Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 22/2: Hà Nội hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm
D.Ngân - 22/02/2023 09:48
Bộ Y tế vừa có Quyết định số 788/QĐ-BYT ban hành kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2025.

Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đến năm 2025

Bộ Y tế đặt ra 11 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm, trong đó, tập trung tăng cường năng lực chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm mới nổi.

Mục tiêu của kế hoạch nhằm phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, hướng tới bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, góp phần nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.

Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về y tế, tập trung công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách, đặc biệt các chính sách đổi mới trong phát triển ngành. Từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật y tế, sắp xếp bộ máy quản lý và cung ứng dịch vụ y tế tinh gọn để tạo động lực thúc đẩy hệ thống y tế hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ảnh minh hoạ.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả của mạng lưới cung ứng dịch vụ y tế từ trung ương đến cơ sở để đáp ứng với sự thay đổi mô hình bệnh tật, già hóa dân số, hội nhập quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; thay đổi phương thức chăm sóc sức khỏe cho người dân theo hướng thực hiện chăm sóc sức khỏe chủ động hướng tới phòng bệnh, sàng lọc chẩn đoán bệnh sớm và quản lý bệnh.

Bảo đảm an ninh y tế, tăng cường năng lực chuẩn bị và ứng phó với dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm mới nổi; ứng phó kịp thời với biến đổi khí hậu, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, các tình huống khẩn cấp về y tế.

Từng bước kiểm soát các yếu tố có hại đến sức khỏe liên quan đến ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu, sức khỏe lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống tai nạn thương tích, an toàn thực phẩm, lối sống và hành vi, nâng cao sức khỏe người dân, phòng chống và quản lý hiệu quả các bệnh không lây nhiễm.

Chủ động duy trì vững chắc mức sinh thay thế, giảm chênh lệch mức sinh giữa các vùng, đối tượng; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; nâng cao chất lượng dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Tăng khả năng tiếp cận đến dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ - trẻ em, sức khỏe sinh sản có chất lượng.

Đổi mới công tác đào tạo, quản lý nguồn nhân lực y tế, nâng cao y đức, xây dựng cơ chế để đội ngũ cán bộ y tế được đãi ngộ xứng đáng. Bảo đảm cân đối hợp lý trong phân bổ, sử dụng nguồn nhân lực y tế giữa các vùng, các tuyến, giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế.

Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ cao trong dự phòng, phát hiện, chẩn đoán và điều trị bệnh tật; đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số, phát huy vai trò công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành và hoạt động chuyên môn y tế.

Phát triển dược liệu, công nghiệp dược và thiết bị y tế. Bảo đảm đủ thuốc, vắc xin, trang thiết bị, sinh phẩm y tế với giá hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng, chữa bệnh của nhân dân. Thực hiện việc kiểm soát an toàn thực phẩm dựa trên đánh giá nguy cơ, sản xuất kinh doanh theo chuỗi, truy suất nguồn gốc.

Tăng tỷ trọng chi tiêu công cho y tế, 95% dân số tham gia bảo hiểm y tế, giảm chi tiêu tiền túi của hộ gia đình cho chăm sóc sức khỏe, nâng cao hiệu quả trong phân bổ và sử dụng ngân sách và các nguồn lực cho y tế, ưu tiên nguồn lực từ ngân sách cho phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở, vùng nghèo, vùng khó khăn. Đẩy mạnh hợp tác công - tư, đầu tư tư nhân cho y tế, cung cấp các dịch vụ theo yêu cầu, chất lượng cao.

Xây dựng chiến lược truyền thông giáo dục sức khỏe và đẩy mạnh thực hiện các hoạt động truyền thông thay đổi hành vi của người dân để người dân chủ động tham gia vào việc duy trì và tăng cường sức khỏe của cá nhân. Nâng cao vai trò và hiệu quả công tác phối hợp liên ngành, đẩy mạnh các hành động đa ngành trong chăm sóc sức khỏe.

