Cập nhật điểm mới về dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV
Theo bà Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện nay những rào cản về kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS và ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đã giảm, giúp họ tiếp cận tốt hơn với các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, được điều trị sớm và chăm sóc tốt. Nhiều người nhiễm HIV sống hoàn toàn khỏe mạnh khi tuân thủ tốt điều trị.
Ảnh minh hoạ. |
Ở nước ta cũng đã triển khai nhiều mô hình dự phòng, điều trị đa dạng, phù hợp với đặc tính của từng nhóm đối tượng như nhóm nghiện chích ma túy, nhóm phụ nữ mại dâm và mới đây là nhóm MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới)…
Hàng loạt các mô hình có ý nghĩa này không chỉ được triển khai ở cộng đồng mà còn hướng đến các cam kết chung của toàn cầu như mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 và tiếp theo là 95-95-95 vào năm 2025.
Hiện nguồn lực cho công tác phòng chống HIV/AIDS ngày càng khó khăn, do đó cần xác định được biện pháp nào và nhóm đối tượng ưu tiên can thiệp, điều trị và dự phòng là rất quan trọng.
Năm 2021, Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo lồng ghép cung cấp dịch vụ sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm như tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, đái tháo đường tại các cơ sở y tế điều trị HIV/AIDS.
Người nhiễm HIV không những chỉ điều trị ARV hiệu quả để đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng ức chế mà còn cần được sàng lọc quản lý điều trị hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.
Việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc và điều trị toàn diện này nhằm hướng đến mục tiêu của thiện chất lượng cuộc sống ở người nhiễm HIV.
Đây cũng chính là khái niệm "90 thứ tư" mà các diễn giả chuyên gia quốc tế muốn chuyển tải trong Hội thảo.
Hiện nay, Hướng dẫn Điều trị và Chăm sóc HIV/AIDS được Bộ Y tế ban hành đã hướng dẫn việc cung các dịch vụ sàng lọc, quản lý và điều trị các bệnh không lây nhiễm ở người nhiễm HIV.
Khuyến khích phổ cập tư vấn K=K cho người bệnh khi tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện, người nhiễm HIV không có nguy cơ truyền HIV sang người khác qua quan hệ tình dục.
Khi tải lượng HIV đạt được ngưỡng này, sẽ làm giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; hỗ trợ tuân thủ điều trị và giảm thiểu các tác động tiêu cực đến sức khỏe tâm thần ở người nhiễm HIV cũng như người thân của họ.
Các thời điểm cần thực hiện giáo dục K=K cho người bệnh bao gồm khi tiếp cận với dịch vụ xét nghiệm HIV, khi người nhiễm HIV bắt đầu điều trị ARV và tại thời điểm thực hiện xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ.
Người nhiễm HIV điều trị ARV hiệu quả, sống khỏe với HIV và đối mặt với những vấn đề sức khỏe của người cao tuổi như: Đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, béo phì, loãng xương, bệnh thận mạn, ung thư, bệnh phổi…
Tại Hội thảo các chuyên gia cũng cung cấp các bằng chứng mới nhất về nguy cơ mắc các bệnh đồng diễn thường gặp ở người có HIV và thảo luận phương thức áp dụng các bằng chứng khoa học vào việc xác định các vấn đề ưu tiên để chăm sóc sức khỏe cho người có HIV cao tuổi.
Về điều trị ARV, quản lý nhiễm trùng cơ hội và các bệnh đồng nhiễm, hội thảo cũng cập nhật về dự phòng HIV/AIDS, các nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs) như: Dự phòng sau phơi nhiễm STIs bằng doxycycline; thí điểm dự phòng PrEP bằng thuốc tiêm cabotegravir tác dụng kéo dài tại Việt Nam (CAB-LA)…
Giải trình tự gen, phát hiện sớm biến thể mới các bệnh truyền nhiễm
Bộ Y tế vừa có văn bản gửi các Vệ sinh dịch tễ trung ương; Pasteur Nha Trang; Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Pasteur TP.HCM về việc chủ động theo dõi tình hình dịch bệnh trong nước.
Thời gian qua, hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm đã ghi nhận các thông tin về việc gia tăng các trường hợp mắc bệnh đường hô hấp và các trường hợp mắc cúm A(H5/N1) tại một số quốc gia trong khu vực.
Bên cạnh đó, một số bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng… và một số bệnh có vắc-xin dự phòng vẫn ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.
Theo Bộ Y tế, hiện nay là giai đoạn chuyển mùa, tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện, lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm.
Để chủ động giám sát dịch bệnh, Bộ Y tế đề nghị các Viện: Vệ sinh dịch tễ trung ương; Pasteur Nha Trang; Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên; Pasteur TP.HCM thường xuyên, liên tục theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm.
Đồng thời, chủ động công tác giám sát; hướng dẫn các địa phương tiếp tục triển khai giám sát thường xuyên, giám sát trọng điểm, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh.
Các đơn vị phối hợp với các địa phương và các đơn vị liên quan chủ động lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp, bệnh lây từ động vật sang người… Từ đó, chuẩn bị sẵn sàng các phương án đáp ứng với mọi tình huống xảy ra của dịch bệnh”, Bộ Y tế yêu cầu.
Ngoài ra, tăng cường hoạt động của Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp với sự kiện y tế công cộng (PHEOC); chủ động theo dõi thông tin dịch bệnh trong nước và quốc tế, có đánh giá, phân tích và đề xuất các biện pháp đáp ứng kịp thời, phù hợp.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường phòng, chống cúm gia cầm lây sang người trong bối cảnh bệnh này đang có diễn biến phức tạp tại Campuchia và có xu hướng gia tăng vào dịp cuối năm.