Y tế - Sức khỏe
Tin mới về dịch Covid-19 ngày 5/10: Chấn chỉnh mua sắm thiết bị y tế chống dịch; thêm một ca nhiễm từ BV Việt Đức
D.Ngân - 05/10/2021 08:44
Trước việc giá xét nghiệm tăng cao và chưa hợp lý tại nhiều nơi Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra.

Số ca mắc Covid-19 thấp nhất trong hơn 2 tháng

Tính từ 17h ngày 4/10 đến 17h ngày 5/10, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 4.363 ca nhiễm mới, trong đó 3 ca nhập cảnh và 4.360 ca trong nước (giảm 1.022 ca so với ngày trước đó) tại 42 tỉnh, thành phố (có 1.769 ca trong cộng đồng).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước đó: TP.HCM (-999), Sóc Trăng (-118), Bình Dương (-103).

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm tăng cao nhất so với ngày trước đó: Bình Thuận (101), Hậu Giang (48), Đồng Tháp (34).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua: 6.315 ca/ngày.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 818.324 ca nhiễm, đứng thứ 43/223 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 155/223 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 8.313 ca nhiễm).

Ở đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4 đến nay), số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 813.735 ca, trong đó có 741.874 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (401.494), Bình Dương (217.960), Đồng Nai (52.017), Long An (32.941), Tiền Giang (14.231).

Số bệnh nhân khỏi bệnh gấp gần 6 lần số ca mắc Covid-19

Theo công bố của Bộ Y tế, trong ngày tổng số bệnh nhân khỏi bệnh là 25.573. Như vậy, tổng số ca được điều trị khỏi: 747.053 người.

Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.044 ca, trong đó: thở ô-xy qua mặt nạ: 3.968, thở ô-xy dòng cao HFNC: 975, thở máy không xâm lấn: 171, thở máy xâm lấn: 908, ECMO: 22.

Trong ngày, nước ta ghi nhận 134 ca tử vong tại TP.HCM (104), Bình Dương (15), Đồng Nai (4), An Giang (3), Cần Thơ (3), Cà Mau (2), Kiên Giang (1), Bà Rịa - Vũng Tàu (1), Nghệ An (1).

Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua: 142 ca. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 19.979 ca, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca nhiễm.

Trong 24 giờ qua, ngành Y tế đã thực hiện 163.344 xét nghiệm cho 307.444 lượt người. Số lượng xét nghiệm từ 27/4 đến nay đã thực hiện 19.323.733 mẫu cho 54.618.740 lượt người.

Ngày 4/10, 1.432.631 liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 46.969.510 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 35.355.593 liều, tiêm mũi 2 là 11.613.917 liều.

***

Liên quan việc đi lại của trẻ em khi một số thành phố mở cửa trở lại, đại diện Bộ Y tế cho hay nếu bắt buộc phải ra đường, trẻ dưới 18 tuổi cần tuân thủ nguyên tắc 5K.

Về chủ trương tiêm vắc-xin Covid-19 cho trẻ, Bộ Y tế đã triển khai xây dựng hướng dẫn liên quan việc tiêm chủng cho trẻ từ 5 đến 17 tuổi.

Thời gian qua, Bộ Y tế đã làm việc với các công ty cung ứng vắc-xin, nhà sản xuất để đặt hàng mua vắc-xin cho năm 2022. Trong đó, cơ quan này dự kiến mua vắc-xin cho trẻ từ 5 tuổi trở lên.

Ổ dịch Bệnh viện Việt Đức có 42 ca mắc

Chiều 5/10, Sở Y tế Hà Nội cho biết, từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 5/10, Hà Nội ghi nhận 2 bệnh nhân Covid-19 tại khu cách ly.

Cũng theo Sở Y tế, liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, tính từ ngày 30/9 đến 18 giờ ngày 5/10, đã ghi nhận tổng số 42 ca mắc, trong đó ghi nhận tại Hà Nội 34 ca (gồm 17 ca sinh sống tại 11 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Sóc Sơn, Ba Đình, Thanh Trì, Quốc Oai, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Gia Lâm và 17 ca là người tỉnh khác đến chữa bệnh) và 8 ca mắc ghi nhận tại các tỉnh khác (gồm: Nam Định (4), Hà Tĩnh (2),  Hưng Yên (1), Hải Dương (1).

Đến nay, Bệnh viện Việt Đức đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đưa hơn 1.000 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến 3 bệnh viện (Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đức Giang) để làm giảm mật độ, giãn cách trong bệnh viện.

***

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 27/4/2021) là 4.014 ca trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.603 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.411 ca.

