Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 26/11: Bộ Y tế yêu cầu xử lý triệt để dịch bạch hầu
D.Ngân - 26/11/2024 08:47
Theo văn bản của Cục Y tế Dự phòng, thông tin từ hệ thống giám sát dựa trên sự kiện tại Cao Bằng (huyện Bảo Lâm) đã ghi nhận trường hợp tử vong do mắc bệnh bạch hầu.

Bộ Y tế yêu cầu xử lý triệt để ổ dịch bạch hầu

Để chủ động phòng, chống bệnh bạch hầu, không để bệnh lây lan và bùng phát, Cục Y tế Dự phòng trân trọng đề nghị Sở Y tế tỉnh Cao Bằng và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương tăng cường rà soát các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân mắc bạch hầu; giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi mắc bệnh tại ổ dịch và tại cộng đồng;

Cơ quan y tế xét nghiệm bạch hầu cho người dân.

Lấy mẫu xét nghiệm xác định kịp thời trường hợp mắc bệnh; tổ chức điều tra, theo dõi chặt chẽ và điều trị kháng sinh dự phòng cho tất cả các trường hợp tiếp xúc gần; thực hiện khử trùng, xử lý môi trường ổ dịch và triển khai các biện pháp xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đồng thời, rà soát các trường hợp chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trên địa bàn; tổ chức tiêm bổ sung, tiêm vét, ưu tiên trước hết tại ổ dịch, các khu vực lân cận và tại các địa phương có tỷ lệ tiêm chủng thấp.

Bảo đảm công tác thu dung, cấp cứu, phân luồng khám, phân tuyến điều trị; hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng chống lây nhiễm chéo tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; yêu cầu cán bộ y tế thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân phòng lây nhiễm trong quá trình tiếp xúc với người bệnh.

Cục Y tế Dự phòng cũng đề nghị các đơn vị trên tăng cường truyền thông về bệnh bạch hầu để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống; tổ chức theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ em, học sinh tại các trường học; thường xuyên vệ sinh, thông thoáng lớp học và kịp thời thông báo cho các cơ sở y tế khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh để được xử lý triệt để, không để bùng phát dịch bệnh.

Rà soát, bảo đảm hậu cần về vắc-xin, thuốc kháng sinh điều trị dự phòng, huyết thanh kháng độc tố, hóa chất… để triển khai các nhiệm vụ chống dịch; bố trí kinh phí và huy động các nguồn lực hỗ trợ bảo đảm công tác hậu cần phục vụ chống dịch.

Huy động nhân lực hỗ trợ các khu vực có dịch, cử các đội cơ động chống dịch, đội cấp cứu lưu động hỗ trợ cho các địa phương triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh.

Tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về giám sát, phòng chống dịch bệnh, chẩn đoán, điều trị, cấp cứu, chăm sóc người bệnh, kiểm soát nhiễm khuẩn và tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát, chỉ đạo tại các ổ dịch, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Cùng đó, thực hiện nghiêm việc báo cáo kịp thời, đầy đủ các trường hợp mắc bệnh, nghi ngờ mắc bệnh, các ổ dịch trên Hệ thống quản lý giám sát bệnh truyền nhiễm theo quy định tại Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế về hướng dẫn chế độ thông tin báo cáo và khai báo bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm.

Cục Y tế Dự phòng đề nghị Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh và cử đoàn công tác chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Thanh Hóa triển khai chiến dịch tiêm vắc-xin để phòng, chống dịch sởi

Trước tình hình bệnh sởi lan rộng và bùng phát mạnh tại một số địa phương, ngành y tế tỉnh Thanh Hóa đã tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh sởi.

Theo thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 5 ổ dịch sởi tại TP Sầm Sơn, huyện Thường Xuân và Nông Cống, với tổng số 572 ca bệnh. Hiện tại, các ổ dịch đã được khống chế và không ghi nhận thêm ca mắc mới.

Ngay khi có thông tin về ca mắc hoặc nghi mắc, CDC Thanh Hóa đã triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát và phòng chống bệnh sởi.

Trung tâm Y tế tại các địa phương có ca mắc được chỉ đạo tiến hành điều tra, xác minh thông tin, điều tra dịch tễ, khoanh vùng, bao vây, và xử lý dịch tại chỗ. Đồng thời, CDC cũng đánh giá và rà soát tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin sởi, từ đó xây dựng kế hoạch tiêm bù và tiêm vét cho những đối tượng chưa được tiêm đầy đủ.

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch sởi, Bộ Y tế đã phân bổ cho Thanh Hóa 38.180 liều vắc-xin Sởi-Rubella (vắc-xin MR) để triển khai chiến dịch tiêm chủng phòng chống bệnh sởi năm 2024.

Từ cuối tháng 9/2024, Thanh Hóa đã tiếp nhận số vắc-xin trên và phân bổ cho các địa phương gần 30.000 liều, nhằm tiêm chủng cho trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi theo quy định. Hiện tại, nhóm trẻ từ 1-5 tuổi trên toàn tỉnh đã hoàn thành tiêm chủng. Còn nhóm trẻ từ 6-10 tuổi đang được triển khai tiêm tại 8 địa phương. Các địa phương tiếp tục rà soát, điều tra và lập danh sách trẻ trong độ tuổi này chưa tiêm đủ mũi vắc-xin sởi để tổ chức tiêm chủng kịp thời.

Dự kiến có gần 29.000 trẻ cần được tiêm trong đợt này, tuy nhiên số lượng vắc-xin còn lại tại kho của CDC để đáp ứng chỉ đạt hơn 8.000 liều.

