Đẩy mạnh truyền thông về tác hại của rượu, bia
Mục tiêu của Đề án là đến năm 2030 đạt 95% người dân trưởng thành được truyền thông về tác hại của rượu, bia và các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Ảnh minh họa. |
100% người điều khiển phương tiện giao thông được truyền thông, phổ biến quy định của pháp luật về việc không uống rượu, bia khi điều khiển phương tiện giao thông và 100% cơ sở giáo dục thực hiện truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp với lứa tuổi của học sinh, sinh viên.
Phấn đấu 95% cơ sở kinh doanh rượu, bia; 90% hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công được truyền thông, hướng dẫn các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của rượu, bia và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Đến năm 2030 có 90% báo in, báo điện tử của các bộ, ngành; 90% đài phát thanh, truyền hình ở trung ương, địa phương và hệ thống đài truyền thanh cấp xã đăng tải, phát thanh tin bài về phòng, chống tác hại của rượu, bia hằng tháng; 90% phóng viên, người tham gia hoạt động thông tin cơ sở được tập huấn, cung cấp thông tin về phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Để đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền về công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Cấp ủy, chính quyền các cấp ban hành nghị quyết, kế hoạch, đầu tư kinh phí, huy động nguồn lực để tổ chức thực hiện Đề án. Xây dựng, phổ biến tài liệu truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia phù hợp theo ngành, lĩnh vực và địa phương; cung cấp, phổ biến tài liệu truyền thông kịp thời, đa dạng về hình thức cho hệ thống truyền thông từ trung ương đến địa phương.
Thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho người tham gia công tác truyền thông phòng, chống tác hại của rượu, bia từ trung ương đến địa phương.
Triển khai các hình thức truyền thông hiệu quả, phù hợp như: Thường xuyên tổ chức các chương trình, chiến dịch truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia dưới nhiều hình thức; thực hiện công tác truyền thông về phòng, chống tác hại của rượu, bia trên phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội, internet, điện thoại di động, tư vấn trực tuyến...
WHO phê duyệt vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ cho thanh thiếu niên
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phê duyệt sử dụng Jynneos - vắc-xin phòng bệnh đậu mùa khỉ (mpox) của Bavarian Nordic cho thanh thiếu niên từ 12 đến 17 tuổi.
Đây là nhóm đối tượng được coi là đặc biệt dễ bị tổn thương trước sự bùng phát của căn bệnh đang gây ra mối lo ngại toàn cầu.
Trước đó, vào tháng 9, WHO cũng đã phê duyệt sử dụng vắc-xin này cho nhóm đối tượng là người trưởng thành trong nỗ lực kiềm chế dịch bệnh lây lan tại các nước châu Phi.
Tháng 8/2024, WHO tuyên bố mpox là tình trạng khẩn cấp y tế công cộng toàn cầu lần thứ hai trong hai năm sau khi một biến thể mới của virus gây bệnh này lây lan từ Cộng hòa Dân chủ Congo sang các nước láng giềng.
Trẻ em, thanh thiếu niên và những người có hệ miễn dịch suy yếu đặc biệt dễ bị tổn thương do bệnh mpox, một bệnh nhiễm trùng do virus gây ra các triệu chứng giống cúm và các tổn thương da chứa mủ.
Hiện Bavarian Nordic - công ty công nghệ sinh học Đan Mạch, cũng đang chuẩn bị tiến hành một thử nghiệm lâm sàng để đánh giá độ an toàn của vắc-xin này ở trẻ em từ 2 đến 12 tuổi, hướng đến mục tiêu mở rộng đối tượng được tiêm phòng vắc-xin này. Dự kiến, cuộc thử nghiệm sẽ bắt đầu trong tháng 10 này.
Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cũng đã phê duyệt vắc-xin phòng mpox của Bavarian chỉ định riêng với người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, mặc dù đã từng cấp phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin này cho thanh thiếu niên trong thời gian bùng phát mpox năm 2022.
Hiện công ty dược phẩm KM Biologics của Nhật Bản đã bào chế vắc-xin ngừa mpox có tên gọi LC16. Vắc-xin này có thể được tiêm cho trẻ em theo quy định của cơ quan quản lý Nhật Bản, song kỹ thuật tiêm cần một loại kim đặc biệt.
Đình chỉ lưu hành sản phẩm Roseders Cream do không đạt tiêu chuẩn chất lượng
Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa có công văn thông báo đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm Roseders Cream (nhãn hàng: GAMMA) - Hộp 1 tuýp 30g do không đạt tiêu chuẩn chất lượng.
