Phát hiện sớm dấu hiệu tổn thương khớp
Ông Nicholas Anthony (1963, Úc) đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM thăm khám trong tình trạng đau, yếu vai và cánh tay. Người bệnh cho biết gặp tai nạn giao thông vào khoảng 3 tuần trước, té ngã làm vai trái va chạm mạnh xuống mặt đường, gây đau và hạn chế vận động.
Ảnh minh họa. |
Trong thời gian này, người bệnh được điều trị bảo tồn với nẹp đeo cố định khớp vai nhưng tình trạng không cải thiện. Ngày 15/2, ThS.BS.CKI Hồ Văn Duy Ân, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết người bệnh bị trật khớp cùng đòn độ 3 (mức độ tổn thương được phân thành 6 cấp).
Khớp cùng đòn bị trật hoàn toàn, cùng với mỏm quạ lệch nhau rõ rệt; đứt dây chằng quạ đòn và dây chằng cùng đòn. Đây là hai dây chằng chính trong cấu trúc giữ vững khớp cùng đòn.
Khớp cùng đòn là khớp động nằm giữa đầu ngoài xương đòn và mặt trong mỏm cùng vai, được bao phủ bởi sụn sợi. Chức năng chính là hỗ trợ các hoạt động của vùng vai, thực hiện các hoạt động giơ tay, vươn vai…
Vì vậy, khi xảy ra trật khớp cùng đòn, tùy mức độ tổn thương mà người bệnh sẽ cảm thấy đau, hạn chế và yếu các vận động vai; vai bên chấn thương xệ xuống, đầu ngoài xương đòn nhô lên khỏi mỏm cùng vai; phần vai chấn thương bị sưng đau, bầm tím.
Trước đây, phẫu thuật mở nắn và cố định khớp với đường mổ khoảng 10 cm là phương pháp chính trong điều trị trật khớp cùng đòn.
Tuy nhiên, nhược điểm làm tăng nguy cơ tổn thương các mô mềm xung quanh như dây chằng, gân, cơ… trong quá trình bộc lộ và thao tác. Điều này khiến người bệnh mất máu và đau nhiều hơn sau mổ, làm chậm quá trình phục hồi.
Để khắc phục những vấn đề trên, người bệnh được chỉ định cố định khớp cùng đòn bằng nội soi. Phương pháp này cho ưu điểm có thể nhìn rõ khớp cùng đòn thông qua kính nội soi.
Từ đó nắn chỉnh khớp một cách chính xác và hợp lý, tránh nguy cơ nắn chỉnh quá mức, gây đau dai dẳng và thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp diễn ra sớm hơn. Trong quá trình phẫu thuật, “dây neo giữ hai đầu” được đưa vào cơ thể để cố định khớp.
Với dụng cụ này, người bệnh không phải trải qua lần phẫu thuật thứ hai để lấy dụng cụ ra như kỹ thuật đặt nẹp và một số kỹ thuật cố định khớp cùng đòn khác.
Đồng thời, nội soi còn giúp bác sĩ phát hiện ra các tổn thương khác khớp vai người bệnh (nếu có).
Ở trường hợp của ông Nicholas, bác sĩ Ân phát hiện người bệnh bị thoái hóa khớp cùng đòn khá nặng. Đây là thương tổn làm bào mòn lớp sụn và suy giảm chức năng hoạt động của vai.
Nếu không sớm được phát hiện và điều trị kịp thời, tình trạng này có thể phá hủy hoàn toàn sụn khớp vai, phát triển gai xương, tổn thương xương, teo yếu cơ…
Vì vậy, ê kíp phẫu thuật đã thực hiện mài đầu xa của xương đòn để điều trị tình trạng thoái hóa. Tất cả các vấn đề ở khớp vai được xử lý trong khoảng 60 phút.
Ngày đầu tiên sau phẫu thuật, người bệnh cho biết giảm đau đáng kể, có thể cử động vai nhẹ nhàng. Trước khi phẫu thuật, tôi không thể giơ tay qua đầu, rướn tay hay cầm nhấc đồ vật. Tuy nhiên, chỉ trong ngày đầu tiên sau phẫu thuật, dù vẫn còn đau nhẹ và hạn chế vận động nhưng tôi đã có thể tự vệ sinh cá nhân và thực hiện những thao tác đơn giản.
Bác sĩ Ân khuyến cáo, trật khớp cùng đòn là chấn thương thường gặp, xảy ra khi vùng vai bị va chạm mạnh do té ngã hoặc chơi thể thao.
Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, chấn thương này có thể để lại những di chứng nặng nề như làm suy yếu khớp, giảm khả năng vận động của vai, trật khớp tái phát, gây đau nhức kéo dài, thúc đẩy quá trình thoái hóa khớp vai diễn ra sớm hơn… Vì vậy, người bệnh cần sớm đến gặp bác sĩ nếu phát hiện dấu hiệu bất thường ở vai, đặc biệt là sau khi xảy ra va chạm.
Phát hiện sớm ung thư nhờ công nghệ
Thời gian vừa qua, Phòng khám Quốc tế chất lượng cao, Khoa Quốc Tế, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 tiếp nhận bệnh nhân T, 56 tuổi (Hưng Yên) đến khám sức khỏe định kỳ.
Sau khám, phát hiện bệnh nhân có u tế bào cận hạch thần kinh (Paraganglioma) - Một loại ung thư hiếm gặp, kích thước 33x50x64mm, tại vị trí khoang sau phúc mạc.
Người bệnh đã được phẫu thuật cắt bỏ hoàn toàn khối u tại Khoa Phẫu thuật Gan Mật Tụy, Bệnh viện Trung ương quân đội 108 và ra viện sau 5 ngày hậu phẫu. Việc phẫu thuật cắt bỏ khối u tế bào cận hạch thần kinh trong giai đoạn sớm như trường hợp này có thể giúp điều trị khỏi bệnh hoàn toàn.
Theo định nghĩa của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) năm 2004, u tế bào cận hạch (Paraganglioma - PGL) được định nghĩa là u tế bào ưa crôm (chromaffin cell tumors) phát sinh từ hạch giao cảm và đối giao cảm của hệ thần kinh tự chủ.
Paraganglioma bao gồm cả những khối u xuất phát từ tủy thượng thận, vốn được coi như hai hạch giao cảm lớn, trong đó các neuron mất sợi trục và trở thành tế bào bài tiết. Những khối u từ tủy thượng thận thường được gọi là Pheochromocytoma (PHEO), hay Intra-adrenal Paraganglioma.
U tế bào cận hạch của hệ giao cảm ngoài thượng thận có thể xuất hiện bất cứ đâu trên hệ hạch giao cảm, khoảng 75% từ bụng, 10% từ ngực, 10% từ chậu hông và 5% từ nền sọ.
Giống như PHEO, những khối u này thường tiết catecholamine và gây triệu chứng rầm rộ trên lâm sàng, nổi bật là tăng huyết áp, mạch nhanh, đau đầu, ra nhiều mồ hôi.
PHEO và PGL tiết catecholamine có biểu hiện lâm sàng tương tự nhau và được tiếp cận điều trị theo hướng như nhau, tuy nhiên việc phân biệt giữa PHEO và PGL cũng rất quan trọng bởi nguy cơ ác tính, xét nghiệm di truyền…
U tế bào cận hạch không tiết catecholamine thường ít có biểu hiện lâm sàng, triệu chứng chủ yếu là từ hiệu ứng khối u gây chèn ép, gây đau…, do đó, việc chẩn đoán sớm là tương đối khó khăn và thường chỉ được chẩn đoán xác định dựa trên hình ảnh mô bệnh học (sinh thiết khối u).
Theo các bác sĩ, u tế bào cận hạch tiển triển thường di căn hạch xa hoặc di căn vào xương, gan, phổi.
Về phương pháp điều trị, u tế bào cận hạch phẫu thuật, trường hợp ở giai đoạn sớm bệnh có thể điều trị khỏi bằng phẫu thuật cắt bỏ khối u.
Hoặc phẫu thuật điều trị triệu chứng ở giai đoạn muộn để làm giảm nguy cơ từ khối u có tăng tiết cathecholamin có triệu chứng. Tuy nhiên, đây là bệnh lý khó chẩn đoán ở giai đoạn sớm vì không có triệu chứng lâm sàng.
Hóa trị: Sử dụng phối hợp nhiều loại hóa chất như cyclophosphamide, vincristin, dacarbazine… hoặc temozolomide kết hợp thalidomide cũng mang lại hiệu quả trong trường hợp giai đoạn bệnh di căn.
Điều trị đích: Điều trị miễn dịch phóng xạ bằng 131I-MIBG hoặc điều trị đích bằng hệ thống NET với sự ức chế receptor ST (90Y-DOTATOC) mang lại hiệu quả trong trường hợp giai đoạn di căn.
Khám sức khỏe định kỳ là cách hiệu quả để bảo vệ sức khỏe bản thân cũng như có thể phòng ngừa được nhiều bệnh lý nguy hiểm.
Không những đánh giá được tình trạng sức khỏe hiện tại mà khám sức khỏe định kỳ còn giúp phát hiện sớm các nguy cơ có thể gây bệnh trong tương lai.