Y tế - Sức khỏe
Tin mới nhất về dịch Covid-19 ngày 3/8: Tốc độ tiêm chủng tiếp tục tăng; nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154
D.Ngân - 03/08/2021 08:10
TP.HCM đã tiêm được 211.854 mũi 1 và 3.924 mũi 2 cho người dân trong ngày 2/8. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, Thành phố lập kỷ lục mới về số lượng người được tiêm trong ngày.

TP.HCM chiếm 50% số ca mắc mới

Theo số liệu thống kê trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 tính từ 18h30 ngày 2/8 đến 19h ngày 3/8 các ổ dịch phát hiện 8.377 người mắc Covid-19, trong đó TP.HCM chiếm một nửa số ca mắc, với 4.171 ca.

Tối 3/8 Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 thông báo bổ sung 190 ca tử vong (1882-2071) tại 10 tỉnh, thành phố. Như vậy trong ngày Bộ Y tế đã công bố 376 ca tử vong do Covid-19. Hiện số tử vong tại Việt Nam từ đầu đến nay là 2.071 ca.

Bộ Y tế cho biết hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 463 ca, số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 20 ca.

***

Theo thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, số ca dương tính Sars-CoV-2 từ 12h ngày 3/8 đến 18h ngày 3/8 trên địa bàn Thành phố là 14 trường hợp.

Trong đó, huyện Thanh Trì có 7 trường hợp, quận Đống Đa 3 trường hợp. Các quận Hoàn Kiếm, Cầu Giấy, huyện Đông Anh, Đan Phượng mỗi nơi có 1 trường hợp. Trong số 14 ca mắc mới có 12 trường hợp là ho sốt thứ phát, 1 trường hợp sàng lọc ho sốt, 1 trường hợp liên quan Bắc Giang tại Công ty SEI.

Như vậy, trong ngày 3/8, Hà Nội có thêm 66 người nhiễm virus Sars-Cov-2. Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.410 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.

Để ứng phó với dịch Covid-19, Văn phòng Thành ủy Hà Nội vừa ban hành thông báo kết luận của Thường trực Thành ủy về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn sau phiên họp hôm 2/8.

Thường trực Thành ủy Hà Nội nhận định tình hình dịch bệnh diễn biến rất phức tạp, khó lường. Qua công rà soát, cộng đồng, Thành phố đã phát hiện nhiều trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, có thể còn có nhiều ca bệnh ngoài cộng đồng chưa được phát hiện.

Vì vậy, Thường trực Thành ủy yêu cầu toàn Thành phố thực hiện giãn cách xã hội thực chất; siết chặt quản lý, giám sát việc đi lại của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và người dân theo quy định ngay từ gia đình, thôn, xóm, cơ quan, đơn vị... Việc cấp giấy phục vụ đi lại của người dân, cán bộ, công chức, phải bảo đảm đúng quy định.

Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu tận dụng tối đa thời gian giãn cách xã hội để bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng; dập tắt nhanh nhất ổ dịch mới, cố gắng không để lây lan rộng ra cộng đồng.

Theo yêu cầu của Thường trực Thành ủy Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin Covid-19, đặc biệt là lực lượng tuyến đầu công an, quân đội, y tế, công nhân khu công nghiệp, tổ Covid-19 cộng đồng, lực lượng tham gia cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.

Xem xét cấp phép thuốc Remdesivir

Ngày 3/8 Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết sẽ sớm cấp phép, đưa thuốc Remdesivir vào phác đồ điều trị. Cơ quan này giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cùng các chuyên gia nghiên cứu, đưa ra hướng dẫn.

Tuy nhiên, ông Sơn lưu ý người dân tuyệt đối không săn lùng và tự ý sử dụng thuốc này. Chỉ định, liều lượng dùng Remdesivir trên các bệnh nhân phải do bác sĩ tại cơ sở điều trị quyết định.

Trước đó, Tập đoàn Vingroup đàm phán thành công đơn hàng gồm 500.000 lọ Remdesivir. Đơn hàng do Công ty dược phẩm Cipla, Ấn Độ sản xuất, dưới sự cho phép Gilead Sciences, Mỹ. Đơn hàng sẽ được chuyển về Việt Nam ngay trong tháng 8 để kịp thời trao tặng cho Bộ Y tế.

Remdesivir được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt từ cuối tháng 10/2020 để điều trị bệnh nhân Covid-19. Hiện hơn 50 quốc gia cũng sử dụng thuốc này trong phác đồ điều trị.

