Từ 12/3, tiêm chủng dịch vụ Hà Nội mở cửa trở lại
Ngoài nhiệm vụ tổ chức tiêm chủng mở rộng trên toàn TP, CDC Hà Nội mở lại phòng tiêm chủng dịch vụ này là nhiệm vụ chính trị nhằm đa dạng hoá các dịch vụ tiêm phòng chủ động phục vụ người dân.
Từ ngày 12/3, phòng tiêm chủng vắc-xin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội sẽ mở cửa trở lại phục vụ người dân có nhu cầu tiêm chủng. |
Theo lãnh đạo CDC, đến nay, mọi công tác chuẩn bị về nhân lực, cơ sở vật chất đã sẵn sàng, các loại vắc-xin tiêm phòng đều được đáp ứng đủ và bảo quản theo quy định.
Theo đó, các ngày trong tuần, 2 dây truyền tiêm phòng tiêm chủng sẽ đáp ứng cho 200 lượt tiêm. Bao gồm các loại vắc-xin: Lao; uốn ván hấp phụ; “6 trong 1” (bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B, Hib); tiêu chảy do rota virus; sởi, quai bị, rubella; thuỷ đậu; viêm não Nhật Bản B; cúm; các bệnh do phế cầu khuẩn; viêm gan A+B và các bệnh do HPV.
Đặc biệt, người dân khi đến tiêm chủng sẽ được tư vấn dinh dưỡng miễn phí (ưu tiên trẻ em dưới 5 tuổi đến tiêm chủng). Mỗi người sẽ được tư vấn dinh dưỡng trong khoảng thời gian từ 20 đến 30 phút vào các thứ 3,5,7 và Chủ nhật hàng tuần, từ ngày 12/3/2024 đến khi kết thúc chương trình. Số lượng người được tư vấn mỗi ngày là 20 người.
Theo các chuyên gia y tế, trong giai đoạn chuyển mùa như hiện nay, thời tiết mưa lạnh, độ ẩm cao, gia tăng các bệnh liên quan đến đường hô hấp ở trẻ.
Đây là nỗi lo của các bậc phụ huynh có con nhỏ. Do đó, các chuyên gia y tế khuyến cáo, để phòng bệnh đường hô hấp, cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng vaccine đầy đủ, định kỳ.
Điều trị biến chứng do đau thần kinh tam thoa gây ra
Một nữ bệnh nhân ở TP.HCM 54 tuổi, đau nửa mặt phải kéo dài hai năm, bác sĩ khám phát hiện động mạch não xung đột, chèn ép dây thần kinh.
Theo lời bệnh nhân, bà đã điều trị tại nhiều bệnh viện, uống nhiều thuốc nhưng gần đây mức độ đau càng nhiều hơn, nhất là khi cử động hàm hoặc gò má như ăn uống, nói chuyện, cười hoặc hắt hơi. Bà đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM.
ThS.BS.CKII Mai Hoàng Vũ, Khoa Phẫu thuật Thần kinh, Trung tâm Khoa học Thần kinh, cho biết bệnh nhân đã kháng trị với phương pháp điều trị nội khoa (dùng thuốc không còn hiệu quả).
Kết quả chụp MRI 3 Tesla cho thấy động mạch tiểu não trên chèn ép dây thần kinh số 5, còn gọi là dây thần kinh tam thoa, dây thần kinh sinh ba. Đây là dây thần kinh có chức năng quan trọng ở vùng mặt, quanh miệng và răng, góp phần tạo nước mắt, nước bọt, điều khiển cơ nhai.
Động mạch tiểu não trên chèn ép vào dây thần kinh tam thoa gây ra hiện tượng xung khắc mạch máu thần kinh làm cho dây thần kinh bị kích thích, dẫn đến những cơn đau mặt.
Cơn đau trở nên nghiêm trọng khi vị trí chèn ép có lớp bao Myelin quanh dây thần kinh mỏng và yếu. Bác sĩ Vũ cho biết, Myelin là phần bao quanh các dây thần kinh vận động, có chức năng cung cấp dinh dưỡng, bảo vệ và hỗ trợ cho các xung động thần kinh được dẫn truyền tốt nhất. Bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định phẫu thuật giải ép vi mạch, tách động mạch tiểu não trên ra khỏi dây thần kinh tam thoa.
Qua ba ngày phẫu thuật, bệnh nhân hồi phục tốt, lâm sàng ổn định, hết đau nửa mặt, ăn uống, nói chuyện bình thường. Vết mổ sạch, khô, không xuất huyết, xuất viện trong hai ngày tiếp theo và tái khám sau một tuần.
Bác sĩ Vũ cho biết, có nhiều phương pháp điều trị bệnh đau dây thần kinh tam thoa, với triệu chứng lâm sàng điển hình là đau nửa mặt. Trong đó, phẫu thuật giải ép là phương pháp điều trị tối ưu nhất vì có thể tách hoàn toàn mạch máu ra khỏi dây thần kinh, giúp người bệnh tránh được nguy cơ tái phát về sau.
Cứu sống bệnh nhân bị xe tải cán qua
Mới đây, các bác sĩ Bệnh viện E đã tiếp nhận và cứu sống thành công một người bị tai nạn giao thông do một xe tải 1,5 tấn chở hàng hóa lùi và đè qua người khiến người này bị đa chấn thương nghiêm trọng: Vỡ khung chậu phức tạp, vỡ bàng quang, đa gãy xương… Nạn nhân được đưa vào cấp cứu thông qua hệ thống cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện E.
Người bệnh nhập viện trong tình trạng nguy kịch, Sốc đa chấn thương, mất nhiều máu, da xanh tái, niêm mạc nhợt, đau bụng dữ dội, nhịp thở nhanh và yếu, vùng bụng có mảng bầm tím do tụ máu, đau nhiều vùng bụng, chậu hông, cẳng bàn chân 2 bên biến dạng…
Các bác sĩ tiến hành bất động người bệnh, cầm máu, khám lâm sàng và chỉ định thực hiện các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết để tầm soát hết các tổn thương.
Kết quả cho thấy, người bệnh bị sốc đa chấn thương nặng do mất máu và gãy nhiều xương phức tạp bao gồm Vỡ khung chậu mất vững hoàn toàn phía trước và phía sau, vỡ bàng quang ngoài phúc mạc do mảnh xương di lệch đâm vào thành bàng quang ổ bụng nhiều dịch máu, gãy xương cẳng bàn chân trái và gãy trật khớp bàn chân phải...
Các bác sĩ đã nhanh chóng hội chẩn liên chuyên khoa và ê-kíp cấp cứu nhận định tình huống này cần phải can thiệp phẫu thuật cấp cứu ngay để cứu sống người bệnh.
TS.Nguyễn Công Hựu, Giám đốc Bệnh viện E nhấn mạnh, đây là một trong số rất nhiều những ca bệnh nguy hiểm được cấp cứu thành công minh chứng cho sự phối hợp nhịp nhàng, kịp thời giữa các chuyên khoa.