Hoạt động nhân văn hỗ trợ cặp vợ chồng khó khăn
Được khởi xướng từ năm 2014, đây là năm thứ 10 liên tiếp chương trình Ươm mầm hạnh phúc được tổ chức. Chương trình đã chính thức công bố thông tin đến cộng đồng qua các cổng thông tin của Bệnh viện Mỹ Đức (TP.HCM) và các cơ sở đối tác vào ngày 10/10/2023.
Ươm mầm hạnh phúc là chương trình hỗ trợ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm dành cho các cặp vợ chồng mong con, có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thực hiện được. |
Số lượng các trường hợp được hỗ trợ điều trị trong chương trình dự kiến là 100 cặp vợ chồng; đây là số lượng cao nhất từ trước đến nay qua các mùa Ươm mầm hạnh phúc.
GS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng, cố vấn cấp cao Bệnh viện Mỹ Đức cho biết, Ươm mầm hạnh phúc là chương trình dành riêng cho các cặp vợ chồng đang mong con, khát khao một mái ấm đầy ắp tiếng cười trẻ thơ nhưng chưa đủ điều kiện kinh tế để thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhiều đôi vợ chồng từng đứng trước bờ vực hôn nhân và chịu nhiều tổn thương vì những định kiến của xã hội khi không sinh được con, cuộc sống của họ đã bước sang một trang mới từ khi tham gia Ươm mầm hạnh phúc.
Đó là động lực để chúng tôi duy trì và mở rộng chương trình qua các năm với hy vọng mang lại niềm hạnh phúc trọn vẹn cho nhiều gia đình hơn.
Lấy cảm hứng từ ca khúc “Thành phố mười mùa hoa” của nhạc sĩ Phạm Tuyên, chủ đề Ươm mầm hạnh phúc năm nay hướng đến hình ảnh những bông hoa khoe sắc, tượng trưng cho một vụ mùa đầy thuận lợi.
Mỗi em bé đáng yêu của chương trình được ví như bông hoa tô điểm cho khu vườn tình yêu của các cặp vợ chồng mong con xanh tươi trở lại, đẹp hơn, tràn đầy niềm vui và hạnh phúc "Ươm mầm hạnh phúc 10 mùa hoa - Cây 10 mùa thay lá - Hoa 10 mùa đậu quả - ngọt ngào tiếng chim ca".
Các cặp vợ chồng tham gia chương trình Ươm mầm hạnh phúc 2023 sẽ được hỗ trợ toàn bộ chi phí liên quan đến một chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm và chuyển phôi (thuốc kích thích buồng trứng, thuốc chuẩn bị niêm mạc tử cung, thuốc hỗ trợ hoàng thể, chi phí chọc hút trứng, tạo phôi-nuôi cấy phôi, trữ lạnh phôi, chuyển phôi đông lạnh).
Chương trình Ươm mầm hạnh phúc năm 2022 tiếp nhận thăm khám và điều trị cho 79 trường hợp đủ tiêu chuẩn tham gia, có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm nhưng chưa đủ điều kiện kinh tế để điều trị.
Ươm mầm hạnh phúc là chương trình hỗ trợ chi phí thụ tinh trong ống nghiệm dành cho các cặp vợ chồng mong con, có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên chưa thực hiện được.
Ươm mầm hạnh phúc diễn ra định kỳ vào quý IV hàng năm. Đây là chuỗi chương trình được khởi xướng bởi GS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng, với mong muốn mang lại hạnh phúc trọn vẹn cho các gia đình Việt Nam, đặc biệt là các cặp vợ chồng khó khăn trong việc mang thai và gặp nhiều áp lực tài chính.
Từ năm 2014 đến nay, Ươm mầm hạnh phúc đã trải qua 9 mùa ươm mầm thành công, cùng đồng hành với gần 500 cặp vợ chồng mong con có hoàn cảnh khó khăn, giúp họ chạm đến ước mơ gia đình hạnh phúc.
Hà Nội: Dịch tay chân miệng diễn biến phức tạp
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, Thành phố đã ghi nhận các ổ dịch tay chân miệng tại trường mầm non. Số ca mắc trong tuần đầu tiên của tháng 10 tăng gần gấp đôi so với cuối tháng 9.
Theo CDC Hà Nội, trong tuần đầu tiên của tháng 10, Thủ đô ghi nhận 265 ca mắc tay chân miệng, tăng gần gấp đôi so với tuần trước đó. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Sóc Sơn (69 ca), Cầu Giấy (26 ca), Hoài Đức (25 ca), Hà Đông (18 ca), Ba Vì (15 ca), Thanh Xuân (15 ca), Đống Đa (12 ca).
Vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9, trung bình mỗi tuần, trên địa bàn thành phố ghi nhận 70-75 ca mắc tay chân miệng. Đến 2 tuần cuối tháng 9/2023, số ca mắc đã tăng lên khoảng 140 ca/tuần.
Trong tuần cũng đã ghi nhận thêm 2 ổ dịch tay chân miệng tại Sóc Sơn và Đống Đa, ổ dịch ở trường mầm non. Từ đầu năm 2023 cho đến nay, Hà Nội ghi nhận 2.063 ca mắc tay chân miệng (tăng gần 1,4 lần so với cùng kỳ năm 2022) nhưng chưa ghi nhận ca tử vong; có 47 ổ dịch, hiện còn 2 ổ dịch đang hoạt động.
Theo CDC Hà Nội, nguyên nhân dẫn tới tăng nhanh ca mắc tay chân miệng là thời tiết chuyển mùa, mưa nắng thất thường kết hợp với việc học sinh quay trở lại trường học. Dự báo, trong các tuần tới, bệnh nhân có thể tiếp tục gia tăng.
Tay chân miệng có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim và có thể dẫn đến tử vong. Tại nước ta, từ đầu năm tới nay, ghi nhận nhiều ca tử vong do tay chân miệng.
Gần đây nhất là bệnh nhi sinh năm 2020, ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, khởi phát bệnh 19/9. Bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau lúc 20h35 ngày 20/9. Đến 22/9, cháu bé được đưa vào Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP.HCM) và tử vong lúc 19h25 phút cùng ngày.
Để phòng bệnh tay chân miệng tiếp tục lan nhanh, ngành y tế khuyến cáo các trường học, nhất là tại các nhà trẻ, trường mẫu giáo, trường mầm non triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch, học sinh được rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay thường xuyên, đúng cách. Tăng cường vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ chơi, đồ dùng học tập...để hạn chế lây lan.