Vào tháng 6/2020, Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ công bố kết quả cho thấy các bệnh nhân sử dụng Remdesivir hồi phục nhanh hơn khoảng 4 ngày so với những người không dùng thuốc.

Giá mỗi lọ thuốc Remdesivir khoảng 390 USD, trung bình mỗi bệnh nhân có liệu trình điều trị khoảng 5 ngày.

Thuốc được sử dụng trên những bệnh nhân Covid-19 thể trung bình và nặng bị viêm phổi cần hỗ trợ oxy. Châu Âu cho phép sử dụng cho trẻ từ trên 12 tuổi.

Ngoài ra, sắp tới Việt Nam nhập thêm một số thuốc có tác dụng hỗ trợ điều trị Covid-19.

Tìm người tới đường Hồng Hà và chợ Long Biên

Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 quận Ba Đình thông báo tìm người đã đến ngõ 187 đường Hồng Hà, phường Phúc Xá và Chợ Long Biên từ ngày 18/7/2021 đến ngày 3/8/2021.

Tất cả những người từng đến 2 địa điểm đã nêu trong khoảng thời gian trên tự cách ly tại nhà và liên hệ ngay với Trạm Y tế, Trung tâm Y tế quận Ba Đình ( Khoa kiểm soát dịch bệnh: 02438432113) hoặc gọi điện thoại đến số 0969.082.115 hoặc số 0949.396.115 (CDC Hà Nội).

Cách ly y tế chợ Phúc Xá

Ngày 3/8, UBND phường Phúc Xá (quận Ba Đình) đã ban hành quyết định số 1079/QĐ-UBND về việc áp dụng các biện pháp phong tỏa, cách ly y tế đối với chợ Long Biên để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19.

Quyết định nêu rõ thời gian cách ly y tế toàn bộ chợ Long Biên từ 13h ngày 3/8 cho đến khi có thông báo hết cách ly của UBND phường Phúc Xá.

Trước đó, CDC Hà Nội công bố về trường hợp nam bệnh nhân N.Q.T (trú tại phường Phúc xá, quận Ba Đình), là người làm trong khu vực kinh doanh hải sản tại chợ Long Biên. Ngày 28/7 bệnh nhân xuất hiện ho, sốt, đến ngày 2-8 được lấy mẫu sàng lọc và kết quả dương tính với SARS-CoV-2.

Sau khi phát hiện ca bệnh, Ban Quản lý chợ Long Biên, UBND phường Phúc Xá và lực lượng chức năng quận Ba Đình thực hiện các biện pháp khử khuẩn; điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp liên quan, hướng dẫn người dân biện pháp cách ly y tế, khai báo y tế và theo dõi sức khỏe theo quy định.

Trước đó, ngày 1/8, quận Ba Đình đã phong tỏa một phần (khu vực kinh doanh hải sản) chợ Long Biên do liên quan đến một ca nhiễm SARS-CoV-2 có địa chỉ tại huyện Thanh Trì.

Đồng thời quận tổ chức lấy mẫu xét nghiệm 260 trường hợp liên quan, tất cả mẫu xét nghiệm đều cho kết quả âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Chợ Long Biên là chợ đầu mối lớn nhất Thủ đô, với trên 1.200 hộ kinh doanh.

Công ty Coca Cola ở Thường Tín dừng hoạt động vì có nhân viên dương tính

Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, trên địa bàn huyện vừa ghi nhận thêm trường hợp anh Trương Đức V. (ở xã Tứ Hiệp, huyện Thanh Trì) mắc Covid-19.

Đây là nam công nhân làm việc tại dây truyền pha chế của Công ty Coca-Cola có cơ sở tại xã Duyên Thái, huyện Thường Tín.

Anh V. có biểu hiện ho, sốt ngày 1/8, đi khám tại Bệnh viện Thăng Long và có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2.

"Ngay khi nắm được thông tin, huyện đã yêu cầu Công ty này tạm dừng hoạt động để truy vết, khử khuẩn. Chúng tôi xác định được 18 trường hợp liên quan trong công ty, đã cách ly toàn bộ. Những công nhân khác cũng được yêu cầu ở tại nhà", ông Huy cho biết.

Theo lãnh đạo huyện, số công nhân đang làm việc tại công ty này là hơn 200 người, nhưng chung tổ sản xuất với F0 chỉ có 18 người. Huyện đang tiếp tục rà soát các trường hợp liên quan để xử lý.

