Số người mắc Covid-19 tại Việt Nam và TP.HCM tăng sau 24 giờ
Số ca mắc của cả nước trong ngày 20/10 là 3.646 ca nhiễm mới, tăng 608 người so với ngày trước đó, ghi nhận tại 50 tỉnh, thành phố và có 1.810 trường hợp trong cộng đồng.
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: Sóc Trăng (-100), Đồng Nai (-66), Tây Ninh (-52).
Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (+440), Đắk Lắk (+77), An Giang (+60).
Hiện Việt Nam có 869.193 ca mắc Covid-19 (tính từ 27/4), trong đó có 793.766 người đã được công bố khỏi bệnh.
Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (420.946), Bình Dương (226.845), Đồng Nai (59.691), Long An (33.929), Tiền Giang (15.249).
Trong ngày 20/10, Bộ Y tế công bố 1.737 F0 khỏi bệnh, nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 được điều trị khỏi lên 796.583 người.
Cùng ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các sở y tế công bố trên cdc.kcb.vn ghi nhận 72 ca tử vong tại TP.HCM (43), Bình Dương (8), An Giang (7), Tiền Giang (4), Long An (3), Kiên Giang (2), Đắk Lắk (2), Đồng Tháp (1), Bạc Liêu (1), Đồng Nai (1).
Trong 24 giờ qua, Việt Nam đã thực hiện 108.019 xét nghiệm cho 188.790 lượt người.
Trong ngày 19/10, 1.990.538 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều đã được tiêm là 67.083.557 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 47.997.541 liều, tiêm mũi 2 là 19.086.016 liều.
Hà Nội: Thêm nhiều ca mắc mới trở về từ TP.HCM
Thông tin được Sở Y tế Hà Nội công bố tối 20/10, trong 8 trường hợp liên quan TP.HCM dương tính với SARS-CoV-2, 2 người là tài xế chở hàng, một ca nhiễm đi trên chuyến bay VN216 và 5 F1.
Những người này có độ tuổi từ 21 đến 39, trú tại Yên Sở (Hoàng Mai); Thượng Cát, Liên Mạc (Bắc Từ Liêm); Vĩnh Tuy (Hai Bà Trưng) và Văn Bình (Thường Tín).
Thành phố cũng phát hiện một trường hợp nhiễm Covid-19 từ Bình Dương trở về là ông T.S.T., 39 tuổi, ngụ Mỹ Đình 2, Nam Từ Liêm. Người này đi xe khách từ Bình Dương về Hà Nội ngày 20/10.
Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát (ngày 27/4), Hà Nội đã ghi nhận tổng cộng 4.125 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2.
Hà Nội tìm người trên xe về từ Bình Dương
Liên quan đến trường hợp bệnh nhân Covid-19 được phát hiện tại Hà Nội, tối 20/10 Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội thông báo tìm người đi xe của nhà xe Vân Tuyến khởi hành từ Bình Dương đến khu vực bến xe Mỹ Đình khoảng 3h30 ngày 20/10.
Theo CDC Hà Nội, những người có liên quan đến chuyến xe trên tự cách ly, hạn chế tiếp xúc và liên hệ ngay với trạm y tế, trung tâm y tế trên địa bàn hoặc gọi đến số điện thoại đường dây nóng phòng chống dịch để được tư vấn, hướng dẫn: 0969082115/ 0949396115.
Ca Covid-19 vừa phát hiện trên chuyến xe này là anh T.S.T (39 tuổi, quê Đồng Văn, Hà Giang). Anh T làm việc tại tỉnh Bình Dương 7 tháng nay.
Ngày 17/10, anh khởi hành đi xe khách Vân Tuyến từ tỉnh Bình Dương và đến Hà Nội vào ngày 20/10.
Tới nơi anh được lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả dương tính. Bệnh nhân này đã được tiêm 2 mũi vắc-xin Covid-19.
Tỷ lệ tiêm vắc-xin tại TP.HCM chưa đạt 100%
Ngành Y tế TP.HCM đề nghị TP.Thủ Đức và các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm tăng độ bao phủ vắc-xin cho người dân cư trú trên địa bàn.
