Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 28/10: Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi cao
D.Ngân - 28/10/2023 08:53
Ở một số tỉnh miền núi tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi vùng khó khăn vẫn là thực tế nhức nhối.

Thực tế đáng lo về tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi

Suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ dưới 5 tuổi vùng khó khăn luôn là thách thức đối với xã hội. Bởi trẻ em là tương lai của mọi quốc gia, tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, nhất là ở vùng khó khăn sẽ đặt ra hàng loạt vấn đề liên quan đến sức khỏe, giáo dục, cộng đồng... mà cụ thể là năng lực trí tuệ, khả năng học tập, nguy cơ mắc bệnh mạn tính cũng như sự phát triển toàn diện ở trẻ.

Tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi vùng khó khăn vẫn nhức nhối.

Được biết, kết quả khảo sát của Viện Y học ứng dụng Việt Nam trong 2 tháng 7 và 8/2023 ở 400 trẻ dưới 5 tuổi cho thấy tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thấp còi tại 2 tỉnh Hà Giang và Kon Tum lần lượt là 26,5% và 25,5%. Đối với tình trạng suy dinh dưỡng gầy còm, tỷ lệ ở 2 địa phương nêu trên lần lượt là 9% và 2,5%.

Tại Hội thảo khoa học "Suy dinh dưỡng thấp còi và gầy còm ở trẻ em dưới 5 tuổi vùng khó khăn: Thực trạng và giải pháp", do Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức vừa qua các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra nhiều thông tin, đánh giá thực tiễn, khách quan nhằm kiến nghị với Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan xem xét tăng cường nguồn lực, cải thiện tình trạng dinh dưỡng cho trẻ em vùng khó khăn.

Dẫn một số thống kê từ các đợt Tổng điều tra Dinh dưỡng các năm 1990, 2010 và 2020, TS, BS Trương Hồng Sơn, Phó Tổng Thư ký Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cho biết, từ năm 1990 đến 2020, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em dưới 5 tuổi ở nước ta đã giảm từ hơn 56% xuống còn hơn 19%. Trong đó, các địa phương miền núi, vùng cao, biên giới... là những nơi có tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao nhất.

Thời gian qua, Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã tiến hành khảo sát về thực trạng các hoạt động dinh dưỡng đang được triển khai tại vùng khó khăn.

Kết quả cho thấy, ở nhiều nơi, cơ sở y tế tuyến huyện hoàn toàn không có cán bộ chuyên trách mà chỉ kiêm nhiệm phụ trách mảng dinh dưỡng.

Tình trạng chung khiến chất lượng y tế cơ sở vùng khó khăn không cao trong triển khai các hoạt động về dinh dưỡng là việc cán bộ ít được tập huấn, đào tạo, nhất là ở tuyến xã hoặc y tế thôn bản; thường xuyên phải luân chuyển, đặc biệt là cộng tác viên về dinh dưỡng; phải kiêm nhiệm quá nhiều công việc...

Bên cạnh đó, có một vấn đề đáng lo ngại khác là thực trạng thiếu thốn trang thiết bị, cơ sở vật chất ở các cơ sở y tế vùng cao. Khảo sát của Viện Y học ứng dụng Việt Nam chỉ ra rằng, không ít cán bộ y tế vùng khó khăn đã bộc bạch các trăn trở về việc cơ sở y tế tuyến xã hiện không có cả những trang thiết bị cơ bản như thước gỗ tiêu chuẩn để đo chiều cao cho trẻ.

Tại Hội thảo, các chuyên gia dinh dưỡng, nhà khoa học đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị về giải pháp và nguồn lực nhằm từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tình trạng suy dinh dưỡng trong trẻ em hiện nay.

Có ý kiến cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng các giải pháp can thiệp phù hợp điều kiện thực tế, nhất là nguồn nhân lực và ngân sách; tăng cường nguồn lực từ Trung ương, đưa ra cơ chế hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho dinh dưỡng trẻ em và phụ nữ mang thai; đẩy mạnh tập huấn về can thiệp dinh dưỡng cho cán bộ y tế các địa phương ở cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Liên quan đến khía cạnh trang thiết bị và thuốc men, một số đại biểu đề nghị, song song với duy trì cung cấp đủ viên sắt cho phụ nữ mang thai, cần hỗ trợ sản phẩm dinh dưỡng bổ sung cho trẻ em suy dinh dưỡng cấp tính thông qua chi trả từ quỹ bảo hiểm y tế và huy động từ các nguồn lực xã hội.

Để làm được điều đó, công tác giáo dục truyền thông về dinh dưỡng cần được đẩy mạnh, nhất là trên môi trường internet và các nền tảng mạng xã hội. Trong đó, tập trung vào việc chăm sóc dinh dưỡng cho phụ nữ mang thai; hướng dẫn theo dõi tăng trưởng ở trẻ dưới 5 tuổi; chế độ ăn bổ sung và chế độ ăn khi trẻ mắc tiêu chảy, nhiễm khuẩn hô hấp...

