Thêm 26.471 F0 tại 62 tỉnh, thành phố
Theo tin từ Bộ Y tế, trong 24 giờ qua, nước ta ghi nhận 26.487 ca nhiễm mới, trong đó có 16 ca nhập cảnh và 26.471 ca tại 62 tỉnh, thành phố (tăng 448 ca so với ngày trước đó).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó là Bắc Ninh (tăng 311 ca), Thái Nguyên (tăng 241 ca), Ninh Bình (tăng 227 ca). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó là Thanh Hóa (giảm 310 ca), Kon Tum (giảm 259 ca), Nghệ An (giảm 248 ca). Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 20.203 ca/ngày.
Kể từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 2.457.170 ca nhiễm, đứng thứ 34/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 145/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 24.883 ca nhiễm).
Riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.450.024 ca, trong đó có 2.209.852 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này là TP.HCM (515.369), Bình Dương (293.145), Hà Nội (162.643), Đồng Nai (100.022), Tây Ninh (88.690).
Hơn 2 triệu F0 đã được điều trị khỏi
Về tình hình điều trị, có thêm 6.075 bệnh nhân khỏi bệnh, nâng tổng số ca được điều trị khỏi là 2.212.669 ca.
Ngoài ra, hiện có 2.586 bệnh nhân nặng đang điều trị, trong đó có 1.843 ca thở ô-xy qua mặt nạ, 300 ca thở ô-xy dòng cao HFNC, 81 ca thở máy không xâm lấn, 345 ca thở máy xâm lấn và 17 ca phải sử dụng ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo).
Về số bệnh nhân tử vong, tính từ 17h30 ngày 10/2 đến 17h30 ngày 11/2, nước ta ghi nhận 96 ca tử vong tại 32 tỉnh, thành phố: TP.HCM (3), Hà Nội (14), Kiên Giang (10), Bình Định (6), Hòa Bình (5), Vĩnh Long (5), Bà Rịa - Vũng Tàu (4), Cần Thơ (4), Đồng Nai (3), Đồng Tháp (3), Nghệ An (3), Quảng Ngãi (3), Thái Nguyên (3), Vĩnh Phúc (3), Bến Tre (2), Đà Nẵng (2), Gia Lai (2), Hải Phòng (2), Hậu Giang (2), Lạng Sơn (2), Phú Yên (2), Quảng Nam (2), Sóc Trăng (2), Bình Thuận (1), Cao Bằng (1), Đắk Lắk (1), Lâm Đồng (1), Phú Thọ (1), Quảng Bình (1), Tây Ninh (1), Thanh Hóa (1), Thừa Thiên - Huế (1).
Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 91 ca/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 38.784 ca, chiếm tỷ lệ 1,6% so với tổng số ca nhiễm.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).
Hà Nội có thêm hơn 2.900 ca Covid-19, gần 66.000 F0 đang điều trị
Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 10/2 đến 18h ngày 11/2, trên địa bàn Thành phố ghi nhận 2.908 ca Covid-19, trong đó có 610 ca cộng đồng và 2.298 ca đã cách ly. Trong đó, quận Hoàng Mai vẫn tiếp tục là địa bàn ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất.
Cụ thể, 2.908 bệnh nhân được phân bố tại 483 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.
Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (112); Đông Anh (106); Chương Mỹ (101); Đống Đa (95); Hoài Đức (94).
Như vậy, cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4, tính từ ngày 29/4/2021 đến nay là 165.817 ca.
Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 10/2, tại Hà Nội (thống kê tại bệnh viện trung ương và thành phố) đang có gần 66.000 F0 đang điều trị; trong đó có hơn 62.200 ca điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm 94,2%).
Ngoài ra, có hơn 610 bệnh nhân khác (thể nhẹ/không triệu chứng) điều trị tại các cơ sở thu dung của thành phố hoặc của quận/huyện.
2.703 bệnh nhân (chiếm 4%) bệnh nhân điều trị tại các bệnh viện của Hà Nội (tầng 2 và 3). Số còn lại 321 bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Sớm ban hành phác đồ điều trị
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản số 37/TB-VPCP ngày 10/2/2022 thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về công tác điều trị cho trẻ em nhiễm Covid-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương ban hành phác đồ điều trị Covid-19 đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi. Ảnh: Zing.vn |
Phó Thủ tướng giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan liên quan xây dựng kịch bản với các tình huống có thể xảy ra khi học sinh đến trường học tập trung trở lại; không để bị động, lúng túng, bất ngờ.
