 2.166,3 USD/ounce.

Tim Waterer, Trưởng phòng phân tích thị trường tại KCM Trade nhận định, thị trường kim loại quý vẫn tương đối lành mạnh ở thời điểm hiện tại. Trong khi đó, kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất vào tháng 6 của giới đầu tư vẫn đang tăng lên. 

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 21/3, giá vàng quốc tế đã thiết lập mức đỉnh lịch sử mới ở trên 2.200 USD/ounce sau khi các nhà hoạch định chính sách của Fed dự kiến sẽ thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất khoảng 75 điểm cơ bản trong năm 2024 bất chấp tình hình lạm phát vẫn cao như hiện nay. Các chuyên gia nhận định, lãi suất thấp sẽ làm giảm chi phí cơ hội của việc nắm giữ vàng thỏi.

Ở thời điểm này, giới đầu tư đang chờ đợi dữ liệu về chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ sẽ được công bố vào ngày 29/3 sắp tới để củng cố kỳ vọng về việc Fed sẽ thực hiện 3 đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay. Trong tháng 2 vừa qua, chỉ số PCE tại Mỹ đã tăng 0,3% và đang đặt tốc độ tăng hàng năm ở mức 2,8%. Tuy nhiên, nhiều thị trường trên thế giới sẽ nghỉ lễ vào ngày công bố dữ liệu, do đó có thể những tác động sẽ diễn ra vào tuần tiếp theo.

Tại diễn biến khác, các nhà đầu cơ vàng của COMEX đã hạ vị thế mua ròng xuống còn hơn 157 nghìn hợp đầu sau khi cắt giảm hơn 2 nghìn hợp đồng vào ngày 19/3 vừa qua.

Trái ngược với bối cảnh có phần ảm đạm của thị trường quốc tế, giá vàng SJC trong nước đã giảm  400 nghìn đồng/lượng so với phiên trước, rơi xuống mức  79,9 triệu đồng/lượng ở thời điểm hiện tại. Chênh lệch giá mua - bán đã được điều chỉnh xuống mức 2 triệu đồng/lượng sau khi nới lên 2,3 triệu đồng/lượng trong phiên cuối tuần qua. 

Ngoài việc chịu ảnh hưởng từ đà điều chỉnh của thị trường quốc tế, giá vàng trong nước cũng đã "nguội" bớt sau khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ban hành Công điện số 23/CĐ-TTg yêu cầu tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng. Cùng với đó, Phó thủ tướng Lê Minh Khái cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước báo cáo về tình hình sản xuất, kinh doanh vàng; tìm ra nguyên nhân, qua đó nhanh chóng có giải pháp khắc phục hiệu quả cả về ngắn hạn và dài hạn; bảo đảm quản lý vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững, phù hợp với nhu cầu thực tế của người dân, liên thông với các thị trường liên quan, tránh tình trạng lợi dụng tình hình để buôn lậu, đầu cơ, thao túng thị trường, kinh doanh vàng trái quy định của pháp luật để trục lợi.

Đối với thị trường tiền tệ, kết quả cuộc họp của Fed cũng đã khiến chỉ số DXY - thước đo sức mạnh đồng bạc xanh so với rổ 6 đồng tiền mạnh, dao động lớn. Theo đó, chỉ số DXY đã hồi phục trở lại trên mốc 103 từ phiên 21/3 và hiện đang dừng chân ở mức 104,37. 

Sáng 25/3, Ngân hàng Nhà nước công bố tỷ giá trung tâm ở mức 24.015 VND/USD, tăng 12 đồng so với hôm qua. Với biên độ +/-5% theo quy định, tỷ giá tại các ngân hàng giao dịch trong khoảng 22.815 VND/USD -  25.215 VND/USD.  Tại Vietcombank, tỷ giá USD  giao dịch ở mức về còn 24.610 VND/USD (chiều mua vào) và 24.930 VND/USD (chiều bán ra). 

Tin liên quan
Tin khác