Ngăn dịch bạch hầu lây lan
Bộ Y tế đề nghị Giám đốc Sở Y tế tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu; giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng; lấy mẫu, xét nghiệm xác định các trường hợp mắc bệnh và triển khai kịp thời các biện pháp cách ly y tế, xử lý ổ dịch và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Tiêm vắc-xin là biện pháp quan trọng nhất phòng dịch bạch hầu. Ảnh: Chí Cường |
Đảm bảo công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị bệnh nhân; thiết lập khu vực riêng khám, cách ly điều trị, cấp cứu bệnh nhân, hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, hạn chế việc chuyển bệnh nhân đến bệnh viện tuyến trên khi không cần thiết.
Cùng đó, rà soát, thống kê các đối tượng chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vaccine phòng bệnh bạch hầu ở tất cả các xã, phường và tổ chức tiêm bổ sung, tiêm bù, tiêm vét, nhất là tại các địa bàn có lưu hành bệnh bạch hầu và có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về bệnh bạch hầu, các biện pháp phòng chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh và phối hợp chặt chẽ với các đơn vị y tế trong quá trình điều trị.
Tổ chức việc theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh, sinh viên tại các cơ sở đào tạo; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học, thông báo kịp thời cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được cách ly, xử lý kịp thời, không để bùng phát ổ dịch.
Bộ này cũng đề nghị Sở Y tế Thanh Hóa rà soát, đảm bảo công tác hậu cần về vaccine, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các hoạt động phòng, chống dịch; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hỗ trợ đảm bảo công tác hậu cần phòng, chống dịch.
Trường hợp cần thiết, huy động nhân lực, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch.
Tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ y tế dự phòng, cán bộ làm công tác điều trị về các nội dung hướng dẫn giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc bệnh nhân, kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các khu vực có nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cấp cứu 4 bệnh nhân bị nhiễm “vi khuẩn ăn thịt người”
Bệnh viện Bãi Cháy (Quảng Ninh) đang điều trị cho 4 trường hợp mắc bệnh whitmore (còn gọi là vi khuẩn ăn thịt người) tổn thương đa dạng nhiều cơ quan, làm suy yếu hệ miễn dịch như nhiễm khuẩn huyết, áp xe gan, áp xe cẳng chân, viêm màng não.
Nhập viện trong tình trạng rất nặng là bà V.T H (67 tuổi, trú tại TP.Hạ Long, Quảng Ninh) có tiền sử bệnh đa u tủy xương, tăng huyết áp được chuyển từ bệnh viện tuyến trên về điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy với chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, viêm màng não do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei (whitmore ), có ổ di trú viêm phổi.
Trường hợp khác là bệnh nhân Đ.T.D (62 tuổi, trú tại TP.Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) có tiền sử đái tháo đường nhập viện trong tình trạng sốt, gai rét, đau mỏi người, sưng đau phần mềm cẳng chân trái có mủ, hội chứng nhiễm trùng rõ. Xét nghiệm cấy mủ dương tính với khuẩn Burkhoderia pseudomallei gây bệnh whitmore.
Các bác sỹ chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết, áp xe cẳng chân do khuẩn whitmore trên nền bệnh nhân đái tháo đường và điều trị bằng kháng sinh, dẫn lưu ổ áp xe tại cẳng chân.
Theo các bác sỹ nguyên nhân gây bệnh whitmore là do vi khuẩn Burkholderia pseudomallei. Vi khuẩn này thường sống trong bùn đất, nhất là những vùng đất ẩm, nước bị nhiễm khuẩn và xâm nhập vào cơ thể người chủ yếu qua da khi có vết thương hở tiếp xúc trực tiếp với đất, nước bị nhiễm khuẩn.
BSCKII Phạm Công Đức, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết, bệnh gây tổn thương rất nhiều cơ quan và diễn biến thầm lặng, từ từ, khi người bệnh nhập viện đã có những ổ áp xe rất sâu. Tỷ lệ tử vong tương đối cao nếu không điều trị kịp thời. Những người có bệnh nền như đái tháo đường, suy thận, bệnh gan, bệnh phổi mạn tính, người suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao mắc bệnh”.
Thời kỳ ủ bệnh từ 1- 21 ngày, có thể kéo dài và khó chẩn đoán. Nhiễm trùng Burkholderia pseudomallei có thể là nhiễm trùng tiềm ẩn và tái kích hoạt giống bệnh lao. Hiện chưa có vắc-xin phòng bệnh và bệnh không lây từ người sang người.
Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sỹ, các biện pháp phòng bệnh chủ yếu là đảm bảo vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, sử dụng bảo hộ lao động khi làm việc có tiếp xúc với đất, nước bị nhiễm khuẩn hoặc trong môi trường không đảm bảo vệ sinh, làm sạch hoàn toàn vết rách da, trầy xước hoặc bỏng bị nhiễm bẩn và thực hiện ăn chín uống sôi…
Đặc biệt khi bệnh nhân có các vết loét ở ngoài da, các triệu chứng như sốt, nhức mỏi tay chân, ho, đau bụng, đi lỏng nhiều lần cần đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám và chẩn đoán kịp thời.
