Y tế - Sức khỏe
Tin mới về y tế ngày 7/4: 23 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện; Xử phạt công ty dược nước ngoài sản xuất thuốc vi phạm chất lượng
D.Ngân - 07/04/2023 10:01
Từ năm 2000, ngày 7/4 hằng năm được chọn là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.

23 năm Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện (7/4/2000 - 7/4/2023)

Sau 23 năm, hoạt động hiến máu ở nước ta đã nhận được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự tham gia có hiệu quả của nhiều cơ quan, đơn vị và trở thành hành động thường xuyên của hàng vạn người dân trên mọi miền Tổ quốc.

Ngày 7/4/2000, nhân ngày Sức khoẻ thế giới với chủ đề “An toàn truyền máu bắt đầu từ tôi”, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 43/2000/QĐ-TTg về việc Vận động và khuyến khích nhân dân hiến máu tình nguyện lấy ngày 7/4, đồng thời lấy ngày 7/4 hằng năm là Ngày Toàn dân hiến máu tình nguyện.

PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu TW nhấn mạnh: “Đây là cú huých mạnh mẽ tạo nên sự nhận thức của người dân trong những năm vừa qua. Chúng tôi cũng nhận thấy sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cả xã hội với phong trào hiến máu tình nguyện. Hiện nay, lượng máu tiếp nhận được về cơ bản cung cấp đủ cho điều trị và nhu cầu cấp cứu”.

Ảnh minh hoạ.

Năm 2022, toàn quốc đã vận động và tiếp nhận được hơn 1,4 triệu đơn vị máu; tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt 99%; tỷ lệ dân số hiến máu đạt gần 1,5%.

Tại Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, dù vẫn chịu tác động của đại dịch Covid-19 vào đầu năm, nhưng 2022 là năm Viện tiếp nhận được lượng máu lớn nhất từ trước đến nay.

Viện đã phối hợp với các đơn vị tổ chức được 2.600 điểm hiến máu, tiếp nhận gần 380.000 đơn vị máu; số lượng máu tiếp nhận tại điểm ở Viện và các điểm hiến máu cố định tăng đáng kể.

Nói thêm về sự thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của người dân về hiến máu vài năm gần đây, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh chia sẻ thêm: “Trước kia, đối tượng hiến máu chủ yếu là thanh niên, sinh viên, tham gia các lễ hội, kỳ cuộc hiến máu lớn.

Còn hiện nay, hoạt động hiến máu đã lan rộng tới toàn thể cộng đồng, từ người dân, người lao động bình thường, cán bộ, viên chức, cán bộ chiến sĩ trong lực lượng Công an nhân dân…

Việc hiến máu ngày càng có xu hướng trở thành hành động được mọi người thực hiện thường xuyên. Vì vậy mà những năm trở lại đây, chúng tôi không phải chứng kiến tình trạng thiếu máu xảy ra vào dịp hè và dịp Tết như trước”.

Nối lại 2 cẳng chân bị đứt rời cho một bệnh nhân

Vừa qua, anh Đ.H.H (38 tuổi, Thái Bình) trong lúc đang sửa máy, do bất cẩn đã đứng vào trong khuôn ép của máy ép vải sợi khi đóng cầu giao thử máy.

Lập tức khuôn ép cắt đứt rời 2 cẳng chân và được công nhân phân sướng sơ cứu băng cầm máu tại chỗ, sau đó được chuyển thẳng đến Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, TS. Nguyễn Viết Ngọc - Khoa Chấn thương chi trên và vi phẫu thuật, Viện Chấn thương chỉnh hình trực tiếp khám và thực hiện ca phẫu thuật.

Cuộc phẫu thuật được triển khai 2 kíp mổ liên tục trong khoảng 6 giờ, sau phẫu thuật bệnh nhân chuyển về khoa hồi sức cấp cứu để theo dõi và điều trị hồi sức do lượng máu mất nhiều ngay sau khi bị thương và tình trạng tái tưới máu của 2 cẳng chân sau trồng lại.

Sau 2 ngày nằm hồi sức, bệnh nhân ổn định, được chuyển về khoa Phẫu thuật chi trên và Vi phẫu thuật tiếp tục điều trị.

Ngày thứ 6 sau mổ, toàn trạng bệnh nhân đã phục hồi tốt, lượng máu trở lại bình thường, huyết động ổn định; tại chỗ vết mổ khô, bàn ngón chân 2 bên hồng ấm và hồi lưu tốt, mạch mu chân - ống gót bất rõ.

