Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 26/3: Thủ tướng chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao
D.Ngân - 26/03/2024 09:45
Hằng năm số tử vong do bệnh lao còn cao, khoảng 13.000 người; còn nhiều người mắc bệnh Lao trong cộng đồng chưa được phát hiện.

Nỗ lực thanh toán bệnh lao

Để kiểm soát bệnh Lao, nhằm đạt các mục tiêu của Chiến lược phòng, chống bệnh Lao, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 25/CĐ-TTg ngày 25/3/2024 về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh lao.

Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua khó khăn, tự tin chữa khỏi bệnh và hòa nhập cộng đồng.

Thủ tướng chính phủ yêu cầu các cơ quan liên quan tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống bệnh Lao là một nhiệm vụ quan trọng, lâu dài của cả hệ thống chính trị, của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương, trong đó ngành y tế là nòng cốt, lấy y tế cơ sở làm trọng tâm; gánh nặng do bệnh lao gây ra cho người bệnh, gia đình, cộng đồng và xã hội; bệnh lao là bệnh chữa khỏi được.

Bên cạnh đó, cần củng cố năng lực hệ thống khám bệnh, chữa bệnh (công lập và tư nhân), đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở trong việc phát hiện, quản lý, điều trị và phòng bệnh Lao, trong đó có việc gắn kết với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Kiện toàn, nâng cao năng lực hệ thống cơ sở phòng, chống bệnh Lao trên địa bàn.

Bám sát tình hình bệnh lao tại địa phương để kịp thời chỉ đạo công tác phát hiện và điều trị bệnh nhân Lao. Triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống bệnh lao trong cộng đồng.

Ưu tiên phân bổ nguồn lực từ ngân sách địa phương cho công tác phòng, chống bệnh lao trên địa bàn, nhất là các tỉnh có số mắc lao cao.

Về phía ngành Y tế, Thủ tướng chính phủ yêu cầu cần rà soát, xây dựng và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn về phát hiện, chẩn đoán, điều trị và quản lý, dự phòng bệnh lao.

Khẩn trương hoàn thiện, ban hành "Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế".

Tăng cường hợp tác quốc tế để tranh thủ nguồn lực, kỹ thuật, kinh nghiệm hỗ trợ công tác phòng, chống bệnh lao tại Việt Nam.

Tăng cường các giải pháp bảo đảm nguồn lực, nhất là thuốc điều trị cho công tác phòng, chống bệnh lao. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền về gánh nặng bệnh lao và công tác phòng, chống bệnh lao.

Uỷ ban Quốc gia về chấm dứt bệnh lao tăng cường công tác tham mưu, đề xuất, kịp thời kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp, cơ chế chính sách, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp để sớm chấm dứt bệnh lao.

Về các biện pháp hỗ trợ bệnh nhân lao, vừa qua Bệnh viện Phổi Trung ương, Chương trình Chống lao Quốc gia, Quỹ Hỗ trợ người bệnh chiến thắng bệnh lao (PASTB) tiếp tục phối hợp với Cổng thông tin nhân đạo Quốc gia 1400 mở cổng nhắn tin ủng hộ Quỹ PASTB nhằm vận động nhân dân cả nước ủng hộ, giúp đỡ người bị bệnh lao vượt qua khó khăn, tự tin chữa khỏi bệnh và hòa nhập cộng đồng.

Người dân có thể ủng hộ bằng việc gửi tin nhắn cú pháp TB gửi 1402 (20.000 đồng/tin nhắn, không giới hạn số lượng tin nhắn); truy cập website, quét mã QR trên Cổng dịch vụ thanh toán điện tử VTC Pay hoặc chuyển khoản theo số tài khoản 16010000288699 (Ngân hàng BIDV).

