Y tế - Sức khỏe
Tin mới về Covid-19 ngày 26/1: Đưa ra nhiều phương án chống dịch dịp Tết
D.Ngân - 26/01/2022 10:03
Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm “5K”.

Thêm 15.885 ca mắc Covid-19 mới, 166 ca nhiễm biến chủng Omicron

Tính từ 16h ngày 25/01 đến 16h ngày 26/01, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 15.954 ca nhiễm mới, trong đó 69 ca nhập cảnh và 15.885 ca ghi nhận trong nước (tăng 186 ca so với ngày trước đó) tại 61 tỉnh, thành phố (có 10.571 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Hưng Yên (-236), Thanh Hóa (-98), Phú Thọ (-93). Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bắc Ninh (+305), Quảng Nam (+271), Hà Tĩnh (+131).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 07 ngày qua: 15.574 ca/ngày.

Đến nay nước ta đã ghi nhận 166 ca mắc Covid-19 do biến chủng Omicron. Kể từ đầu dịch đến nay có 2.187.481 ca nhiễm, đứng thứ 28/224 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, đứng thứ 143/224 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 22.161 ca nhiễm).

Kể từ đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 2.180.679 ca, trong đó có 1.921.792 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

20.540 ca được công bố khỏi bệnh trong ngày

Tổng số ca được điều trị khỏi là 1.924.609 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 4.402 ca, 3. Từ 17h30 ngày 25/01 đến 17h30 ngày 26/01 ghi nhận 155 ca tử vong. Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua là 150 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 37.165 ca, chiếm tỷ lệ 1,7% so với tổng số ca nhiễm.

Trong ngày 25/01 có 1.442.562 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 178.818.612 liều, trong đó tiêm mũi 1 là 78.945.692 liều, tiêm mũi 2 là 73.967.094 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 liều cơ bản) là 25.905.826 liều.

Hà Nội thêm 2.884 ca, 659 ca cộng đồng

Theo CDC Hà Nội, trong 24 giờ qua Thành phố ghi nhận 2.884 ca bệnh, trong đó có 659 ca cộng đồng.

Số bệnh nhân mới phân bố tại 439 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã.

Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Gia Lâm (112); Đông Anh (108); Chương Mỹ (97); Đống Đa (90); Nam Từ Liêm (84); Hoài Đức (82). 

Từ ngày 29/4 đến nay Hà Nội ghi nhận 120.419 ca COVID-19, 506 trường hợp tử vong (0,43%). Về công tác tiêm chủng, thành phố đã tiêm được 14.541.317 mũi.  

Trên địa bàn thành phố có 69.075 trường hợp F0 đang được điều trị và cách ly. Trong đó tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (142), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (223), tại các bệnh viện của Hà Nội là (3.394), cơ sở thu dung điều trị thành phố (745), cơ sở thu dung quận, huyện (4956), theo dõi cách ly tại nhà (59.615 ca). 

Trường hợp nhiễm biến chủng Omicron tại cộng đồng ở Hà Nội đã khỏi bệnh

Thống kê của Sở Y tế Hà Nội cho thấy, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận 14 ca nhiễm biến chủng Omicron gồm 13 trường hợp nhập cảnh và 1 người ngoài cộng đồng (tiếp xúc với 13 người nhập cảnh trên). Trường hợp nhiễm biến chủng Omicron ghi nhận tại cộng đồng đã được xác định khỏi bệnh.

Cụ thể, bệnh nhân là nữ, sinh năm 1980 tại quận Đống Đa. Bệnh nhân là nhân viên vệ sinh buồng phòng tại khách sạn Grand Vista Hà Nội (là khách sạn thực hiện cách ly người nhập cảnh theo quy định của thành phố).

Trong khoảng thời gian từ 28/12/2021 đến ngày 9/1/2022, bệnh nhân làm việc tại khách sạn và có phục vụ cho các đoàn khách nhập cảnh cách ly tại khách sạn trong đó có 7 trường hợp nhiễm Omicron là khách nhập cảnh (do Bệnh viện Bạch Mai xét nghiệm và thông báo ngày 21/1/2022).

Bệnh nhân được cách ly tại khách sạn trong quá trình làm việc, được xét nghiệm PCR định kỳ hàng tuần và có kết quả âm tính vào ngày 3/1 và dương tính vào ngày 9/1. Bệnh nhân được cách ly điều trị tại khách sạn từ ngày 9-18/1, hiện đã khỏi bệnh. Kết quả điều tra dịch tễ sơ bộ chưa phát hiện thêm người nhiễm thứ phát, toàn bộ nhân viên khách sạn và người nhà đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Sở Y tế Hà Nội tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tích cực, chủ động trong phòng chống dịch bệnh Covid-19, tiếp tục kiểm soát chặt người nhập cảnh, tăng cường giám sát phát hiện biến chủng mới Omicron…

Tổng hợp nhiều giải pháp

Bí thư Hà Nội yêu cầu nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến xã, phường, thị trấn, thôn, xóm, khu dân cư và người dân, nhất là người về từ tỉnh, thành khác, khu vực nguy cơ cao tự giác thực hiện nghiêm quy định, hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh, tránh để lây lan ra cộng đồng.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu các cơ quan liên quan thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch và thực hiện nghiêm “5K”

Các địa phương chuẩn bị sẵn sàng các phương án phòng, chống dịch đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm nguyên tắc "4 tại chỗ", không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống; 

Tổ chức hướng dẫn các đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện công tác y tế phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng các quy định của Trung ương và thành phố; 

Tăng cường kiểm tra, giám sát nhắc nhở cơ quan, đơn vị, tổ chức và người dân không chủ quan, tụ tập liên hoan, tổ chức lễ hội không bảo đảm an toàn...

Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu từng địa phương tiếp tục rà soát các cơ sở để thành lập các trạm y tế hoặc tổ y tế lưu động trên địa bàn; triển khai đồng bộ việc thu dung điều trị F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng tại các khu thu dung điều trị theo mô hình trạm y tế lưu động và tổ chức cách ly điều trị tại nhà; tổ chức hoạt động có hiệu quả tổ hỗ trợ theo dõi người mắc Covid-19 tại nhà, phối hợp chặt chẽ với Mạng lưới thầy thuốc đồng hành để giảm tải cho y tế cơ sở.

Ngành Y tế chú trọng kiểm dịch y tế quốc tế, phối hợp cách ly, giám sát chặt người nhập cảnh, đặc biệt người về từ các vùng đã ghi nhận biến chủng Omicron. 

Đồng thời, tăng cường việc cung cấp gói thuốc C (thuốc kháng virus) cho các bệnh nhân, đặc biệt là những người điều trị tại nhà để hạn chế người bệnh chuyển tầng điều trị;

Liên tục cập nhật số liệu và nắm chắc tình hình bệnh nhân chuyển tầng để tổ chức thu dung, điều trị và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bảo đảm an toàn tối đa cho người dân; 

Hoàn thiện phương án tăng cường nhân lực hỗ trợ cho y tế cơ sở, để tránh bị quá tải và hoàn thành tốt nhiệm vụ bao gồm cả lực lượng y tế tư nhân, huy động sự hỗ trợ của cộng đồng, các cán bộ y tế đã nghỉ hưu, lực lượng đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học trên địa bàn.

Bắc Ninh: Tạo thuận lợi cho người dân trong nước về quê dịp Tết

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có công văn yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong nước về quê nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Theo đó, hướng dẫn người dân về quê nhân dịp Tết Nguyên đán thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 gồm thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe, không phải chờ cách ly y tế; nếu có biểu hiện nghi ngờ mắc Covid-19 như sốt, ho, khó thở… thì hạn chế tiếp xúc và hạn chế đi lại, thông báo ngay cho y tế địa phương để được hướng dẫn, xét nghiệm SARS-CoV-2.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức các nhân vi phạm quy định trong công tác phòng, chống dịch theo quy định.

Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn  bản yêu cầu các địa phương tạo thuận lợi cho người dân về quê đón Tết.

Lâm Đồng phát hiện ca bệnh Covid-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên

Bệnh nhân K.D (nam, 38 tuổi, ở địa chỉ: Thôn M'Răng, xã Lạc Lâm, Đơn Dương): Ngày 30/12/2021, bệnh nhân từ Italia về Việt Nam nhập cảnh tại sân bay Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. 

Từ ngày 31/12/2021 đến 8/01/2022, bệnh nhân được cách ly tại Khu cách ly tập trung của Trung đoàn 803, Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. 

Đến ngày 25/1, Lâm Đồng có tổng số 15.875 ca mắc Covid-19; trong đó, đang cách ly điều trị 6.836 ca, ra viện 8.965 ca, tử vong 58 ca, về địa phương khác 16 ca.

Như vậy, đến ngày 25/1, tại Việt Nam đã ghi nhận 164 ca mắc COVID-19 do biến chủng Omicron tại Hà Nội (14), Quảng Nam (27), TP.HCM (92), Hải Dương (1), Hải Phòng (1), Thanh Hóa (2), Đà Nẵng (8), Khánh Hòa (11), Long An (1), Quảng Ninh (2), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Kiên Giang (2), Bình Dương (1) và Lâm Đồng (1).

Thái Bình gấp rút triển khai tiêm mũi 3 vắc-xin Covid-19

Sở Y tế tỉnh Thái Bình đang gấp rút triển khai tiêm vắc-xin đợt 36 với 128.382 liều Pfizer do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ.

Mục tiêu đề ra là tiêm phủ mũi 1, mũi 2 cho người từ 12 tuổi trở lên và tiêm liều bổ sung, liều nhắc lại cho một số đối tượng bảo đảm đúng tiến độ, tránh lãng phí, an toàn cho 100% các mũi tiêm.

Là đơn vị đầu mối trong công tác tiêm vắc-xin, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) chủ trì, tham mưu chỉ đạo thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các hoạt đông tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trên địa bàn toàn tỉnh. 

Ngoài cấp phát vắc-xin, phải thường xuyên cập nhật, xử lý thông tin, báo cáo tiến độ, kết quả tiêm theo quy định.

Ông Phạm Quang Hòa, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thái Bình cho biết, trước đợt tiêm quan trọng này, đơn vị đã gửi công văn hỏa tốc cho các huyện, thành phố và các đơn vị y tế. 

Trong đó lưu ý, nếu không tiêm hết số lượng vắc-xin được phân bổ thì báo cáo ngay về Sở Y tế để xem xét, điều phối cho những đơn vị khác.

Những người thuộc nhóm cần thận trọng khi tiêm chủng như: người có bệnh nền, người cao tuổi, người có tiền sử dị ứng… có thể được tiêm tại tất cả các cơ sở tiêm chủng cố định và lưu động.

Việc xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 chỉ thực hiện đối với các trường hợp sau phân luồng, khai báo y tế khi có dấu hiệu nghi mắc như: ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác…; có yếu tố dịch tễ hoặc các đối tượng có nguy cơ cao như lái xe, người thường xuyên ra vào tỉnh. 

Tin liên quan
Tin khác