Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 20/11: Nhiều khó khăn thách thức trong mục tiêu chấm dứt bệnh Lao
D.Ngân - 20/11/2022 10:51
Chương trình chống Lao Quốc gia vừa triển khai giao ban toàn quốc Tổng kết hoạt động phòng, chống lao năm 2022 và kế hoạch năm 2023.

Gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc

Theo Báo cáo năm 2022 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), hiện nay, Việt Nam hiện vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao, đứng thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh lao cao nhất trên toàn cầu đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam đã phát hiện 76.072 ca bệnh, tương tự 3 quý đầu năm 2019 - thời điểm trước dịch Covid-19, cao hơn cả cùng kỳ năm 2020. Duy trì được tỷ lệ điều trị thành công các ca bệnh lao mới và tái phát trên 90%.

So với chỉ tiêu kế hoạch là 139.000 ca bệnh được phát hiện. Đây là số liệu cam kết với Quỹ toàn cầu để đạt mục tiêu thanh toán bệnh lao vào năm 2030. Như vậy trong 9 tháng đầu năm mới chỉ đạt được 54,7% chỉ tiêu kế hoạch cả năm, tương ứng với 76.072 ca bệnh.

Ảnh minh hoạ

Để hoàn thành chỉ tiêu Chương trình sẽ gặp vô vàn khó khăn thách thức trong giai đoạn cuối năm. Tuy nhiên, với những tín hiệu tích cực, việc phục hồi lại hoạt động phát hiện và công tác chống lao tại các địa phương ngang bằng với giai đoạn trước Covid-19 cũng đã cho thấy những nỗ lực to lớn của hệ thống chống lao trên toàn quốc và việc đạt được con số 100.000 ca phát hiện trong cả năm 2022 có thể khả thi.

Để bù đắp các chỉ tiêu phát hiện ca bệnh lao do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, năm 2022, Chương trình chống lao Quốc gia đã triển khai nhiều hoạt động sàng lọc phát hiện chủ động, hoạt động lao tiềm ẩn, lao kháng thuốc, lao trong trại giam, lao trẻ em, phối hợp công tư trong công tác phòng chống lao...

Duy trì mục tiêu triển khai công tác chống lao tại 100% số quận huyện và 100% số xã, phường. Tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận đạt 100%.

51/63 tỉnh thành phố trên toàn quốc đã thành lập bệnh viện phổi, bệnh viện lao và bệnh phổi. Chương trình Chống lao Quốc gia đã tiếp tục triển khai các hoạt động phát triển mạng lưới phối hợp với các đối tác như: Bộ Công an; Cục phòng chống HIV/AIDS; WHO; các bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương, tuyến tỉnh và nhiều đối tác khác như Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Cục Y tế-Bộ Công an.

Trong năm 2023 Chương trình Chống lao Quốc gia sẽ đẩy mạnh thực hiện các mục tiêu của Chiến lược chấm dứt bệnh lao giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn 2030; Xây dựng và hoàn thiện Đề xuất viện trợ Quỹ Toàn cầu Phòng chống lao giai đoạn 2024-2026.

Đặc biệt, chương trình cũng tập trung hỗ trợ các địa phương trong việc quản lý điều tiết sử dụng thuốc chống lao từ nguồn bảo hiểm y tế để đảm bảo có đủ thuốc sử dụng cho người bệnh, đáp ứng các điều kiện về thanh quyết toán với cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định;

Tăng cường áp dụng chiến lược 2X (Xquang, Xpert) trong các tiếp cận phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh nhân lao, sử dụng hiệu quả xe X-quang di động kỹ thuât số và các máy X-quang di động được cấp cho các tỉnh trong phát hiện bệnh nhân lao.

Xử phạt 2 công ty sản xuất thuốc kém chất lượng

Cục Quản lý Dược vừa ban hành quyết định xử phạt hành chính đồng thời buộc tiêu hủy toàn bộ 2 lô thuốc vi phạm chất lượng mức độ 2, đối với 2 Công ty là Công ty cổ phần 23 tháng 9 và Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh.

Tại Quyết định số 745/QĐ-XPHC ngày 16/11/2022 của Cục Quản lý Dược, Công ty Cổ phần 23 tháng 9 (địa chỉ trụ sở chính: Quận 6, TP.HCM) bị xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng.

