Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 17/12: Cảnh báo ngộ độc khí CO trong mùa đông
D.Ngân - 17/12/2024 09:19
Hàng năm vào mùa lạnh ghi nhận nhiều ca ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm trong phòng kín, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong.

Cảnh báo ngộ độc khí CO trong mùa đông

Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) đã tiếp nhận 4 người trong một gia đình ở xã Việt Tiến (huyện Thạch Hà) trong tình trạng khó thở, ý thức lơ mơ và nôn mửa. Qua chẩn đoán ban đầu, các bệnh nhân bị ngộ độc khí CO.

Ở những vùng kinh tế khó khăn chưa trang bị được các loại máy móc hiện đại, người dân cũng không nên sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín.

Theo thông tin từ người nhà các bệnh nhân, tối 15/12, do vợ vừa sinh con, người chồng đã đốt than hoa bỏ vào nồi đất và đặt trong phòng ngủ rộng khoảng 15 m² để sưởi ấm.

Tuy nhiên, sáng hôm sau, khi tỉnh dậy, cả hai vợ chồng và con gái 6 tuổi đều cảm thấy đau đầu, mệt mỏi và có biểu hiện lơ mơ. Bé sơ sinh cũng liên tục khóc, khiến gia đình lo lắng. Họ nhanh chóng liên lạc với người thân để đưa cả gia đình đến bệnh viện.

Theo bác sỹ Trung tâm Y tế huyện Thạch Hà, việc đốt than trong phòng kín với không gian chật hẹp sẽ khiến khí oxy trong phòng bị đốt hết, sản sinh ra khí CO (carbon monoxide), một loại khí độc không màu, không mùi, rất khó nhận biết, đặc biệt khi người dân đang ngủ.

Hàng năm vào mùa lạnh, Hà Tĩnh ghi nhận nhiều ca ngộ độc khí CO do đốt than sưởi ấm trong phòng kín, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí dẫn đến tử vong. Mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần cảnh báo, nhưng tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra.

Trước đó nói về nguy cơ ngộ độc khí CO, theo TS.Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đốt than, củi hoặc dùng khí gas trong phòng kín sẽ đốt hết ô xy và hình thành ngày càng nhiều khí CO, gây ngộ độc.

Khí CO có đặc điểm là không màu, không mùi vị nên rất khó nhận biết và khó phát hiện, nhất là khi đang ngủ. Quá trình nhiễm độc khí CO xảy ra rất nhanh. Khi hít phải, khí CO sẽ nhanh chóng ngấm vào máu và lấy mất ô xy trong máu, khiến nạn nhân đau đầu, chóng mặt, hoa mắt, buồn nôn, đau ngực và lẫn lộn.

Khi bệnh nhân bắt đầu cảm thấy bất thường cũng là lúc không còn khả năng kháng cự rồi lịm dần. Trường hợp người hít phải lượng lớn khí CO có thể bị ngộ độc nặng, gây bất tỉnh và tử vong nhanh, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ, người già mắc bệnh tim, phổi mạn tính.

40% số người ngạt khí CO để lại các di chứng như giảm trí nhớ, giảm tập trung, cơ mặt liệt, vận động bất thường, đi đứng khó khăn, tay, chân cứng và run, liệt nửa người…

Để phòng tránh ngộ độc khí CO, theo Cục Quản lý môi trường, Bộ y tế, người dân cần trang bị các thiết bị sưởi ấm an toàn thay vì đốt than, đốt củi để sưởi ấm.

Ở những vùng kinh tế khó khăn chưa trang bị được các loại máy móc hiện đại, người dân cũng không nên sử dụng than củi, than tổ ong để đốt và sưởi ấm trong phòng kín.

Nếu thời tiết quá lạnh, buộc phải sử dụng than thì chỉ sử dụng trong thời gian ngắn, cần mở hé cửa để bảo đảm thông khí và chỉ sưởi ấm khi mọi người còn thức; không dùng sưởi qua đêm và đóng kín cửa phòng.

Trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu, người dân nên đặt bếp ở những nơi thông thoáng; không đốt than, củi trong nhà, trong lều, không cho động cơ xe máy, ôtô... nổ máy trong phòng kể cả khi mở cửa cũng rất nguy hiểm để đảm bảo an toàn.

