Đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19
Tại Việt Nam, số ca mắc mới trong tuần này đã tăng tới 21% so với tuần trước.
Liên tiếp trong 3 ngày gần đây (từ 19/7-21/7), mỗi ngày đều ghi nhận hơn 1.000 ca Covid-19 mới, trong đó riêng ngày 21/7, số ca mắc mới lên đến gần 1.300, cao nhất trong 47 ngày qua.
Ảnh minh hoạ |
Trước tình hình này, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát sự lưu hành của biến thể phụ BA.4, BA.5 và các biến thể khác. Đồng thời, đẩy nhanh tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên, ưu tiên tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ theo hướng dẫn của Bộ Y tế và tiêm liều cơ bản cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đảm bảo thần tốc, quyết liệt, an toàn, hiệu quả, khoa học.
Tiếp tục tăng cường truyền thông, vận động, khuyến khích người dân tiêm chủng mũi 3, mũi 4 kịp thời và đầy đủ. Thường xuyên đánh giá, phân tích tình hình dịch và các yếu tố nguy cơ, chủ động các giải pháp ứng phó với các dịch bệnh và chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch.
Hải Dương, Thái Bình đã có ca mắc biến thể phụ BA.5 Omicron
Theo CDC Hải Dương, trên địa bàn vừa ghi nhận 1 bệnh nhân mắc Covid-19 nhiễm biến thể phụ BA.5.2 đầu tiên, bệnh nhân là nữ giới, sinh năm 1997, trú tại TP. Hải Dương. Qua điều tra dịch tễ, bệnh nhân này đã được tiêm 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19.
Tính đến 21/7, tỉnh Hải Dương có hơn 1 triệu người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19 (đạt 75,85%) và 41.875 người đã tiêm mũi 4 vắc-xin…
CDC Thái Bình cũng vừa ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể phụ BA.5 của Omicron là bệnh nhân B.V.A (SN 2012) trú tại phường Trần Hưng Đạo (TP. Thái Bình). Bệnh nhân đã từng mắc Covid-19 vào tháng 1/2022.
Ngày 5/7, bệnh nhân B.V.A có biểu hiện sốt, ho khan và mất vị giác. Đến hôm sau, bệnh nhân cùng bố, anh trai ra Trạm Y tế phường xét nghiệm và cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, gia đình tự cách ly ở nhà.
Ngày 7/7, Trung tâm Y tế TP. Thái Bình lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân V.A gửi Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh để xác định chủng virus. Bệnh nhân V.A đã xét nghiệm test nhanh tại Trạm Y tế phường cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2 và được công bố khỏi bệnh vào 12/7. Đến 20/7, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Thái bình thông báo, bệnh nhân V.A nhiễm biến thể phụ BA.5 của Omicron.
Sở Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh Thái Bình, Hải Dương đề nghị tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân nâng cao ý thức, tuyệt đối không chủ quan lơ là trước dịch Covid-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm khác, không để dịch bùng phát, dịch chồng dịch. Thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, khử khuẩn và tiêm vắc-xin khi đến lượt.
Chưa phát hiện ca tử vong do cúm
Theo Bộ Y tế, qua hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm cho thấy hiện nay chủ yếu là cúm A/H1N1 và A/H3N2, cúm B, chưa phát hiện chủng cúm A có độc lực cao như H5N1, H7N9, H5N6, H5N8. Ngành y tế cũng chưa ghi nhận ca tử vong do cúm.
Tại Hà Nội, theo đại diện Sở Y tế, TP ghi nhận 2.065 trường hợp cúm. 4 tháng đầu năm 2022, mỗi tháng ghi nhận dưới 400 ca/tháng.
Từ tháng 5 số ca mắc bắt đầu tăng lên 556 ca, tháng 6 là gần 900 ca. Ca nhập viện do cúm tăng nhưng chưa ghi nhận chủng có độc lực cao.
Thông tin thêm về dịch cúm đang được dư luận quan tâm, TS. Nguyễn Lương Tâm, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho thêm mỗi năm nước ta ghi nhận 600.000 đến 1 triệu ca cúm thường. Tại một số địa phương, một số bệnh viện tuyến cuối ghi nhận sự gia tăng của bệnh cúm.
Cụ thể, Quảng Ninh ghi nhận hơn 1.200 ca, Hà Nội hơn 2.000 ca có tăng nhẹ nhưng không ghi nhận ca có triệu chứng nặng, không có tử vong, chủ yếu là cúm thường.
"Thời gian qua nhiều tỉnh, thành ghi nhận các trường hợp cúm nhập viện gia tăng, trong đó phần lớn là các chủng cúm A không có độc lực cao như H5N1, H5N6, H5N8, H7N9. Tuy nhiên, chúng ta cần tăng cường giám sát trọng điểm, phát hiện các ca bệnh tại cộng đồng, xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh và truyền thông để người dân hiểu và dự phòng", TS. Nguyễn Lương Tâm nói.
Về tình hình các ca cúm mắc chủng thường nhưng vẫn tăng nhanh, TS. Tâm cho rằng một năm ghi nhận 600 nghìn đến 1 triệu ca không phải tăng đột biến. Tại Quảng Ninh, 6 tháng đầu năm số ca mắc cúm A thấp hơn năm ngoái. Hà Nội cũng tăng nhẹ và chưa nằm ngoài kiểm soát của ngành y tế.
Thái Lan ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên
Bộ Y tế Thái Lan đã ghi nhận ca mắc bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở nước này tại Phuket. Bệnh nhân nam, 27 tuổi, mang quốc tịch Nigeria.
Hiện khu vực châu Á có 4 quốc gia đã ghi nhận các ca mắc đậu mùa khỉ gồm Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan và Thái Lan.
Bệnh đậu mùa khỉ lây từ động vật sang người và ca bệnh đầu tiên trên thế giới được ghi nhận vào năm 1970 tại Congo.
Trước đây, bệnh đậu mùa khỉ chỉ xảy ra ở các nước lưu hành chính tại các quốc gia châu Phi. Tuy nhiên, trong thời gian gần đây, căn bệnh này đã bùng phát tại nhiều quốc gia châu Âu, trong đó ca bệnh đầu tiên được phát hiện ở Anh vào tháng 5/2022. Đây được đánh giá là đợt dịch hiếm gặp. Các nhà khoa học đang tìm hiểu rõ nguyên nhân gây ra tình trạng này.