Bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới
Mục đích của Kế hoạch nhằm quán triệt, nắm vững, thực hiện tốt các quan điểm, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu tại Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới (Chỉ thị số 17-CT/TW).
Tạo chuyển biến về nhận thức và hành động, đề cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan có liên quan và địa phương đối với công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách và bố trí nguồn nhân lực cho công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
Phát huy các kết quả đạt được trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về tầm quan trọng sống còn đối với sức khỏe, hạnh phúc của từng người dân, giống nòi dân tộc và sự phát triển của đất nước; từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập cả về thể chế và thực thi pháp luật của công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong thời gian tới.
Ảnh minh hoạ |
Kế hoạch yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chính quyền các cấp tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm. Cụ thể, thực hiện 8 nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; đưa các mục tiêu, chỉ tiêu về an ninh, an toàn thực phẩm vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị.
Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật, cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương, các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; các nguyên tắc, chế tài xử lý vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm liên thông với hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia và chuyên ngành.
Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội bảo vệ người tiêu dùng và các đoàn thể chủ động, tích cực tuyên truyền, vận động, giáo dục, cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về an ninh, an toàn thực phẩm, tập trung khơi dậy và phát huy tính trung thực, đạo đức kinh doanh, ý thức trách nhiệm.
Tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm; phát huy vai trò của các hợp tác xã, hiệp hội, ngành hàng trong liên kết, hỗ trợ sản xuất, bảo quản, chế biến, tiêu thụ thực phẩm an toàn, chất lượng.
Sớm kiện toàn tổ chức bộ máy làm công tác an ninh, an toàn thực phẩm theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ từ Trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm.
Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Xây dựng kế hoạch, chỉ tiêu biên chế cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đáp ứng yêu cầu về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát an toàn thực phẩm trong các khâu từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng. Nâng cao năng lực, trách nhiệm và có cơ chế, chính sách phù hợp đối với đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Tăng cường, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các nước láng giềng trong hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh việc ký kết các điều ước, thỏa thuận quốc tế về công nhận lẫn nhau trong lĩnh vực thực phẩm để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa thực phẩm Việt Nam vào các nước có quy định tiêu chuẩn kỹ thuật cao.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phấm.
Đẩy mạnh phong trào quần chúng phát hiện, tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm; tạo dư luận xã hội, người tiêu dùng lên án, tẩy chay các sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo an toàn thực phẩm. Có chính sách thoả đáng, kịp thời khen thưởng và biện pháp phù hợp để bảo vệ người tố giác hành vi vi phạm an ninh, an toàn thực phẩm.
Đồng thời, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm để hạ uy tín, ảnh hưởng tiêu cực đến sản xuất, kinh doanh lành mạnh của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân.
Xây dựng các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn, chất lượng; ưu tiên phát triển các vùng chuyên canh, sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn. Kiểm soát an toàn thực phẩm ngay từ yếu tố đầu vào trong sản xuất, kinh doanh.
Liên kết với các chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế, bảo đảm người dân được tiếp cận và sử dụng lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững; nâng cao năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thân thiện với môi trường trong sản xuất nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Khuyến khích, hỗ trợ hộ gia đình, hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm ứng dụng công nghệ cao và kết nối chuỗi giá trị cung ứng thực phẩm an toàn. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, nhất là với các nước láng giềng.
Các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao có trách nhiệm xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch của ngành để triển khai Chỉ thị số 17-CT/TW và Kế hoạch này; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện tại các bộ, ngành, địa phương.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và các bộ liên quan tổng hợp kết quả thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm.
Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương:
Căn cứ Chỉ thị số 17-CT/TW và Kế hoạch này, theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao có trách nhiệm tổ chức thực hiện kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong phạm vi, địa bàn quản lý.
Tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Phụ lục kèm theo Kế hoạch này, bảo đảm chất lượng, tiến độ.
Trước ngày 01 tháng 12 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện, gửi về Bộ Y tế để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam và các đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.
Cung cấp thông tin, dịch vụ tư vấn, hỗ trợ pháp luật và chủ động tăng cường vai trò, trách nhiệm giám sát, phản biện xã hội trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm, trong đó tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các Chương trình phối hợp đã ký kết giữa Chính phủ với các đoàn thể chính trị - xã hội.
Cấp cứu bệnh nhân phản vệ nguy kịch với "thuốc đông y gia truyền"
Theo Bác sĩ Phùng Chí Nhân - Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, các bác sĩ tại trung tâm đã tiếp nhận và cấp cứu cho nam bệnh nhân 65 tuổi phản vệ nguy kịch với "thuốc đông y gia truyền".
Nam bệnh nhân vào phòng cấp cứu Bệnh viện đa khoa Hùng Vương trong tình trạng nổi ban đỏ toàn thân, ý thức chậm, buồn nôn và có nôn ra thức ăn, phổi thông khí 2 bên giảm. Tiền sử: dị ứng tằm, tôm cua.
Ngay khi tiếp nhận bệnh nhân, khai thác tiền sử và triệu chứng các bác sĩ đã chẩn đoán bệnh nhân bị phản vệ mức độ nguy kịch và áp dụng phác đồ cấp cứu phản vệ.
Sau cấp cứu bệnh nhân dần ổn định và duy trì huyết áp trong giới hạn và được chuyển Khoa hồi sức cấp cứu bệnh viện điều trị.
Gia đình bệnh nhân cho biết bệnh nhân bị tê bì tay chân nhiều năm, gần đây người nhà có cắt thuốc nam cho bệnh nhân uống, sáng cùng ngày vào viện sau uống thuốc nam bệnh nhân đang đi làm thì có biểu hiện ngứa, đỏ da rải rác toàn thân.
Khi về nhà bệnh nhân bôi rượu vào người để giảm ngứa ngay sau đó triệu chứng mệt mỏi tăng lên, bệnh nhân ngã ra nền nhà, gọi hỏi đáp ứng chậm, gia đình đưa bệnh nhân đến bệnh viện cấp cứu.
Các bác sỹ khuyến cáo, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời.
Do đó, khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với các dị nguyên như: ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm..., người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt, với những bệnh nhân đã có tiền sử dị ứng với thuốc và các dị nguyên, cần thận trọng khi sử dụng thuốc, nên mua thuốc theo đơn của bác sĩ kê sau khi khám bệnh tại bệnh viện, không nên tự ý mua thuốc về uống hay tiêm, truyền tại nhà...