Trong trường hợp phát hiện có nạn nhân bị ngộ độc khí than, người nhà cần khẩn trương làm thông thoáng không khí bằng cách mở rộng cửa.

Người dân phải mang khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm. Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải thổi ngạt ngay bằng hô hấp nhân tạo và đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất.

Đối với những phương pháp sưởi ấm hiện đại hơn, không dùng than cũng nên cẩn trọng. Khi sử dụng máy sưởi bức xạ hồng ngoại như quạt sưởi, đèn sưởi, lò sưởi… cũng không nên để gần trẻ nhỏ và người già, khoảng cách đặt máy sưởi cách từ 1 m đến 2 m, để chế độ quay, không chiếu sưởi trực tiếp.

Khi sử dụng chăn điện cũng phải kiểm tra kỹ trước khi dùng, bật chế độ ấm vừa đủ, khi đủ ấm thì tắt trước khi sử dụng, không đem giặt ướt.

Dấu hiệu mắc viêm não tự miễn

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết vừa điều trị cho một nữ bệnh nhân 20 tuổi, ngụ tại Đà Nẵng, mắc phải căn bệnh hiếm gặp - viêm não tự miễn.

Khoảng 2 tuần trước khi nhập viện, bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng rối loạn tâm thần, nói nhảm, khiến gia đình đưa đến khám tại một bệnh viện tâm thần.

Sau 6 ngày điều trị ngoại trú, bệnh nhân tiếp tục có những cơn co giật ở tay và mặt, kéo dài khoảng 30 giây, tần suất từ vài phút đến vài tiếng/lần. Cô gái được nhập viện điều trị ngay sau đó.

Tuy nhiên, sau 3 ngày điều trị tại bệnh viện, tình trạng không cải thiện. Bệnh nhân vẫn tiếp tục co giật và ý thức chậm lại. Cô được chuyển đến một bệnh viện đa khoa và được chẩn đoán mắc viêm não. Kết quả chụp cộng hưởng từ sọ não cho thấy tổn thương trong não, và bệnh nhân được điều trị viêm não virus.

Sau 3 ngày điều trị mà không có dấu hiệu cải thiện, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng rối loạn tâm thần, kích thích, la hét và không trả lời khi gọi hỏi.

Cô vẫn có các cơn co giật ở mặt, tay và nửa người bên phải. Tại đây, bệnh nhân được chỉ định làm các xét nghiệm tầm soát viêm não tự miễn và viêm não do virus.

Kết quả xét nghiệm xác nhận bệnh nhân mắc viêm não tự miễn. Đồng thời, siêu âm ổ bụng phát hiện một khối u buồng trứng kích thước 4x10 cm.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cắt bỏ khối u, nhưng khi phẫu thuật, khối u thực tế có kích thước lớn hơn nhiều, lên đến 20x20 cm. Bác sỹ Phạm Thanh Bằng, Khoa Cấp cứu, cho biết đây chính là nguyên nhân khởi phát bệnh viêm não tự miễn.

Sau khi cắt bỏ khối u và tiến hành lọc huyết tương, bệnh nhân đã hết cơn co giật, không còn kích thích la hét và tình trạng ý thức đã được cải thiện, mặc dù vẫn chưa hồi phục hoàn toàn.

Bác sỹ Bằng cho biết, những triệu chứng ban đầu của bệnh viêm não tự miễn dễ bị nhầm lẫn với các dấu hiệu của trầm cảm hoặc tự kỷ.

Giai đoạn đầu, bệnh nhân có thể không sốt, không co giật, và thường gặp các vấn đề tâm lý do căng thẳng trong cuộc sống. Nếu bệnh không được phát hiện sớm, tổn thương não có thể nghiêm trọng hơn và gây ra các di chứng nặng nề, như suy giảm ý thức, co giật kéo dài hoặc động kinh.