Liên quan đến công tác chống dịch, Công an TP. Hà Nội cho biết, từ 11 giờ ngày 4/10 đến 11 giờ ngày 5/10, 22 chốt kiểm soát người và phương tiện ra, vào Thành phố đã kiểm soát 21.044 lượt phương tiện, với 28.209 lượt người qua chốt. Qua đó, đã yêu cầu 2.755 lượt phương tiện quay đầu (1.847 lượt không vào Thành phố, 908 lượt không ra ngoài Thành phố).

Trong 24 giờ qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, lập hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính về phòng, chống dịch bệnh 36 trường hợp (trong đó 5 trường hợp không đeo khẩu trang, 31 trường hợp vi phạm khác và xử phạt 2 cơ sở).

Phân bổ gần 1 triệu liều vắc-xin Pfizer

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương vừa có quyết định phân bổ gần 1 triệu liều vắc-xin Pfizer cho 13 địa phương và các đơn vị trên cả nước.

Số vắc-xin này được mua từ nguồn ngân sách Nhà nước. Đây là đợt phân bổ thứ 55.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội được phân bổ hơn 60.000 liều. Ngoài ra, 18 bệnh viện, viện, đơn vị Trung ương trên địa bàn tiếp nhận hơn 77.000 liều vắc-xin.

TP.HCM được phân bổ 170.820 liều Pfizer.

Số vắc-xin này được cấp phát về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật và 5 bệnh viện, viện Trung ương trên địa bàn Thành phố.

Tỉnh Bình Dương nhận 175.500 liều vắc-xin, Đồng Nai được phân bổ gần 99.500 liều. Đà Nẵng và Khánh Hoà cùng nhận 52.650 liều, An Giang và Kiên Giang nhận 46.800 liều, còn Tiền Giang, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Phú Yên cùng được phân bổ 29.250 liều.

TP.Cần Thơ (gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Trường đại học Y - Dược Cần Thơ) nhận 46.800 liều.

Theo quyết định phân bổ này, lực lượng công an và quân đội nhận hơn 41.000 liều vắc-xin.

Đến ngày 5/10, Việt Nam tiếp nhận hơn 61 triệu liều vắc-xin Covid-19 từ nhiều nguồn khác nhau. Hơn 56 triệu liều đã được phân bổ cho các địa phương, đơn vị.

Cả nước đã tiêm được gần 47,5 triệu liều vắc-xin, trong đó có hơn 11 triệu liều dành cho mũi 2 (tương đương 16% dân số từ 18 tuổi). Tỷ lệ người dân từ 18 tuổi được tiêm ít nhất 1 mũi vắc-xin là gần 50%.

Chấn chỉnh tình trạng loạn giá thiết bị y tế

Bộ Y tế đã có công văn gửi đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy và Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố về việc tăng cường kiểm tra việc nhập khẩu, kinh doanh, mua sắm các loại Test kit xét nghiệm nhanh và xét nghiệm RT-PCR.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tiếp tục tiêm vắc-xin đầy đủ cho người lao động. Ảnh: Đức Thanh

Tại văn bản Bộ Y tế cho hay hiện theo phản ánh của nhân dân và một số cơ quan truyền thông về giá mua, bán các loại test xét nghiệm kháng nguyên nhanh, xét nghiệm RT-PCR và giá dịch vụ các loại xét nghiệm Covid-19 như: Giá xét nghiệm cao hơn so với thực tế, giá dịch vụ xét nghiệm không thống nhất, nhiều cơ sở xét nghiệm thu cao, đặc biệt là tại khu vực y tế tư nhân.

Để hạn chế tình trạng này Bộ Y tế đề nghị thanh tra các tỉnh thành lập đoàn thanh tra/kiểm tra liên ngành để thanh tra/kiểm tra đột xuất tại các cơ sở nhập khẩu, mua bán, sản xuất, kinh doanh và sử dụng các trang thiết bị, vật tư, phương tiện phòng chống dịch, đặc biệt là các loại xét nghiệm chẩn đoán nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19;

Đồng thời, rà soát về quy trình, thủ tục mua sắm, về chất lượng, giá, tư cách pháp nhân... theo đúng quy định của pháp luật, tập trung vào giá xét nghiệm và giá dịch vụ xét nghiệm đang thực hiện tại các công ty cung ứng, các cơ sở sử dụng các loại xét nghiệm (bao gồm cả test xét nghiệm chẩn đoán kháng nguyên nhanh và xét nghiệm sinh học phân tử RT-PCR xác định Covid-19);

Kịp thời chấn chỉnh và xử lý ngay các hành vi vi phạm hành chính theo quy của pháp luật, thông tin kết quả xử lý trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Trường hợp phát hiện có dấu hiệu hình sự, chuyển ngay hồ sơ sang cơ quan Công an để xử lý theo quy định.

