Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 23/8: Bệnh viện E được giải vàng về điều trị đột quỵ
D.Ngân - 23/08/2023 09:03
Bệnh viện E đã được Giáo sư, Tiến sĩ Jeyaraj Durai Pandian, Chủ tịch Hội Đột quỵ thế giới, trực tiếp trao giải vàng về điều trị đột quỵ (WSO Angles Awards). Đây là lần thứ 3 liên tiếp Bệnh viện vinh dự được nhận giải thưởng này.

Giải vàng về điều trị đột quỵ

WSO Angels Awards là giải thưởng mà Hội Đột quỵ Thế giới (W.S.O) dành cho các đơn vị và trung tâm điều trị đột quỵ có hoạt động chăm sóc đột quỵ xuất sắc trên phạm vi toàn cầu.

TS.Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E nhận bằng chứng nhận giải vàng về điều trị đột quỵ.

Khi đưa ra các tiêu chuẩn và trao tặng các chứng nhận này cho các đơn vị đột quỵ, Tổ chức Đột quỵ thế giới mong muốn sẽ đưa được những thành tựu của y học vào thực tiễn, để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân bị đột quỵ theo khuyến cáo chung của các Hội Đột quỵ chuyên ngành trên thế giới.

Để được nhận các giải thưởng này trong điều trị đột quỵ, cần đạt các tiêu chí do WSO đề ra về hệ thống cấp cứu, về nhân lực, trang thiết bị, tiêu chuẩn vàng trong điều trị nhồi máu não, tái thông mạch máu, được chẩn đoán và điều trị, can thiệp kịp thời…

Điều quan trọng nhất là chứng nhận do Hội Đột quỵ thế giới trao cho hệ thống cấp cứu, điều trị đột quỵ não đạt chuẩn không có hiệu lực vĩnh viễn. Thay vào đó, tổ chức này sẽ đánh giá chất lượng theo từng quý, nếu đủ tiêu chuẩn vượt qua hàng loạt tiêu chí khắt khe mới được cấp lại.

Thống kê của Hội Đột quỵ thế giới tại Việt Nam, hiện có hơn 100 đơn vị đột quỵ trên toàn quốc. Đơn vị đột quỵ và can thiệp mạch máu trung bình cấp cứu từ 50 -70 ca/tháng, cao điểm có 80-100 ca/tháng…

Trong đó tỷ lệ tắc mạch máu não chiếm 61%, xuất huyết não là 15 % và còn lại là các dạng giả đột quỵ khác như hạ đường huyết, rối loạn tiền đình…

Đột quỵ có thể xảy ra ở bất cứ thời điểm nào, dù là đang làm việc gắng sức hay nghỉ ngơi. Bệnh nhân đột quỵ cần được cấp cứu càng sớm càng tốt; để bảo đảm “thời gian vàng”, nhằm giảm thiểu những nguy hiểm cận kề có thể xảy ra.

Điều đáng nói, chỉ có 21% số người bệnh vào viện cấp cứu trong “thời gian vàng”; 52% người bệnh đến cấp cứu qua “thời gian vàng” để sử dụng các phương pháp điều trị tái tưới thông mạch máu như dùng thuốc tiêu huyết khối, can thiệp lấy huyết khối…

Hiện Bệnh viện E là một trong số ít cơ sở y tế ở Hà Nội từ khi cấp cứu vào viện đến khi được can thiệp thành công chỉ vòng 30 phút. Việc tiếp cận xử trí và điều trị người bệnh đột quỵ hiện nay tại đây đã phát triển rất mạnh, tiếp cận nhiều kỹ thuật cao, tiên tiến trên thế giới.

Bệnh viện đã triển khai thường quy nhiều kỹ thuật cao về can thiệp cho đột quỵ như: kỹ thuật tiêu huyết khối, lấy huyết khối cơ học, mở nửa sọ giảm áp cho người bệnh đột quỵ thiếu máu não, các phẫu thuật mở sọ lấy máu tụ, kẹp clipping cho túi phình động mạch vỡ trong chảy máu dưới nhện, các kỹ thuật hồi sức sọ não chuyên sâu như dẫn lưu não thất, theo dõi áp lực nội sọ, đo ô-xy não...

Đặc biệt, ở Bệnh viện E có hệ thống máy chụp mạch số hóa xóa nền hiện đại, có rất nhiều chức năng phục vụ cho các trường hợp can thiệp tim mạch phức tạp.

