Phòng chống lây nhiễm cúm gia cầm sang người
Bệnh cúm gia cầm lây sang người là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do vi rút cúm A/H5, cúm A/H7... gây ra.
Bệnh lây qua đường hô hấp, qua tiếp xúc với vật dụng bị nhiễm mầm bệnh, tiếp xúc và sử dụng gia cầm ốm, chết do nhiễm cúm gia cầm.
Bệnh có biểu hiện: sốt, ho, mệt mỏi, đau người, đau cơ, đau họng. Bệnh diễn biến nhanh và có thể dẫn đến tử vong với tỷ lệ cao (~50%). Hiện nay, chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh cho người.
Thời gian tới là dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội, vì vậy tổng đàn gia cầm và hoạt động vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ gia cầm, sản phẩn gia cầm có thể gia tăng. Bên cạnh đó, thời tiết hiện đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường thuận lợi cho vi rút cúm gia cầm phát triển.
Triển khai vệ sinh tiêu độc khủ trùng môi trường chuồng trại chăn nuôi ở Quế Võ- Bắc Ninh. Nguồn: Bacninh portal |
Dịch cúm trên gia cầm vẫn tiếp tục được ghi nhận ở nhiều địa phương, do vậy luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người. Để chủ động phòng chống dịch, bệnh cúm lây từ gia cầm sang người, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp sau:
Không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi.
Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.
Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.
Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Cả nước đã tiêm được gần 262 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19
Theo thống kế của Bộ Y tế, tính đến ngày 28/10, cả nước đã triển khai được 261.814.494 liều vắc-xin phòng Covid-19 cho cả 3 nhóm tuổi.
Cụ thể, số liệu tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mới nhất vừa được Bộ Y tế cập nhật như sau:
Nhóm từ 18 tuổi trở lên:
Tiêm nhắc lần 1 (mũi 3): Tổng số có 51.188.147 mũi tiêm (78,8%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (61,9%); Bình Định (58,4%); Phú Yên (60,9%); Đồng Nai (53,6%); Đồng Tháp (59,2%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (99,7%); Sóc Trăng (98%).
Tiêm nhắc lần 2 (mũi 4): Tổng số có 16.211.326 mũi tiêm (83,4%) tăng 1,7%.
Nhóm từ 12-17 tuổi: Tiêm mũi 3: 5.394.802 trẻ (63,1%) tăng 0,3%.
Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (38,6%); Quảng Ngãi (38,4%); Phú Yên (28,1%); Bình Thuận (40,6%); TP.HCM (35,5%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (97,8%); Lâm Đồng (92,6%); Sóc Trăng (99,3%).
Nhóm từ 5-11 tuổi: Tổng số mũi tiêm: 16.772.057.
Mũi 1: 9.875.336 trẻ (89,1%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Trị (77,5%); Đà Nẵng (67,5%); TP.HCM (62,4%); Bà Rịa - Vũng Tàu (71%); Đồng Nai (78%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Ninh Bình (99,8%); Bắc Giang (99,9%); Quảng Ninh (99,3%)
Mũi 2: 6.896.721 trẻ (62,2%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (31,9%); Quảng Nam (33,4%); TP.HCM (34,9%); Bà Rịa - Vũng Tàu (41,1%), Đồng Nai (43,1%).
Địa phương có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,5%); Sóc Trăng (99,8%); Cà Mau (94,1%).
Hà Nội tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội vừa có công văn về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại, gửi Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.
Theo báo cáo của Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, tính đến 23/10/2022, cả nước ghi nhận 51 trường hợp mắc, tăng so với cùng kì 2021 (42) và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Trong đó, khu vực miền Bắc ghi nhận 15 trường hợp (chiếm 29,4% tổng cả nước) tại 11 tỉnh, thành phố.
Tại Hà Nội, năm 2022 đã ghi nhận 2 trường hợp tử vong tại huyện Phú Xuyên và Mê Linh, tăng so với năm 2021 (1 trường hợp). Nguyên nhân trực tiếp là do người bị động vật nghĩ dại cắn hoặc giết mổ động vật không mang đồ bảo hộ và không tiêm phòng vắc-xin.
Trước tình hình trên, nguy cơ bùng phát bệnh dại trên người tại Hà Nội và các khu vực lân cận là rất lớn.
Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh dại nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại 2022-2030.
Căn cứ Công văn số 5396/BYT-DP ngày 29/9/2022 của Bộ Y tế vể việc tăng cường phòng, chống bệnh dại, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội đề nghị các đơn vị tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn hoặc giết mổ chó không có trang bị bảo hộ, tuyên truyền và vận động người dân đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn và tiêm phòng vắc-xin kịp thời;
Các điểm tiêm thực hiện tư vấn, chỉ định tiêm phòng theo đúng Quyết định 1622/QĐ-BYT và thống kê báo cáo đầy đủ đúng biểu mẫu.
