Trong năm 2022, cả nước ghi nhận 361.813 trường hợp mắc sốt xuất huyết, 133 ca tử vong.
Ảnh minh hoạ |
Trong tuần cuối cùng của năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết trên cả nước đã giảm mạnh so với các tuần trước đó của tháng 10,11 và đầu tháng 12 (số ca mắc thường trên 10.000 trường hợp/ tuần, những đợt cao điểm còn gần 12.000 ca/ tuần).
Trong tuần 51, cả nước ghi nhận 6.266 trường hợp mắc sốt xuất huyết, không ghi nhận trường hợp tử vong. So với tuần 50, (8.169/1) số mắc giảm 23,3%. Trong đó, số nhập viện là 5.069/0, so với tuần trước (6.770/1) số nhập viện giảm 25,1%.
Tại Hà Nội, theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, từ ngày 23 đến 30-12, thành phố ghi nhận 366 ca mắc sốt xuất huyết (giảm 14,3% so với tuần trước đó) và không có ca tử vong. Bệnh nhân ghi nhận tại 25/30 quận, huyện, thị xã, trong đó có một số đơn vị có số mắc cao, như: Hà Đông (109 ca), Ba Đình (79 ca), Nam Từ Liêm (28 ca), Phú Xuyên (22 ca).
Như vậy, trong năm 2022, Hà Nội ghi nhận 19.581 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 25 ca tử vong. So với năm 2021, số ca mắc trong năm 2022 tăng gấp 5,8 lần và tăng 25 ca tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, thị xã; 567/579 xã, phường, thị trấn. Tuýp vi rút Dengue lưu hành đã xác định được là: DENV1 và DENV2, DENV4.
Ngoài ra, trong tuần qua thành phố cũng ghi nhận thêm 4 ổ dịch sốt xuất huyết mới tại 2 quận: Đống Đa (2 ổ dịch), Hai Bà Trưng (2 ổ dịch). Như vậy, trong năm 2022, thành phố đã ghi nhận 1.432 ổ dịch tại 30/30 quận, huyện, thị xã. Hiện tại còn 23 ổ dịch đang hoạt động tại 7 quận, huyện.
Theo nhận định của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết đã giảm so với tuần trước. Dù vậy, dự báo trong thời gian tới vẫn sẽ tiếp tục ghi nhận bệnh nhân tại các quận, huyện, thị xã. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tiếp tục nâng cao ý thức của bản thân đối với cộng đồng; chấp hành nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết.
Để hạn chế số ca mắc mới, mọi người dân cần phối hợp diệt muỗi, diệt bọ gậy, loăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng, tích cực vệ sinh môi trường, không cho muỗi truyền bệnh sinh sôi, phát triển. Thành phố cần tiếp tục chủ động giám sát các chỉ số bọ gậy, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết tại các khu vực xuất hiện ca bệnh, ổ dịch, các khu vực nguy cơ cao, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Cả nước đã tiêm được hơn 265,5 triệu liều vắc-xin Covid-19
Theo thống kê của Bộ Y tế, đến hết ngày 2/1 tổng số mũi vắc-xin Covid-19 đã tiêm ở nước ta là 265.519.661.
Nhóm từ 18 tuổi trở lên: Tiêm mũi 3: Tổng số có 51.670.772 mũi tiêm (80,1%)
5 tỉnh có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Nam (62,8%); Bình Định (60,4%); Phú Yên (62,3%); Đồng Nai (53,8%); Đồng Tháp (60%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (98,1%); Nghệ An (100%); Sóc Trăng (100,4%).
Tiêm mũi 4: Tổng số có 17.283.091 mũi tiêm (86,9%).
Nhóm từ 12-17 tuổi: Số tiêm mũi 3 có 5.778.801 mũi tiêm (68,5%)
5 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tiêm thấp: Đà Nẵng (43,7%); Phú Yên (48,4%); Bình Thuận (44,1%); TP.HCM (36,4%); Đồng Nai (43,1%).
3 tỉnh có tỷ lệ tiêm cao: Bắc Giang (99,3%); Sóc Trăng (103,5%); Bến Tre (94,9%).
