Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 21/4: Loại trừ bệnh sốt rét vì một thế giới công bằng hơn
D.Ngân - 21/04/2024 07:27
Bệnh sốt rét không chỉ tiếp tục gây ra những nguy hiểm trực tiếp tới sức khỏe và thiệt hại tới tính mạng con người mà còn khiến kéo dài một vòng luẩn quẩn về sự bất bình đẳng trong xã hội.
TIN LIÊN QUAN

Loại trừ bệnh sốt rét

Những người dễ bị thương tổn nhất là trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và trẻ nhỏ dưới 5 tuổi, những người tị nạn, người có lối sống du canh, du cư, người dân bản địa. Khu vực châu Phi là nơi chịu gánh nặng bệnh tật nặng nề nhất; chỉ riêng năm 2022, đã có tới 94,95% ca mắc và tử vong do sốt rét.

Caption ảnh

Người dân sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa ở châu Phi đang sống trong tình trạng nghèo đói và ít có cơ hội tiếp cận với giáo dục bị tác động nhiều nhất.

Với bối cảnh tình hình như hiện nay sẽ khiến bước ngoặt quan trọng vào năm 2025 trong chiến lược sốt rét toàn cầu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhằm giảm ca sốt rét và tử vong có thể bị bỏ lỡ.

Điều đáng lưu ý là, phụ nữ mang thai, trẻ nhỏ là nhóm người dễ bị thương tổn nhất nhưng lại không được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và chữa trị sốt rét.

Trong Ngày Sốt rét thế giới 2024, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) chung tay cùng RBM và các đối tác khác để thanh toán loại trừ sốt rét nhằm đẩy mạnh loại bỏ rào cản để tạo nên sự bình đẳng giới, nhân quyền và sự công bằng trong hưởng lợi từ các dịch vụ y tế nhằm ứng phó cũng như đưa ra các biện pháp cụ thể để vượt qua dịch bệnh sốt rét trên toàn cầu.

Ngoài ra, phải kể đến rào cản về cân bằng giới hay sự thiếu quyền tự đưa ra quyết định tại một số cộng đồng do động lực về giới trong hộ gia đình có thể cản trở khả năng tiếp cận của người phụ nữ đối với các dịch vụ trong phòng, ngừa, ngăn chặn, chữa trị sốt rét kịp thời.

Thái độ phân biệt đối xử của nhà cung cấp dịch vụ y tế đối với phụ nữ hay sự kỳ thị đối với thai phụ ở tuổi vị thành niên có thể tạo ra sự cản trở trong phòng ngừa và các biện pháp chữa trị sốt rét thích hợp. 

Cũng cần đề cập đến tỷ lệ biết chữ ở phụ nữ và trẻ em thấp cũng khiến những đối tượng này có khuynh hướng ít được tiếp cận các thông tin về biện pháp bảo vệ bản thân phòng tránh căn bệnh sốt rét như thế nào và tìm kiếm các biện pháp chăm sóc, chữa trị ra sao.

Các nhóm dân di cư như thợ mỏ, người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, săn bắt cá, binh lính, người làm việc trong rừng có nguy cơ mắc sốt rét cao hơn.

Đặc biệt khi họ hay phải làm việc vào thời điểm muỗi xuất hiện nhiều, cao điểm là khi hoàng hôn; chưa kể đến việc họ thường sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, vùng hẻo lánh, xa các cơ sở, dịch vụ y tế.

Phụ nữ sống ở những khu vực này dễ bị tác động bởi sốt rét, phụ nữ mang thai bị suy giảm miễn dịch khiến cơ thể dễ bị nhiễm trùng hơn, gia tăng nguy cơ bị sốt rét ác tính và tử vong.

Lây nhiễm sốt rét ở phụ nữ mang thai cũng gây ra nguy cơ rủi ro tiềm ẩn đáng  kể cho cả mẹ, thai nhi và trẻ sơ sinh bao gồm tình trạng thiếu máu, thai chết lưu, thiếu cân, sinh non, yếu tố nguy cơ cao gây tử vong ở trẻ nhỏ và trẻ sơ sinh.

