Bộ Y tế đề nghị tiếp tục đẩy mạnh giám sát, phát hiện sớm ca bệnh, nguồn lây
Theo Bộ Y tế, tính đến hiện tại Việt Nam ghi nhận 56 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ (Mpox), bao gồm 2 ca nhập cảnh vào năm 2022.
Ảnh minh hoạ. |
Các trường hợp bệnh đã được ghi nhận tại 7 tỉnh/thành phố, trong đó 1 trường hợp tử vong tại TP.HCM. Tuổi trung bình là 32 (18-49), hầu hết là nam (92,9%), có xu hướng tình dục là đồng tính nam và lưỡng tính nam (MSM): 78,6%, dị tính (8,9%); khoảng 63% những trường hợp bệnh đang nhiễm HIV, 46% trường hợp mắc các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục khác.
Từ đầu tháng 7/2023 đến nay, Việt Nam liên tục ghi nhận các trường hợp ca bệnh đậu mùa khỉ. Đây là dịch bệnh mới ghi nhận tại nước ta, mầm bệnh đã xâm nhập trong cộng đồng nên trong thời gian tới, nhiều khả năng Việt Nam sẽ tiếp tục ghi nhận các trường hợp bệnh mới, đặc biệt tại các thành phố lớn khác ngoài TP.HCM.
Bộ Y tế đề nghị các địa phương dựa vào sự kiện tại cộng đồng và tại các cửa khẩu (nếu có cửa khẩu), lồng ghép giám sát với hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, giám sát tại cơ sở khám bệnh phụ khoa, da liễu, các cơ sở y tế công, tư cung cấp các dịch vụ về phòng, chống HIV/AIDS (xét nghiệm HIV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm PrEP, điều trị ARV) để phát hiện các trường hợp bệnh, chùm ca bệnh, nguồn lây bệnh từ đó cung cấp các dịch vụ tư vấn, chăm sóc, điều trị;
Quản lý các trường hợp bệnh, người tiếp xúc không để lây nhiễm thêm, lây lan ra cộng đồng và phòng, chống lây nhiễm cho cán bộ y tế. Tư vấn, xét nghiệm HIV cho người bệnh và bạn tình của người bệnh Đậu mùa khỉ.
Đối với các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh cần lấy mẫu xét nghiệm, liên hệ, gửi về Viện Pasteur/Vệ sinh dịch tễ khu vực để xét nghiệm, chẩn đoán.
Cục Y tế dự phòng cũng đề nghị các tỉnh, thành tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế các tuyến về giám sát, các biện pháp phòng, chống, chăm sóc, điều trị, phòng, chống lây nhiễm bệnh đậu mùa khỉ.
Đồng thời, chủ động xây dựng, cập nhật kế hoạch, kịch bản phòng, chống theo các tình huống để sẵn sàng đáp ứng khi dịch bệnh xảy ra trên địa bàn; sẵn sàng thuốc, trang thiết bị, nhân lực, kinh phí để triển khai các biện pháp thu dung, điều trị, phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố tiếp tục thực hiện truyền thông về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đậu mùa khỉ theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tập trung truyền thông cho các đối tượng có nguy cơ cao, đồng thời khuyến cáo người dân chủ động khai báo với các cơ quan y tế khi có triệu chứng nghi ngờ, mắc bệnh
Biến chứng vì dùng thuốc Nam trị sỏi thận
Ngày 7/11, theo tin từ Bệnh viện Da liễu trung ương, thời gian qua tại đây đã tiếp nhận nhiều trường hợp dị ứng thuốc thể nặng sau dùng các loại thuốc Nam, thuốc Bắc.
Điển hình là trường hợp một nữ bệnh nhân (60 tuổi) có tiền sử uống thuốc nam trị sỏi thận. Sau khi dùng thuốc được 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện các dát đỏ thẫm, tổn thương bọng nước nhăn nheo, trợt da, hoại tử da rải rác khắp tay chân, thân mình. Sau đó, các tổn thương này lan ra toàn thân.
Tại Bệnh viện Da liễu trung ương, bệnh nhân được chẩn đoán dị ứng thuốc thể hoại tử thượng bì nhiễm độc.
Các bác sĩ cho hay, dị ứng thuốc được chia thành nhiều thể với mức độ nặng khác nhau. Trong đó, hoại tử thượng bì nhiễm độc (hay còn gọi tắt là hội chứng TEN) là tình trạng phản ứng nặng của da và niêm mạc. Đặc trưng của hội chứng này là hoại tử lan tỏa và mất thượng bì.
Các thuốc thường gây ra dị ứng thể hoại tử thượng bì nhiễm độc gồm thuốc điều trị bệnh gout, thuốc chống co giật, các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống động kinh…
Ở trẻ em, nguyên nhân phổ biến nhất gây ra hội chứng này là kháng sinh nhóm sulfonamid, phenobarbital, carbamazepin và lamotrigine. Các nguyên nhân khác ít gặp hơn là tình trạng nhiễm khuẩn, yếu tố vật lý, liên quan đến gen...
Theo các bác sĩ, tại nước ta, do thói quen tự ý sử dụng thuốc không theo chỉ định nên tỷ lệ dị ứng thuốc còn cao. Thậm chí, nhiều bệnh nhân không biết rõ mình bị dị ứng thuốc gì để phòng tránh. Trong khi đó, các loại thuốc thuốc Nam, thuốc Bắc, thuốc đông y thường không có thành phần rõ ràng, nên khi bị dị ứng sẽ không biết rõ thành phần chính gây dị ứng.
Bác sĩ da liễu lưu ý, các bệnh nhân dị ứng thuốc thể nặng như hội chứng TEN cần được điều trị và theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện chuyên khoa, nằm trong phòng riêng cách ly, chăm sóc da đặc biệt để giảm nguy cơ nhiễm trùng, nhiễm độc.
Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương da lan tỏa sẽ gây đau rát, mệt mỏi. Bệnh nhân có nguy cơ tổn thương da hoại tử diện rộng, nhiễm khuẩn da gây nhiễm khuẩn huyết, ảnh hưởng tới tính mạng.
Các bác sĩ khuyến cáo, người dân không tự ý sử dụng thuốc trị bệnh. Khi có dấu hiệu nghi ngờ dị ứng thuốc như: Khó thở, đau bụng, nổi ban đỏ, sẩn phù, bọng nước... nên dừng ngay thuốc đang uống và đi khám tại các cơ sở y tế gần nhất.