Đồng thời, các đơn vị đẩy mạnh truyền thông về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật, đặc biệt chú ý truyền thông về việc không chữa bệnh dại bằng các biện pháp chưa được Bộ Y tế công nhận.
Tăng cường phối hợp với lực lượng thú y địa phương để tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh dại trên động vật, nhằm chủ động phòng chống lây nhiễm bệnh dại từ động vật sang người.
Quảng Nam: Dịch sốt xuất huyết lây lan mạnh
Theo thống kê từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Quảng Nam, tính đến ngày 23/10, toàn tỉnh đã ghi nhận 11.880 ca sốt xuất huyết, tăng 21,9 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hiện tại, Quảng Nam đứng đầu khu vực miền Trung về số ca mắc sốt xuất huyết.
Sau 2 năm số ca mắc giảm, theo chu kỳ dịch, năm nay dịch sốt xuất huyết sẽ bùng phát mạnh. Đây là điều đã được dự báo từ trước đó, và thời điểm cuối tháng 10, đầu tháng 11 chính là đỉnh dịch. Bên cạnh tính chu kỳ của dịch bệnh, còn do tình hình thời tiết tại Quảng Nam thời điểm này quá thuận lợi để muỗi phát triển.
Tại TP. Tam Kỳ, tính đến tháng 10, tổng số mắc của địa phương này lên đến 1.594 ca, trong đó, từ tháng 6 đến nay, số ca mắc liên tục ở con số hơn 220 ca mắc mỗi tháng. Duy Xuyên cũng là địa phương có số ca mắc khá cao khi ghi nhận đến 1.051 ca bệnh tính đến 23/10.
Ông Trần Đỗ Nhân - Giám đốc Trung tâm y tế huyện Duy Xuyên cho biết, trung bình mỗi ngày cơ sở này nhận 30 - 40 ca bệnh nhập viện vì sốt xuất huyết. Hiện có khoảng 70 bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị nội trú trong tổng số 400 bệnh nhân đang được trung tâm điều trị. Tuy nhiên, số ca mắc tăng nhanh, buộc đơn vị này phải kê thêm giường điều trị.
Tại Bệnh viện đa khoa khu vực Quảng Nam (Điện Bàn), số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết được điều trị khá đông. Số bệnh nhân nội trú nhập viện điều trị do mắc sốt xuất huyết tại đây ghi nhận 58 bệnh nhân, đông gấp đôi so với số giường bệnh thực kê tại Khoa Y học nhiệt đới, số ca mắc trên toàn thị xã hiện lên đến 2.047 ca.
Ngành y tế Quảng Nam hiện đang dốc toàn lực cho công tác xử lý ổ dịch, ngăn chặn lây lan nhanh, đồng thời khuyến cáo người dân khi có dấu hiệu mắc sốt xuất huyết cần báo ngay cho y tế địa phương, phải theo dõi liên tục tình hình sức khỏe và đến cơ sở y tế khi có dấu hiệu chuyển nặng. Ngoài ra, đồng loạt thực hiện các biện pháp diệt bọ gậy, giảm muỗi truyền bệnh để giảm số ca mắc...
Hỗ trợ thu dung, điều trị ổ dịch cúm B tại huyện Chợ Đồn- Bắc Kạn
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh- Bộ Y tế vừa có công văn gửi Sở Y tế Bắc Kạn và Bệnh viện Nhi Trung ương về việc thu dung, điều trị ổ dịch cúm B tại huyện Chợ Đồn.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn tiếp tục theo dõi, báo cáo hàng tuần và báo cáo đột xuất về Bộ Y tế khi dịch có diễn biến bất thường.
Triển khai kế hoạch phân công các cơ sở khám, chữa bệnh tiếp nhận người bệnh và tuân thủ các quy định về phân luồng, cách ly nhóm bệnh lây qua đường hô hấp.
Tập huấn phổ biến hướng dẫn chẩn đoán, điều trị bệnh cúm mùa ban hành theo Quyết định số 2078/QĐ-BYT ngày 23/6/2011 của Bộ Y tế cho các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc.
Tuân thủ hướng dẫn chẩn đoán, điều trị về phân loại theo mức độ bệnh, nhập viện điều trị nội trú, theo dõi điều trị. Thường xuyên tổ chức hội chẩn chuyên môn với Bệnh viện Nhi Trung ương đối với những ca nặng để được hỗ trợ kịp thời.
Hướng dẫn người nhà các dấu hiệu cần theo dõi đối với các ca bệnh ngoại trú để khám lại kịp thời khi có diễn biến.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đề nghị Bệnh viện Nhi Trung ương cử chuyên gia hỗ trợ trực tiếp và trực tuyến về phân tuyến, phân luồng, điều trị, chăm sóc, theo dõi và kiểm soát lây nhiễm trong cơ sở khám, chữa bệnh cho Sở Y tế tỉnh Bắc Kạn theo tình hình dịch bệnh.