Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 14/4: Tổn thương não vì thực phẩm chức năng giảm cân
D.Ngân - 14/04/2024 09:25
Mới đây, đại diện Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin mới tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 26 tuổi, nhập viện trong tình trạng mờ mắt, mất thị lực theo cơn.

Hậu quả của thuốc giảm cân không rõ nguồn gốc

Được biết, trước đó cô gái này mua uống một loại thực phẩm chức năng giảm cân trên mạng. Sau 10 ngày uống, cô thấy có biểu hiện đau cột sống, sau đó liên tục có hiện tượng mất thị lực đột ngột, tức tự nhiên bị mù, tối đen trong vài phút rồi mới nhìn lại được.

Ảnh minh họa.

Kết quả chụp cộng hưởng từ (MRI) cho thấy, não bị tổn thương, cần theo dõi và điều trị theo phác đồ ngộ độc. Song song với quá trình điều trị cho bệnh nhân, bác sĩ đã gửi mẫu đến Viện Pháp Y Quốc gia để phân tích về chất, phát hiện chứa sibutramine - chất bị cấm lưu hành từ lâu do có tác dụng phụ nghiêm trọng đến sức khỏe.

Bệnh nhân chia sẻ, trước đó mình có lên mạng, tìm hiểu thực phẩm chức năng giảm cân. Sau khi được người bán thuyết phục rồi củng cố niềm tin bằng những giấy tờ chứng nhận độ an toàn thực phẩm, cô đã mua 4 hộp. 10 ngày sau khi sử dụng liệu trình này, cô bị đau dây chằng, sau đó đột ngột mất thị lực theo cơn.

TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, tại Trung tâm Chống độc của Bệnh viện Bạch Mai trước đây cũng có những bệnh nhân ngộ độc thực phẩm chức năng giảm cân do chứa chất sibutramine. Không thiếu những bệnh nhân bị hôn mê, co giật, tổn thương não... 

Đây là chất gây nguy cơ tổn thương não, đột quỵ, đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim. Do vậy TS.Nguyễn Trung Nguyên khuyến cáo, thực phẩm chức năng giảm cân nói riêng và thực phẩm chức năng nói chung, nếu được quảng cáo "như thuốc thần thuốc thánh" thì càng hết sức cẩn trọng.

Những sản phẩm trôi nổi này có thể được trộn nhiều chất chúng ta không rõ trong thành phần, thậm chí cả chất cấm không sử dụng trên người, nhắc người dân phải rất tỉnh táo.

Việc tự ý dùng thuốc hoặc thực phẩm chức năng đều cần thận trọng. Ngay cả với chất được sử dụng như corticoid, nếu dùng bừa bãi hoặc trộn vào cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro chứ chưa nói đến chất đã bị cấm như sibutramine. 

Chuyên gia cho biết thêm, đây chỉ là một trường hợp điển hình nhiễm độc sibutramine. Trong thực tế còn có nhiều trường hợp dùng sản phẩm chứa chất này không bị ngộ độc cấp tính ngay nhưng hậu quả để lại rất nặng nề, thậm chí đe dọa tính mạng.

Được biết, vào năm 2010, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo không nên tiếp tục kê đơn và sử dụng sản phẩm có chứa sibutramine vì có thể gây ra những rủi ro cho sức khỏe tim mạch.

Khuyến cáo của FDA dựa trên dữ liệu từ thử nghiệm sibutramine về kết quả sức khỏe tim mạch (SCOUT), cho thấy nguy cơ mắc các biến cố tim mạch lớn tăng 16% (bao gồm đau tim, đột quỵ, tử vong do liên quan vấn đề tim mạch).

Biến chứng nguy hiểm của đái tháo đường

Ông N.V.P. (62 tuổi, TP.HCM) ăn chay trường hơn 15 năm và phát hiện tiểu đường gần 2 năm nay. Hai tháng gần đây, ông không còn tuân thủ chế độ ăn theo hướng dẫn của bác sĩ.

Mỗi ngày, sau khi ăn sáng với bún hoặc hủ tiếu chay, ông uống thêm 1 ly ngũ cốc dùng đường kiêng do sợ thiếu chất. Buổi trưa, ông ăn cơm và ăn cháo vào buổi tối.

Ngoài ra, ông tự mua thêm các món ăn vặt như rong biển sấy khô, tàu hũ ky, trái cây, bánh ngọt, bánh mì trắng… để ăn giữa các bữa. 5 ngày trước khi nhập viện, ông P. thấy hai ngón chân chuyển sang màu đen, có mùi hôi nhưng không đau.