Để biết thông tin chi tiết về chương trình, người dân có thể  cập website https://1400.vn/hotrodieutribenhlao. Mỗi tin nhắn gửi đi sẽ tạo thêm cơ hội cho người Theo Tiến sĩ Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban Điều hành Chương trình Chống lao quốc gia, số bệnh nhân lao được phát hiện hằng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số ước tính.

Như vậy sẽ có 40% bệnh nhân lao trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị. Tỷ lệ khỏi bệnh được duy trì ở mức hơn 90% với bệnh nhân lao mới. Có khoảng 70% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ dài hạn và 80% với bệnh nhân lao đa kháng thuốc sử dụng phác đồ ngắn hạn...

Đánh giá dịch tễ bệnh lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống lao rất thấp, Chương trình Chống lao quốc gia cho rằng, muốn đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035, cần triển khai tối ưu các chiến lược, chính sách hiện có, đó là bao phủ y tế toàn dân, tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở gắn với công tác phòng, chống lao, bảo hiểm y tế và bảo trợ xã hội.

Diễn biến sốt xuất huyết tại Hà Nội không bất thường

Theo tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, tuần qua, trên địa bàn Hà Nội ghi nhận thêm 14 trường hợp mắc sốt xuất huyết. Như vậy, từ đầu năm 2024 đến nay, trên địa bàn đã có 527 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 342 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, dù số ca mắc tăng so với cùng kỳ nhưng không đáng lo ngại. Bởi số ca mắc không lớn mà nằm rải rác, nhất là không có các ổ dịch lớn, tập trung.

Lý giải vì sao sốt xuất huyết thường xảy ra vào mùa mưa, nhưng tại thời điểm này vẫn ghi nhận ca bệnh, ông Trần Đắc Phu cho rằng, vào mùa xuân vẫn có ngày nhiệt độ cao, lúc nóng lúc lạnh, muỗi sốt xuất huyết phát triển ở nhiệt độ 25 độ C trở lên.

Đặc biệt, trong nhà đóng kín cửa làm cho nhiệt độ tăng cao khiến muỗi sinh sôi phát triển, thậm chí đẻ trứng vào các bình chứa nước thành bọ gậy... Bên cạnh đó, người dân gia tăng giao lưu đi lại giữa miền Bắc và miền Nam cũng mang theo nguồn bệnh di chuyển và làm gia tăng ca mắc.

Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dịch bệnh sốt xuất huyết sẽ không có khả năng bùng phát do khí hậu, thời tiết mùa xuân nồm ẩm muỗi không phát triển mạnh mẽ được. Do đó, diễn biến tình hình sốt xuất huyết hiện không có dấu hiệu bất thường mà nằm trong dự báo từ trước và theo mô hình dịch tễ có quanh năm.

Trước đó, trong năm 2023, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp với hơn 40.000 ca mắc (gấp hơn 2 lần so với năm 2022), trong đó có 4 ca tử vong.

Theo CDC Hà Nội, chính vì đuôi dịch của năm 2023 kéo sang đầu năm 2024, khiến số ca mắc sốt xuất huyết tăng ngay từ đầu năm. Tuy nhiên, trên thực tế, trong những tuần gần đây, trên địa bàn thành phố chỉ ghi nhận rải rác từ 14-24 ca/tuần.

Dù vậy, CDC Hà Nội dự báo, thời gian tới có thể vẫn sẽ ghi nhận bệnh nhân. Do đó, người dân không được chủ quan. Biện pháp phòng bệnh hiệu quả vẫn là người dân cần tích cực vệ sinh môi trường, loại bỏ hoàn toàn các dụng cụ chứa nước, môi trường thuận lợi để cho muỗi đẻ trứng…

Ngoài ra, nếu người bệnh sốt xuất huyết có các dấu hiệu cảnh báo như: Sốt cao, đau bụng vùng gan, nôn hoặc chảy máu chân răng, rong kinh hoặc có biểu hiện chân tay lạnh, tụt huyết áp... phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời. Tuyệt đối không được tự ý điều trị tại nhà.

Tin liên quan
Tin khác