Nâng cao công tác xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu
Một số nội dung được tập trung thảo luận tại hội nghị gồm có: tổng kết công tác truyền máu năm 2023, định hướng năm 2024; công tác xét nghiệm sàng lọc đảm bảo an toàn truyền máu; công tác quản lý chất lượng trong hoạt động truyền máu; hiệu quả công tác đảm bảo cung cấp máu…
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương nhấn mạnh: Trong 30 năm hình thành và phát triển phong trào hiến máu tình nguyện nước ta (1994 – 2024), lượng máu tiếp nhận được tăng đều qua các năm.
Kể từ năm 2014 trở lại đây, mỗi năm chúng ta đều tiếp nhận được trên 1 triệu đơn vị máu. Chúng ta cũng đã xây dựng và phát triển được hệ thống Ban Chỉ đạo Vận động HMTN từ Trung ương đến địa phương;
Đã thành lập được 5 Trung tâm truyền máu khu vực, nhiều trung tâm truyền máu vùng, từ đó nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp nhận máu, xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu và đặc biệt là công tác điều phối máu giữa các địa phương”.
PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương phát biểu tại Hội nghị |
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, PGS.TS. Nguyễn Hà Thanh cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc cần khắc phục, hoàn thiện trong thời gian tới như: Hoàn thiện hệ thống các văn bản chính sách liên quan đến công tác truyền máu cho phù hợp với tình hình thực tế; nâng cao công tác tổ chức điểm hiến máu, đặc biệt là công tác xét nghiệm sàng lọc, điều chế các sản phẩm máu, công tác quản lý chất lượng trong hoạt động truyền máu, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động truyền máu…
Tại Hội nghị, TS. Trần Ngọc Quế - Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương báo cáo những kết quả nổi bật của hoạt động truyền máu toàn quốc năm 2023. Báo cáo dựa trên số liệu từ 95 cơ sở y tế, gồm 30 bệnh viện tuyến trung ương, 63 bệnh viện đa khoa các tỉnh/thành phố và 02 bệnh viện ngành (quân đội, công an).
Cả nước có 77 cơ sở y tế (thuộc 44 tỉnh/thành phố) tham gia tiếp nhận máu, trong đó: 48 cơ sở y tế thuộc tuyến trung ương/tuyến tỉnh thực hiện tiếp nhận máu thường xuyên, 29 cơ sở y tế tuyến huyện chủ yếu tiếp nhận máu phục vụ cấp cứu. Năm 2023, toàn quốc đã tiếp nhận 1.587.890 đơn vị máu (gồm 1.481.729 đơn vị máu toàn phần và 106.161 đơn vị tiểu cầu gạn tách), tăng 6% so với năm 2022.
Trung bình mỗi tháng, cả nước tiếp nhận gần 130.000 đơn vị máu. Số lượng đơn vị máu tiếp nhận thể tích từ 350ml trở lên chiếm 66% tổng lượng máu tiếp nhận. Tỷ lệ hiến máu nhắc lại gần 60%. Tỷ lệ hiến máu tình nguyện đạt khoảng 97%.
Mặc dù tổng số có 77 cơ sở tiếp nhận máu trong cả nước, nhưng 91% lượng máu tiếp nhận lại tập trung ở 23 bệnh viện/Trung tâm truyền máu. Khu vực đồng bằng sông Hồng tiếp nhận số lượng máu nhiều nhất với 655.842 đơn vị máu. Trong đó, riêng Viện Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đã tiếp nhận 485.432 đơn vị máu (bao gồm hơn 450.000 đơn vị máu toàn phần và hơn 35.000 đơn vị tiểu cầu gạn tách), chiếm 30% lượng máu tiếp nhận toàn quốc.
Tuy nhiên, tình trạng thiếu vật tư, túi máu, hóa chất, sinh phẩm chưa được tháo gỡ triệt để, chủ yếu do vướng quy định về đấu thầu. Tại một số đơn vị, hoạt động tiếp nhận máu bị gián đoạn hoặc phải dừng toàn bộ do thiếu túi máu. Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Tây Nguyên gần như phụ thuộc hoàn toàn nguồn máu từ đơn vị khác.