Thạc sĩ bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết ông P. bị hoại tử 2 ngón chân trái số 2 và số 3 (tính từ ngón chân trỏ), chỉ số HbA1c (chỉ số đường huyết trung bình 2-3 tháng) cao gần gấp đôi bình thường, da dưới 2 lòng bàn chân bị dày sừng, chai nhiều vị trí, không còn cảm giác.

Ông P. bị biến dạng bàn chân vẹo ra ngoài. Ông được chỉ định nhập viện xử lý vết thương, tránh nguy cơ hoại tử sâu có thể cắt cụt ngón. Đồng thời được điều trị ổn định đường huyết, kháng sinh, chăm sóc vết thương cắt lọc các mô hoại tử, làm sạch, băng bó vết thương hàng ngày, xử lý vùng da dày sừng ở dưới lòng bàn chân.

Bác sĩ Linh hướng dẫn cho ông P. chế độ dinh dưỡng phù hợp, hạn chế ăn vặt bằng bánh ngọt quá nhiều làm tăng đường huyết dẫn đến biến chứng tiểu đường. Sau 5 ngày điều trị, ông P. được ra viện.

“Người tiểu đường kiểm soát đường huyết không tốt sẽ dẫn tới hàng loạt biến chứng, trong đó có biến chứng lên bàn chân. Trường hợp ông P. vừa bị biến chứng thần kinh gây giảm cảm giác ở bàn chân, vừa bị biến dạng bàn chân, nhiễm trùng ngón chân,…

Người bệnh cần điều chỉnh lại chế độ ăn, hạn chế ăn thực phẩm nhiều đường, tinh bột; cần tái khám với bác sĩ để ngừa biến dạng bàn chân”, bác sĩ Linh lưu ý.

Theo bác sĩ Hoàng Thị Hồng Linh, người bệnh tiểu đường cần kiểm soát đường huyết tốt với bộ 3: thuốc, dinh dưỡng và vận động. Trường hợp ông P. tuy uống thuốc đều đặn, tập yoga hàng ngày nhưng chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp vẫn khiến đường huyết tăng cao.

Đường huyết cao trong thời gian dài gây tổn thương hàng loạt lên các cơ quan như: thần kinh, thận, mắt, tim, mạch máu; trong đó có biến chứng bàn chân tiểu đường. Tại Khoa Nội tiết- Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, trong số bệnh nhân tiểu đường nhập viện có khoảng 35% người bệnh bị biến chứng bàn chân tiểu đường.

Đáng lưu ý, biến chứng bàn chân tiểu đường là hậu quả từ các biến chứng mạch máu, thần kinh. Biến chứng mạch máu do hình thành mảng xơ vữa trong lòng các động mạch, làm cản trở khả năng lưu thông của máu đến các cơ quan, trong đó có bàn chân.

Với biến chứng bàn chân, người bệnh sẽ có các triệu chứng như: đùi và cẳng chân thường đau khi vận động; lông cẳng bàn chân – ngón cái rụng; tê, chuột rút, nhức mỏi vùng chân, lạnh chân; vết thương chậm lành, có thể hoại tử đen, khô…

Biến chứng tiểu đường còn gây tổn thương dây thần kinh làm giảm hoặc mất cảm giác ở chân. Dây thần kinh ở chân bị tổn thương dẫn đến các triệu chứng như thần kinh cảm giác (tê, ngứa ran, đau khó chịu, châm chích, bỏng rát ở bàn chân); thần kinh vận động (yếu cơ, mất thăng bằng, thay đổi hình dạng bàn chân – còn gọi biến dạng bàn chân gây ngón chân quắp, vẹo hoặc ngón chân hình búa…); thần kinh tự trị (chân khô, da nứt nẻ…)

Bác sĩ Linh khuyến cáo người bệnh tiểu đường nên kiểm soát tốt đường huyết bằng cách uống thuốc đều đặn, có chế độ dinh dưỡng phù hợp và tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Người bệnh nên ăn ít tinh bột, đường; ăn nhiều rau; hạn chế ăn thịt đỏ, dầu mỡ; ăn đúng bữa, không ăn khuya, không bỏ bữa… Người bệnh có thể ăn vặt giữa các bữa sáng – trưa, trưa – chiều với các thực phẩm ít tinh bột, đường như: trái cây ít ngọt và các loại hạt… (lượng bằng 1 nắm tay cho 1 lần), 1 hũ sữa chua hoặc 1 ly sữa tươi không đường…

Hạn chế ăn các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột, đường như: bánh mì trắng, các loại bánh ngọt nói chung, kẹo, thực phẩm ăn liền, thực phẩm chế biến sẵn… Ngoài ra, người bệnh cần chủ động đi khám theo chỉ định để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị cũng như kiểm tra bàn chân, phòng chống biến chứng đái tháo đường.