Ổ dịch tại thị xã Bỉm Sơn vượt mốc 100 ca mắc sau 5 ngày bùng phát. |
Nội dung công văn khẩn của Sở Y tế TP.HCM yêu cầu các trường hợp cần được rà soát và tiêm vét vắc-xin Covid-19 là toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên, bao gồm người chưa tiêm mũi 1 hoặc mũi 2 (khi đã đến hạn)
Ngành Y tế thành phố đề nghị các địa phương truyền thông rộng rãi bằng nhiều hình thức để tất cả trường hợp này có thể dễ dàng tiếp cận các điểm tiêm, đảm bảo người dân được tiêm chủng đúng lịch, đủ liều và an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh.
TP.Thủ Đức và các quận, huyện căn cứ danh sách người trên địa bàn đã tiêm mũi 1 trên hệ thống tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19, chủ động mời người dân đã đến hạn tiêm mũi 2 đến điểm tiêm theo kế hoạch của địa phương.
Ngành Y tế TP.HCM đề nghị TP.Thủ Đức và các quận, huyện đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng nhằm tăng độ bao phủ vắc-xin cho người dân cư trú trên địa bàn.
Trường hợp người dân không có giấy chứng nhận đã tiêm mũi 1 do thất lạc hoặc chưa được cấp thì địa phương hướng dẫn người dân có thể cung cấp các thông tin về việc đã tiêm vắc xin mũi 1 hoặc ký bản cam kết về việc đã tiêm mũi 1. Điểm tiêm phải có trách nhiệm cập nhật hoặc điểu chỉnh lại thông tin trên Hệ thống và thực tiêm theo quy định.
Bên cạnh đó, người dân có thể đăng ký tiêm vắc xin qua đầu số 8066. Những người chưa tiêm vắc xin phòng COVID-19 mũi 1, tiếp tục đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 qua đầu số 8066 tổng đài 8066 theo cú pháp MUI1 HoTen NamSinh QuanHuyen để đăng ký tiêm vắc-xin mũi 1.
Những người chưa tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 2, đăng ký tiêm vắc xin phòng Covid-19 qua đầu số 8066 theo cú pháp MUI2 HoTen NamSinh QuanHuyen PhuongXa. Thời gian bắt đầu nhận tin nhắn từ 12h00, thứ 4, ngày 20/10/2021.
Sở Y tế TP cũng cho biết áp dụng theo cách tính mới của Bộ Y tế, tình hình dịch tại TP.HCM đang ở cấp độ 2 (màu vàng - nguy cơ trung bình), giảm một cấp so với tuần trước. Cụ thể, tiêu chí 1 số ca mắc trên 100.000 dân là 104,5. Tiêu chí 2, tỷ lệ tiêm chủng người trên 18 tuổi đã được tiêm mũi 1 đạt gần 99%.
Tiêu chí thứ 3 bắt buộc phải có là khả năng thu dung điều trị ở 2 cấp phường xã - các trạm y tế và cấp thành phố là số giường hồi sức ICU cũng đã đạt. Tuy nhiên, kết quả này chỉ mang tính tức thì ở thời điểm hiện tại. Nếu chủ quan, cấp độ nguy cơ có thể tăng lên vì biến chủng Delta rất phức tạp.
TP.HCM đang trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đợt dịch Covid-19 thứ 4, nên rất cần sự chung tay, góp sức của tất cả người dân trong việc phục hồi sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. Mỗi người dân cần tiếp tục thực hiện tốt thông điệp 5K sau khi đã được tiêm đủ liều vắc-xin.
Ổ dịch tại thị xã Bỉm Sơn vượt mốc 100 ca mắc sau 5 ngày bùng phát
Tối 19/10, theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thanh Hóa, ổ dịch tại thị xã Bỉm Sơn vượt mốc 100 ca mắc sau 5 ngày bùng phát.
TP.Sầm Sơn ghi nhận một ca dương tính với Covid-19 do tiếp xúc F0 thuộc ổ dịch thị xã Bỉm Sơn.