11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của kế hoạch:

Củng cố năng lực chuẩn bị và ứng phó dịch bệnh, đổi mới y tế cơ sở và chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao sức khỏe; Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người bệnh; Thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân số, gắn dân số với phát triển; Phát triển nguồn nhân lực y tế và nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; Phát triển sản xuất, cung ứng dược, trang thiết bị y tế; tăng cường quản lý an toàn thực phẩm; Cải thiện chất lượng thông tin y tế và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành y tế; Đổi mới tài chính y tế và BHYT; Đổi mới hệ thống tổ chức ngành y tế, tăng cường quản lý nhà nước về y tế từ trung ương đến địa phương; Phát triển y tế gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, sẵn sàng ứng phó với các tình huống khẩn cấp về y tế; Thực hiện công tác truyền thông y tế theo hướng chủ động, minh bạch, kịp thời, chính xác, hiệu quả; Chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.

Hà Nội: Hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm

Sở Y tế Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch hậu kiểm các cơ sở sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm trên địa bàn thành phố năm 2023.

Mục đích nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm. Tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật về sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm.

Theo đó, yêu cầu công tác hậu kiểm phải tuân thủ các quy định của pháp luật: công khai, minh bạch, có tính chất phòng ngừa đồng thời có tính chất chấn chỉnh, hướng dẫn và xây dựng.

Quá trình hậu kiểm có sự phối hợp chặt chẽ giữa các phòng, ban của Sở Y tế và Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm nhằm kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật, tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Tổng hợp những vướng mắc, khó khăn, bất cập trong công tác quản lý Nhà nước về mỹ phẩm để có giải pháp, kiến nghị, đề xuất với Bộ Y tế, UBND thành phố.

Đối tượng thực hiện hậu kiểm là các cơ sở sản xuất mỹ phẩm, cơ sở công bố mỹ phẩm, cơ sở nhập khẩu mỹ phẩm trên địa bàn Hà Nội.

Nội dung hậu kiểm gồm: Kiểm tra điều kiện sản xuất mỹ phẩm (việc tuân thủ nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt sản xuất mỹ phẩm” của Hiệp hội các nước Đông Nam Á (CGMP-ASEAN) tại những cơ sở sản xuất mỹ phẩm trên địa bàn); Kiểm tra việc thực hiện ghi nhan sản phẩm mỹ phẩm lưu thông trên thị trường (tuân thủ quy định về ghi nhãn mỹ phẩm tại chương V, Thông tư 06/2011/TT-BYT);

Kiểm tra việc thực hiện Quy định về thông tin quảng cáo mỹ phẩm (Giấy xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm, nội dung quảng cáo mỹ phẩm); Kiểm tra Hồ sơ thông tin sản phẩm; Lấy mẫu mỹ phẩm để kiểm tra chất lượng.

Về tổ chức hậu kiểm: lên danh sách, lịch hậu kiểm năm 2023; thông báo cho Trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm Hà Nội và cơ sở được hậu kiểm về thời gian, địa điểm kiểm tra, nội dung hậu kiểm; tiến hành hậu kiểm.

Biện pháp xử lý sau kiểm tra, đối với các cơ sở đáp ứng nội dung, tiêu chí hậu kiểm, hoặc có tồn tại tuy nhiên mức độ không gây ảnh hưởng đến hoạt đông cơ sở thì nhắc nhở cơ sở khắc phục ngay. Đối với các cơ sở chấp hành chưa đầy đủ các quy định, yêu cầu cơ sở khẩn trương khắc phục và có báo cáo khắc phục đầy đủ về Sở Y tế có các tài liệu chứng minh.

Đối với cơ sở không chấp hành, chấp hành không tốt hoặc vi phạm các quy định của pháp luật, tùy theo mức độ để có hình thức xử lý khác nhau. Trường hợp cần thiết có thể thu hồi Giấy đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm hoặc số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm được đăng ký tại Sở Y tế.

Tin liên quan
Tin khác