Lý do xử phạt: Sản xuất thuốc Batiwell, số giấy đăng ký lưu hành VD-31011-18, số lô 00121, NSX 8/3/2021, HSD 8/3/2024 do sản phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu độ đồng đều thể tích và độ đồng đều hàm lượng (vi phạm mức độ 2).

Còn tại Quyết định số 746/QĐ-XPHC ngày 16/11/2022 của Cục Quản lý Dược, Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh (địa chỉ trụ sở chính: TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) bị xử phạt vi phạm hành chính 70 triệu đồng. Lý do xử phạt: Sản xuất thuốc Nutrohadi F, số giấy đăng ký lưu hành VD-18684-13, số lô 030221, NSX 24/2/2021, HSD 23/2/2024 vi phạm chất lượng mức độ 2 theo quy định của pháp luật.

Do đó, Công ty Cổ phần 23 tháng 9 và Công ty Cổ phần Dược Hà Tĩnh và phải nộp 140 triệu đồng vào ngân sách nhà nước trong vòng 10 ngày và buộc phải tiêu hủy toàn bộ lô thuốc vi phạm nêu trên theo quy định của phát luật.

Trước đó, tháng 11/2021, sau khi có kết quả kiểm nghiệm mẫu thuốc Siro uống Siro Nutrohadi F, Số GĐKLH: VD-18684-13, Số lô: 030221; NSX: 240221; HD: 230224 không đạt tiêu chuẩn chất lượng về chỉ tiêu Định lượng Riboflavin, Thiamin Hydoclorid, Tocopherol acetat, Cục Quản lý Dược đã thông báo thu hồi lô thuốc này trên địa bàn TP Hà Nội.

Batiwell là chất có tác dụng long đờm. Thuốc dung dịch uống Batiwell được chỉ định để hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp cấp hoặc mạn tính có ho xuất tiết.

Nutrohadi F là một dạng thuốc bổ sung các nhóm vitamin, khoáng chất và acid amin. Thuốc được chỉ định cho các đối tượng có chế độ ăn không cân đối hay thiếu dinh dưỡng, trẻ biếng ăn, giai đoạn trẻ đang tăng trưởng, thời kỳ dưỡng bệnh, đang có bệnh mạn tính, bệnh nhiễm khuẩn, bệnh nhân bỏng, bị mụn rộp…

Hơn 55 nghìn liều vắc-xin phòng Covid-19 được tiêm trong ngày 19/11

Theo số liệu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mới cập nhật của Bộ Y tế, tính đến ngày 19/11, cả nước đã triển khai tiêm được 263.256.497 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho 3 nhóm tuổi.

Riêng trong ngày 19/11, có 55.384 liều vắc-xin được tiêm tại 21 địa phương, trong đó 19.252 mũi tiêm cho người từ 12 tuổi trở lên và 14.737 mũi tiêm cho trẻ 5-11 tuổi.

Nhóm từ 18 tuổi trở lên:

Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 51.429.975 mũi tiêm (79,3%), trong ngày có 17 địa phương triển khai với 4.729 người được tiêm.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,2%); Bình Định (59,3%); Phú Yên (61,4%); Đồng Nai (53,7%); Đồng Tháp (59,7%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,9%); Sóc Trăng (99,9%).

Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 16.745.267 mũi tiêm (85,2%) tăng 0,1%, trong ngày có 18 địa phương triển khai với 12.171 người được tiêm.

Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.598.520 trẻ (65,5%) tăng 0,1%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,9%); Phú Yên (39,9%); Bình Thuận (42,7%); TP.HCM (36,1%); Đồng Nai (42,3%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,7%); Quảng Ninh (90,6%); Kon Tum (90,6%); Lâm Đồng (93,4%).

Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 17.182.298. Mũi 1: 9.993.486 trẻ (90,1%) tăng 0,1%.

Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (76,0%); Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP.HCM (63,8%); Đồng Nai (79,9%).

Mũi 2: 7.188.812 trẻ (64,8%) tăng 0,4%. Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (46,7%); Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (34,1%); TP.HCM (36,8%); Đồng Nai (44,7%).

Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,4%); Sóc Trăng (99,8%); Cà Mau (96,3%).

Tin liên quan
Tin khác