Đến 14h ngày 3/8, ông Huy cho biết 17/18 trường hợp liên quan đã có kết quả âm tính lần 1. Nhưng một trường hợp cho kết quả nghi ngờ, huyện đã gửi mẫu bệnh phẩm cho CDC Hà Nội để xét nghiệm khẳng định.

Trong đợt dịch thứ 4 bùng phát từ ngày 29/4, Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 1.396 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2, ngoài ra có hơn 200 ca mắc trong các bệnh viện tuyến Trung ương. Riêng chùm lây nhiễm mới phát hiện từ ngày 5/7 đến trưa 3/8 đã có 1.127 ca dương tính với virus.

Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM đã có 500 giường đi vào hoạt động

Thông tin từ Bệnh viện Hồi sức Covid-19 TP.HCM (tại một phần cơ sở 2 của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, phường Tân Phú, TP.Thủ Đức) cho biết, số giường điều trị của Bệnh viện đã được nâng lên để kịp thời đáp ứng nhu cầu bệnh nhân chuyển lên từ các tuyến dưới.

Hiện số bệnh nhân đang điều trị ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 là 500 giường. Dự kiến sẽ mở rộng số giường dần lên đến 700 trong những ngày tới, khi được Bộ Y tế tăng cường trang thiết bị và nhân lực. Các y bác sĩ đang túc trực điều trị ở bệnh viện đều làm việc với tinh thần quyết tâm cao nhất để hồi sức cho bệnh nhân.

Tại đây, tiếp nhận bệnh nhân từ các tầng kế cận theo mô hình “tháp điều trị 3 tầng” chuyển lên chứ không phải từ các bệnh viện dã chiến.

Tham gia điều trị ở Bệnh viện Hồi sức Covid-19 ngoài đội ngũ y bác sĩ tinh nhuệ đến từ Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, còn có các y bác sĩ bệnh viện tuyến trung ương do Bộ Y tế cử vào nhân sự từ một số Sở Y tế tỉnh, thành phố. Ngay từ ngày đầu tiên triển khai, lãnh đạo Thành ủy, Thành phố và Bộ Y tế đã thăm, giám sát kỹ và cam kết hỗ trợ.

Bình Dương đưa vào hoạt động khu điều trị và bệnh viện dã chiến 8.300 giường

Ngày 3/8, tại thị xã Bến Cát, UBND tỉnh Bình Dương phối hợp Tổng Công ty Becamex IDC tổ chức công bố đưa vào hoạt động Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa, với quy mô 5.300 giường. 

Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa là cơ sở 2 trực thuộc Bệnh viện dã chiến số 1 - Bình Dương được Tổng Công ty Becamex IDC triển khai và hoàn thành sau hơn 1 tuần thi công, trên khu nhà xưởng của Công ty Cổ phần phát triển công nghiệp BW (BWID) với cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại.

Khu điều trị có tổng diện tích 65.000 m2, trong đó diện tích sàn xây dựng bố trí điều trị 41.000 m2.

Với quy mô 5.300 giường bệnh và các khu chức năng phụ trợ, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa điều trị cho bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng từ nhẹ đến trung bình và khu điều trị cho bệnh nhân nặng.

Tại đây bố trí 2.200 giường có trợ thở oxy cố định bằng hệ thống oxy trung tâm nhằm thực hiện nhiệm vụ cấp bách trong cách ly, chăm sóc, điều trị, cấp cứu cho bệnh nhân Covid-19 ở phân tầng 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đề nghị Ban Giám đốc Bệnh viện cần phân công, phân nhiệm hết sức rõ ràng để sử dụng hiệu quả các trang thiết bị hiện đại, tránh bệnh nhân F0 diễn tiến nặng sang tầng 3. Đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan đảm bảo đầy đủ các điều kiện cần thiết để khu điều trị hoạt động hiệu quả.

Sáng cùng ngày, UBND tỉnh Bình Dương cũng công bố và đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến số 3, Bình Dương, nằm tại khuôn viên Trường đại học Việt Đức, phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát.

Bệnh viện được Công ty TNHH MTV Đầu tư và Quản lý dự án Bình Dương đầu tư với quy mô 3.000 giường bệnh nhằm phục vụ bệnh nhân Covid-19 không triệu chứng, triệu chứng nhẹ ở tầng 1 và bệnh nhân nặng trung bình ở tầng 2. Bệnh viện hoàn thành sau gần 1 tuần triển khai thi công với các trang thiết bị y tế cơ bản đáp ứng yêu cầu đặt ra.