Tiên lượng diễn biến thuận lợi. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị kháng sinh và thuốc chống đông trong khoảng 10 ngày sau mổ, thay băng chăm sóc vết mổ hàng ngày.

Theo TS. Nguyễn Viết Ngọc, tình hình đứt rời chi thể do mất an toàn trong lao động rất thường gặp, nhưng rất hiếm gặp trường hợp đứt rời cả 2 cẳng chân và đây là trường hợp đầu tiên được trồng lại cả 2 cẳng chân trên một người bệnh ở Việt Nam.

Cuộc phẫu thuật đã được triển khai rất khẩn trương, chỉ sau vào viện 1 giờ bệnh nhân được làm những xét nghiệm cơ bản và được đưa lên phòng mổ.

Quá trình sắp xếp kíp phẫu thuật diễn ra nhanh chóng, phương pháp phẫu thuật hợp lý nên cả 2 cẳng chân đều được tái tưới máu sớm ở giờ thứ 6 và thứ 7 sau tổn thương (chỉ sau khi thực hiện cuộc phẫu thuật 1-2 giờ).

Cũng theo TS. Ngọc, đối với phần chi thể đứt rời lớn và đứt rời nhiều chi thể cùng lúc trên một người bệnh thì việc trồng lại chi thể cần được tính toán rất kỹ, vì nếu không cẩn thận sẽ nguy hiểm cho tính mạng người bệnh do hội chứng tái tưới máu kèm theo các độc tố phân hủy từ phần tổ chức chi thể đứt rời.

Đây là trường hợp được ê kíp tính toán kỹ, chiến thuật xử trí hợp lý, thực hiện đồng thời 2 kíp phẫu thuật để rút ngắn tối đa thời gian tái tưới máu.

Ca phẫu thuật đã được thực hiện thành công như dự định, hiện tại bệnh nhân tình trạng cấp máu cho phần chi trồng lại rất tốt và ổn định, đã cử động gấp được các ngón chân, tiên lượng sẽ phục hồi chức năng tốt.

Xử phạt công ty dược nước ngoài sản xuất thuốc vi phạm chất lượng mức độ 3

Cục Quản lý Dược vừa có quyết định số 237/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty M/s Windlas Biotech Limited (India).

Đại diện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là Văn phòng đại diện Công ty M/s Windlas Biotech Limited (India) tại TP. HCM. Địa chỉ trụ sở chính tại tầng trệt, số 83 Lô L, đường số 2, Khu dân cư Phú Mỹ, phường Phú Mỹ, Quận 7, TP. HCM;

Đã thực hiện hành vi sản xuất thuốc vi phạm chất lượng mức độ 3 theo quy định của pháp luật đối với thuốc Locobile-200, số giấy đăng ký lưu hành VN-21822-19, số lô WLD21003E, ngày sản xuất 04/02/2021, hạn dùng 03/02/2024.

Hình thức xử phạt chính là phạt tiền với mức phạt là 50 triệu đồng. Cụ thể như sau:

Hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 Điều 57 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP: Mức phạt tiền đối với cá nhân là từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng. Do không có tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, áp dụng mức phạt tiền đối với cá nhân ở mức trung bình là 25.000.000 đồng.

Áp dụng quy định tại khoản 5 Điều 4 của Nghị định số 117/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với tổ chức gấp đôi mức phạt tiền đối với cá nhân là 50.000.000 đồng.

Công ty M/s Windlas Biotech Limited (India), đại diện chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là Văn phòng đại diện Công ty M/s Windlas Biotech Limited (India) tại TP. HCM phải nghiêm chỉnh chấp hành Quyết định xử phạt này.

Nếu quá thời hạn mà Công ty M/s Windlas Biotech Limited (India) không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.

Công ty M/s Windlas Biotech Limited (India) phải nộp số tiền phạt 50.000.000 đồng vào ngân sách nhà nước trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận Quyết định xử phạt.

Công ty M/s Windlas Biotech Limited (India) có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.

Công ty TNHH Dược phẩm Á Mỹ là cơ sở nhập khẩu lô thuốc Locobile-200, số giấy đăng ký lưu hành VN-21822-19, số lô WLD21003E, ngày sản xuất 04/02/2021, hạn dùng 03/02/2024.

Công ty TNHH Dược phẩm Á Mỹ phải tiến hành thu hồi toàn bộ số thuốc vi phạm chất lượng và báo cáo kết quả thực hiện về Cục Quản lý Dược theo yêu cầu tại Công văn số 2205/QLD-CL ngày 09/3/2023 của Cục Quản lý Dược.

Tin liên quan
Tin khác