Đây là lần thứ ba chương trình được tổ chức nhằm tri ân, tôn vinh những đóng góp quý báu, những hành động cao đẹp của người hiến tiểu cầu đối với ngành y tế và sự sống của người bệnh.
Trong số hơn 250 đại biểu tham dự, nhiều người đã hiến máu và hiến tiểu cầu 70, 80, 90, thậm chí hơn 100 lần. Trong đó riêng hiến tiểu cầu tình nguyện trong năm 2022, có người đã hiến 13 lần; có những người hiến ngắt quãng, đan xen hiến tiểu cầu và hiến máu toàn phần...
TS. BS. Trần Ngọc Quế, Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương cho biết: “Tỷ lệ người hiến tiểu cầu thường xuyên đã tăng lên rất nhiều và có xu hướng tăng đều đặn hàng năm; có những người đã hiến hơn 100 lần, nhờ đó đã giúp Viện đảm bảo được nguồn tiểu cầu cho cấp cứu và điều trị của các bệnh viện khu vực phía Bắc. Chúng tôi thật sự cảm kích tấm lòng của những người hiến tiểu cầu”.
Ban tổ chức chụp ảnh với những người hiến tiểu cầu tiêu biểu năm 2022. |
Dù tiêu chuẩn đòi hỏi khắt khe hơn, thời gian hiến tiểu cầu cũng lâu hơn nhiều so với hiến máu toàn phần (từ 45 - 120 phút với hiến tiểu cầu, thay vì 5 phút khi hiến máu), nhưng hàng ngàn người vẫn bền bỉ, đều đặn trao đi sự sống.
Điều đáng trân trọng nhất là một năm có 12 tháng nhưng có những người hiến tiểu cầu tới 13 - 14 lần trong năm mỗi khi đến lịch, mà không cần chờ điện thoại nhắc lịch của Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương.
Gạn tách tiểu cầu là kỹ thuật mà hiện chỉ một số Trung tâm máu lớn mới thực hiện được. Do vậy, nhiều người từ Nam Định, Hòa Bình, Bắc Giang, Hưng Yên, Bắc Ninh, thậm chí Cao Bằng, Lạng Sơn… cũng sẵn sàng di chuyển xa về Hà Nội để hiến tiểu cầu thường xuyên. Họ không chỉ dành tâm huyết trao đi nguồn sống – những “giọt vàng” hi vọng tới người bệnh, mà còn hi sinh cả thời gian, công sức.
Điểm mới của chương trình năm nay là bên cạnh việc tôn vinh những người hiến tiểu cầu tình nguyện nhiều lần, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương còn gặp mặt, biểu dương những người mới tham gia hiến tiểu cầu nhằm mở rộng nguồn người hiến tiểu cầu thường xuyên.
Cuối chương trình, phần đố vui nhỏ được tổ chức để dành tặng thêm những phần quà tới người tham dự. Tại đây, có thể thấy những người hiến tiểu cầu không chỉ có tấm lòng nhân ái mà còn có nền tảng kiến thức rất vững chắc về truyền máu, các đặc điểm của tiểu cầu hay những lưu ý cần thiết khi tham gia hiến tiểu cầu,…
Viện Huyết học- Truyền máu Trung ương đã triển khai việc gạn tách tiểu cầu từ một người hiến bắt đầu từ năm 2000. Những năm đầu, Viện chỉ tiếp nhận được vài chục đơn vị tiểu cầu, dần dần lên con số vài nghìn.
Giai đoạn năm 2000 - 2010, Viện chỉ tiếp nhận được 11.337 đơn vị khối tiểu cầu gạn tách, nhưng con số này ở giai đoạn 2011 - 2020 là 222.187 đơn vị (tăng 20 lần so với 10 năm trước).
Năm 2021, con số này là 33.314 đơn vị tiểu cầu. Năm 2022, tính đến 28/10, Viện đã tiếp nhận được 24.920 đơn vị tiểu cầu từ 8.198 người hiến (trung bình mỗi người hiến 3 lần).
Hải Phòng: Hơn 700 người cao tuổi tham gia “Ngày hội sống khỏe, sống thanh xuân” năm 2022
Tiếp nối hành trình “Sống khỏe, sống thanh xuân” tại TP.Hà Nội và TP.HCM, Thái Bình, ngày 29/10, tại TP. Hải Phòng, Hội Đo lường và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Hội Liên hiệp phụ nữ Hải Phòng đã tổ chức Hội nghị tuyên truyền phổ biến văn bản pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với chủ đề “Ngày hội sống khỏe, sống thanh xuân” thành phố Hải Phòng năm 2022.
Đây là chương trình thứ 5 trong hành trình "Sống khỏe, sống thanh xuân" năm 2022 và cũng là hoạt động tiếp nối hành trình chăm sóc sức khỏe cho 1 triệu người cao tuổi cả nước mà Vinamilk đã thực hiện trong các năm qua. Tính đến nay, Vinamilk đã tổ chức các hoạt động cho hơn 500.000 người cao tuổi cả nước.
Tại chương trình, đội ngũ các bác sĩ của Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk hỗ trợ tư vấn sức khỏe cho người cao tuổi và hội viên phụ nữ tham dự chương trình, các đại biểu được nghe đại diện Hội Đo lường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Hải Phòng chia sẻ các nội dung về: quyền, nghĩa vụ của người tiêu dùng; những vấn đề người tiêu dùng cần quan tâm.
Trong khuôn khổ chương trình, để hỗ trợ người tiêu dùng theo dõi được tình hình sức khỏe tổng quát của mình, đội ngũ các bác sĩ của Trung tâm Dinh dưỡng Vinamilk đã hỗ trợ tư vấn sức khỏe, chia sẻ các phương pháp giúp phòng tránh và chữa trị các bệnh thường gặp ở người tiêu dùng, người cao tuổi như loãng xương, tim mạch, tiểu đường, …
Ngày hội sống khỏe, sống thanh xuân thu hút hơn 700 người cao tuổi và hội viên phụ nữ đến từ các quận, huyện trên địa bàn thành phố như: Hồng Bàng, Lê Chân, Ngô Quyền, Thủy Nguyên, An Dương.
Hải Dương: Tăng cường hoạt động phòng, chống cúm gia cầm
Sở Y tế tỉnh Hải Dương vừa có văn bản gửi các đơn vị y tế trong ngành về việc tăng cường hoạt động phòng, chống cúm gia cầm.
Sở Y tế đề nghị Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, tác nhân, đường lây, các dấu hiệu xuất hiện… khi mắc bệnh cúm A để người dân được biết, chủ động phòng chống dịch bệnh cho bản thân và gia đình.
Phối hợp với các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, lấy mẫu xét nghiệm xác định nguyên nhân, chủng virus gây bệnh.
Thường xuyên cập nhật, phân tích tình tình dịch, tham mưu cho Sở Y tế triển khai các hoạt động phòng chống dịch bệnh do virus cúm A gây ra. Phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hải Dương theo dõi sát tình hình dịch trên đàn gia cầm.
Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện nghiêm công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo và hướng dẫn người chăm sóc, người nhà bệnh nhân về nguy cơ nhiễm bệnh, tuân thủ các biện pháp dự phòng lây nhiễm bệnh.
Thực hiện tốt việc thu dung, cách ly, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế đến mức thấp nhất các trường hợp tử vong. Phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật trong việc điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, những trường hợp viêm đường hô hấp cấp tính nặng chưa rõ nguyên nhân.
Chuẩn bị đầy đủ thuốc, vật tư y tế, khu cách ly điều trị cho bệnh nhân mắc bệnh do virus cúm A gây ra.
Trung tâm y tế các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tại các khu vực có gia cầm chết và những vùng có nguy cơ cao.
Tăng cường giám sát phát hiện các trường hợp mắc, nghi mắc bệnh do virus cúm A trong cộng đồng, tại cơ sở điều trị, lấy mẫu xét nghiệm gửi về Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị sẵn sàng triển khai các biện pháp phòng chống dịch.