Bộ Y tế hướng dẫn tiêm mũi hai vắc-xin Pfizer, Moderna

Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố và đơn vị trực thuộc bộ về hướng dẫn tiêm 2 liều vắc-xin phòng Covid-19.

Từ tháng 3/2021 đến nay, Bộ Y tế đã tiếp nhận nhiều loại vắc-xin có công nghệ sản xuất khác nhau như AstraZeneca, Pfizer/BioNtech, Moderna, Sinopharm, Sputnik V...

Qua nghiên cứu bước đầu tại một số quốc gia, đến nay, cơ quan y tế đã có bằng chứng về việc tiêm phối hợp mũi 1 là vắc-xin AstraZeneca và mũi 2 là vắc-xin Pfizer đáp ứng miễn dịch tốt. Tuy nhiên, việc tiêm trộn này có thể tăng nhẹ phản ứng thông thường sau tiêm chủng.

Để việc triển khai tiêm chủng an toàn, tăng diện bao phủ và đạt hiệu quả sử dụng tối đa vắc-xin từ các nguồn khác nhau, Bộ Y tế hướng dẫn những người đã tiêm mũi 1 vắc-xin nào thì tốt nhất tiêm mũi 2 bằng vắc-xin đó.

Trong trường hợp nguồn vắc-xin hạn chế, có thể phối hợp bằng cách tiêm mũi 2 vắc-xin Pfizer/BioNtech cho người đã tiêm mũi 1 bằng vắc-xin AstraZeneca, nếu người được tiêm chủng đồng ý (khoảng cách giữa 2 mũi tiêm là 8-12 tuần).

Bộ Y tế yêu cầu không sử dụng vắc-xin do Moderna sản xuất hoặc các vắc-xin khác để tiêm mũi 2 cho người đã tiêm mũi 1 vắc-xin AstraZeneca.

Ngoài ra, người đã tiêm vắc-xin do Sinopharm, Pfizer, Moderna sản xuất mũi thứ 1 thì mũi thứ 2 chỉ tiêm vắc-xin cùng loại. Khoảng cách giữa 2 mũi tiêm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện và đơn vị, các cơ sở tiêm chủng lập kế hoạch tiêm chủng phù hợp với số vắc-xin được cung ứng và đối tượng tiêm chủng bảo đảm tiêm đủ liều, an toàn, đúng lịch, diện bao phủ rộng.

Từ tháng 3 đến nay, Việt Nam đã tiêm là gần 7 triệu liều vắc-xin cho lực lượng tuyến đầu chống dịch và người dân, trong đó, hơn 712.000 người được tiêm đủ 2 liều.

Về nguồn cung vắc-xin, sáng 3/8, ông David McNaught, Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Anh tại Việt Nam, trao 415.000 liều vắc-xin AstraZeneca do Chính phủ Anh tài trợ để Việt Nam chống dịch Covid-19.

Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 18 triệu liều vắc-xin Covid-19. Trong đó, vắc-xin của AstraZeneca chiếm số lượng nhiều nhất với hơn 11 triệu liều.

Tính đến hết ngày 2/8, Việt Nam đã tiêm 7 triệu liều vắc-xin, trong đó gần 713.000 người đã tiêm đủ 2 mũi.

Hà Nội: Nhân viên khách sạn Pullman dương tính với Covid-19

CDC Hà Nội vừa có báo cáo nhanh về tình hình Covid-19 trên địa bàn. Theo đó, tính từ 7giờ đến 12 giờ ngày 3/8, Thành phố ghi nhận thêm 23 ca mắc mới trong (15 ca tại cộng đồng, 8 ca trong khu cách ly), trong đó một số ca là nhân viên Vinmart và Khách sạn Pullman.

Phân bố theo chùm ca bệnh: Ho, sốt thứ phát (15), Sàng lọc ho sốt (3), liên quan Bệnh viện Phổi Hà Nội (3), TP. Hồ Chí Minh (1), Bùi Thị Xuân (1).

Như vậy tính từ 18 giờ 2/8 đến 12 giờ 3/8, Hà Nội đã ghi nhận 52 trường hợp mắc mới.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 1.396 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 843 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 553 ca.

