Nới room tín dụng cuối năm
Trong báo cáo cập nhật về MB vừa công bố, Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC) đã nâng dự báo tăng trưởng tín dụng của MB lên mức 17% trong năm nay, sau khi ngân hàng này được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng lên 17% so với mức 15% được giao đầu năm. Sở dĩ MB được chấp thuận nới room tín dụng do đây là một trong số ít ngân hàng đã sớm tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước thời hạn, kiểm soát được tỷ lệ nợ xấu ở mức thấp (1,57% tính đến cuối tháng 9/2018).
Áp lực tăng tín dụng đã giảm và khả năng trong những năm tới, mục tiêu tăng tín dụng sẽ thấp hơn |
Trước MB, Techcombank đã được NHNN nới chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng từ 14% lên 20%. Techcombank cũng là thành viên đã sớm tất toán toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC.
Theo nguồn tin của Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), một lãnh đạo VPBank cho biết, ngân hàng này đã điều chỉnh một số cân đối trong hoạt động theo định hướng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của hệ thống là 17%, thay vì 15% được giao hồi đầu năm. Theo đó, phần tín dụng được tăng thêm của VPBank tương ứng khoảng 3.000 tỷ đồng.
Các chuyên gia phân tích của BVSC đánh giá, từ đầu năm nay, trước biểu hiện áp lực lạm phát, NHNN đã chủ động kiểm soát hạn mức tăng trưởng tín dụng khá thấp đối với các ngân hàng. Tuy nhiên, áp lực về lạm phát đến nay đã có phần giảm bớt, do giá dầu suy giảm trong thời gian gần đây, giá xăng trong nước cũng đã giảm 1.500 đồng/lít, giúp NHNN có thể ra quyết định nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.
Rõ ràng, quyết định của NHNN là một cơ hội để cải thiện kết quả kinh doanh của nhóm ngành ngân hàng. Về mặt vĩ mô, điều này cũng giảm bớt áp lực về thanh khoản và lãi suất bị đẩy lên cao như hiện nay. Tuy nhiên, việc nới room tín dụng không phải dễ dàng với tất cả ngân hàng trong bối cảnh hiện nay, khi chủ trương của NHNN là kiểm soát chặt chất lượng khoản vay, đặc biệt là nguồn vốn vào thị trường bất động sản.
Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng dư nợ tín dụng toàn ngành đến thời điểm này còn cách xa mục tiêu 17% đưa ra đầu năm. Nhưng chủ trương của ngành là không tăng trưởng dư nợ ở mức cao, áp lực tăng tín dụng đã giảm và khả năng trong những năm tới, mục tiêu tăng tín dụng sẽ thấp hơn.
Tín dụng khó tăng cao
Thực tế cho thấy, đến quý III/2018, nhiều nhà băng đã cạn room tín dụng, không còn nhiều dư địa giải ngân mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, nên đã trình NHNN xin thêm hạn ngạch. Tuy nhiên, không phải nhà băng nào cũng được chấp thuận.
Từ giữa năm 2018, NHNN đã có chủ trương sẽ không nâng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại, ngoại trừ một số trường hợp được xem xét theo hướng có tham gia tái cơ cấu ngành, có nâng cao vốn điều lệ và kiểm soát tốt nợ xấu… theo nội dung Chỉ thị 04/2018/CT-NHNN.
Do khó nới thêm hạn mức cho vay, một số nhà băng đã chủ động điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận. Ngày 8/12, VietinBank tổ chức đại hội đồng cổ đông bất thường, với việc thay đổi các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh đều thấp hơn kết quả đã đạt được sau 9 tháng và chỉ tiêu đưa ra hồi đầu năm nay.
Cụ thể, các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh năm 2018 như sau: tổng tài sản có tăng trưởng 6 - 8%; dư nợ tín dụng tăng trưởng 8 - 9%; nguồn vốn huy động tổ chức kinh tế và dân cư tăng trưởng 9 - 10%; tỷ lệ nợ xấu (nội bảng) dưới 3%; lợi nhuận riêng lẻ chỉ 6.200 tỷ đồng (hợp nhất 6.700 tỷ đồng).
Trước đó, LienvietpostBank cũng điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận từ 1.800 tỷ xuống 1.200 tỷ đồng trước thuế do đã cạn room tín dụng cho phép.
Dù định hướng mức tăng trưởng tín dụng năm 2018 được NHNN đưa ra vào khoảng 17% và nhiều khả năng khó đạt mức này, nhưng TS. Trần Du Lịch cho rằng, với chủ trương kiểm soát lạm phát, siết dòng tín dụng vào lĩnh vực nhạy cảm, khó có thể nới room tín dụng. Vì thế, các ngân hàng cần đẩy mạnh phát triển thị trường vốn, thị trường trái phiếu doanh nghiệp bên cạnh trái phiếu chính phủ để doanh nghiệp huy động vốn.