Viêm não tự miễn là bệnh viêm não cấp tính hiếm gặp, do hệ thống miễn dịch của cơ thể tự sinh ra kháng thể chống lại thụ thể Glutamate trong não. Bệnh này thường gặp ở phụ nữ trẻ và thường liên quan đến các khối u, đặc biệt là ung thư buồng trứng, tử cung hoặc các bộ phận sinh dục nữ.

Đáng chú ý, khối u buồng trứng có thể tái phát sau quá trình điều trị và gây ra một đợt viêm não tự miễn mới. Vì vậy, các bác sỹ khuyến cáo phụ nữ trẻ nên tầm soát ung thư, u buồng trứng, tử cung và các bệnh lý ký sinh trùng định kỳ để phát hiện sớm các nguy cơ tiềm ẩn.

Thừa vitamin D nguy hiểm thế nào

Ngộ độc vitamin D (tăng nồng độ vitamin D) xảy ra khi nồng độ vitamin D trong cơ thể quá cao, dẫn đến tích tụ canxi trong máu (tăng canxi huyết).

Tình trạng này thường không phải do tiếp xúc với ánh nắng mặt trời kéo dài hoặc chế độ ăn giàu vitamin D, mà chủ yếu là kết quả của việc dùng liều cao các chất bổ sung vitamin D trong thời gian dài.

Mặc dù vitamin D là chất tan trong chất béo và được lưu trữ trong cơ thể, nhưng lượng vitamin D quá nhiều có thể làm rối loạn các quá trình sinh lý bình thường, gây ra những rủi ro nghiêm trọng cho sức khỏe.

Lượng vitamin D khuyến cáo trong chế độ ăn uống (RDA) thay đổi tùy theo độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe. Trong khi RDA cho hầu hết người lớn là 600-800 IU/ngày, mức hấp thụ tối đa có thể chấp nhận được là 4.000 IU/ngày. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin D trên 10.000 IU mỗi ngày trong nhiều tuần hoặc nhiều tháng có thể dẫn đến ngộ độc.

Nguy cơ ngộ độc vitamin D sẽ tăng lên khi kết hợp việc bổ sung vitamin D với chế độ ăn giàu canxi hoặc sử dụng thực phẩm bổ sung canxi. Điều này có thể làm tăng nồng độ canxi trong máu lên mức nguy hiểm, gây ra các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe.

Ngộ độc vitamin D thường biểu hiện qua các triệu chứng chủ yếu do tăng canxi huyết, bao gồm: Buồn nôn, nôn, chán ăn, khát nước, tiểu nhiều và yếu.

Nếu tình trạng ngộ độc tiến triển, các biểu hiện nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện: Tăng canxi huyết có thể dẫn đến hình thành sỏi thận, suy giảm chức năng thận, hoặc vôi hóa mô thận.

Nồng độ canxi cao cũng có thể gây vôi hóa động mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ. Lượng vitamin D dư thừa có thể làm yếu xương, cản trở quá trình điều hòa canxi, tăng nguy cơ gãy xương.

Tăng canxi huyết có thể gây lú lẫn, cáu kỉnh, hoặc trong trường hợp nghiêm trọng, gây co giật.

Vitamin D là một dưỡng chất quan trọng, giúp điều chỉnh lượng canxi và phốt phát, rất cần thiết để duy trì sức khỏe xương, răng và cơ. Thiếu vitamin D có thể dẫn đến các vấn đề về xương, chẳng hạn như còi xương ở trẻ em và đau xương ở người lớn do nhuyễn xương.

Vitamin D có trong một số loại thực phẩm, bao gồm: Các loại cá dầu như cá hồi, cá mòi, cá trích và cá thu. Thịt đỏ, gan (tuy nhiên, phụ nữ mang thai nên tránh ăn gan). Lòng đỏ trứng và thực phẩm tăng cường (như ngũ cốc ăn sáng).

Mùa Thu và mùa Đông là thời gian lý tưởng để bổ sung vitamin D, vì thiếu ánh sáng mặt trời có thể ảnh hưởng đến việc sản xuất vitamin D trong cơ thể. Tuy nhiên, trước khi bổ sung vitamin D, mọi người nên tham khảo ý kiến bác sỹ để tránh nguy cơ ngộ độc do thừa vitamin D.

Tin liên quan
Tin khác