***

Theo thông tin công bố của Sở Y tế Hà Nội, đến trưa ngày 3/8, chùm ca bệnh liên quan Công ty thực phẩm Thanh Nga đã có 41 ca dương tính SARS-CoV-2, trong đó có 30 nhân viên Công ty và 11 trường hợp liên quan.

Sáng ngày 3/8, CDC Hà Nội thông tin về danh sách 54 địa điểm liên quan đến Công ty thực phẩm Thanh Nga.

Cụ thể, 54 địa điểm gồm một số siêu thị khách sạn và cửa hàng tiện ích. Phân bổ theo quận, huyện cụ thể như sau:

Quận Ba Đình có 4 địa điểm: Khách sạn Daewoo, Khách sạn Lotte, Vinmart Liễu Giai và Siêu thị Lotte.

Quận Bắc Từ Liêm gồm 6 địa điểm: Vinmart Tân Xuân, Siêu thị Bắc Từ Liêm, Vinmart CT2, Vinmart Đức Thắng, Vinmart An Bình, Vinmart Ecohome 1.

Quận Cầu Giấy có 5 địa điểm là Vinmart Trung Kính, Khách sạn Novotel, Vinmart Trung Hòa, Vinmart Trần Duy Hưng, Vinmart Thăng Long.

Huyện Đan Phượng có 1 địa điểm là Vinmart Đan Phượng.

Quận Đống Đa có 6 địa điểm, gồm: Vinmart La Thành, Vinmart+ Vũ Thạnh, Vinmart 36 Hoàng Cầu, Vinmart Nguyễn Chí Thanh, Khách sạn Pullman, Vinmart Văn Khê.

Quận Hà Đông 5 địa điểm, gồm Vinmart Văn Quán, Vinmart Mỗ Lao, Vinmart Xala Hà Đông, Vinmart Hà Đông 2, Vinmart Văn Khê.

Quận Hai Bà Trưng có 8 địa điểm: Hapro Tạ Quang Bửu, Minimart Tạ Quang Bửu, Homefarm Bạch Mai, Vissan Phố Huế, Vinmart+ Quỳnh Mai, Vinmart Times City, Bệnh viện Vinmec, Vinmart 122 Vĩnh Tuy.

Huyện Hoài Đức có 1 địa điểm là Vinmart Hoài Đức.

Quận Hoàng Mai 5 địa điểm, gồm Vinmart+ Định Công, Vinmart+ Tân Mai, Vinmart+ Thịnh Liệt, Vinmart Yên Sở, Vinmart+ Yên Sở.

Quận Nam Từ Liêm 3 địa điểm: Skylake Phạm Hùng, Vinmart Moncity, Vinmart Lê Đức Thọ.

Quận Tây Hồ 2 địa điểm: Vinmart Âu Cơ, Vinmart Gadamiac.

Quận Thanh Xuân có 8 địa điểm, gồm Thực phẩm sạch BigGreen, Vinmart Royal City, BRG Nguyễn Trãi, BCR 275 Nguyễn Trãi, Vinmart Vũ Tông Phan, Vinmart Kim Giang, Vinmart 81 Vũ Trọng Phụng, Vinmart B2 Pandora Triều Khúc.

Sẵn sàng tình huống dịch lan rộng

Theo bản tin sáng 3/8 của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận thêm 3.563 ca trong nước và 15 người nhập cảnh mắc Covid-19.

Bộ Y tế quyết định thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 - Y Hà Nội), với quy mô 500 giường bệnh. 

Các tỉnh, thành phố có thêm người nhiễm virus là TP.HCM (1.998), Bình Dương (519), Long An (246), Tây Ninh (176), Đồng Nai (147)…

Như vậy, Việt Nam có 165.339 ca nhiễm gồm 2.287 ca nhập cảnh và 163.052 ca mắc trong nước. Số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 161.482 ca, 44.191 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Về tình hình điều trị, tổng số ca khỏi bệnh là 46.965. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 436 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 14 ca.

Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, thông báo bổ sung 186 ca tử vong (1696-1881) tại 10 tỉnh, thành phố.

***

Chiều 2/8, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và một số thành viên Ban Chỉ đạo có cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP.HCM, Tổ công tác đặc biệt của Chính phủ.