Liên quan đến ca mắc này, lực lượng chức năng TP.Sầm Sơn đã phong tỏa tạm thời cụm dân bao gồm 3 hộ dân với 12 nhân khẩu ở phố Quang Giáp, phường Trung Sơn.
Ổ dịch tại thị xã Bỉm Sơn bùng phát từ ngày 14/10. Hai F0 được phát hiện đầu tiên là vợ chồng dương tính với SARS-CoV-2. Người vợ làm nhân viên bán hàng cho một doanh nghiệp, còn chồng làm lái xe. Họ có yếu tố dịch tễ phức tạp, đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người.
Trước tình hình phức tạp, chính quyền khuyến cáo hơn 60.000 dân thuộc 7 xã, phường trên địa bàn không ra khỏi nhà, học sinh dừng đến trường.
Từ ngày 27/4 đến nay, Thanh Hóa ghi nhận tổng 727 ca mắc Covid-19, trong đó 491 người đã được điều trị khỏi và ra viện.
Bình Dương: Còn 10.000 F0 đang điều trị
Theo số liệu thống kê, trong ngày 19/10, tỉnh Bình Dương ghi nhận 500 ca mắc Covid-19 mới, tăng 13,9% so với ngày 18/10; trong đó số ca mắc tập trung nhiều nhất trong khu phong tỏa đến 90%, qua sàng lọc cộng đồng chiếm 5,4% và một số sơ sở y tế, khu cách ly.
Như vậy, tính từ đợt dịch thứ 4 đến nay, Bình Dương ghi nhận 226.353 ca mắc Covid-19; 2.307 người tử vong, số người khỏi bệnh đã xuất viện là 222.537 trường hợp. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn 10.365 bệnh nhân đang điều trị; trong đó 7.667 bệnh nhân điều trị tại các cơ sở y tế và 2.698 trường hợp đang điều trị tại nhà.
Tính đến ngày 19/10 toàn tỉnh đã tiêm được 3.454.728 liều vắc-xin phòng Covid-19 trong tổng số 4.859.390 liều được phân bổ, trong đó có 2.302.691 người tiêm mũi 1 và 1.152.037 người tiêm mũi 2.
Ưu tiên tiêm vắc-xin cho trẻ từ 16-17 tuổi
Vừa qua Bộ Y tế có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vắc-xin Covid-19 cho trẻ em 12-17 tuổi.
Việc tiêm phòng được thực hiện theo lộ trình từ lứa tuổi cao đến thấp (tiêm trước cho trẻ từ 16-17 tuổi và hạ dần độ tuổi) theo tiến độ cung ứng vắc-xin và tình hình dịch tại địa phương.
Loại vắc-xin sử dụng theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất và Bộ Y tế. Mỗi người sẽ được tiêm 2 liều cùng loại.
Hiện tại, Bộ Y tế chưa phê duyệt vắc-xin Covid-19 nào cho người dưới 18 tuổi nhưng đã ký hợp đồng với Pfizer để mua thêm 20 triệu liều cho trẻ nhỏ.
Dù vậy, số lượng và thời gian tiếp nhận vắc-xin phụ thuộc nhà cung cấp. Ngành y tế đang lên kế hoạch để tiêm chủng khi vắc-xin về đến Việt Nam. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể về tiêm vắc-xin cho vị thành niên.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh trong quá trình triển khai tiêm, các chuyên gia và Bộ sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá về an toàn của vắc-xin khi tiêm cho trẻ. Ông Thuấn khẳng định việc tiêm vắc-xin ngừa Covid-19 cho trẻ em sẽ được hiện từng bước, thận trọng.
Theo Bộ Y tế, quy trình tiêm chủng dành cho lứa tuổi này gồm: Cha mẹ, người giám hộ ký phiếu đồng ý tiêm chủng (nếu đồng ý tiêm chủng cho đối tượng này).
Khám sàng lọc trước tiêm theo hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế và chỉ định loại vắc-xin sử dụng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
Hướng dẫn cách theo dõi, chăm sóc sau khi tiêm chủng theo các hướng dẫn của Bộ Y tế.