Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 29/5: Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 năm 2023 bắt đầu từ ngày 1/6; Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá
D.Ngân - 29/05/2023 07:12
Bộ Y tế sẽ tổ chức chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 năm 2023 cho trẻ em từ 6 tháng đến 59 tháng tuổi sẽ bắt đầu từ ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6.

Chiến dịch bổ sung vitamin A đợt 1 năm 2023 bắt đầu từ ngày 1/6

Chiến dịch sẽ được tổ chức trên toàn quốc, trong đó tại 22 tỉnh miền núi khó khăn mỗi trẻ từ 6-59 tháng được uống 1 liều Vitamin A, trẻ từ 24-59 tháng được tẩy giun định kỳ.

Tại 41 tỉnh, thành phố còn lại trẻ em từ 6-35 tháng tuổi được uống 1 liều Vitamin A. Nguồn thuốc sử dụng trong chiến dịch do tổ chức Vitamin Angel - Hoa Kỳ viện trợ.

Hằng năm, Bộ Y tế tổ chức chiến dịch bổ sung Vitamin A liều cao cho hơn 6 triệu trẻ em trong độ tuổi từ 6 – 54 tháng tuổi trên quy mô toàn quốc (mỗi năm có 2 đợt: đợt 1 vào tháng 6; và đợt 2 vào tháng 12).

Trong các chiến dịch này, trẻ em trong độ tuổi được cho uống bổ sung viên nang Vitamin A liều cao. Trong thời gian qua, các chiến dịch bổ sung Vitamin A đã giúp cho Việt Nam thanh toán được bệnh mù lòa do thiếu Vitamin A vào năm 2000, đó là một thành tựu hết sức to lớn.

Ảnh minh hoạ.

Vitamin A có vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sự phát triển toàn diện của trẻ. Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, bên cạnh giải pháp ngắn hạn là uống bổ sung các sản phẩm vi chất dinh dưỡng (như viên nang vitamin A liều cao, viên đa vi chất…), giải pháp trung hạn là sử dụng thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thì giải pháp lâu dài và cơ bản là cải thiện chất lượng bữa ăn.

Do đó, cần tăng cường công tác truyền thông, khuyến khích người dân sử dụng đa dạng, phối hợp nhiều loại thực phẩm cho bữa ăn hàng ngày; ưu tiên lựa chọn và sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng và thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới và của Bộ Y tế.

Để phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, mọi người, mọi gia đình hãy thực hiện:

Bữa ăn hàng ngày cần đa dạng và phối hợp nhiều loại thực phẩm; lựa chọn và sử dụng thực phẩm có tăng cường vi chất dinh dưỡng.

Cho trẻ bú sớm trong vòng 1 giờ đầu sau sinh. Nuôi trẻ hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu; cho trẻ bú mẹ đến 24 tháng tuổi hoặc lâu hơn.

Sử dụng các thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng sẵn có ở địa phương cho bữa ăn bổ sung hàng ngày của trẻ; thêm mỡ hoặc dầu ăn để tăng cường hấp thu Vitamin A, vitamin D.

Cho trẻ trong độ tuổi uống Vitamin A 2 lần/năm.

Trẻ từ 24 đến 59 tháng tuổi cần được uống thuốc tẩy giun 2 lần/năm. Thực hiện vệ sinh ăn uống, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường để phòng chống nhiễm giun, sán.

Phụ nữ tuổi sinh đẻ, phụ nữ có thai cần uống viên sắt/axit folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.

Hãy đưa trẻ trong độ tuổi đi uống Vitamin A theo hướng dẫn của trạm y tế xã/phường.

Hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá: “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá”

Bộ Y tế vừa tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (từ ngày 25 đến 31/5).

Việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 8 triệu ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong do hút thuốc lá thụ động.

Hút thuốc lá cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp và làm tăng mức độ nghiêm trọng của các bệnh về đường hô hấp và đặc biệt là nguyên nhân hàng đầu gây ra các bệnh: ung thư, tim mạch.

Bên cạnh tác hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế đối với các cá nhân, gia đình và xã hội, các tổn thất này bao gồm chi tiêu cho hút thuốc, chi phí cho khám, điều trị bệnh liên quan đến hút thuốc, giảm sút/mất khả năng lao động vì ốm đau và tử vong sớm.

Nhằm tăng cường hơn nữa sự quan tâm của các ngành, các cấp và cộng đồng đối với công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) lấy ngày 31/5 hằng năm là Ngày Thế giới không thuốc lá. Được phép của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế tổ chức Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá từ ngày 25 đến 31/5.

Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay được WHO lựa chọn chủ đề là “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm khuyến khích nông dân trên khắp thế giới trồng các loại cây trồng bền vững, bổ dưỡng thay vì thuốc lá.

WHO cũng kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm…

Phát biểu tại lễ mít tinh, GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Y tế cho biết, tại Việt Nam, với sự quan tâm, chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ, thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp các bộ, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc hút thuốc, xây dựng môi trường không khói thuốc, tổ chức công tác tư vấn cai nghiện thuốc lá, tổ chức giáo dục về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong các cấp học...

Bộ Y tế kêu gọi các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tiếp tục chỉ đạo tăng cường thực thi Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Ngày thế giới không thuốc lá.

Bộ Y tế cũng muốn gửi đến những người hút thuốc thông điệp: Hãy bỏ thuốc lá ngay hôm nay, cùng chung tay xây dựng môi trường sống và làm việc không khói thuốc để bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân mình, cho gia đình và cho cộng đồng.

Tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết công tác phòng chống tác hại của thuốc lá đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, so với năm 2015, tỷ lệ nam giới hút thuốc năm 2020 đã giảm từ 45,3% xuống 42,3%. Đặc biệt tỷ lệ hút thuốc thụ động cũng giảm đáng kể tại các địa điểm như: nơi làm việc, cơ sở giáo dục, trên phương tiện giao thông công cộng và khu vực trong nhà.

Tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong thanh niên độ tuổi 15-24 giảm từ 26% (năm 2015) xuống 13% (năm 2020). Ở lứa tuổi học sinh 13-15 tuổi, tỷ lệ hút thuốc lá cũng giảm từ 2,5% năm 2014 xuống 1,9% năm 2022.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nêu rõ, bên cạnh những thành công bước đầu, công tác phòng chống tác hại thuốc lá tại nước ta vẫn đang gặp phải những khó khăn, thách thức. Việt Nam vẫn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Những năm gần đây xuất hiện các sản phẩm được gọi là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, shisa. Các sản phẩm này hiện nay chưa được phép nhập khẩu, kinh doanh và lưu hành tại thị trường trong nước, tuy nhiên việc mua bán, quảng cáo đang diễn ra phổ biến, đặc biệt trên môi trường mạng internet.

Các sản phẩm này được thiết kế đa dạng với nhiều kiểu dáng và nhiều hương vị rất hấp dẫn với giới trẻ, điều này dẫn đến việc sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh tại nước ta, đặc biệt trong lứa tuổi học sinh.

Do đó, lãnh đạo Bộ Y tế nhấn mạnh việc nếu chúng ta không tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ và kịp thời ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới tại Việt Nam thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. 

Hà Nội: Các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác phòng chống nắng, nóng

Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh trong và ngoài công lập tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống nắng, nóng tại đơn vị.

Trước hết, các đơn vị chuẩn bị sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, phương tiện cấp cứu nội viện, ngoại viện, cấp cứu kịp thời người bệnh say nắng, say nóng; Tập huấn lại kỹ năng cấp cứu người say nắng, sốc nhiệt, đột quỵ cho nhân viên y tế.

Các đơn vị trang bị đủ phương tiện phòng chống nắng, nóng tại từng khoa, phòng như quạt gió, quạt hơi nước, điều hòa, bạt, tấm che nắng; Cung cấp đủ nước sạch sinh hoạt tại đơn vị; Nước uống miễn phí cho người bệnh, người nhà người bệnh tại các khoa lâm sàng, khu vực chờ.

Với những khu vực có nhiều người bệnh đến khám và điều trị, các cơ sở khám chữa bệnh cần được bổ sung thêm các phương tiện phòng chống nắng, nóng đảm bảo người bệnh và người nhà được chờ đợi trong phòng đầy đủ tiện nghi và được vận chuyển phù hợp với tình trạng bệnh tật.

Đặc biệt, các đơn vị cần quan tâm đến việc thông khí tự nhiên để chống nắng, nóng cũng như đáp ứng các điều kiện phòng, chống dịch bệnh.

Sở Y tế cũng yêu cầu các đơn vị thực hiện các biện pháp để giảm quá tải tại các khu vực khám bệnh, khu vực thu viện phí…

Tại các khoa điều trị, người bệnh được nằm trong điều kiện thoáng mát, không để hoặc hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng nằm ghép.

Bên cạnh việc tổ chức tốt việc khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người bệnh, các đơn vị cần có trách nhiệm tuyên truyền cho người bệnh, người nhà người bệnh về chế độ dinh dưỡng hợp lý và các biện pháp phòng chống nắng, nóng trong mùa hè.

Tin liên quan
Tin khác