Tiêu chí tăng trưởng xanh chưa rõ ràng
Ngày 12/10, Báo Người Lao Động tổ chức Hội thảo “Thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ” tại tỉnh Đồng Nai nhằm kết nối, tạo điều kiện để các cơ quan quản lý nhà nước, lãnh đạo địa phương, chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp cùng trao đổi về định hướng thu hút đầu tư vào khu vực Đông Nam Bộ.
Hội thảo “Thu hút đầu tư xanh cho vùng Đông Nam Bộ” . |
TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định, khó khăn đầu tiên của doanh nghiệp là xác định thế nào là tăng trưởng xanh để từ đó có tiêu chí, chính sách thúc đẩy tăng trưởng phù hợp.
“Trong đó, với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội từ năm 2021-2030, rất ít tiêu chí về tăng trưởng xanh. Như vậy, ngay về mặt tư duy, định hướng chính sách chung chúng ta vẫn xem tăng trưởng xanh là dòng chính sách bổ sung chứ chưa phải dòng chính sách chính giai đoạn. Vì nhận thức chưa rõ nên chưa có nhận thức chung thống nhất, từ đó hành động chưa rõ ràng, nhất quán”, TS. Nguyễn Đình Cung chia sẻ.
Tại Tổng công ty cổ phần Phát triển Khu công nghiệp (Sonadezi), khoảng 10 năm trước, doanh nghiệp đã hướng đến đầu tư xanh như sử dụng năng lượng xanh (điện năng lượng mặt trời) và hầu như các mái nhà xưởng có thể triển khai hệ thống điện năng lượng mặt trời thì Sonadezi đều đầu tư.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Ngọc Thuận, Phó tổng giám đốc Sonadezi, việc thu hút doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn đầu tư xanh là rất khó, bởi doanh nghiệp nào cũng mong muốn đầu tư nhanh để hoàn vốn, nên đầu tư xanh chưa được chú trọng. Không những thế, các chỉ tiêu về đầu tư xanh còn nhiều ý kiến khác nhau.
Đồng tình với ý kiến này, ông Trần Việt Hà, Phó ban Quản lý Khu chế xuất và công nghiệp TP.HCM (Hepza) chia sẻ: “Tiêu chí về đầu tư xanh hiện nay chưa rõ ràng nên vấn đề thống kê về đầu tư xanh chưa thể chính xác mà mang tính cảm tính”.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, các tiêu chí về đầu tư xanh còn rất mơ hồ và thực hiện theo cảm tính. |
Cần nhanh chóng có hướng dẫn
Để giải quyết các vướng mắc mà doanh nghiệp đưa ra, PGS-TS Phạm Tiến Đạt, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính - Marketing đề xuất nhiều giải pháp. Trong đó, các bên cần làm rõ khái niệm và nội hàm của yếu tố “xanh” trong hoạt động đầu tư; nâng cao nhận thức của doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân, các tổ chức trung gian tài chính và cơ quan quản lý chính quyền địa phương về phát triển bền vững.
Mặt khác, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, việc tiếp cận tài chính xanh chủ yếu là các khoản vay ưu đãi từ các tổ chức tài chính quốc tế, trong khi đó để tiếp cận nguồn vốn này, các quốc gia cần phải đáp ứng đầy đủ các quy định đảm bảo về môi trường, xã hội. Vì vậy, tín dụng ngân hàng vẫn là một kênh huy động hấp dẫn, có vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư xanh từ khu vực kinh tế tư nhân. Do đó, các tổ chức tài chính trung gian cần nâng cao năng lực trong việc thẩm định các dự án xanh, sản phẩm xanh và xây dựng các chính sách cho vay ưu đãi đối với các dự án đầu tư xanh.
“Đặc biệt, cần hoàn thiện khung pháp lý về tài chính xanh và đầu tư xanh. Trong đó, khuôn khổ pháp lý cần phải đáp ứng được yêu cầu về chất và lượng, làm rõ được phương pháp đo lường lợi ích môi trường của các dự án đầu tư xanh. Từ đó, hoàn thiện các quy định về tín dụng xanh”, ông Phạm Tiến Đạt chia sẻ.
Về phía chính quyền địa phương, bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, khi các tỉnh, thành phố hình thành khu công nghiệp sinh thái thì đây sẽ là một điều kiện để giảm khí thải hướng đến Net Zero. Do đó, muốn có khu công nghiệp sinh thái, địa phương cần có bộ tiêu chí, những hướng dẫn của các bộ, ngành phải đồng bộ với nhau.
Có thể thấy, hầu hết doanh nghiệp, địa phương đều mong muốn có những nội dung cụ thể hơn về ưu đãi thu hút đầu tư xanh. Nguyên nhân là do, hiện đầu tư xanh tiêu tốn nhiều chi phí hơn nhưng chưa có chính sách cụ thể về thuế, tài chính, cho vay các dự án… để thu hút các nhà đầu tư.