Đồng thời, khẩn trương hoàn thiện, ban hành văn bản hướng dẫn về chuyên môn và phác đồ điều trị Covid-19 đối với người dưới 18 tuổi, nhất là trẻ em dưới 12 tuổi.
Bên cạnh đó, theo yêu cầu của Phó Thủ tướng, Bộ Y tế cần chỉ đạo, tổ chức tập huấn ngay cho các bệnh viện trên toàn quốc về công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi mắc Covid-19, chỉ đạo và hướng dẫn các biện pháp phù hợp để hạn chế tối đa khả năng xảy ra việc khoa nhi trong bệnh viện bị lây nhiễm Covid-19, hoặc quá tải.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế chủ động, hướng dẫn các địa phương lên kế hoạch huy động các tình nguyện viên tham gia thực hiện công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân nhi nhiễm Covid-19 tại các cơ sở y tế trong trường hợp cần thiết.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương tăng cường, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông để gia đình, phụ huynh và giáo viên chủ động phối hợp, đề cao tinh thần trách nhiệm, tổ chức cho các em học sinh yên tâm đến trường học tập trung trở lại mạnh khoẻ, an toàn và hiệu quả.
Khẩn trương thanh tra việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phòng, chống dịch
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến về việc thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc mua sắm trang thiết bị y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 tại TP.Hà Nội, TP.HCM và Bộ Y tế theo đúng kế hoạch thanh tra năm 2022 đã được phê duyệt.
Đồng thời, đôn đốc Thanh tra các Bộ, ngành địa phương khẩn trương thực hiện thanh tra chuyên đề việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kit xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19, bảo đảm các cuộc thanh tra được thực hiện theo đúng tiến độ, chất lượng; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 3/2022.
TP.HCM: Tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người nguy cơ nhưng mở rộng đối tượng từ 50 tuổi trở lên
Chiến dịch tiêm chủng mùa xuân giai đoạn một từ 27 tháng Chạp đến hết mùng 6 (từ 29/1 đến ngày 6/2), TP.HCM có 13.056 người đã được tiêm vắc-xin sau 9 ngày triển khai.
Trong đó, 10.679 người tiêm mũi bổ sung và nhắc lại, 1.823 người tiêm mũi 2, 554 người tiêm mũi một. Giai đoạn 2 sẽ được tiếp tục từ ngày 7/2 đến ngày 28/2, hướng đến mục tiêu mũi bổ sung và nhắc lại đạt tỷ lệ trên 80%.
Đặc biệt, các quận, huyện đã vận động, thuyết phục được 97 người thuộc nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi trước kia vì nhiều lý do đã trì hoãn việc tiêm vắc-xin hoặc chưa được tiêm vắc-xin) tiêm vắc-xin trong đợt này. Điều này đã mang lại hiệu quả thiết thực trong việc bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ.
Bên cạnh đó, ngành y tế TP.HCM cũng sẵn sàng kế hoạch để tiêm vắc-xin cho trẻ 5-11 sau khi có chỉ đạo từ Bộ Y tế. Cơ quan này sẽ cùng các đơn vị rà soát, lập danh sách, chuẩn bị đội tiêm từ bệnh viện nhi, thành lập đội cấp cứu để đảm bảo công tác tiêm chủng an toàn.
TP.HCM tiếp tục thực hiện chiến dịch bảo vệ người nguy cơ nhưng mở rộng đối tượng từ 50 tuổi trở lên.
Sau Tết, ngành Y tế tiếp tục chiến dịch này và mở rộng ra đối tượng từ 50 tuổi trở lên. Theo đó, các đơn vị đang lập danh sách các đối tượng này.
Sở Y tế Thành phố cũng cho biết, trong dịp Tết các quận, huyện đã vận động, thuyết phục được gần 100 người thuộc nhóm nguy cơ (trên 50 tuổi, trước kia vì nhiều lý do đã trì hoãn việc tiêm vắc-xin hoặc chưa được tiêm vắc-xin) tiêm vắc-xin trong đợt này.