Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 5/5: Yêu cầu kiểm tra, ngăn chặn việc sử dụng “bút đo vi chất”; Mắc ung thư gan do chủ quan với bệnh viêm gan B
D.Ngân - 05/05/2023 08:01
Sở Y tế Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Phòng Y tế các quận, huyện, thị xã kiểm tra, ngăn chặn việc sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất trên cơ thể người.

Hà Nội: Yêu cầu kiểm tra, ngăn chặn việc sử dụng “bút đo vi chất”

 Trước đó, Chương trình chuyển động 24h (VTV1)- Đài Truyền hình Việt Nam (phát sóng hồi 18 giờ ngày 3/5/2023 và hồi 9 giờ 48 phút ngày 4/5/2023 trong bài Mạo danh bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để bán thực phẩm chức năng có bài phản ánh việc một số cơ sở, cửa hàng sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất trên cơ thể người.

Nhân viên của cơ sở, cửa hàng trên mạo nhận là bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương thực hiện khám, tư vấn, kê đơn cho trẻ em để cơ sở, cửa hàng bán thực phẩm chức năng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho người dân.

Theo Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, “bút bi đo vi chất” nói trên không nằm trong danh mục trang thiết bị y tế được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

Một số cơ sở, cửa hàng sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất trên cơ thể người. Nguồn: VTV

Sử dụng “bút đo vi chất” đo vi chất trên cơ thể người không được Bộ Y tế cho phép thực hiện để khám bệnh, chữa bệnh, đo vi chất cho con người.

Sở Y tế Hà Nội không thẩm định, cấp phép cho cá nhân, cơ sở nào được thực hiện khám, chữa bệnh sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất cho trẻ em, bán thực phẩm chức năng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho người dân…như nội dung Chương trình Chuyển động 24h đã phản ánh.

Thực hiện Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 8/2/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc tăng cường quản lý hoạt động hành nghề y, dược ngoài công lập trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội thông báo và đề nghị Phòng y tế các quận, huyện, thị xã phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan khẩn trương kiểm tra, rà soát ngay trên địa bàn.

Đình chỉ hoạt động các cơ sở, cửa hàng, cá nhân mạo nhận là bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương sử dụng “bút đo vi chất” để đo vi chất trên cơ thể người, khám, tư vấn, kê đơn cho trẻ em, bán thực phẩm chức năng bổ sung vi chất dinh dưỡng cho người dân….,

Xử lý nghiêm các cơ sở, cửa hàng, cá nhân có vi phạm theo quy định của pháp luật, báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về Sở Y tế Hà Nội để tổng hợp, báo cáo UBND thành phố.

Mắc ung thư gan do chủ quan với bệnh viêm gan B

Mặc dù biết mình bị viêm gan B nhiều năm, nhưng nam thanh niên 36 tuổi vẫn chủ quan, thờ ơ không điều trị. Trong lần kiểm tra định kỳ mới đây tại Bệnh viện Đa khoa Medlatec, bệnh nhân bất ngờ với kết luận ung thư biểu mô tế bào gan.

Các bác sĩ chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm đánh giá sức khỏe của lá gan gồm xét nghiệm, siêu âm đo độ đàn hồi mô gan. Kết quả sinh thiết gan phải dưới hướng dẫn siêu âm cho kết quả Carcinoma tế bào gan biệt hóa vừa.

Dựa vào các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh và giải phẫu bệnh, kết quả chẩn đoán xác định của bệnh nhân là Carcinoma tế bào gan/viêm gan B mạn và đái tháo đường type II.

Sau đó, bệnh nhân được bác sĩ giải thích về kết quả Carcinoma tế bào gan (còn gọi là ung thư biểu mô tế bào gan). Đây là tổn thương ác tính của các tế bào biểu mô nhu mô gan, nếu phát hiện muộn thì tiên lượng xấu và tỷ lệ tử vong cao.

Hiện tại sau 2 đợt điều trị bằng nút mạch, đốt sóng cao tần, bệnh nhân may mắn có sức khỏe ổn định, xét nghiệm lại hai marker ung thư gồm AFP, PIVKA-II về giá trị bình thường và sức khỏe được bình phục trở lại.

Viêm gan B là một trong những bệnh truyền nhiễm hay gặp, bởi bệnh truyền nhiễm này có nguy cơ lây nhiễm gấp 100 lần so với HIV.

Khi bị nhiễm virus viêm gan B, đa số trường hợp (90%) người trưởng thành sẽ có khả năng loại virus viêm gan B ra khỏi cơ thể trong vòng 6 tháng và chỉ có khoảng 9-10% trở thành viêm gan B mạn tính. Khi bệnh chuyển thành viêm gan B mạn tính thì nguy cơ tiến triển thành xơ gan và ung thư gan là rất cao.

Ung thư gan giai đoạn đầu thường khó nhận biết, đa số các trường hợp phát hiện bệnh thường ở giai đoạn tiến triển, lúc này gây tốn kém thời gian, chi phí điều trị, cũng như rút ngắn tuổi thọ của bệnh nhân.

Theo BS. Trần Tiến Tùng, Chuyên khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Medlatec, để an tâm lá gan khỏe mạnh, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng tránh như sau: Tiêm phòng vắc-xin viêm gan B để tạo lá chắn thép bảo vệ sức khỏe, tránh mắc virus HBV.

Mọi người cần kiểm tra định kỳ, nhất là những người có nguy cơ cao như người mắc bệnh về xơ gan, viêm gan B, C, hoặc đi kiểm tra ngay nếu có dấu hiệu bất thường như chán ăn, ăn không ngon miệng, chướng bụng, đầy hơi, mệt mỏi, sụt cân...