Trước đó, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, nữ bệnh nhân N.T.Q.V (36 tuổi, Hà Nội) được chẩn đoán mắc đái tháo đường type 1 được 5 năm. Bệnh nhân đang điều trị tại tuyến huyện và được cho sử dụng thuốc tiêm insulin.

Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân có đi chơi cùng bạn bè và đã không mang theo thuốc tiêm để sử dụng. Hậu quả là sau 3 ngày bỏ thuốc ,bệnh nhân đã phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nôn nhiều, khó thở, nhiễm toan ceton, đường máu mao mạch lúc nhập viện là 29,5 mmol/l.

Theo Bộ Y tế nước ta có khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường; hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch, 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận....

Có rất nhiều nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường và tăng đường huyết ở người đái tháo đường, phổ biến nhất là chế độ dinh dưỡng và sử dụng thuốc.

Tuy nhiên, ít người quan tâm đến các vấn đề sức khỏe tâm lý tác động lên tình trạng bệnh thông qua sự thay đổi hormone, hành vi ăn uống, sinh hoạt do tâm trạng thay đổi.

TS.Trần Hữu Thanh Tùng, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, cho biết tình trạng nhiễm toan ceton của bệnh nhân nói trên là do tác động của nhiều yếu tố cộng lại, trong đó yếu tố chính có thể đến từ việc tuân thủ điều trị không tốt và stress là một trong những yếu tố có góp phần.

Tỷ lệ người mắc stress ở người bệnh đái tháo đường cao hơn rõ so với người khỏe mạnh, tình trạng stress ở người bệnh đái tháo đường ảnh hưởng không nhỏ lên sự tuân thủ điều trị của người bệnh.

Đồng thời, một số nghiên cứu chứng minh căng thẳng/stress có tác động đáng kể đến chức năng trao đổi chất, khi căng thẳng/stress, cơ thể sẽ giải phóng catecholamine và tăng nồng độ glucocorticoid trong máu làm kháng insulin góp phần khiến việc kiểm soát đường huyết ở người bệnh đái tháo đường khó khăn hơn.

Điều này khiến tình trạng bệnh chuyển biến xấu đi. Kèm theo các yếu tố khác như: ăn uống không điều độ hoặc mất kiểm soát, không tập thể dục, thức khuya… khiến việc điều trị không có hiệu quả tốt, có khả năng gây ra các biến chứng bệnh đái tháo đường.

Bệnh đái tháo đường nếu không được kiểm soát tốt cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng căng thẳng/stress cho người bệnh. Điều trị trong thời gian dài và cố giữ đường huyết đạt mục tiêu sẽ khiến cho người bệnh có tâm lý thất vọng, chán nản, lo lắng.

Người bệnh có thể tham khảo một số phương giáp giúp giảm căng thẳng như sau: dùng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và có bữa ăn lành mạnh. Luyện các bài tập hít thở sâu, ngồi thiền.

Nên tham gia ít nhất một hoạt động thể dục mỗi ngày như đi bộ, đạp xe, chạy bộ, khiêu vũ… Hãy chia sẻ nhiều hơn với bạn bè và gia đình để giảm bớt căng thẳng từ công việc, cuộc sống.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người bệnh đái tháo đường để đạt được mục tiêu cần tuân thủ các chế độ điều trị, bao gồm chế độ sử dụng thuốc; chế độ ăn uống; thay đổi thói quen sống; kiểm soát đường huyết; khám sức khỏe định kỳ.

Việc không tuân thủ kéo theo những biến chứng cấp tính như hạ đường huyết, nhiễm toan ceton và hôn mê nhiễm toan ceton, hôn mê tăng đường máu không nhiễm toan ceton, hôn mê nhiễm toan lactic, các bệnh nhiễm trùng cấp tính.

Ngoài ra, những biến chứng mạn tính được ghi nhận như biến chứng thần kinh, loét chân và đoạn chi, biến chứng tim mạch, biến chứng suy thận, biến chứng mắt, suy giảm nhận thức.

Do đó, bác sĩ khuyến cáo, việc tuân thủ phác đồ điều trị là chìa khóa vàng để kiểm soát chặt chẽ tình trạng sống chung với bệnh. Trong điều trị đái tháo đường, hiệu quả phụ thuộc rất lớn vào ý thức hợp tác tự quản lý của người bệnh.

Tin liên quan
Tin khác