Biến đổi khí hậu và các tình huống khẩn cấp về nhân đạo, khủng hoảng nhân quyền và xung đột bao gồm thiên tai ở các quốc gia có sốt rét hiện hữu khiến người dân phải di dời cũng khiến họ dễ bị mắc bệnh. Khi không được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế tốt cũng góp phần làm ảnh hưởng tới các yếu tố xã hội và tác động đến vấn đề sinh kế, chế độ dinh dưỡng của người dân, vấn đề di cư và an ninh...

Nhân ngày Sốt rét thế giới, chúng ta cùng chung tay vì một thế giới không có sốt rét với mục tiêu chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và kỳ thị.

Nâng cao nhận thức trong cộng đồng, đưa các dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến gần người dân hơn thông qua chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Loại bỏ các yếu tố làm tăng nguy cơ lây lan bệnh sốt rét. Đưa ra các biện pháp can thiệp và phòng, chống sốt rét hữu hiệu, đồng thời bao phủ dịch vụ y tế tới toàn dân.

Gia tăng bệnh ký sinh trùng do thói quen ăn đồ tái, sống

Thói quen ăn thịt lợn tái, bò tái, tiết canh, gỏi cá, rau thủy sinh… của người Việt là nguyên nhân khiến các bệnh ký sinh trùng gia tăng nhanh chóng.

Đề cập đến vấn đề này, TS.Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho hay, thói quen ăn thịt lợn tái, bò tái, tiết canh, gỏi cá, rau thủy sinh… là nguyên nhân chính gây ra các bệnh ký sinh trùng. Hầu hết người dân có triệu chứng, đi khám bệnh mới được phát hiện.

Theo thống kê tại Bệnh viện Đặng Văn Ngữ, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, năm 2023, đơn vị đã tiếp nhận thăm khám, điều trị cho 15.527 người nhiễm giun đũa chó mèo. Nhiều người từng được chẩn đoán u, ung thư não, gan, phổi nhưng nguyên nhân chính xác là ổ áp-xe ấu trùng giun, sán.

Cũng theo TS.Hoàng Đình Cảnh, thống kê năm 2023 cho thấy, có hơn 12.000 người mắc sán lá gan lớn được điều trị tại các cơ sở y tế. Sán lá gan lớn dưới dạng ấu trùng bơi trong nước. Sau đó, chúng bám vào ốc và rau. Khi thâm nhập vào cơ thể người, loại ký sinh trùng này có thể gây áp xe gan, lạc chỗ vào não, mắt…

Bệnh nhân sán lá gan thường có triệu chứng đau tức vùng gan, nổi mẩn, rối loạn tiêu hóa, thậm chí tắc mật, ứ mật, vàng da. Nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời, người bệnh sẽ xuất hiện trạng thái thiếu máu, gan bị xơ hóa, tăng huyết áp tĩnh mạch cửa và suy kiệt dần.

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương khuyến cáo, để phòng nhiễm sán, đảm bảo an toàn thực phẩm, người dân cần ăn chín, không ăn đồ tái sống; giữ gìn vệ sinh môi trường xung quanh; vệ sinh tay đúng cách, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

Với người nuôi thú cưng, cần tẩy sạch giun cho vật nuôi và đặc biệt là quản lý tốt phân từ chúng, bởi đây là nguồn chứa trứng giun đũa. Nếu vệ sinh không sạch sẽ, người nuôi rất dễ nhiễm trứng giun.

Ngoài ra, theo các chuyên gia y tế, có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh sán chó như: ôm ấp, vuốt ve chó nhiễm sán, ăn thực phẩm chứa ấu trùng hay trứng sán, tiếp xúc với nguồn đất mà chó nhiễm bệnh phóng uế,…

Bất cứ ai đều có khả năng nhiễm ấu trùng sán dây chó do ăn uống các loại thực phẩm bị nhiễm trứng sán dây chó hoặc người sau khi có tiếp xúc trực tiếp với chó, cáo, chồn nhiễm bệnh.

Do đó, các chuyên gia lưu ý, người dân từng sống trong vùng dịch tễ có bệnh lưu hành, ăn các món ăn có nguy cơ nhiễm ấu trùng của Echinococcus cùng với các biểu hiện nghi ngờ như sốt nhẹ, mệt mỏi, ăn kém, vàng da, mẩn ngứa, đau ngực, khó thở, ho dai dẳng, đôi khi ho máu cần đi khám ngay để chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời.

Tin liên quan
Tin khác