Giá tiêu dùng
Tuy CPI bình quân trong 6 tháng đầu năm nay cao hơn tốc độ tăng tương ứng của 6 tháng cùng kỳ năm trước và cao hơn mục tiêu đề ra cho cả năm (4%), nhưng có thể yên tâm hơn với lạm phát.
Theo nhóm hàng hóa và dịch vụ, giá hàng ăn và dịch vụ ăn uống, nếu cùng kỳ năm trước còn tăng, thì kỳ này giảm hoặc tăng thấp. Diễn biến này do tác động của nhiều yếu tố, cả về cung và cầu của năm nay.
. |
“Cánh kéo” giá cả giữa nông sản thực phẩm với các hàng hóa, dịch vụ khác đã doãng ra từ mấy năm qua có thể tiếp tục diễn ra trong năm nay và sẽ gây áp lực trong việc tăng trưởng GDP do nhóm ngành này tạo ra, trong việc cải thiện mức sống của người sản xuất nông, lâm nghiệp- thủy sản, tác động đến sức mua hàng công nghiệp.
Trong khi đó, giá dịch vụ giao thông, y tế, giáo dục lại tăng mạnh, đẩy CPI tăng lên. CPI bình quân tăng cao hơn cùng kỳ trong điều kiện giá lương thực - thực phẩm giảm, giá dịch vụ do Nhà nước định giá tăng mạnh, nên lạm phát cơ bản bình quân tăng thấp hơn, nhưng giá tiêu dùng bình quân lại tăng cao hơn.
Một điểm cần chú ý là chỉ tiêu kế hoạch năm nay về CPI là CPI bình quân năm nay so với năm trước (4%). Trong khi đó, CPI bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước vừa cao hơn con số tương ứng của cùng kỳ năm trước, vừa cao hơn kế hoạch cả năm. Song CPI bình quân có xu hướng về thấp hơn mục tiêu 4%.
Theo đó, tuy chưa thể chủ quan, lơ là với lạm phát, nhưng với khả năng có thể kiểm soát được, thì có thể tập trung hơn cho mục tiêu tăng trưởng. Nhưng cũng không chạy theo tốc độ tăng trưởng, mà quan trọng hơn là ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng tăng trưởng để tránh và khắc phục các bất ổn vĩ mô như nợ xấu, nợ công tăng, bội chi ngân sách cao, nhập siêu lớn...
Giá vàng và giá USD
Giá vàng tháng 6/2017 so với tháng 5 hay so với tháng 12/2016 thấp hơn tốc độ tăng tương ứng của cùng kỳ năm trước, nhưng bình quân 6 tháng năm nay so với cùng kỳ năm trước lại tăng khá cao (tăng 6,75% so với giảm 0,08%).
Giá vàng trong nước phụ thuộc vào 3 yếu tố chủ yếu là giá vàng thế giới, tỷ giá VND/USD và yếu tố tâm lý. Giá vàng trên thế giới có xu hướng chung là giảm, do diễn biến ở Hoa Kỳ... Tỷ giá VND/USD cao lên thì giá vàng trong nước tính theo VND sẽ tăng. Hiện tại, chênh lệch giá vàng ở trong nước với giá vàng thế giới đã giảm xuống còn trên dưới 2 triệu đồng/lượng, nhưng vẫn là mức lớn (trên 5% so với ±1%).
Tâm lý “tích cốc phòng cơ” của người dân nếu cộng hưởng với việc đầu cơ theo phong trào hoặc hoảng loạn thái quá trước tin đồn... sẽ làm cho thị trường này mất ổn định, nhiều người bị thua thiệt lớn khi mua ở đỉnh, bán ở đáy, nhưng mức giá vẫn cao (trên dưới 36 triệu đồng/lượng).
Tỷ giá VND/USD tuy cơ bản ổn định, nhưng vẫn đứng trước 3 áp lực. Giá USD trên thị trường thế giới có xu hướng tăng lên. Nhập khẩu tăng về lượng háng hóa cộng hưởng với giá nhập khẩu tăng cao hơn giá xuất khẩu sẽ làm cho Việt Nam chuyển từ vị thế xuất siêu trong năm trước sang nhập siêu trong năm nay.
Diễn biến trên sẽ gây áp lực lên cán cân thanh toán tổng thể, đến dự trữ ngoại hối và sự ổn định của tỷ giá. Lãi suất USD ở Hoa Kỳ có thể tăng với nhịp độ nhanh hơn, với tỷ lệ cao hơn, sẽ làm cho tỷ giá nội tệ/USD của các đối tác thương mại lớn cũng như của Việt Nam tăng...
Cần lưu ý, nhập khẩu những tháng gần đây đều ở mức trên dưới 18 tỷ USD và nợ nước ngoài cao, sẽ làm cho dự trữ ngoại hối của Việt Nam dù đã tăng lên và đạt kỷ lục mới (trên 40 tỷ USD), thì so với ranh giới an toàn theo thông lệ quốc tế vẫn còn thấp. Đây là cảnh báo cần thiết.