Giảm chuyển tuyến nhờ chuyển giao kỹ thuật
Đề án 1816 là một chủ trương lớn của ngành y tế thể hiện quyết tâm thực hiện chủ đề "Hướng về y tế cơ sở", đồng thời cũng là một trong những giải pháp quan trọng giúp "giảm tải" các bệnh viện tuyến trên, góp phần đưa dịch vụ y tế chất lượng cao tới gần người dân hơn.
Ảnh minh hoạ. |
Để từ khi triển khai Đề án đến nay, nhiều bệnh nhân của các địa phương đã được thầy thuốc tuyến trên khám, chữa bệnh trực tiếp, số lượt bệnh nhân chuyển tuyến đã giảm từ 10-30%.
Các bác sĩ ở các bệnh viện Trung ương về cơ sở đã khám, điều trị kịp thời các căn bệnh hiểm nghèo, bệnh khó. Đã có hàng ngàn lượt cán bộ y tế địa phương được tập huấn, chuyển giao công nghệ. Nhiều loại trang thiết bị hiện đại sẵn có ở địa phương nay được "khởi động", vận hành hiệu quả hơn.
Phát biểu tại sự kiện 25 năm thành lập Trung tâm Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Bạch Mai vừa qua, PGS-TS.Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, thời gian qua đã có 1.700 cán bộ chuyên môn luân viên về hỗ trợ gần 200 bệnh viện các tỉnh phía Bắc, giúp tỷ lệ chuyển tuyến với các chuyên khoa luân phiên từng bước được cải thiện.
Bên cạnh đó, Trung tâm đã quản lý, triển khai hiệu quả, chất lượng và bền vững công tác chỉ đạo tuyến tới tất cả các tình thành phía Bắc với trên 10.000 lượt cán bộ Bệnh viện Bạch Mai xuống hỗ trợ tuyến dưới, góp phần phát triển chuyên ngành.
Ngoài việc đào tạo chuyên môn kỹ thuật, Bệnh viện còn chú trọng xây dựng chiến lược phát triển đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng quản lý, lãnh đạo...
Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng cho hay, cơ sở đã triển khai gần 200 khóa cho hàng chục nghìn cán bộ lãnh đạo các đơn vị thuộc Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện tuyến tỉnh. Đào tạo, phát triển đội ngũ giảng viên nguồn theo các cấp độ và xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo giảng viên về sư phạm y học cơ bản, nâng cao.
Đó chính là nét đặc biệt của Trung tâm Đào tạo - Chỉ đạo tuyến với việc đào tạo và đào tạo liên tục gắn với thực hành y khoa tại cơ sở y tế đã giúp cán bộ y tế học đi đôi với hành.
Để tiếp tục nâng cao chất lượng, công tác chỉ đạo tuyến hiệu quả, theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế, các bệnh viện tuyến trung ương cần tổ chức khảo sát kỹ nhu cầu ở tuyến dưới về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, mô hình bệnh tật…với đơn vị cơ sở y tế vệ tinh cần có kế hoạch cụ thể, đánh giá tổng quát về hiện trạng của mình đề xuất với bệnh viện tuyến trên qua đó có kế hoạch chỉ đạo tuyến hỗ trợ kịp thời, nhanh nhất và hiệu quả nhất.
Mặt khác, Bộ Y tế cũng yêu cầu các đơn vị vệ tinh liên tục rà soát bảo đảm nhân lực tham gia công tác đào tạo thực hành, chuyển giao kỹ thuật; phối hợp các bệnh viện hạt nhân tổ chức đào tạo, chuyển giao kỹ thuật đúng tiến độ, đạt chất lượng, hiệu quả. Đồng thời, phát huy hiệu quả ứng dụng công nghệ Telehealth, khám chữa bệnh từ xa thu hẹp khoảng cách địa lý giữa tuyến trên và tuyến dưới
Nâng cao năng lực y tế cho tuyến dưới không chỉ giúp giảm tải cho tuyến trên mà còn nâng cao chất lượng dịch vụ y tế một cách đồng bộ, toàn diện, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.
Một điều rất quan trọng nữa, đó là Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Vụ Kế hoạch tài chính và Vụ, Cục liên quan cùng các bệnh viện trung ương tiếp tục xây dựng kế hoạch hết sức cụ thể cho công tác chỉ đạo tuyến, bệnh viện vệ tinh, Đề án1816 và khám chữa bệnh từ xa cho năm 2024 và những năm tiếp theo, báo cáo lãnh đạo Bộ Y tế phê duyệt giúp các bệnh viện thêm nguồn lực thực hiện tốt công tác này.
Dịch sốt xuất huyết giảm nhiệt
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong tuần qua (2/12-7/12) Thành phố ghi nhận 1.141 ca mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã. Số mắc giảm so với tuần trước (1.715/0). Hà Nội đã qua đỉnh dịch với số ca mắc giảm liên tiếp trong 5 tuần qua.
Như vậy, tính từ đầu năm 2023, Hà Nội có 38.582 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 4 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (17.081/23). Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 575/579 xã, phường, thị trấn.
Các quận, huyện có nhiều bệnh nhân là Hà Đông (2.900), Thanh Oai (2.581), Hoàng Mai (2.470), Phú Xuyên (2.373), Đống Đa (2.308). Tổng số ổ dịch là 1.941, hiện còn 56 ổ dịch đang hoạt động tại 14 quận, huyện.
Được biết, từ ngày 6/10, UBND TP.Hà Nội đã triển khai đợt cao điểm về công tác phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết.
Sau hơn 2 tháng triển khai, các quận, huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn đã thực hiện nghiêm túc chiến dịch vệ sinh môi trường bài bản, hiệu quả và giám sát tốt ca bệnh, ổ dịch. Thêm vào đó, thời tiết chuyển mùa cũng tạo thuận lợi cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết.
Các hoạt động phòng chống dịch tiếp tục được ngành Y tế triển khai trong tuần gồm theo dõi chặt chẽ và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh.
Tổ chức giám sát, điều tra, xử lý dịch với ca bệnh, ổ dịch phát hiện tại cộng đồng và cơ sở y tế được phân cấp; duy trì đội đáp ứng nhanh, đảm bảo sẵn sàng đáp ứng kịp thời các tình huống dịch bệnh xảy ra trên địa bàn thành phố.
Theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số ổ dịch trong tuần qua cho thấy, chỉ số BI (chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) cũng đã giảm dưới ngưỡng quy định.
Hiện, Hà Nội đã qua đỉnh dịch sốt xuất huyết nhưng số mắc vẫn ở mức cao, với trên 1.000 trường hợp/tuần. Do đó, người dân không được chủ quan, cần tiếp tục tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế.
Còn tại các địa phương, cần tiếp tục kiên trì, thường xuyên và liên tục triển khai có hiệu quả công tác vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy.