Thói quen gây thoát vị đĩa đệm cổ
Bệnh thường gặp ở tài xế, giáo viên, nhân viên văn phòng… những người có thói quen làm việc cố định đầu cổ ở một tư thế trong thời gian dài.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cổ. |
ThS.Vũ Đức Thắng, Khoa Cột sống, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo là phẫu thuật ít xâm lấn, bác sĩ chỉ mở một đường nhỏ ở cổ, đảm bảo tính thẩm mỹ.
Thông thường, bác sĩ sẽ bắt vít và khóa cứng các tầng đĩa đệm bị thoát vị. Tuy nhiên, thao tác này sẽ làm người bệnh mất khoảng 5 - 10% tầm vận động.
Nếu người bệnh còn trẻ tuổi, mức độ thoái hóa đốt sống cổ chưa nghiêm trọng, cột sống vẫn còn vững. Nếu thay đĩa đệm cố định sẽ làm giảm tầm vận động, rất đáng tiếc. Vì vậy, người bệnh được phẫu thuật thay đĩa đệm động, đảm bảo tầm vận động của cột sống cổ không bị ảnh hưởng.
Sau phẫu thuật, người bệnh phục hồi nhanh hơn, không cần mất 4 - 6 tuần để chờ liền xương. Ngoài ra, đĩa đệm động còn giúp hạn chế nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm tầng kế cận.
Đĩa đệm động là một thiết bị được làm từ hợp chất titanium, có độ tương thích cao với các đốt sống cổ. Tuy nhiên, để thực hiện thay đĩa đệm động, không chỉ cần những bác sĩ có chuyên môn mà còn phải có sự hỗ trợ của các thiết bị hiện đại như kính vi phẫu, khoan mài cao tốc…
Ths.Thắng cho biết, 90% trường hợp thoát vị đĩa đệm cổ có thể được kiểm soát tốt bằng thuốc hoặc vật lý trị liệu. Tuy nhiên, ở một số người, bệnh phát triển nhanh chóng, không đáp ứng với điều trị bảo tồn, cần phải phẫu thuật.
Mục tiêu của điều trị là giải nén cho rễ thần kinh và/hoặc tủy sống bị chèn ép, loại bỏ những đĩa đệm hư tổn. Từ đó giúp giảm đau, ngăn ngừa tình trạng ngứa ran và tê yếu cánh tay.
Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm như hẹp ống sống, hội chứng chèn ép tủy, thiếu máu não, tàn phế suốt đời…
Vì vậy, người bệnh nên đến gặp bác sĩ nếu phát hiện đau tê ở cổ, lan đến bả vai, cánh tay…, đặc biệt là những người có thói quen cúi đầu trong thời gian dài khi làm việc, thường xuyên sử dụng điện thoại, kê gối quá cao khi ngủ…
Nhiều ca mắc cúm nặng nhập viện
Các chuyên gia y tế phân tích, thời tiết giao mùa đông - xuân và độ ẩm cao hiện đang là điều kiện thuận lợi để các loại virus, vi khuẩn phát triển.
Đây là nguyên nhân khiến số bệnh nhân mắc cúm A tăng cao trong thời gian gần đây. Đáng lo ngại, đã ghi nhận ca bệnh mắc đồng thời cả cúm A và SARS-CoV-2 khiến suy hô hấp rất nặng.
Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho hay, đang điều trị bệnh nhân nam (66 tuổi) nhập viện trong tình trạng suy hô hấp rất nặng. Trước đó, bệnh nhân bị sốt, ho, sau 3 ngày bệnh không đỡ đã được gia đình đưa đến bệnh viện thăm khám.
Tại Khoa Hồi sức tích cực, bệnh nhân được xét nghiệm cho kết quả mắc cả cúm A và Covid-19. Do có bệnh nền tiểu đường nên bệnh nhân diễn biến nặng rất nhanh khi cùng lúc mắc cả hai bệnh truyền nhiễm.
Bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương cho biết, đang có sự kết hợp giữa các loại virus, như trường hợp bệnh nhân nói trên là sự kết hợp giữa SARS-CoV-2 và cúm A. Hay nói cách khác, bệnh nhân đồng nhiễm cả 2 loại virus này.
Đây là một yếu tố thúc đẩy khiến tình trạng của bệnh nhân diễn biến rất nhanh, bệnh nhân nguy kịch chỉ sau 2 ngày. Hơn nữa, hai loại virus này đều tấn công vào đường hô hấp khiến việc điều trị trở nên khó khăn hơn.
Thực tế, dù không thường gặp, tuy nhiên, trên thế giới đã ghi nhận và có những nghiên cứu về tình trạng bệnh nhân đồng nhiễm cúm và SARS-CoV-2.
PGS.TS Phạm Quang Thái, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương nêu thực trạng, hiện hầu hết người dân nếu mắc Covid-19 cũng đều tự điều trị.
Tuy nhiên, hậu quả Covid-19 vẫn rất đáng ngại với người cao tuổi, người có bệnh nền, nhất là sau một thời gian đủ dài làm giảm hiệu quả bảo vệ của vắc-xin Covid-19.
Trong khi đó, với các yếu tố gây bệnh cùng xuất hiện đồng thời thì nguy cơ đồng nhiễm là hiện hữu. Khi bị đồng nhiễm, tình trạng bệnh thường nặng hơn, khó điều trị hơn bởi cùng lúc chịu nhiều tác nhân gây bệnh. Điều này không chỉ xảy ra khi đồng mắc Covid-19 với cúm, mà còn cả với bệnh khác như sốt xuất huyết hay Adenovirus.
Hai đối tượng có nguy cơ cao diễn biến nặng khi mắc cúm A là trẻ em và người cao tuổi có bệnh nền. Hiện chưa có bằng chứng khoa học về việc người đã mắc Covid-19, sau đó khi mắc cúm A sẽ gây ra triệu chứng nặng hơn; tuy nhiên nếu cùng thời điểm mắc cả hai bệnh là Covid- 19 và cúm A thì sẽ có nguy cơ tiến triển nặng.
Để phòng, chống dịch, bệnh truyền nhiễm, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, trong đó có Covid-19 và cúm A, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo, người dân không được chủ quan, lơ là và cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân như đeo khẩu trang tại các cơ sở y tế, trên các phương tiện công cộng và tại các địa điểm tập trung đông người;
Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch, xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; súc miệng, họng bằng nước súc miệng; tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng; che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi;
Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, giữ ấm cơ thể, tập luyện thể dục, thể thao, nâng cao thể trạng; Thực hiện ăn chín, uống chín; đảm bảo an toàn thực phẩm trong giết mổ gia súc, gia cầm và chế biến các sản phẩm từ gia súc, gia cầm.
Bác sĩ Nguyễn Tuấn Hải, hệ thống tiêm chủng Safpo/Potec cho hay, bệnh cúm mùa do vi rút cúm (thường là 4 chủng từ H1N1, H3N2 và 2 chủng nhóm B) gây ra và lan truyền trong cộng đồng với khả năng biến đổi kháng nguyên liên tục (chúng ta sẽ thường xuyên tiếp xúc với vi rút cúm mới) nhưng theo quy luật nhất định về di truyền.
Mỗi năm, chủng vi rút cúm lưu hành khác nhau nên chúng ta cần tiêm nhắc vắc-xin cúm mùa hàng năm (1 lần trong năm).
Từ lâu WHO đã thiết lập các trạm quan trắc vi rút cúm mùa trên khắp thế giới (có cả ở Việt Nam) để phân lập, xác định vi rút cúm mùa lưu hành ở các khu vực (các vùng địa lý, khí hậu, Bắc bán cầu và Nam bán cầu).
Từ đó dự đoán, xác định chủng vi rút cúm sẽ xuất hiện vào mùa đông - xuân khu vực Bắc bán cầu (từ tháng 10 đến hết tháng 4 năm sau) và vào mùa đông - xuân khu vực Nam bán cầu (từ tháng 5 đến tháng 10 hàng năm).
Từ việc xác định được khả năng chủng vi rút cúm nào sẽ hoành hành ở đâu (Bắc và Nam bán cầu), WHO sẽ đưa ra các hướng dẫn về chủng vi rút cúm để sản xuất vắc-xin phòng cúm mùa cho các nhà sản xuất vắc-xin tuân theo và cung cấp cho thị trường theo thời gian tốt nhất (Bắc bán cầu là vào tầm tháng 8-9, còn Nam bán cầu là vào tháng 4-5 hàng năm).
Đó là lý do tại sao chúng ta sống ở Việt Nam lại cần tiêm vắc-xin cúm mùa mỗi năm 1 lần và vào thời điểm trước khi mùa bệnh cúm bắt đầu, cũng như cần tiêm đúng vắc-xin theo mùa đã được khuyến cáo.
Do Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa nên mùa cúm ở miền Bắc và miền Nam có thể lệch nhau chút về thời gian, nhưng vì nước ta nằm trọn vẹn ở Bắc bán cầu và theo khuyến cáo của WHO, nên tiêm đúng chủng loại vắc-xin Bắc bán cầu theo mùa, tức là bao trùm từ mùa đông năm nay tới hết mùa xuân năm sau.