Kỹ thuật này giúp các bác sĩ phát hiện sớm các tình trạng bất thường của dòng máu, giúp cho việc chẩn đoán và điều trị được chính xác các bệnh lý nghiêm trọng trong lĩnh vực tim mạch, thần kinh, lên kế hoạch giải phẫu và giúp xác định chính xác các vị trí tổn thương bên trong cơ thể.

Nhờ có hệ thống chụp mạch máu số hóa xóa nền DSA này, nhiều trường hợp bệnh lý tim mạch, thần kinh, đặc biệt là mạch máu não đã được xác định chẩn đoán rõ ràng và được can thiệp nhanh chóng, kịp trong khoảng thời gian vàng nên đã được cứu sống.

Dịch đau mắt đỏ đang lây lan nhanh

Ngày 22/8, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, chỉ trong 1 tháng trở lại đây, Khoa Mắt của bệnh viện đã tiếp nhận gần 50 ca viêm kết mạc cấp. Trong có 10 - 20% trẻ gặp biến chứng nặng như: Có giả mạc cần bóc, bị trợt giác mạc (trầy xước giác mạc).

Bác sĩ Lưu Quỳnh Anh, Phó trưởng Khoa Mắt, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, bệnh viêm kết mạc cấp (hay còn gọi là đau mắt đỏ) là tình trạng viêm phần lòng trắng trong suốt của mắt (kết mạc nhãn cầu và mi mắt), bệnh thường xuất hiện vào mùa xuân hè, dễ lây lan thành dịch.

Bệnh thường khởi phát từ 3-7 ngày sau khi tiếp xúc với nguồn bệnh, triệu chứng bao gồm xung huyết kết mạc (đỏ mắt), kích thích chảy nước mắt, mắt có nhiều ghèn rỉ (có thể rỉ trắng, tiết tố dính nếu bệnh do virus, hoặc có thể rỉ xanh - vàng nếu do bội nhiễm vi khuẩn). Ở trẻ nhỏ có thể đi kèm triệu chứng viêm mũi, họng, viêm đường hô hấp, sốt…

Đặc biệt, ở trẻ em, bệnh có thể xuất hiện giả mạc (là một lớp màng trắng, mỏng phủ lên trên kết mạc gây chảy máu, làm bệnh lâu khỏi hoặc có thể gây tổn thương giác mạc), viêm giác mạc chấm nông.

Một số ít trường hợp có thể bội nhiễm gây biến chứng viêm loét giác mạc, làm ảnh hưởng tới thị lực lâu dài của trẻ.

Dịch viêm kết mạc thường do virus gây ra, 80% là Adenovirus, ngoài ra có thể gặp do các nguyên nhân khác như: virus herpes, thủy đậu, poxvirus…

Trẻ lây bệnh qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mắt, mũi, miệng (tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, dụi tay vào mắt, sử dụng chung đồ cá nhân với người bệnh…)

Để phòng tránh lây lan của bệnh, bác sĩ Lưu Quỳnh Anh khuyến cáo, chúng ta hạn chế dụi tay vào mắt, mũi, miệng. Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn tay.

Nếu mắt chảy nhiều nước mắt, có nhiều rỉ mắt thì sử dụng khăn giấy hoặc bông gạc y tế (sử dụng 1 lần) để vệ sinh, sau đó, bỏ vào thùng rác có nắp đậy để tránh tạo thành nguồn lây cho gia đình và người xung quanh, sát khuẩn tay sau khi vệ sinh mắt.

Không sử dụng kính áp tròng khi đang bị viêm kết mạc.

Sử dụng riêng các vật dụng cá nhân như: Đồ ăn, uống, chậu, khăn rửa mặt, chăn, gối ngủ.

Đeo khẩu trang khi có các triệu chứng ho, hắt hơi…

Vệ sinh bàn ghế, không gian sinh hoạt, vui chơi của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn bề mặt.

Hạn chế tiếp xúc ở nơi đông người.

Đặc biệt, khi trẻ có các triệu chứng bệnh như: đỏ mắt, chảy nước mắt, ra nhiều rỉ mắt, cần đưa trẻ đến các cơ sở khám mắt để được điều trị và xử lý biến chứng kịp thời.

Cha mẹ nên cho trẻ sử dụng riêng các vật dụng cá nhân: chăn, gối, khăn mặt..

Tin liên quan
Tin khác