Tránh uống bia rượu, hút thuốc lá, không ăn thực phẩm nấm mốc; Thực hiện chế độ ăn uống khoa học như tăng cường rau xanh, đồ ăn ít dầu mỡ, tránh sử dụng đồ chế biến sẵn và chế độ nghỉ ngơi hợp lý.

Với những bệnh nhân đã được chẩn đoán mắc viêm gan B, C cần tuân thủ điều trị theo tư vấn của bác sĩ (nếu có), cũng như chủ động tầm soát ung thư gan định kỳ để phát hiện bệnh sớm, cũng như tăng hiệu quả chữa trị.

Phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị bịt nguy hiểm, hiếm gặp cho cụ bà 104 tuổi

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh đã phẫu thuật cấp cứu thành công cho cụ bà 104 tuổi bị thoát vị bịt nguy hiểm tính mạng, giúp cụ thoát khỏi nguy cơ cắt ruột do hoại tử.

Thoát vị bịt là bệnh lý hiếm gặp, nguy cơ tử vong cao nhất trong các loại thoát vị thành bụng.

Bệnh nhân là T.T.L (104 tuổi) là người dân tộc Sán Dìu, trú tại phường Cẩm Phú, thành phố Cẩm Phả.

Theo gia đình cho biết, cụ bà ở nhà thỉnh thoảng đau bụng, nghỉ ngơi thì tự khỏi, đôi khi lẫn do sa sút trí tuệ tuổi già.

Sáng 29/4, cụ bà bị đau dữ dội nên được các con đưa vào bệnh viện tuyến dưới theo dõi, những cơn đau quặn ngày càng tăng dần và nhiều hơn trước.

Kết quả chụp cắt lớp ổ bụng phát hiện bệnh nhân bị thoát vị nghẹt do ruột non chui vào lỗ bịt bên trái.

Vì bệnh nhân cao tuổi, già yếu lại bị bệnh hiếm gặp nên các bác sĩ tuyến dưới đã liên hệ hội chẩn từ xa và lập tức chuyển Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh để phẫu thuật.

Tiếp nhận người bệnh tại khoa Cấp cứu, các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa Ngoại, Gây mê hồi sức đánh giá, bệnh nhân tuổi cao hiếm gặp (104 tuổi) bị thoát vị bịt, lú lẫn, tuy nhiên không có bệnh lý nội khoa cấp tính, chức năng tim phổi còn ổn định.

Vì vậy, các bác sĩ quyết định thực hiện phẫu thuật nội soi cấp cứu xử trí khối thoát vị bịt và đặt lưới nhân tạo phủ lỗ thoát vị, kịp thời cứu người bệnh thoát khỏi nguy cơ hoại tử ruột.

Ca mổ do bác sĩ CKI Bùi Văn Dũng - khoa Ngoại cùng kíp gây mê hồi sức phối hợp thực hiện. Phẫu thuật viên tiến hành đưa dụng cụ nội soi qua vết rạch vào ổ bụng kiểm tra thấy khối thoát vị là một quai ruột non chui qua và bị nghẹt ở lỗ bịt bên trái.

Sau khi giải phóng ra khỏi lỗ thoát vị, kiểm tra thấy đoạn ruột vẫn hồng hào, thông tốt. Phẫu thuật viên khéo léo phẫu tích túi thoát vị bịt, tiến hành đặt một tấm lưới nhân tạo nhằm che phủ và tăng cường độ chắc chắn cho vùng sàn chậu.

Ca mổ thành công sau 1 giờ phẫu thuật. Dù có tuổi song cụ bà sau mổ phục hồi tích cực, hết đau bụng, ăn uống bình thường, có thể nhanh chóng xuất viện trong vài ngày tới.

Thoát vị bịt là một bệnh lý hiếm gặp, chiếm dưới 1% trong số các loại thoát vị, nguy cơ tử vong cao nhất trong các loại thoát vị thành bụng. Thoát vị lỗ bịt xảy ra ở ống bịt hay còn gọi là ống dưới mu. Bệnh xảy ra khi các thành phần trong ổ bụng chui qua chỗ khuyết của lỗ bịt để đi vào ống bịt.

Nguyên nhân của thoát vị bịt được cho là sự lỏng lẻo của sàn chậu đi kèm với tuổi cao, thể trạng gầy, lượng mỡ của cơ thể giảm có thể làm rộng lỗ bịt. Ngoài ra còn do tình trạng táo bón kéo dài, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, cổ trướng hoặc do bất thường trong cấu trúc bẩm sinh làm tăng áp lực ổ bụng gây thoát vị bịt.

Thoát vị bịt khó phát hiện do triệu chứng đau vùng bẹn nghèo nàn, dễ nhầm lẫn với bệnh lý khác, việc thăm khám thông thường có thể phát hiện từ dấu hiệu đau co một chân bên bị thoát vị do khối thoát vị chèn vào thần kinh lỗ bịt.

Phương tiện tốt nhất để chẩn đoán khi nghi ngờ căn bệnh này là chụp cắt lớp vi tính ổ bụng. Thoát vị bịt có nguy cơ nghẹt cao do lỗ thoát vị nhỏ, nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn tới nguy cơ hoại tử ruột, nhiễm trùng, sốc đe dọa tính mạng.

Phẫu thuật là phương pháp điều trị triệt để duy nhất với các loại thoát vị thành bụng nói chung.

Tin liên quan
Tin khác