Cùng với đó, công tác rà soát và triển khai tiêm vắc-xin sởi – Rubella cho nhóm đối tượng trẻ từ 6-10 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin thành phần sởi đã được thực hiện. Tổ chức tiêm vét cho nhóm trẻ từ 1-5 tuổi chưa tiêm đủ 2 mũi vắc-xin sởi. Đến nay, tỷ lệ tiêm đạt 93% cho cả hai nhóm đối tượng.

Đại diện CDC Thanh Hóa cho biết, hiện nay đỉnh dịch không chỉ diễn ra ở Thanh Hóa mà còn lan rộng trên toàn quốc. Tại Thanh Hóa, đã ghi nhận 5 ổ dịch, trong đó ổ dịch gần nhất ở huyện Nông Cống đã kết thúc sau 14 ngày, không có ca mắc mới kể từ khi phát hiện ca bệnh cuối cùng. Địa phương đã được hỗ trợ 38.180 liều vắc-xin để tiêm phòng cho nhóm trẻ từ 1-5 tuổi và 6-10 tuổi.

Trước đó, ngay khi có thông tin về ca mắc sởi, CDC đã tổ chức họp đánh giá tình hình và báo cáo Sở Y tế để thành lập đoàn công tác phối hợp với các Trung tâm Y tế địa phương nơi xảy ra các ca bệnh. Chúng tôi đã triển khai đồng bộ các hoạt động giám sát và phòng chống bệnh, chỉ đạo các Trung tâm Y tế tiến hành điều tra, xác minh thông tin, điều tra dịch tễ, khoanh vùng, bao vây và xử lý tại địa phương.

Đồng thời, đánh giá, rà soát tỷ lệ tiêm phòng các mũi vắc-xin sởi tại các địa phương để xây dựng kế hoạch tiêm bù, tổ chức tập huấn hướng dẫn giám sát và điều trị cho tuyến dưới, và thống kê, báo cáo dịch bệnh hàng ngày theo quy định.

Hiện tại, tình hình dịch sởi tại Thanh Hóa đã được kiểm soát chặt chẽ, chưa phát sinh ổ dịch mới. Công tác rà soát và tiêm phòng vẫn đang được triển khai tích cực, đảm bảo đúng theo kế hoạch đề ra.

Dịch sốt xuất huyết tại Hải Phòng có xu hướng giảm

Tại tuần thứ 46, số ca mắc sốt xuất huyết tại Hải Phòng có xu hướng giảm. Theo đó, thành phố và ngành y tế tiếp tục giám sát, triển khai đồng loạt các biện pháp phòng chống dịch nhằm giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật thành phố Hải Phòng, tại tuần 46 (từ ngày 11/11 đến 17/11/2024), tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hải Phòng có dấu hiệu tích cực khi số ca mắc giảm đáng kể so với tuần trước. Cụ thể, toàn thành phố ghi nhận 357 trường hợp mắc mới, giảm 12,7% so với tuần 45 (409 ca). Đặc biệt, không có ca tử vong nào được ghi nhận.

Từ đầu năm đến nay, Hải Phòng đã ghi nhận 21.192 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng gấp 15,1 lần so với cùng kỳ năm 2023 (1.320 ca). Trong tuần qua, các quận/huyện ghi nhận số ca mắc cao nhất là Lê Chân (126 ca), Ngô Quyền (105 ca), Hải An (36 ca), Cát Hải (22 ca), và Kiến An (15 ca).

Cùng với tín hiệu giảm số ca mắc mới, số ổ dịch cũng có xu hướng giảm. Tuần qua, 49 ổ dịch mới được phát hiện, nâng tổng số ổ dịch từ đầu năm lên 2.795, trong đó 115 ổ đang hoạt động. Tuy nhiên, đến thời điểm này 2.680 ổ dịch đã dừng hoạt động. Các quận/huyện có số ổ dịch đang hoạt động cao nhất là Ngô Quyền (20 ổ), An Dương (18 ổ), và Thủy Nguyên (14 ổ).

Trước tình hình này, Hải Phòng tiếp tục triển khai hàng loạt biện pháp mạnh mẽ để kiểm soát dịch. Lực lượng chức năng thực hiện chiến dịch diệt lăng quăng, bọ gậy và vệ sinh môi trường tại 73 xã/phường thuộc 9 quận/huyện. Hóa chất diệt muỗi cũng được phun tại 21 xã/phường, với tổng cộng 45 điểm và 219 hộ gia đình tham gia.

Các hoạt động giám sát véc- tơ, xét nghiệm huyết thanh và xử lý triệt để các ổ dịch được triển khai đồng bộ. Đặc biệt, công tác truyền thông được đẩy mạnh thông qua loa phát thanh tại các phường/xã, giúp nâng cao ý thức phòng dịch trong cộng đồng.

Dù số ca mắc đã giảm, nguy cơ dịch bùng phát vẫn hiện hữu do số lượng ca tích lũy từ đầu năm rất cao. Trong thời gian tới, Hải Phòng sẽ tiếp tục tăng cường giám sát để phát hiện sớm các ca bệnh tại cộng đồng, đồng thời xử lý triệt để các ổ dịch.

Chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng và thu gom phế thải sẽ được triển khai quyết liệt hơn nhằm giảm mật độ muỗi truyền bệnh. Ngoài ra, các biện pháp tuyên truyền sẽ tiếp tục được đẩy mạnh để người dân chủ động bảo vệ sức khỏe.

Theo đánh giá của ngành y tế Hải Phòng, tình hình dịch sốt xuất huyết tại Hải Phòng đang có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn cần sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và người dân để kiểm soát triệt để. Thành phố cũng khuyến khích người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng.

Tin liên quan
Tin khác