Cảnh báo nguy cơ tổn thương phình động mạch não sau chấn thương
Gần đây, các bác sỹ chuyên khoa Hồi sức Thần kinh, Viện Thần kinh tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, đã phối hợp với các chuyên khoa cấp cứu và điều trị thành công một ca bệnh chấn thương sọ não nặng có biến chứng sốc mất máu do vỡ giả phình động mạch cảnh trong.
Các bác sỹ trong một ca can thiệp phình động mạch não sau chấn thương. |
Bệnh nhân nam, sinh năm 2008, bị tai nạn giao thông dẫn đến chấn thương sọ não nặng. Bệnh nhân đã được phối hợp tích cực với các chuyên khoa cấp cứu, gây mê hồi sức, phẫu thuật thần kinh để tiến hành hồi sức phẫu thuật, cấp cứu cho bệnh nhân.
Đặc biệt, bệnh nhân đột ngột có tình trạng sốc mất máu với biểu hiện: hôn mê sâu, huyết áp tụt thấp, nhịp tim nhanh, máu chảy qua mũi miệng. Các xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh cho thấy vỡ giả phình động mạch cảnh trong, gây tình trạng sốc mất máu nghiêm trọng.
Trước tình trạng bệnh nhân rất nguy kịch, kíp trực đã nhanh chóng tiến hành hồi sức tích cực, ổn định tuần hoàn và phối hợp cùng các bác sĩ Khoa Can thiệp mạch Thần kinh, Viện Thần kinh tiến hành can thiệp mạch cấp cứu tối khẩn cấp: Hồi sức tích cực, truyền dịch, vận mạch, thở máy, can thiệp mạch máu não cấp cứu, nút vỡ giả phình động mạch cảnh trong. Nhờ sự phối hợp đồng bộ và kịp thời giữa các chuyên khoa trong bệnh viện, bệnh nhân đã đã được cứu sống, dần hồi phục và ra viện.
Trường hợp này cho thấy tầm quan trọng của việc phát hiện sớm và can thiệp kịp thời đối với các biến chứng nguy hiểm như vỡ giả phình động mạch não trong chấn thương sọ não. Việc hồi sức cấp cứu thần kinh, can thiệp mạch não kịp thời là then chốt để cứu sống bệnh nhân.
Theo các bác sỹ tại đây, thông qua trường hợp này sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng, nhân viên y tế về tầm quan trọng của việc phát hiện và xử trí kịp thời các biến chứng nguy hiểm trong chấn thương sọ não, đặc biệt là biến chứng vỡ giả phình động mạch cảnh trong.
Bộ Y tế yêu cầu xác minh sự cố sản phụ tử vong sau sinh mổ tại Lâm Đồng
Bộ Y tế vừa có công văn khẩn gửi Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng về việc xác minh và báo cáo sự cố y khoa trường hợp sản phụ tử vong sau sinh mổ tại Bệnh viện đa khoa Lâm Đồng.
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo Bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập hội đồng chuyên môn xem xét quá trình tiếp đón, theo dõi, chăm sóc và xử trí đối với trường hợp sản phụ K’H theo quy định của Luật Khám bệnh, chữa bệnh; thông báo kết luận của hội đồng chuyên môn tới gia đình sản phụ và các cơ quan truyền thông đại chúng; đồng thời gửi báo cáo về Bộ Y tế.
Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng xử lý nghiêm các tập thể và cá nhân, nếu phát hiện có sai sót về chuyên môn, tinh thần, thái độ phục vụ và đạo đức nghề nghiệp theo quy định hiện hành; tiếp tục chỉ đạo, chấn chỉnh các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh sản phụ khoa trên địa bàn thực hiện nghiêm Chỉ thị số 06, ngày 11/8/2017 của Bộ trưởng Y tế về tăng cường chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh nhằm giảm tử vong bà mẹ, tử vong trẻ sơ sinh.
Trước đó, gia đình chị K’L (ngụ huyện Lâm Hà, Lâm Đồng) gửi đơn đến Ban Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng, đề nghị làm rõ việc người thân là chị K’H (29 tuổi) tử vong sau 11 ngày sinh mổ tại bệnh viện.