Trước thực tế này, ông Trần Ngọc Quế đề nghị Bộ Y tế quan tâm, chỉ đạo, rà soát xây dựng hệ thống dịch vụ máu quốc gia đáp ứng tình hình hiện tại và phát triển trong tương lai. Đồng thời, xây dựng chính sách máu quốc gia, điều phối nguồn máu đáp ứng mục tiêu chung của ngành Y tế.
Ngoài ra, ông Trần Ngọc Quế cũng kiến nghị các bệnh viện, trung tâm máu, cơ sở truyền máu phối hợp với địa phương xác định nhu cầu máu, lập kế hoạch sử dụng và tổ chức tiếp nhận, điều phối nguồn máu phù hợp theo từng thời điểm, giai đoạn. Đặc biệt, cần lập kế hoạch và dự báo nguồn cung vật tư, hóa chất, sinh phẩm, bảo đảm nhu cầu tại chỗ và điều chỉnh, báo cáo kịp thời.
Theo Thông tư 26/2013/TT-BYT của Bộ Y tế về Hướng dẫn hoạt động truyền máu, tất cả các đơn vị máu tiếp nhận phải được xét nghiệm sàng lọc virus viêm gan B, viêm gan C, HIV, vi khuẩn giang mai. Trong đó, virus viêm gan B, viêm gan C, HIV được thực hiện đồng thời bằng cả kỹ thuật huyết thanh học và xét nghiệm sinh học phân tử (NAT).
Để đảm bảo chất lượng xét nghiệm và phù hợp vào điều kiện cơ sở vật chất của các cơ sở truyền máu, việc xét nghiệm sàng lọc máu được thực hiện theo hướng tập trung hóa.
Theo ThS. Nguyễn Thị Thanh Dung, Trưởng khoa Xét nghiệm sàng lọc máu, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương, cả nước hiện có 46 cơ sở truyền máu triển khai hoạt động sàng lọc máu.
Trong đó 14 cơ sở triển khai đồng bộ các kỹ thuật xét nghiệm theo quy định, sàng lọc cho hơn 1,3 triệu đơn vị máu (chiếm 84% lượng máu tiếp nhận). 32 cơ sở truyền máu còn lại chỉ thực hiện kỹ thuật huyết thanh học và gửi mẫu tới các Trung tâm lớn để thực hiện xét nghiệm bằng kỹ thuật NAT, hoặc gửi mẫu xét nghiệm sàng lọc toàn bộ đơn vị máu.
Từ kết quả máu tiếp nhận được và có kết quả sàng lọc an toàn, các cơ sở truyền máu điều chế được 2.901.141 chế phẩm máu theo nhu cầu, tăng 15% so với năm 2022, chủ yếu là khối hồng cầu với gần 1,5 triệu đơn vị (chiếm 51,7%), huyết tương 820.305 đơn vị (chiếm 28,2%) và các chế phẩm khác như: tủa lạnh giàu yếu tố VIII, khối tiểu cầu gạn tách, khối bạch cầu…
PGS.TS. Nguyễn Quang Tùng - Phó Giám đốc Trung tâm Máu quốc gia, Trưởng phòng Quản lý chất lượng, Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương đề xuất: Cần áp dụng ISO 9001 cho các cơ sở truyền máu; áp dụng chất lượng phòng xét nghiệm của Bộ Y tế và ISO 15189 cho phòng Xét nghiệm sàng lọc máu ở các Trung tâm tiếp nhận máu và phòng xét nghiệm cấp phát máu bệnh viện; kết nối dữ liệu người hiến máu giữa các Trung tâm/ bệnh viện trên toàn quốc; tiếp tục triển khai đánh giá và hỗ trợ đào tạo, tập huấn quản lý chất lượng cho các cơ sở truyền máu…
Tự ý bỏ thuốc điều trị, bé trai mắc thận hư kháng steroid rơi vào nguy kịch
Bé T.A (5 tuổi, ở Nghệ An) mắc hội chứng thận hư kháng steroid, bắt đầu điều trị từ tháng 1/2023 tại khoa Thận và Lọc máu – Bệnh viện Nhi Trung ương.
