Hội nghị có sự tham gia của gần 1.000 chuyên gia nhi khoa trong nước và quốc tế. Đây là dịp để các chuyên gia, các nhà khoa học, y bác sĩ gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm cũng như chia sẻ, cập nhật những thành tựu, tiến bộ trong điều trị, nghiên cứu, phát triển kỹ thuật cao, góp phần chăm sóc sức khỏe toàn diện cho trẻ em và xây dựng nền y học Việt Nam ngày càng phát triển.
Hơn 300 báo cáo khoa học tập trung vào các vấn đề như là mô hình bệnh tật trẻ em, công bằng trong chăm sóc sức khoẻ, các bệnh truyền nhiễm và không lây nhiễm của trẻ em, ứng dụng công nghệ mới trong điều trị nhi khoa.
Hội nghị bao gồm các phiên đào tạo tiền hội nghị, phiên tổng quan và phiên chuyên ngành với nhiều chủ đề có tính thời sự và thực tiễn cao như: Covid-19 và hậu Covid-19; Hồi sức cấp cứu; Thần kinh; Tim mạch; Nội tiết – Chuyển hoá – Di truyền; Tiêu hoá – Gan mật.
Chuyên ngành nhi khoa thời gian qua đã có những cố gắng vượt bậc, đã giảm được tỷ lệ tử vong cho trẻ em dưới 1 tuổi cũng như trẻ em dưới 5 tuổi và theo được mục tiêu thiên niên kỷ.
Ảnh minh hoạ |
Tuy nhiên, trước tình hình mô hình bệnh không lây nhiễm gia tăng cần tập trung để kiểm soát con số về mắc bệnh và bệnh tử vong ở trẻ em Việt Nam; đồng thời cần ứng phó bệnh truyền nhiễm tái bùng phát, bệnh mới nổi có nguy cơ xâm nhập.
Gánh nặng bệnh tật phân bố khác nhau đối với các nhóm tuổi khác nhau. Đối với những trẻ từ 0-27 ngày tuổi, những bệnh liên quan đến thai kỳ, nhiễm khuẩn huyết sơ sinh gây ra số ca tử vong hàng đầu ở trẻ nhóm tuổi này. Nhóm tuổi từ 1 tháng - 1 tuổi, gánh nặng hàng đầu là nhiễm khuẩn hô hấp dưới và bệnh tim bẩm sinh. Nhóm tuổi từ 1 - 4 tuổi chủ yếu gánh nặng bệnh tật liên quan đến đuối nước và bệnh nhiễm khuẩn hô hấp dưới. Nhóm trẻ lớn, vị thành viên bị tác động nhiều bởi các bệnh không lây nhiễm.
Cùng đó sau đại dịch Covid-19 cũng cho thấy nhiều trẻ đối diện với hàng loạt vấn đề tâm lý, tình trạng của trẻ mắc bệnh mạn tính trầm trọng hơn do hạn chế tiếp cận dịch vụ y tế trong và sau dịch.
Số trẻ bị hội chứng viêm đa hệ thống liên quan tới Covid-19 ở trẻ em (MIS-C) cũng tăng, được so sánh như là gánh nặng tương tự suy hô hấp giai đoạn cấp ở người lớn mắc Covid-19.
Số bệnh nhi ngày một gia tăng nhưng nguồn nhân lực y tế để đáp ứng yêu cầu thì rất thiếu. Theo các báo cáo khu vực phía Bắc, 327 bệnh viện từ tuyến huyện trở lên có khoảng 1.788 bác sĩ làm việc trong lĩnh vực nhi khoa, bình quân cứ 10.000 trẻ thì chỉ có 2 bác sĩ chăm sóc.
Tỷ lệ này ở điều dưỡng là 3,2 điều dưỡng/10.000 trẻ. Số liệu tại TP Hồ Chí Minh hiện có 1452 bác sĩ (656 bác sĩ đa khoa) phục vụ chăm sóc sức khỏe trẻ em, tỷ lệ 9,6 bác sĩ/10.000 trẻ em. Tỷ lệ điều dưỡng nhi là 9,5/10.000 trẻ em.
Do đó, cần tăng cường đặc biệt là số lượng và chất lượng nhân lực nhi khoa để đáp ứng với những thay đổi về bệnh và nhóm bệnh. Giải pháp liên thông hệ thống tuyến khám chữa bệnh nhi khoa theo từng khu vực sẽ là một giải pháp cần thực hiện ở giai đoạn này.
Các cơ sở y tế có thể tiến tới thỏa thuận hợp tác chia sẻ nhân lực chất lượng cao, đào tạo và chuyển giao các kỹ thuật cơ bản, chuyên sâu tùy theo năng lực tiếp nhận của các tuyến. Với mỗi bệnh viện tích cực chủ động rà soát nguồn lực sẵn có đảm bảo khám chữa bệnh thích hợp với mô hình bệnh.
Tiến hành các đánh giá nghiên cứu mô hình bệnh tật cho từng vùng miền nhóm tuổi, đặc biệt nhóm bệnh cấp cứu hồi sức và mô hình bệnh chuyển tuyến. Từ đó làm căn cứ xây dựng các phối hợp chuyển tuyến hay điều trị phù hợp.
Chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Hội nghị thường niên CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam lần thứ XX vừa được tổ chức tại TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng với chủ đề: "Bài học từ đại dịch Covid-19, các giải pháp khắc phục và hướng đến tương lai"
Hội nghị CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam là hoạt động thường niên với mục đích chia sẻ kinh nghiệm, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh tại các bệnh viện thành viên trên địa bàn. Hội nghị đã đề cập và đưa ra những giải pháp thực tiễn cho vấn đề mang tính thời sự và đang nhận được sự quan tâm của rất nhiều người
Phát biểu tại Hội nghị, TS.BS Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, Chủ nhiệm CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam chia sẻ: "Hội nghị là cơ hội để các nhà lãnh đạo các bệnh viện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm trong công tác quản lý, điều hành để từ đó rút kinh nghiệm, áp dụng, cải tiến tại đơn vị của mình với phương châm lấy người bệnh làm trung tâm phục vụ".
Thời gian qua, ngành y tế dưới dự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Y tế đã đạt được nhiều thành tựu đáng tự hào, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được triển khai tại nhiều đơn vị chăm sóc sức khỏe nhân dân, đáp ứng tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Y tế, nhiều năm qua Ban chủ nhiệm CLB Giám đốc các bệnh viện khu vực phía Nam đã duy trì tốt các hoạt động thường niên. Thông qua Hội nghị, Lãnh đạo các bệnh viện có thêm cơ hội để gặp gỡ, cập nhật các thông tin về quản lý đặc biệt là các chủ trương, chính sách của ngành.
Tại hội nghị, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các bệnh viện tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, đổi mới phong cách thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh và nhân dân, song song với việc tạo môi trường làm việc an toàn và quan tâm chăm lo đời sống của cán bộ nhân viên.
Cùng với thực hiện công khai minh bạch công tác mua sắm, đấu thầu hạn chế thấp nhất tình trạng thiếu thuốc và vật tư cho công tác khám chữa bệnh; cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, điều hành của đơn vị, thí điểm tiến tới áp dụng thanh toán không dùng tiền mặt tại các bệnh viện.
Hội nghị còn có 6 bài báo cáo về vấn đề khám chữa bệnh từ xa; thực trạng và giải pháp giữ chân nhân lực ngành y tế; kinh nghiệm trong lĩnh vực mua sắm trang thiết bị y tế; kinh nghiệm triển khai y tế điện tử; BSC và KPIs – Bộ công cụ đo lường hiệu quả trong quản trị... cùng kinh nghiệm trong công tác kiểm soát dịch bệnh và kinh nghiệm quản lý tại bệnh viện.
Hà Nội: Triển khai chiến dịch cho trẻ uống bổ sung vitamin A
Sở Y tế Hà Nội vừa tổ chức hội nghị triển khai kế hoạch tổ chức chiến dịch cho trẻ uống bổ sung Vitamin A đợt 2 năm 2022 trên địa bàn thành phố.
Theo báo cáo điều tra, tổng số trẻ từ 6 đến dưới 36 tháng tuổi được uống vitamin A trong dịp này là 405.389 trẻ, với 1.700 điểm uống. Hà Nội phấn đấu đảm bảo 99,8% trẻ em từ 6 tháng tuổi đến dưới 36 tháng tuổi được uống Vitamin A liều cao trong 2 ngày 1 và 2/12/2022 (uống vét từ ngày 3-4/12/2022).
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội và Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch triển khai uống bổ sung vitamin A cho trẻ từ 6-36 tháng tuổi, tích cực điều tra, rà soát, viết giấy mời các đối tượng.
Tập huấn cho các cán bộ y tế cộng tác viên trực tiếp tham gia chiến dịch về kỹ thuật, quy trình cho trẻ uống bổ sung vitamin A, cách bố trí sắp xếp trang thiết bị dụng cụ, kỹ thuật cho trẻ uống, liều lượng theo phác đồ của Bộ Y tế, thông kê báo cáo... và chuẩn bị sẵn sàng đầy đủ vật tư, trang thiết bị và vitamin A phục vụ chiến dịch.
Chuẩn bị điểm uống rộng rãi, thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ, sắp xếp theo quy trình một chiều; bố trí đủ ghế ngồi chờ ở nơi có mái che; chuẩn bị đủ nhân lực phục vụ tại các bàn đón tiếp, phân loại đối tượng, cho trẻ uống vitamin A liều cao, theo dõi, tư vấn, vào sổ trẻ đã uống vitamin A...
Các trung tâm y tế, các trạm y tế xã, phường, thị trấn chuẩn bị đầy đủ vật tư, gửi giấy mời đến từng hộ gia đình có trẻ trong độ tuổi uống vitamin A; chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, vật tư như khay, kéo; nước uống, cốc/thìa uống nước; thùng đựng giấy lau, đựng vỏ viên nang vitamin A có nắp đậy...
Tại các điểm uống, cần phân bổ số trẻ hợp lý, mời trẻ uống theo giờ, tránh tình trạng quá đông gây ùn tắc, quá tải, bảo đảm quy định phòng, chống dịch...
Cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống thuốc cần phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi hết các dấu hiệu chống chỉ định này.
Bố trí khu vực rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch rửa tay có cồn để nhân viên y tế, người đưa trẻ đến uống và trẻ được đưa đến địa điểm uống có thể sử dụng, cán bộ y tế Trạm Y tế cho đối tượng uống Vitamin A đảm bảo đúng kỹ thuật, đúng đối tượng, đủ liều lượng, giữ trẻ lại theo dõi ít nhất 30 phút sau uống để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Nhân viên y tế, người đưa trẻ đến uống và trẻ được đưa đến địa điểm uống phải thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn như: đeo khẩu trang, sát khuẩn tay, bảo đảm vệ sinh cá nhân. Những người mắc Covid-19, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19 thì không đến địa điểm uống...