Thêm ca bệnh mới từ ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 4/10 đến 6h ngày 5/10, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1 ca dương tính mới, phân bố tại quận Hoàn Kiếm và liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

Bệnh nhân là L.T.H.M, nữ, sinh năm 1972, ở xã Quỳnh Thanh, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. 

Ngày 22/9, bệnh nhân tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức khám, sau đó ra ngoài thuê trọ. Ngày 1/10, khu vực nhà trọ có bệnh nhân dương tính và bị phong tỏa. Bệnh nhân M là F1 của T.M.C. Ngày 1/10, bệnh nhân được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả âm tính. Ngày 4/10, bệnh nhân tiếp tục được lấy mẫu xét nghiệm, cho kết quả dương tính.

Hiện, trên địa bàn TP.Hà Nội cũng đã rà soát được 7.256 người có liên quan đi, đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức từ ngày 15/9.

Liên quan đến chùm ca bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, tính đến 6h ngày 5/10, Hà Nội đã lấy được 17.673 mẫu xét nghiệm, gồm: Nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc hiện đang trong bệnh viện, khu vực dân cư xung quanh bệnh viện, người về từ bệnh viện, trong đó có 16.283 mẫu đã có kết quả, qua đó phát hiện 34 ca dương tính (gồm 31 ca trong bệnh viện và 3 ca ở khu vực dân cư xung quanh bệnh viện).

Như vậy, tính từ ngày 309 đến 6h sáng 5/10, liên quan đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã ghi nhận tổng số 42 ca mắc, trong đó ghi nhận tại Hà Nội 34 ca (gồm: 17 ca sinh sống tại 11 quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hà Đông, Sóc Sơn, Ba Đình, Thanh Trì, Quốc Oai, Thanh Oai, Bắc Từ Liêm, Đông Anh, Nam Từ Liêm, Gia Lâm và 17 ca là người tỉnh khác đến chữa bệnh) và 8 ca mắc ghi nhận tại các tỉnh khác (gồm: Nam Định (4), Hà Tĩnh (2),  Hưng Yên (1), Hải Dương (1)).

Từ đêm qua tới rạng sáng nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị đưa hơn 1.000 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đến 3 bệnh viện (Bệnh viện Thanh Nhàn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội và Bệnh viện Đức Giang) để làm giảm mật độ, giãn cách trong bệnh viện.

Những bệnh nhân bệnh nặng được vận chuyển bằng cáng lên ô tô cấp cứu riêng, còn bệnh nhân nhẹ hơn được di chuyển trên ô tô 29 và 45 chỗ. Người nhà bệnh nhân được di chuyển bằng xe buýt.

Cộng dồn số mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ tư (từ ngày 27/4 đến nay) là 4.011 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 1.603 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 2.408 ca.

TP.HCM: Cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tiếp tục tiêm vắc-xin đầy đủ cho người lao động

Ngày 4/10, Sở Y tế TP.HM đã có văn bản gửi đến sở, ban, ngành; UBND TP.Thủ Đức, quận huyện; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố; trung tâm y tế quận, huyện TP.Thủ Đức về việc hướng dẫn xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở sản xuất kinh doanh.

Sở Y tế đề nghị sở, ban, ngành, tổ chức đoàn thể và UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức phổ biến hướng dẫn của Bộ Y tế về xét nghiệm Covid-19 đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh đến tất cả đơn vị trực thuộc và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thuộc thẩm quyền quản lý.

Các cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức việc xét nghiệm định kỳ cho người lao động có nguy cơ cao và người cung cấp dịch vụ trực tiếp cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, xét nghiệm cho lái xe vận chuyển hàng hóa liên tỉnh theo quy định của Bộ Y tế.

Các đơn vị phải báo cáo đầy đủ kết quả thực hiện xét nghiệm và báo cáo ngay khi có trường hợp dương tính với Covid-19.

Trong quá trình tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh tự chịu trách nhiệm về chất lượng của test nhanh kháng nguyên, quy trình và kết quả xét nghiệm.

Đồng thời, phải tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đầy đủ cho người lao động.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP, trung tâm y tế quận, huyện, TP.Thủ Đức tổ chức hướng dẫn cho các cơ sở sản xuất kinh doanh về việc lựa chọn test nhanh kháng nguyên Covid-19 theo quy định của Bộ Y tế và kỹ thuật thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên.

Tin liên quan
Tin khác