Cuối tháng 1/2024, trẻ vào viện trong bệnh cảnh huyết khối tĩnh mạch chủ dưới, được theo dõi, điều trị tại khoa Thận và Lọc máu và khoa Huyết học. Trẻ được kiểm soát, sử dụng thuốc đều đặn theo phác đồ, nên tình trạng cải thiện.
Tuy nhiên, do gia đình nhận thấy huyết khối không còn đáng ngại, đã tự ý ngừng sử dụng thuốc chống đông. Sau 2 tuần, trẻ xuất hiện triệu chứng sưng đau, phù 2 chân, đặc biệt là ở chân bên phải.
Ngày 20/3/2024, gia đình đưa T.A vào bệnh viện địa phương thăm khám và ngay trong đêm trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương.
Ngay lập tức, trẻ được làm các xét nghiệm cận lâm sàng, chẩn đoán hình ảnh, kết quả xác định trẻ có huyết khối lớn, liên tục từ tĩnh mạch đùi, chậu 2 bên lan đến tĩnh mạch chủ dưới và tĩnh mạch thận, nguy cơ gây tắc mạch máu phổi và mạch máu não, đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời.
Xuất phát từ tình trạng nguy kịch của bệnh nhi, sáng ngày 21/3, dưới sự chỉ đạo của TS.BS Cao Việt Tùng - Phó Giám đốc Bệnh viện, cuộc hội chẩn gồm 4 chuyên khoa: Điện quang can thiệp, Phẫu thuật mạch máu, Ngoại tổng hợp, Thận và Lọc máu đã diễn ra để tìm giải pháp tối ưu, đảm bảo mổ cấp cứu an toàn nhất cứu sống trẻ.
Các y, bác sĩ đã tiến hành tiếp cận tĩnh mạch chủ dưới đoạn sau gan và trên thận, khơi thông dòng chảy tĩnh mạch chủ dưới, sau đó, đặt lưới lọc để tránh huyết khối trôi về tim gây thuyên tắc phổi.
Rất may mắn, cuộc phẫu thuật diễn ra thành công. Đánh giá siêu âm sau 8 giờ, trẻ tái thông dòng chảy tĩnh mạch thận 2 bên, tái thông tĩnh mạch chủ dưới đoạn sau gan và ngang tĩnh mạch thận, không có bằng chứng huyết khối trôi về tĩnh mạch phổi 2 bên.
Sau phẫu thuật, bệnh nhi được chuyển đến khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa. Tại đây trẻ được thở máy, duy trì chức năng sống, dùng thuốc chống đông để đảm bảo không hình thành các huyết khối mới, kiểm soát tình trạng đông máu. Tình trạng của trẻ ổn định, hồi phục tốt nên được cai máy thở sau vài giờ và được chuyển về Khoa Thận và Lọc máu tiếp tục theo dõi điều trị ngay hôm sau.
Hiện tại, trẻ được kết hợp điều trị nội khoa, các chỉ số ổn định, lâm sàng được cải thiện, các triệu chứng như sưng đau, phù hân thuyên giảm, bệnh nhi ăn uống bình thường sau phẫu thuật.
Trong lộ trình điều trị tiếp theo, trẻ sẽ được tục với các thuốc ức chế miễn dịch khác, đồng thời, sử dụng thuốc chống đông theo đúng phác đồ. Các bác sĩ cũng tư vấn gia đình theo dõi tình trạng phù và nguy cơ tắc mạch của trẻ, nhằm có những giải pháp thăm khám, nhập viện kịp thời.
Phẫu thuật lấy huyết khối tĩnh mạch là kỹ thuật chuyên sâu, có thể cứu sống tính mạng bệnh nhi trước nguy cơ đột quỵ trong gang tấc. Tuy nhiên, để điều trị thành công, cần phải phát hiện sớm và can thiệp kịp thời.
Các bác sĩ khuyến cáo các bệnh nhi mắc hội chứng thận hư có hoặc không có tiền sử huyết khối nên theo dõi, tái khám định kì đúng theo lịch hẹn của bệnh viện; tuân thủ phác đồ điều trị, tuyệt đối không tự ý bỏ thuốc.
Nếu trẻ có các biểu hiện sưng đau, phù tím chi, khó thở, tím tái hay bất kỳ biểu hiện tái phát nào của hội chứng thận hư và huyết khối tĩnh mạch, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay, tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.