Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 13/5: Gia hạn trên 12.500 giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế
D.Ngân - 13/05/2023 10:06
Tính đến nay, cả nước đã có khoảng trên 1000 đơn vị sản xuất thiết bị y tế trong nước, hơn 2500 đơn vị nhập khẩu với hàng trăm ngàn loại thiết bị khác nhau.
TIN LIÊN QUAN

Đổi mới quản lý trang thiết bị y tế

Tại tọa đàm Phổ biến những chính sách mới trong lĩnh vực quản lý trang thiết bị y tế” diễn ra lề Triển lãm Quốc tế chuyên ngành Y Dược Việt Nam lần thứ 30 - VIETNAM MEDI-PHARM 2023, ông Nguyễn Minh Lợi, Vụ Trưởng Vụ Trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế nêu rõ, ở Việt Nam, hàng năm có khoảng trên 10 ngàn sản phẩm thiết bị y tế được đăng ký cấp số lưu hành, cấp giấy phép nhập khẩu để phục vụ công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân. 

Tính đến nay, cả nước đã có khoảng trên 1000 đơn vị sản xuất thiết bị y tế trong nước, hơn 2500 đơn vị nhập khẩu với hàng trăm ngàn loại thiết bị khác nhau.

Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, cả nước đã có khoảng trên 1.000 đơn vị sản xuất thiết bị y tế trong nước, hơn 2.500 đơn vị nhập khẩu với hàng trăm ngàn loại thiết bị khác nhau.

Hàng năm, việc mua bán thiết bị y tế chỉ tính riêng trong các cơ sở y tế công lập trên cả nước đã lên đến hàng trăm ngàn tỷ đồng.

Chính vì vậy, việc đổi mới quản lý nhà nước về thiết bị y tế là một nội dung rất quan trọng, cần được tiếp cận, nghiên cứu và đề ra các giải pháp phù hợp với mục tiêu là xây dựng một thị trường thiết bị y tế Việt Nam theo hướng công khai, minh bạch, bình đẳng, cùng có lợi trong đó lấy người bệnh là trung tâm, được tiếp cận với các thiết bị tiên tiến.

Theo ông Lợi, trong những năm qua, Chính phủ, Bộ Y tế đã ban hành nhiều Nghị định, Thông tư và các văn bản về quản lý, hướng dẫn quản lý trang thiết bị y tế như Nghị định số 36/2016/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế;

Nghị định số 169/2018/NĐ-CP và Nghị định số 03/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 36; Nghị định 98/2021 quản lý trang thiết bị y tế thay thế các Nghị định trước đó. Và, mới đây nhất, để đảm bảo tính khả thi và đáp ứng yêu cầu thực tiễn, ngày 03/3/2023 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP.

Như vậy, với việc ban hành các nghị định và các thông tư hướng dẫn về quản lý thiết bị y tế, Chính phủ đã khẳng định vai trò của quản lý nhà nước trong đó thể chế hóa về các nội dung như phân loại trang thiết bị y tế; sản xuất, nghiên cứu lâm sàng, lưu hành, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cung cấp dịch vụ trang thiết bị y tế; thông tin, quảng cáo trang thiết bị y tế; quản lý giá trang thiết bị y tế và quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế.

Sắp kết thúc Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023

Thời tiết nắng nóng khiến thực phẩm dễ bị ôi thiu, nhiễm khuẩn, cộng với thói quen sử dụng, chế biến, bảo quản thực phẩm không đúng cách làm gia tăng nỗi lo ngộ độc.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong tháng 4/2023, cả nước xảy ra 8 vụ ngộ độc thực phẩm với 117 người bị ngộ độc. Tính chung 4 tháng đầu năm 2023, cả nước xảy ra 25 vụ với 344 người bị ngộ độc, trong đó có 8 người tử vong.

Theo các chuyên gia y tế, nguyên nhân xảy ra ngộ độc thực phẩm có thể đến ở mọi khâu, từ lựa chọn nguyên liệu, sơ chế, chế biến, cho đến bảo quản, bày bán...

Trước những nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm, TP. Hà Nội và các tỉnh đã triển khai “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2023, với chủ đề “Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”.