Nhóm từ 5 - dưới 12 tuổi: Tổng số mũi tiêm đã thực hiện là 18.438.066 mũi tiêm:
Mũi 1: 10.242.255 mũi tiêm (92,6%). 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Hà Nội (77,5%); Quảng Trị (78,8%); Đà Nẵng (68,5%); TP.HCM (64,6%), Bà Rịa - Vũng Tàu (73,3%)
Mũi 2: 8.195.811 mũi tiêm (74,1%). 5 tỉnh, thành có tỷ lệ tiêm thấp: Quảng Bình (56,1%); Đà Nẵng (37%); Quảng Nam (49,4%); TP HCM (40,6%), Bà Rịa - Vũng Tàu (44,6%).
Thừa Thiên Huế: Xử phạt vi phạm hành nghề y, dược tư nhân hơn 400 triệu đồng
Trong 2022, Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã triển khai 8 đợt thanh, kiểm tra hành nghề y, dược tư nhân, an toàn thực phẩm. Qua đó, phát hiện 56 cơ sở vi phạm, xử phạt 37 cơ sở với số tiền hơn 423 triệu đồng.
Qua thanh tra đã phát hiện sai phạm và tiến hành xử phạt nhiều nhất là về lĩnh vực hành nghề y, dịch vụ thẩm mỹ. Cụ thể, ngành y tế tiến hành kiểm tra 62 cơ sở, qua đó phát hiện, xử lý vi phạm hành chính 17 cơ sở, với số tiền phạt 366 triệu đồng.
Về lĩnh vực hành nghề y, dịch vụ thẩm mỹ, các vi phạm chủ yếu là hành nghề không có giấy phép hoạt động; hoạt động không đúng địa điểm ghi trong giấy phép hoạt động; không chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; cung cấp dịch vụ thẩm mỹ tại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ khi chưa có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ gửi về cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; quảng cáo các dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.
Sở Y tế Thừa Thiên Huế đã có văn bản đề nghị UBND huyện, thị xã, TP tăng cường kiểm tra các cơ sở hành nghề y, dược tư nhân hoạt động không phép; các cơ sở Spa, chăm sóc sắc đẹp hoạt động dịch vụ thẩm mỹ trá hình.
Cương quyết không để tình trạng hành nghề y, dược tư nhân không có giấy phép hoạt động xảy ra trên địa bàn.
Cà Mau: Tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết
Nhằm hạn chế tối đa số vụ ngộ độc và các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm trong dịp Tết Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023, Ban Chỉ đạo Liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Cà Mau sẽ tăng cường kiểm tra đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và sử dụng thực phẩm; đẩy mạnh hoạt động kiểm soát, ngăn chặn, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm liên quan đến sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, kém chất lượng, hàng cấm...
Tỉnh sẽ thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành các cấp để kiểm soát đảm bảo an toàn thực phẩm. Công tác kiểm tra cần có trọng tâm, trọng điểm, tránh sự chồng chéo; kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức, pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người dân, cộng đồng trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm; huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đoàn kiểm tra liên ngành các cấp tập trung kiểm tra đối với các sản phẩm, nhóm thực phẩm sử dụng nhiều, có nguy cơ ngộ độc cao trong dịp Tết như: thịt và các thực phẩm chế biến từ thịt, bia, rượu, đồ uống có cồn, bánh, mứt, kẹo, rau, củ, quả, phụ gia thực phẩm... cùng các cơ sở dịch vụ kinh doanh ăn uống trên địa bàn.
Trong đó, các địa phương chú trọng kiểm tra từ đầu mối sản xuất, kinh doanh, chợ đầu mối, siêu thị, chợ truyền thống, cơ sở giết mổ, vận chuyển thực phẩm; đồng thời, kiểm soát chặt chẽ hoạt động buôn lậu, hàng giả, hàng không bảo đảm chất lượng, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Theo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Cà Mau, toàn tỉnh có hơn 860 cơ sở sản xuất thực phẩm, 6.775 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 1.733 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... Năm 2022, Chi cục đã tổ chức 488 đoàn thanh tra, kiểm tra tại 6.396 lượt cơ sở với 8.260 sản phẩm, qua đó, phát hiện 669 lượt cơ sở vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm.
Địa bàn tỉnh có hàng ngàn cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm nhưng đa số là quy mô vừa và nhỏ, sản xuất thủ công, dây chuyền còn lạc hậu, một số công đoạn sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Một số chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chưa thể hiện tốt trách nhiệm trong quá trình sản xuất, kinh doanh hàng hóa đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, vẫn còn đối phó khi có lực lượng đến kiểm tra.