Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 19/3: Dấu hiệu khi F0 điều trị tại nhà cho trẻ từ 5-16 tuổi cần liên hệ y tế ngay
D.Ngân - 19/03/2022 12:05
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trong nước; 12 dấu hiệu khi F0 điều trị tại nhà cho trẻ từ 5-16 tuổi cần được liên hệ y tế ngay.

Ghi nhận thêm 150.606 ca Covid-19 mới tại 62 tỉnh, thành

Tính từ 16h ngày 18/3 đến 16h ngày 19/3, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 150.618 ca nhiễm mới, trong đó 12 ca nhập cảnh và 150.606 ca ghi nhận trong nước tại 62 tỉnh, thành phố, có 99.644 ca trong cộng đồng.

Ngày 19/3/2022, Sở Y tế Hà Nội đăng ký bổ sung 190.000 ca, Sở Y tế Nam Định đăng ký bổ sung 48.861 ca và Sở Y tế Bắc Ninh đăng ký bổ sung 35.250 ca trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 sau khi rà soát, bổ sung đầy đủ thông tin.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (-2.876), Hà Nội (-2.507), Phú Thọ (-1.361). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Nghệ An (+1.131), Bắc Giang (+772), Hải Dương (+531).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 168.014 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 7.791.841 ca nhiễm, đứng thứ 14/225 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 121/225 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 78.878 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm ghi nhận trong nước là 7.784.177 ca, trong đó có 3.988.576 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: Hà Nội (1.151.105), TP Hồ Chí Minh (581.285), Bình Dương (358.382), Nghệ An (336.515), Hải Dương (310.501).

129.434 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 3.991.393 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.691 ca. Trong đó, thở ô xy qua mặt nạ là 2.982 ca; thở ô xy dòng cao HFNC là 338 ca; thở máy không xâm lấn là 92 ca; thở máy xâm lấn là 275 ca; ECMO là 4 ca.

Từ 17 giờ 30 phút ngày 18/3 đến 17 giờ 30 phút ngày 19/3 ghi nhận 77 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 75 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 41.817 ca, chiếm tỷ lệ 0,5%so với tổng số ca nhiễm.

Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/225 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 129/225 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện xét nghiệm được 36.777.380 mẫu tương đương 82.654.443 lượt người.

Trong ngày 18/3 có 160.525 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 201.566.460 liều.

Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 184.509.503 liều: Mũi 1 là 70.938.226 liều; Mũi 2 là 67.872.903 liều; Mũi 3 là 1.496.162 liều; Mũi bổ sung là 14.633.539 liều; Mũi nhắc lại là 29.568.673 liều.

Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 17.056.957 liều: Mũi 1 là 8.751.910 liều; Mũi 2 là 8.305.047 liều.

Hà Nội thêm 21.071 F0 mới

Theo Sở Y tế Hà Nội trong 24h qua đã ghi nhận 21.071 ca bệnh, trong đó có 6.905 ca cộng đồng; 14.166 ca đã cách ly.

Bệnh nhân phân bố tại 411 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Bắc Từ Liêm (1.080); Ba Vì (1.048); Đông Anh (1.024); Nam Từ Liêm (743); Đống Đa (732).

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 từ ngày 29/4/2021 là 1.152.279.

Tính đến hết ngày 18/3, Hà Nội có 441.365 ca dương tính SARS-CoV-2 đang điều trị, theo dõi. Trong đó, 302 ca điều trị tại khu cách ly, 3.388 bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện (chiếm hơn 0,76% tổng số ca đang điều trị, theo dõi), số còn lại 408.035 người đang điều trị, theo dõi tại nhà (chiếm hơn 92,4%).

Ngày 18/3, Hà Nội ghi nhận 5 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tử vong do Covid-19 từ ngày 27/4/2021 đến nay là 1.293 người.

Ngoài ra, đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi ở Hà Nội là 1.322.878 người.

Tính đến hết ngày 18/3, Hà Nội có 81,1% số người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi nhắc lại vắc-xin Covid-19. Bên cạnh đó, gần 100% người cần tiêm mũi bổ sung đã được tiêm chủng.

Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trong nước

Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Văn bản số 1685/VPCP-KGVX ngày 18/3/2022 truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam về kết quả xem xét việc cấp giấy đăng ký lưu hành vắc-xin Nanocovax.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất vắc-xin phòng Covid-19 trong nước.

Cụ thể, xét báo cáo của Bộ Y tế về kết quả xem xét hồ sơ đề nghị cấp giấy đăng ký lưu hành vắc-xin Nanocovax phòng Covid-19 do Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen đăng ký và sản xuất, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp trong mọi trường hợp theo quy định của pháp luật.

Vắc-xin phòng Covid-19 Nanocovax được Công ty cổ phần Công nghệ sinh học dược Nanogen phát triển từ tháng 5/2020, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. 

Trước khi thử nghiệm giai đoạn 3, vắc-xin này đã trải qua hai giai đoạn thử nghiệm lâm sàng: Giai đoạn 1 bắt đầu từ ngày 18/12/2020, giai đoạn 2 từ ngày 26/2/2021 và giai đoạn 3 chính thức từ ngày 11/6/2021. 

Theo đề cương đã được phê duyệt, giai đoạn 3 tiêm thử nghiệm vắc-xin Nanocovax nhằm đánh giá yếu tố hiệu lực bảo vệ của vắc-xin đối với cộng đồng và được thực hiện tại nhiều trung tâm trong nước với 13.000 người; chỉ thực hiện tiêm nhóm liều duy nhất 25 mcg và nhóm tiêm giả dược đối chứng.

Số ca Covid-19 mới trong ngày của Hà Nội liên tục giảm

Hà Nội- địa phương có số ca mắc nhiều nhất trong thời gian qua đã bước vào ngày thứ 7 ghi nhận số ca mắc mới giảm liên tiếp. So với mốc 32.650 ca kỷ lục hôm 8/3, số ca Covid-19 ở Hà Nội giảm hơn 9.000 ca.

Để thích ứng với tình hình mới, Sở Y tế Hà Nội đề xuất tiếp tục thực hiện kế hoạch bảo vệ, giám sát người có nguy cơ và nguy cơ cao; tăng tốc hơn nữa tiêm phủ mũi 3 vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn bộ người dân; tăng cường công tác truyền thông, đặc biệt là khẩu trang và khử khuẩn, tự chăm sóc sức khỏe tại nhà…

Các quận, huyện, thị xã tại Hà Nội tăng cường kiểm soát bệnh nhân tại địa bàn, trong đó theo dõi bệnh nhân trên nền tảng số để kịp thời chuyển tầng với bệnh nhân nặng; tăng cường cấp phát thuốc cho các đối tượng đủ điều kiện; quan tâm phòng, chống dịch bệnh theo mùa để tránh dịch chồng dịch…

12 dấu hiệu khi F0 điều trị tại nhà cho trẻ từ 5-16 tuổi cần được liên hệ y tế ngay

Theo "Hướng dẫn quản lý tại nhà đối với người mắc Covid-19" mới nhất của Bộ Y tế, khi trẻ từ 5-16 tuổi là F0 điều trị tại nhà, phụ huynh, người chăm sóc cần theo dõi các dấu hiệu: tinh thần, đo thân nhiệt ít nhất 2 lần/ngày, đếm nhịp thở, mạch, đo SpO2 (nếu có máy đo), màu sắc da, niêm mạc, ăn uống, ho, đau ngực, đau bụng, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài), mất khứu giác, thính giác.

Khi phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải thông báo ngay cho cơ sở quản lý người mắc Covid-19 tại nhà: trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, trung tâm vận chuyển cấp cứu để được khám bệnh, xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời hoặc đưa trẻ mắc Covid-19 đến các cơ sở y tế để được khám, chữa bệnh:

Thở nhanh: Nhịp thở của trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, trẻ từ 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút;

Thở bất thường: co kéo hõm ức, liên sườn;

SpO2 < 96% (nếu có máy đo SpO2);

Cảm giác khó thở;

Ho thành cơn không dứt;

Đau tức ngực;

Không ăn/uống được;

Nôn mọi thứ;

Tiêu chảy;

Trẻ mệt, không chịu chơi;

Sốt cao không giảm hay sốt không cải thiện sau 48 giờ;

Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của trẻ em mà thấy cần khám, chữa bệnh.

Tin liên quan
Tin khác