Thực hiện từ ngày 15/4 đến 15/5, Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2023 của Hà Nội mang nhiều hoạt động như:

Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm;

Bên cạnh đó còn đề cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong việc thực hiện pháp luật về an toàn thực phẩm; kịp thời thông tin các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và các cơ sở vi phạm, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn thực phẩm;

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm;

nêu cao vai trò của chính quyền các cấp, các cơ quan quản lý, tổ chức xã hội và sự giám sát của người tiêu dùng đối với việc tuân thủ pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đồng thời nâng cao năng lực phòng ngừa, chủ động xử lý ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; giảm ngộ độc do tiêu dùng thực phẩm không an toàn.

Tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại

Theo báo cáo của các cơ quan chuyên ngành thú y và y tế của địa phương, 5 năm qua, bệnh dại ở nước ta đã làm chết 410 người, hơn 2,7 triệu lượt người phải điều trị dự phòng, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, gây thiệt hại lớn về kinh tế.

Năm 2022, cả nước ghi nhận 70 ca tử vong và ba tháng đầu năm 2023 đã có 23 người chết do bệnh dại. Đáng chú ý là mới đây tại tỉnh Tây Ninh, có ba người bị chó dại cắn, khiến một người tử vong, cho thấy nguy cơ cao dịch bệnh dại tiếp tục xảy ra trong điều kiện thời tiết mùa hè nắng nóng.

Nguyên nhân khiến gia tăng tình trạng chó cắn người, chó mắc bệnh dại và các trường hợp người mắc bệnh dại là do tổng đàn chó, mèo của cả nước khá nhiều, nhưng tỷ lệ chó, mèo được tiêm phòng còn thấp. Công tác quản lý đàn chó tại nhiều nơi còn lỏng lẻo, một số địa phương chưa thành lập đội chuyên trách để bắt chó thả rông.

Nhiều người nuôi chó không chấp hành việc đăng ký, nuôi nhốt chó, tình trạng chó thả rông, không đeo rọ mõm còn phổ biến. Việc áp dụng các chế tài xử lý vi phạm quy định về quản lý chó nuôi, về tiêm phòng vắc-xin dại cho chó, mèo chưa được thực hiện nghiêm theo Nghị định số 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ...

Để khắc phục những bất cập nêu trên và nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bệnh dại, giảm thiểu và tiến tới không còn người chết vì bệnh dại, ngày 21/4/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng chống bệnh dại.

Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo UBND các cấp và các sở, ngành liên quan triển khai các hoạt động cụ thể, phù hợp tình hình thực tế của địa phương, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về phòng chống bệnh dại ở người và động vật.

Người đứng đầu UBND các cấp chịu hoàn toàn trách nhiệm trong việc chỉ đạo tổ chức thực hiện có hiệu quả các biện pháp phòng chống bệnh dại; xử lý cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý;

Tổ chức thống kê chính xác số hộ nuôi và số chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xã; hướng dẫn, yêu cầu chủ hộ nuôi chó, mèo cam kết thực hiện nghiêm việc khai báo, chấp hành việc nuôi nhốt chó, mèo trong khuôn viên gia đình, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, không để ảnh hưởng tới những người chung quanh;

Xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ nguồn lực để tổ chức triển khai có hiệu quả kế hoạch phòng chống bệnh dại của địa phương; ưu tiên mua vắc-xin, tổ chức thực hiện tiêm vaccine dại cho đàn chó, mèo đồng loạt vào cùng một thời điểm, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

UBND các địa phương chỉ đạo UBND các cấp cần chủ động phối hợp cơ quan quản lý chuyên ngành thú y tổ chức thực hiện tiêm phòng vắc-xin dại cho đàn chó, mèo, bảo đảm đạt tỷ lệ tiêm phòng hơn 70% tổng đàn trong giai đoạn 2023-2025 và hơn 80% trong giai đoạn 2026-2030;

Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để người nuôi có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định về quản lý chó, không để chó chạy rông, khi đưa chó ra ngoài cần thực hiện nghiêm việc đeo rọ mõm và có người dắt, chấp hành tiêm vắc-xin phòng bệnh dại;

Tuyên truyền sâu rộng trong cộng đồng dân cư, các tổ chức, cá nhân về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, biện pháp, các quy định của pháp luật về phòng chống bệnh dại;

Thành lập các đoàn kiểm tra, thanh tra, đôn đốc, hướng dẫn công tác phòng chống bệnh dại tại các tỉnh, thành phố; tăng cường giám sát phát hiện các ca bệnh dại với sự hỗ trợ và tham gia của cộng đồng dân cư.

Tin liên quan
Tin khác