Quá trình thử nghiệm lâm sàng thuốc còn gặp khó

Tại Diễn đàn Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực y tế lần thứ 2, đại diện Bệnh viện K cho hay, hiện quá trình thử nghiệm lâm sàng gặp nhiều khó khăn, rào cản cả về con người lẫn cơ sở vật chất.

Đầu tiên, nhiều bệnh nhân ngại tham gia thử nghiệm lâm sàng. Thậm chí, ngay cả trong giới bác sĩ cũng không muốn tham gia thử nghiệm lâm sàng vì họ ngại rủi ro. Đây là quan điểm không đúng vì thử nghiệm lâm sàng là khâu quan trọng và được áp dụng trên người.

Thực tế, nhiều bệnh nhân đã không đáp ứng với phương pháp điều trị cũ, khi thử nghiệm lâm sàng họ có cơ hội được điều trị thuốc mới, mang lại hiệu quả chữa bệnh.

Đặc biệt, lĩnh vực nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong điều trị ung thư đang tăng rất mạnh tại các quốc gia, nhưng ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế.

Nguyên nhân là tỷ lệ bệnh nhân tham gia thử nghiệm lâm sàng ở nước ta hiện chỉ chiếm 1-2%, trong khi tại nhiều nước, tỷ lệ này ít nhất là 10%.

Bên cạnh đó, là tình trạng thiếu nhân lực, cơ sở vật chất. Để thử nghiệm lâm sàng phát triển cần nhiều yếu tố như con người, cơ sở hạ tầng, vật chất, các dịch vụ hỗ trợ thử nghiệm lâm sàng, quy trình phê duyệt hội đồng đạo đức của Bộ Y tế, ghi nhận kiến thức của cả nhân viên y tế và bệnh nhân.

Tuy nhiên, một số cơ sở bệnh viện chưa đủ cơ sở vật chất kỹ thuật có thể bị loại. Các đơn vị trong nước vẫn thiếu hụt nhân lực triển khai các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng. Do đó, theo vị bác sĩ này, nước ta cần xây dựng mạng lưới thử nghiệm lâm sàng để các bệnh viện tham gia có thể hỗ trợ nhau.

Các bác sĩ tham gia thử nghiệm lâm sàng có thể đào tạo ngắn ngày, tập huấn cho các điều dưỡng trở thành điều phối viên nghiên cứu.  Về lâu dài, Việt Nam cần tham gia vào mạng lưới thử nghiệm lâm sàng quốc tế để có cơ hội phát triển nhiều hơn. 

Hà Nội yêu cầu địa phương tăng cường chống dịch

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết, cộng dồn từ đầu năm đến nay toàn TP ghi nhận 23.314 ca mắc, 4 ca tử vong; số mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Bệnh nhân phân bổ tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 572/579 xã, phường, thị trấn. Các địa phương ghi nhận có nhiều bệnh nhân, như: Hoàng Mai (1.558 ca), Phú Xuyên (1.548 ca), Hà Đông (1.533 ca), Thanh Trì (1.309 ca), Đống Đa (1.252 ca), Thanh Oai (1.230 ca), Cầu Giấy (1.224 ca), Nam Từ Liêm (1.162 ca), Thạch Thất (1.068 ca).

Từ đầu năm đến nay, TP ghi nhận 1.419 ổ dịch sốt xuất huyết, hiện còn 239 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã.

Đối với một số dịch bệnh khác như: Tay chân miệng từ đầu năm đến nay ghi nhận 2.354 ca mắc, số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2022 (1.547/0). Uốn ván người lớn ghi nhận 23 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (10/0); Liên cầu lợn ghi nhận 15 ca mắc, tăng so với cùng kỳ năm 2022 (2/0)…

Giám đốc CDC Hà Nội Bùi Văn Hào cho biết, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh sốt xuất huyết, TP đã thành lập các đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại các địa phương.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, giám sát tại các quận, huyện thì vẫn còn bộ phận người dân còn lơ là, chủ quan, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch, vệ sinh môi trường. Các quận, huyện chưa phát huy được hiệu quả tối đa đội xung kích và tổ giám sát tại cộng đồng, việc phát hiện ổ dịch còn chậm, muộn dẫn đến số ca mắc gia tăng.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch bệnh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người dân.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần lưu ý xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch cụ thể, chi tiết hơn đối với từng nội dung hoạt động làm sao triển khai một cách hiệu quả.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu các quận, huyện kiểm tra lại toàn bộ máy phun hoá chất phòng, chống dịch sốt xuất huyết, đảm bảo máy móc hoạt động hiệu quả.

Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn được giao; CDC Hà Nội phối hợp với các đơn vị tăng cường triển khai công tác giám sát chất lượng nước sạch trên địa bàn TP.

Tin liên quan
Tin khác