Tại cuộc họp, Ban Chỉ đạo yêu cầu thành phố phải có kế hoạch cụ thể trong việc triển khai tiêm vắc-xin từng ngày sau khi đã đề nghị Bộ Y tế cấp thêm vắc-xin. Theo quy định của pháp luật, việc tiêm vắc-xin là không bắt buộc, nhưng trong bối cảnh dịch bệnh, đây là quyền lợi và trách nhiệm của mỗi người đối với sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Liên quan công tác hỗ trợ điều trị, Ban Chỉ đạo yêu cầu thành phố tiếp tục tăng cường tổ chức hệ thống giám sát y tế cộng đồng đến từng khu, cụm dân cư, phối hợp nhuần nhuyễn với các đơn vị trong điều chuyển nhanh chóng, kịp thời bệnh nhân. 

Với những kết quả đạt được trong việc chuyển từ vùng nguy cơ (vùng vàng) thành vùng an toàn (vùng xanh), giữ vùng an toàn, Ban Chỉ đạo đề nghị thành phố có những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa để giữ chắc và mở rộng vùng đã an toàn.

Từ kinh nghiệm của TP.HCM và một số địa phương, để sẵn sàng cho tình huống dịch lan rộng hơn, Ban Chỉ đạo giao Bộ Y tế hướng dẫn các tỉnh, thành phố còn ít ca mắc Covid-19 tiếp tục kiện toàn hoạt động của Tổ Covid cộng đồng; 

Khẩn trương thực hiện việc hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm; tập huấn, thí điểm cách ly F1 tại nhà; sớm chuẩn bị trung tâm thu dung F0 không triệu chứng, chăm sóc đầy đủ sức khỏe và tinh thần để giảm thấp nhất tỷ lệ chuyển sang có triệu chứng; 

Các cơ sở điều trị ca mắc có triệu chứng nhẹ được thành lập với hệ thống ô-xy tập trung, máy thở ô-xy dòng cao Bộ Y tế hướng dẫn các địa phương tổ chức hệ thống điều trị theo mô hình năm lớp từ kinh nghiệm của TP.HCM.

Ban Chỉ đạo lưu ý, các địa phương cần thiết lập hệ thống đường dây nóng có năng lực tiếp nhận, xử lý đầy đủ thông tin cần trợ giúp về sức khỏe của người dân, không chỉ liên quan đến dịch Covid-19...

***

Ðể chuẩn bị cho TP Hà Nội và các tỉnh phía bắc trong công tác ứng phó về điều trị bệnh nhân Covid-19, Bộ Y tế quyết định thành lập Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội (gọi tắt là Bệnh viện điều trị Covid-19 - Y Hà Nội), với quy mô 500 giường bệnh. 

Bệnh viện là tuyến cuối trong điều trị người bệnh Covid-19 tại khu vực TP Hà Nội, thực hiện chức năng của Trung tâm Hồi sức tích cực Covid-19 quốc gia. Bộ Y tế giao Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội huy động nguồn nhân lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị của Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, của TP Hà Nội và các nguồn hợp pháp khác để phục vụ cho nhiệm vụ được giao. Dự kiến trung tuần tháng 8/2021, bệnh viện sẽ đi vào hoạt động.

Ngoài ra, để kiểm soát dịch, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hà Nội đề nghị tất cả người dân trên địa bàn Hà Nội khi có một trong các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác, khứu giác… cần liên hệ ngay với trạm y tế xã, phường nơi cư trú để được hướng dẫn và làm xét nghiệm SARS- CoV-2 miễn phí.

Tốc độ tiêm chủng tăng

Theo bản tin sáng nay của Bộ Y tế, TP.HCM đã tiêm được 211.854 mũi 1 và 3.924 mũi 2 cho người dân trong ngày 2/8. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp, thành phố lập kỷ lục mới về số lượng người được tiêm trong ngày. Chỉ sau hai ngày, TP.HCM đã tăng tốc độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 lên gấp đôi.

Ngày 2/8 cũng là ngày đầu tiên thành phố tổ chức tiêm vắc-xin cho đội ngũ shipper nhằm duy trì mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng hàng hóa. Đây là lần đầu tiên TP.HCM thực hiện tiêm chủng đồng loạt cho nhóm ngành nghề này.

Bên cạnh đó, ngày hôm qua, cả nước có thêm 53.8488 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, số lượng mũi tiêm tại TP.HCM chiếm gần 40% tổng số liều tiêm vắc-xin Covid-19 trong ngày 2/8 của cả nước. Tính đến hết ngày 31/7, 69.743 người người lớn tuổi, có bệnh nền đã được tiêm vắc-xin.