Tư vấn dinh dưỡng cho người bệnh viêm tuỵ cấp
Viêm tuỵ cấp là tình trạng viêm cấp tính của tuyến tuỵ, thường khởi phát một cách đột ngột, diễn biến cấp tính và có nguy cơ dẫn tới tử vong nếu không được cấp cứu và điều trị kịp thời. Một trong những cách hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh là thiết kế chế độ dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh viêm tuỵ cấp.
Tại Việt Nam, nguyên nhân gây viêm tuỵ cấp thường do sỏi đường mật, rượu và rối loạn mỡ máu, trong đó nguyên nhân do rượu rất thường gặp, đặc biệt là ở nam giới. Một số nguyên nhân khác có thể gặp như ung thư tuỵ, nhiễm ký sinh trùng như giun, sán, các bệnh lý tự miễn (viêm tuỵ tự miễn, viêm tuỵ do IgG4).
Viêm tuỵ cấp có nhiều triệu chứng khác nhau, tuỳ thuộc vào nguyên nhân và mức độ, tuy nhiên thường gặp nhất là các triệu chứng: Đau bụng vùng trên rốn, đau lan ra sau lưng, mạch nhanh, buồn nôn/nôn mửa, cảm giác đầy chướng bụng.
Khi người bệnh có triệu chứng định hướng tới viêm tuỵ cấp, các bác sĩ có thể chỉ định các xét nghiệm máu, siêu âm ổ bụng, chụp phim cắt lớp vi tính ổ bụng. Trên xét nghiệm máu có thể thể hiện men tuỵ như: Amylase, Lipase tăng lên rất cao; có hình ảnh tuỵ to phù nề hoặc hoại tử tuỵ, có dịch quanh tuỵ trên hình ảnh cắt lớp vi tính.
Tuỳ vào tình trạng bệnh, diễn biến lâm sàng, tính chất và mức độ viêm tuỵ mà bác sỹ có thể đưa ra phác đồ điều trị phù hợp với từng người bệnh như truyền dịch, giảm đau, trường hợp viêm tuỵ nặng phải lọc tách huyết tương, can thiệp lấy sỏi cấp cứu.
Theo các bác sỹ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, viêm tuỵ là một tạng tiêu hoá đảm nhiệm chức năng tiêu hoá thức ăn, khi tuỵ viêm thì chức năng tiêu hoá của tuỵ cũng bị ảnh hưởng.
Hơn nữa, tuỵ là tạng nằm sát với quai tá tràng, là một quai ruột trên đường đi của thức ăn từ dạ dày xuống ruột non, khi viêm tuỵ cấp vùng tá tràng thường phù nề, dẫn tới làm hẹp đường xuống của thức ăn.
Vì vậy, trong giai đoạn đầu của bệnh, người bệnh cần ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hoá như soup, cháo, sữa, đồng thời các loại thức ăn này cần chứa đầy đủ chất dinh dưỡng.
Một số thức ăn dành cho người bệnh viêm tuỵ cấp như cháo trắng, thường được các bác sỹ chỉ định cho người bệnh mới bắt đầu tập ăn trở lại nhằm thăm dò hệ tiêu hoá đã thực sự phục hồi hay chưa.
Sữa hạt: như sữa đậu nành, sữa từ những loại ngũ cốc ít chất béo, đây là những thực phẩm dễ tiêu, rất phù hợp cho giai đoạn cấp tính.
Các loại sữa đã thuỷ phân peptides giúp tăng khả năng hấp thu, cũng như cung cấp đủ các chất dinh dưỡng.
Một số thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng hơn như cháo thịt xay, cháo cá, sữa động vật sẽ được chỉ định khi người bệnh hồi phục chức năng tiêu hoá. Thường người bệnh sẽ được bổ sung thuốc chứa men tuỵ giúp tăng khả năng tiêu hoá, hấp thu các chất.
Người bệnh lưu ý thời gian tập ăn cũng là yếu tố nên được chú ý, một số nghiên cứu cho thấy ăn sớm 24-48 tiếng sau nhập viện, khi người bệnh đã có những dấu hiệu cho nhu động ruột sẽ giúp tăng tỷ lệ khỏi bệnh và giảm thời gian nằm viện của người bệnh.
Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh sau khi ra viện: Tuỵ sau khi tổn thương sẽ cần thời gian để phục hồi, trong thời gian này người bệnh nên ăn các thức ăn dễ tiêu, giàu vitamin, đồng thời cần chú ý tập luyện thể thao điều độ để hồi phục bệnh.
Một số loại thức ăn dễ tiêu như các loại rau củ chế biến đơn giản như rau củ luộc.
Các loại hoa quả, trái cây; Các loại thịt trắng như thịt gà, cá tươi… Các loại sữa từ hạt như hạt đậu nành, hạnh nhân… Một số loại thức ăn cần tránh như các loại thịt đỏ; hải sản giàu độ đạm; các thức ăn xào nấu nhiều dầu mỡ.
Đặc biệt người bệnh viêm tuỵ cấp cần tránh tuyệt đối rượu bia, do đây là một trong các tác nhân dẫn tới viêm tuỵ cấp tái phát.