Ngày 15/9, sản phụ K’H nhập viện trong tình trạng vỡ ối. Các bác sỹ khám, chẩn đoán bệnh nhân và thai nhi có dấu hiệu bất thường nên quyết định mổ lấy thai. Sau mổ, tình trạng bệnh nhân ổn, 2 ngày sau bệnh nhân ho nhiều, có xuất hiện sốt. Bệnh viện chỉ định theo dõi viêm họng và điều trị.
Đến ngày 19/9, bệnh nhân hết sốt, gia đình đề nghị cho chị K'H và bé sơ sinh được xuất viện, về nhà. Đến ngày 21/9, chị K’H được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng trong tình trạng khó thở, huyết áp khó đo. Sau một thời gian, bệnh nhân hôn mê, bụng chướng, bầm tím vùng hạ vị, vết mổ dọc giữa bụng căng, tím.
Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng hội chẩn toàn viện để mổ cấp cứu. Sau mổ, bệnh nhân được theo dõi tại Khoa Hồi sức tích cực và chống độc trong tình trạng đáp ứng điều trị kém. Đến ngày 26/9, bệnh nhân hôn mê sâu.
Sau khi được bệnh viện giải thích, gia đình xin đưa bệnh nhân về nhà. Trong ngày 26/9, chị K’Hiền tử vong. Bệnh nhân là nhân viên y tế có tiền sử suy giáp.
TP.HCM: Số ca nhiễm sởi, sốt xuất huyết và tay chân miệng vẫn tăng
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) thông tin cập nhật tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn, tính đến tuần 40 của năm 2024.
Theo đó, tính từ ngày 30/9 đến ngày 6/10/2024 (tuần 40), tại TP.HCM ghi nhận 437 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 23,4% so với trung bình 4 tuần trước.
Tổng số ca tay chân miệng tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 39 là 12.733 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao hơn 100.000 dân, bao gồm huyện Bình Chánh, Nhà Bè và quận 8.
Trong tuần 40, TP cũng ghi nhận 411 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 19,3% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 40 là 8.198 ca. Các quận, huyện có số ca mắc cao trên 100.000 dân, bao gồm: Quận 1, TP.Thủ Đức và quận 7.
Đáng chú ý trong tuần 40, TP.HCM ghi nhận 141 ca sởi, tăng 60,2% so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sởi tích lũy từ đầu năm 2024 đến tuần 40 là 967 ca.
Các địa phương có số ca mắc cao, bao gồm TP.Thủ Đức, huyện Củ Chi, các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè và các quận Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình, Bình Thạnh, các quận 1, 4, 12 và quận Phú Nhuận.
Số ca nhiễm sởi gia tăng trong bối cảnh đã có hơn 97% số trẻ từ 1 đến 10 tuổi tại TP.HCM được tiêm vắc-xin phòng bệnh. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều quận, huyện chưa đạt tỷ lệ tiêm chủng 95%.
Tính đến hết ngày 7/10, tổng số mũi tiêm vắc-xin sởi tích lũy trên địa bàn Thành phố là 213.840 mũi. Trong đó, trẻ từ 1-5 tuổi đã tiêm được 44.525 mũi (đạt 96,95%), trẻ từ 6-10 tuổi là 145.776 mũi (đạt 97,99%). Chiến dịch tiêm vắc-xin phòng, chống dịch sởi đạt 98% theo kế hoạch.
Hiện tại, còn 6 quận huyện có tỷ lệ tiêm vắc-xin sởi chưa đạt 95% gồm Bình Tân, Quận 10, Gò Vấp, Tân Phú, Quận 3 và Cần Giờ.
Sở Y tế đề nghị UBND các quận huyện này cần đẩy nhanh tiến độ để đạt mục tiêu chiến dịch tại quận huyện; đối với những quận huyện đã đạt tỷ lệ từ 95% trở lên cần duy trì việc cập nhật tình hình trẻ di biến động, tránh để bỏ sót trẻ chưa được tiêm chủng trên địa bàn.