Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 17/6: Nguy kịch do ăn măng chua; WHO cảnh báo về siro ho nhiễm độc
D.Ngân - 17/06/2023 07:58
Đại diện Bệnh viện Bạch Mai thông tin, Trung tâm chống độc của bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 44 tuổi từ Thái Nguyên nguy kịch do ăn măng.

Uống nước măng chua bị ngộ độc

Theo gia đình bệnh nhân và các bác sĩ tuyến trước, bệnh nhân cùng chồng uống nước măng chua từ lọ măng chua của gia đình tự ngâm (lọ chứa khoảng 1 kg măng tre, ngâm tươi, để đã được 1 năm và gia đình đang ăn dần). Bệnh nhân uống khoảng 200ml, còn chồng uống khoảng 30ml (không có biểu hiện gì).

Đại diện Bệnh viện Bạch Mai thông tin, Trung tâm chống độc của bệnh viện vừa tiếp nhận một bệnh nhân nữ 44 tuổi từ Thái Nguyên nguy kịch do ăn măng.

Sau uống khoảng 5 phút, bệnh nhân kêu đau đầu, nôn nhiều, co giật toàn thân, hôn mê, xét nghiệm máu có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng. Bệnh nhân được cấp cứu ở tuyến trước, đặt ống nội khí quản, thở máy và hội chẩn với Trung tâm chống độc từ xa, sau đó chuyển Trung tâm chống độc do nghi ngộ độc xyanua tiên lượng nặng hoặc có thể diễn biến phức tạp.

Các mẫu của bệnh nhân mang tới đã được xét nghiệm tìm các chất độc, kết quả xét nghiệm cho thấy tất cả các mẫu đều có chứa xyanua, bao gồm cả mẫu nước măng và các mẫu từ cơ thể bệnh nhân, đặc biệt hàm lượng xyanua có trong các mẫu dịch dạ dày, máu, nước tiểu.

Bệnh nhân đã được tiếp tục điều trị hồi sức tích cực, tình trạng cải thiện dần, tỉnh táo, các xét nghiệm trở về bình thường và đã được rút nội khí quản. Sau 4 ngày bệnh nhân được xuất viện.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc cho biết, xyanua là chất cực độc, liều thấp nhất có thể gây tử vong trên người là 0,56 mg/kg cân nặng, với trọng lượng của bệnh nhân, uống 30mg xyanua đã có thể gây tử vong. Người chồng rất có thể do uống ít nên không bị ngộ độc.

Vậy tại sao uống nhiều nước măng tre lại có thể bị ngộ độc xyanua? Trong một số loài thực vật có chứa các tiền chất của xyanua, khi ăn vào cơ thể các chất này sẽ chuyển thành xyanua, điển hình nhất là sắn và măng (măng tre, vầu, trúc…).

Trên thực tế, lượng độc tố trong măng nhanh chóng giảm nhiều qua quá trình chế biến như luộc, ngâm, ủ. 

Ngộ độc xyanua do ăn măng ở người rất hiếm gặp và chỉ khi ăn quá nhiều tới mức ăn no măng hoặc ăn nhiều như “ăn thay cơm”, và đặc biệt là với măng tươi do lượng độc tố còn nhiều. Trong điều kiện ăn uống bình thường, người ăn có thể yên tâm múc vài thìa nhỏ nước măng làm gia vị mà không sao.

Để phòng tránh ngộ độc xyanua do ăn măng và sắn, Trung tâm chống độc khuyến cáo người dân cần chế biến măng và sắn đầy đủ trước khi ăn.

Với măng nên luộc sôi kỹ (nếu có thể thì sôi trong 1-2 tiếng), măng tươi trước khi ngâm trong lọ thì thái thành các miếng nhỏ và mỏng sau đó ngâm trước trong nước trong 24h để loại bớt độc tố.

Lưu ý trong quá trình luộc hoặc ngâm măng ở ngoài thì cần thay nước mới nhiều lần để loại bỏ hiệu quả các độc tố (vì nước cũ đã có độc tố từ măng khuếch tán ra). Người dân cũng nên tránh các tình huống ăn quá nhiều măng tới mức cực đoan (ví dụ ăn măng là chính và tới khi no, hoặc “ăn thay cơm”).

Nước ngâm măng có thể làm gia vị nhưng không nên uống quá nhiều (một người không nên uống một lần tới hàng trăm ml như trên).

Với sắn thì cần bóc sạch toàn bộ vỏ, sau đó rửa sạch nhựa và ngâm kỹ trong nhiều nước hoặc thay nước nhiều lần và cũng không nên ăn quá nhiều.

Động kinh, ngộ độc sau khi uống thuốc bảo vệ thực vật

Theo tin từ Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho hay, tại Khoa Hồi sức thần kinh vừa cấp cứu và điều trị thành công cho một nữ bệnh nhân (47 tuổi, ở Thái Nguyên), nhập viện trong trạng thái động kinh do ngộ độc sau khi uống thuốc bảo vệ thực vật.