Đợt 5 của chiến dịch tiêm vắc-xin tại thành phố triển khai chính thức từ ngày 22/7. Từ khi triển khai, tốc độ tiêm vắc-xin Covid-19 của thành phố có sự chuyển biến tích cực, luôn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số lượng mũi tiêm hàng ngày của cả nước. 

Đỉnh điểm, ngày 1/8, số liều tiêm của thành phố chiếm gần 70% cả nước. Tốc độ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 của cả nước cũng có sự cải thiện, tăng 2,5 lần so với ngày 1/8.

Trên phạm vi cả nước, ngày 2/8, 538.488 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 6.959.197 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 6.246.333 liều, tiêm mũi 2 là 712.864 liều.

Đến nay, 6 loại vắc-xin phòng Covid-19 đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Theo cơ quan này, tất cả vắc-xin được cấp phép và đưa về Việt Nam sử dụng đều đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Với tiến độ sản xuất vắc-xin trong nước, đại diện Công ty Nanogen kiến nghị với Bộ Y tế về việc tiêm cho khoảng 500.000 - 1.000.000 người trong giai đoạn 3c thử nghiệm lâm sàng vắc-xin Nano Covax.

Ngoài ra, sau khi được cấp phép, Nanogen sẽ nghiên cứu vắc-xin Covid-19 trên trẻ em từ 12 đến 18 tuổi.

Bộ Y tế đề nghị Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học Dược Nanogen trước ngày 15/8 phải gửi báo cáo dữ liệu nghiên cứu pha 2 và bước đầu pha 3. Từ đó, Bộ Y tế có số liệu gửi Hội đồng Đạo đức và Hội đồng cấp phép để xem xét cấp phép trong tình trạng khẩn cấp.

Phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154

Ngày 2/8, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3679/QĐ-BYT phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19.

Theo đó, Tập đoàn VinGroup, thông qua công ty thành viên của mình là Công ty Cổ phần công nghệ Sinh học VinBioCare đã tiếp cận, đàm phán với Công ty Arcturus Therapeutics, Inc, Mỹ để mua công nghệ vắc-xin mRNA phòng Covid-19 và sẽ triển khai đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin nêu trên tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Vắc-xin ARCT-154 sẽ được thực hiện cả 3 giai đoạn 1, 2, 3 ở Việt Nam trên người tình nguyện tham gia nghiên cứu từ 18 tuổi trở lên.

Theo đó, giai đoạn 1 thực hiện tại Trường Đại học Y Hà Nội trên 100 người tình nguyện.

Giai đoạn 2 thực hiện trên 300 người tình nguyện tại các tổ chức nhận thử và tại cộng đồng ở các tỉnh triển khai nghiên cứu.

Giai đoạn 3 sẽ thử nghiệm với số lượng tình nguyện viên lớn gồm 20.600 đối tượng, gồm giai đoạn 3a (600 người tình nguyện) và 3b (20.000 người tình nguyện).

Theo kế hoạch ngày 8/8 sẽ tổ chức khởi động chương trình thử nghiệm lâm sàng vắc-xin ARCT-154 phòng Covid-19 tại Trường Đại học Y Hà Nội.

29 ca mắc mới tại các ổ dịch của Hà Nội

Sáng 3/8, Sở Y tế Hà Nội cho biết, trên địa bàn TP ghi nhận thêm 29 ca mắc mới trong đó, 8 ca tại cộng đồng, 21 ca khu cách ly.

Số mắc cộng dồn tại Hà Nội từ ngày 29/4 đến nay là 1.374 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 829, số mắc là đối tượng đã được cách ly 545.

Số ca mắc mới phân bố theo, quận, huyện: Hai Bà Trưng (6), Bắc Từ Liêm (5), Đống Đa (4), Cầu Giấy (3), Thanh Xuân (3), Hoài Đức (3), Ba Đình (1), Thạch Thất (1), Đông Anh (1), Quốc Oai (1), Thanh Trì (1).

Phân bố theo chùm ca bệnh: Ho, sốt thứ phát (14), sàng lọc ho sốt (2), nhà thuốc, 95 Láng Hạ (4), TP Hồ Chí Minh (3), Tân Mai, Hoàng Mai (2), Bắc Giang (1), 90 Nguyễn Khuyến, Đống Đa (1), Bùi Thị Xuân, Hai Bà Trưng (1).

Tin liên quan
Tin khác