Trong công văn nêu rõ: Căn cứ Điều 70 Nghị định số 117/2020/NĐ-CP ngày 28.9.2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
Mẫu mỹ phẩm trên do Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM lấy mẫu tại Công ty TNHH MTV sản xuất dược - mỹ phẩm GAMMA (Địa chỉ: 18 Nguyễn Hậu, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP. Hồ Chí Minh) để kiểm tra chất lượng.
Mẫu thử không đạt tiêu chuẩn chất lượng do mẫu có chứa thành phần 2-phenoxyethanol - Không có trong thành phần công thức kê khai trên Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm.
Theo Phiếu công bố: 001452/23/CBMP-HCM đã được Sở Y tế TP.HCM cấp cho sản phẩm Roseders Cream (nhãn hàng: GAMMA) kê khai công thức sản phẩm có thành phần “Permethrin”.
Trên nhãn sản phẩm Roseders Cream (nhãn hàng: GAMMA) ghi: “Permethrin” và kèm hình ảnh ký sinh trùng, “Công dụng: làm sạch các loại ký sinh trùng khỏi da”, “Cách dùng: bôi kem vào những vùng da bị bệnh từ đầu đến chân”.
Permethrin,số đăng ký CAS No: 52645-53-1 (Tên hóa học: (±)-3-phenoxybenzyl 3- (2,2-dichlorovinyl)-2,2-dimethylcyclopropanecarboxylate) được sử dụng với vai trò là thuốc diệt côn trùng, thuộc họ thuốc Pyrethroid nằm trong danh sách các thuốc thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), xếp vào nhóm thuốc diệt côn trùng (Mã ATC: P03AC04).
Căn cứ quy định về phân loại sản phẩm mỹ phẩm tại Thông tư số 06/2011/TTBYT ngày 25.01.2011 của Bộ Y tế quy định về quản lý mỹ phẩm và Hiệp định Hòa hợp mỹ phẩm ASEAN, sản phẩm Roseders Cream nêu trên không được phân loại là sản phẩm mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược yêu cầu: Đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc sản phẩm Roseders Cream (nhãn hàng: GAMMA), Số tiếp nhận Phiếu công bố: 001452/23/CBMP-HCM; Sản xuất và chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường: Công ty TNHH MTV sản xuất dược - mỹ phẩm GAMMA (Địa chỉ Văn phòng: Số nhà 18, đường Nguyễn Hậu, phường Tân Thành, quận Tân Phú, TP.HCM; Địa chỉ nhà máy: 201/21 Nguyễn Thị Nê, ấp Phú Hiệp, xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi, TP.HCM).
Lý do thu hồi: Mẫu kiểm nghiệm không đạt tiêu chuẩn chất lượng do có chứa thành phần 2-phenoxyethanol - Không có trong thành phần công thức kê khai trên Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm; Sản phẩm không được phân loại là sản phẩm mỹ phẩm.
Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng sản phẩm Roseders Cream (nhãn hàng: GAMMA) nêu trên và trả lại cơ sở cung ứng sản phẩm.
Tiến hành thu hồi và tiêu hủy sản phẩm vi phạm nêu trên; kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện thông báo này; xử lý các đơn vị vi phạm theo quy định hiện hành.
Đối với Công ty TNHH MTV sản xuất dược - mỹ phẩm GAMMA, Chi nhánh Công ty TNHH MTV sản xuất dược – mỹ phẩm GAMMA phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng sản phẩm Roseders Cream (nhãn hàng: GAMMA) nêu trên; Tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi, tiêu hủy toàn bộ sản phẩm không đáp ứng quy định.
Gửi báo cáo thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Roseders Cream (nhãn hàng: GAMMA) nêu trên về Cục Quản lý Dược trước ngày 8/11/2024.
Bên cạnh đó, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) đề nghị Sở Y tế TP.HCM thu hồi số tiếp nhận Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm 001452/23/CBMP-HCM theo quy định tại điểm d, điểm m Điều 46 Thông tư số 06/2011/TT-BYT.
Kiểm tra Công ty TNHH MTV sản xuất dược - mỹ phẩm GAMMA, Chi nhánh Công ty TNHH MTV sản xuất dược – mỹ phẩm GAMMA trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm; Xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành.
Giám sát Kiểm tra Công ty TNHH MTV sản xuất dược -mỹ phẩm GAMMA, Chi nhánh Công ty TNHH MTV sản xuất dược - mỹ phẩm GAMMA trong việc thực hiện thu hồi và tiêu hủy sản phẩm Roseders Cream (nhãn hàng: GAMMA) không đáp ứng quy định.
Đồng thời, phải báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát về Cục Quản lý Dược trước ngày 22/11.