Trước khi vào viện 15 ngày, nữ bệnh nhân bị chấn thương sọ não do tai nạn sinh hoạt. Theo lời kể của người nhà, bệnh nhân sống một mình, được hàng xóm phát hiện trong tình trạng hôn mê, gọi hỏi không đáp ứng kèm theo xuất hiện nhiều cơn co cứng co giật toàn thân liên tiếp, mỗi cơn kéo dài khoảng 30 giây đến 1 phút.

Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa tỉnh và chuyển lên Bệnh viện trung ương Quân đội 108 trong tình trạng ý thức đang duy trì an thần và thở máy.

Tại Khoa Hồi sức thần kinh, Bệnh viện trung ương Quân đội 108, các bác sĩ tiến hành điều trị hồi sức cơ bản tích cực cho bệnh nhân.

Đồng thời, tầm soát các nguyên nhân gây ra trạng thái động kinh như xét nghiệm máu, chụp cắt lớp vi tính sọ não, chọc dịch ống sống thắt lưng xét nghiệm dịch não tủy. Bệnh nhân được xác định nguyên nhân gây ra trạng thái động kinh là do ngộ độc sau khi uống thuốc bảo vệ thực vật.

Sau điều trị, tình trạng bệnh nhân cải thiện dần, ý thức tỉnh, không còn cơn co giật. Bệnh nhân đã cai thở máy, rút ống nội khí quản. Sau rút ống nội khí quản, tình trạng bệnh cải thiện dần, ý thức tỉnh, tiếp xúc được, tự thở êm, trò chuyện được với mọi người xung quanh. Bệnh nhân được điều trị tích cực, tình trạng bệnh cải thiện dần.

Sau 15 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được ra viện và chuyển về bệnh viện tuyến dưới tiếp tục chăm sóc, theo dõi.

WHO cảnh báo về siro ho nhiễm độc

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo siro ho nhiễm độc đang tạo ra một mối đe dọa toàn cầu và cho biết đang hợp tác với 6 quốc gia để điều tra về các loại thuốc có hại cho trẻ em.

Ông Rutendo Kuwana, Trưởng nhóm về các sự cố thuốc giả và kém chất lượng của WHO - không nêu tên 6 quốc gia mà cơ quan này đang hợp tác. Ông dự đoán có thể mất vài năm để tìm thấy các loại thuốc có chứa thành phần độc hại. "Đây là một mối rủi ro đang diễn ra", ông Kuwana nói.

Một số chuyên gia gia cho rằng những nhà sản xuất thuốc vô nhân tính đã thay thế chất propylene glycol thường được sử dụng trong siro ho bằng các chất độc khác, vì những chất này có giá thành rẻ hơn. Đây cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của hơn 300 trẻ em ở nhiều nước.

Từ năm 2001, WHO đã khuyến cáo không nên cho trẻ em dưới 5 tuổi uống siro ho, vì không có nhiều bằng chứng cho thấy hiệu quả của chúng và những tác dụng phụ mà chúng có thể gây ra vẫn chưa được làm rõ.

WHO cũng kêu gọi tất cả quốc gia tăng cường giám sát và hỗ trợ các quốc gia liên quan trong quá trình tìm ra các siro ho kém chất lượng.

Được biết, vừa qua Bộ Y tế Việt Nam cho biết đã nhận được công điện của Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) cảnh báo các cơ quan chức năng thành viên của Interpol về việc hàng trăm trẻ em đã tử vong hoặc bị tổn thương thận cấp tính sau khi sử dụng 14 sản phẩm siro bị cấm ở một số quốc gia.

Theo thông tin từ Interpol, các sản phẩm này được sản xuất tại Ấn Độ và Indonesia có chứa Diethylene có thể dẫn đến tổn thương sức khỏe nghiêm trọng hoặc tử vong cho người sử dụng.

Để bảo đảm an toàn cho người sử dụng, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế thông báo cho các cơ sở y tế, cơ sở dược trên địa bàn, các khoa, phòng tại đơn vị biết về các thông tin cảnh báo đối với 14 sản phẩm siro ho nêu trên để khuyến cáo về tác hại nghiêm trọng nếu sử dụng sản phẩm và nghiêm cấm sử dụng.

Theo yêu cầu của Bộ Y tế thì Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh dược việc lưu hành các sản phẩm này nói riêng và các thuốc không có nguồn gốc, xuất xứ, chưa được cấp phép lưu hành nói chung trên thị trường.

Trường hợp phát hiện các sản phẩm này có lưu hành, tiến hành thu hồi, tiêu hủy và xử lý vi phạm đối với các cơ sở kinh doanh dược theo quy định, tránh gây hại cho người sử dụng.

Tin liên quan
Tin khác