Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 26/4: 8 dấu hiệu cảnh báo u não
D.Ngân - 26/04/2024 08:48
Có 8 dấu hiệu cảnh báo u não mà các chuyên gia khuyến cáo người dân cần chú ý, để điều trị kịp thời, tránh hậu quả.

Dấu hiệu cần đi kiểm tra bệnh lý u não

Bác sĩ Trần Đình Văn, Khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, có 8 dấu hiệu mà người dân cần chú ý.

Dấu hiệu đầu tiên chính là việc người dân bị đau đầu. Đây là triệu chứng thường gặp, không đặc hiệu, nghĩa là đau đầu có thể do rất nhiều nguyên nhân.

Ảnh minh họa.

Tuy nhiên, đau đầu do khối u não thường diễn ra thường xuyên theo thời gian, không giảm đau hoặc có giảm đau nhưng nhanh chóng đau lại khi dùng thuốc giảm đau, đau thường kèm theo nôn ói, hoặc buồn nôn, đặc biệt là vào buổi sáng, đau tăng khi nằm hoặc cúi hoặc khi đi vệ sinh.

Dấu hiệu thứ hai là động kinh. Động kinh có nhiều dạng khác nhau như cơn mất ý thức (không đáp ứng với tín hiệu bên ngoài), cơn co giật tay chân/ miệng, mặt, hoặc cơn tê, ngứa ran, tay chân không kiểm soát, khó nói, hoặc cảm giác ngửi thấy mùi lạ, nhìn chằm chằm mà không kiểm soát được.

Thay đổi tâm thần, tâm trạng, tính cách: Trở nên thu mình, buồn bã, làm việc kém hiệu quả, cảm thấy buồn ngủ, bối rối, kém tập trung suy nghĩ, hoặc trầm cảm, lo lắng.

Nếu các biểu hiện này xuất hiện đột ngột thường do biểu hiện khối u não. Hoặc tính tình hung hăng, hay cáu gắt, thất thường so với trước đây.

Dấu hiệu thứ tiếp theo là thay đổi giọng nói, khi diễn đạt khó khăn, khó hiểu từ, khó tìm từ, nói không mạch lạc.

Một nhận biết khác là thay đổi khả năng nghe, ngửi, nhìn. Một trong những chức năng này trở nên kém đi so với trước kia, đặc biệt như nhìn đôi (1 thành 2), nhìn mờ, mất ngửi, nghe kém.

Mất thăng bằng hoặc phối hợp, đi lại dễ ngã, dáng đi khác thường so với trước đây, cầm nắm đồ vật dễ rơi rớt.

Thay đổi khả năng cảm nhận nóng lạnh, áp lực, chạm nhẹ hoặc sờ vật sắc nhọn không biết đau. Thay đổi nhịp tim, nhịp thở trở nên khác thường so với trước kia.

Vậy, tại sao khối u não lại gây các triệu chứng như trên theo bác sĩ Đình Văn, tùy vị trí u trong não xuất hiện tại vùng não có chức năng tương ứng sẽ gây ra các rối loạn tương ứng.

Ngoài ra, khối u não xuất hiện sẽ xâm lấn và phá hủy mô não, tạo áp lực lên các mô gần đó, chiếm không gian và tăng áp lực trong hộp sọ (áp lực nội sọ), khiến chất lỏng tích tụ trong não, ngăn chặn sự lưu thông bình thường của dịch não tủy qua các khoảng trống trong não và có thể gây chảy máu.

Tuy nhiên bác sĩ cũng lưu ý rằng, không phải cứ xuất hiện 1 trong 8 dấu hiệu trên là chắc chắn có khối u trong não, tuy nhiên khi có biểu hiện, đặc biệt là các dấu hiệu đi cùng nhau, người dân nên đi khám tại chuyên khoa thần kinh càng sớm càng tốt.

Tưởng bị dạ dày hóa ra mắc nhồi máu cơ tim

Bà Hoa, 87 tuổi, nôn từng cơn không dứt nghĩ do viêm dạ dày, nhập viện được chẩn đoán các nhánh mạch máu nuôi tim tắc nghẽn gần hết.

ThS.BS Phạm Hoàng Trọng Hiếu, Trung tâm Can thiệp Mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bà Hoa (ngụ Đồng Nai) có tiền căn tăng huyết áp, viêm dạ dày mạn tính. Đầu tháng 4, bà đau vùng thượng vị kèm nôn ói. Triệu chứng kéo dài 15 phút thì giảm nên người nhà nghĩ bà bị viêm dạ dày tái phát, không đi khám kiểm tra.

Bốn ngày sau, cơn đau thượng vị trở lại, bà Hoa nôn ói nhiều hơn, từng cơn kéo dài 15 phút lặp đi lặp lại. Bốn giờ kể từ khi khởi phát triệu chứng, bà được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cấp cứu.

Qua khám lâm sàng, các bác sĩ nhận định đây là một trường hợp nghi ngờ nhồi máu cơ tim cấp. Kết quả đo điện tâm đồ xác định bà Hoa bị nhồi máu cơ tim cấp ST chênh lên. Đây là hội chứng mạch vành cấp tính nghiêm trọng nhất, xảy ra khi một động mạch vành bị tắc nghẽn hoàn toàn, cắt đứt nguồn cung cấp máu cho tim.

Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên phòng thông tim, kết quả chụp mạch vành cho thấy động mạch vành phải tắc hoàn toàn, thân chung và nhánh động mạch liên thất trước hẹp nặng. “Nếu không can thiệp ngay, nguy cơ đột tử là rất lớn".

Trong vòng 20 phút kể từ lúc đến viện, bà Hoa được can thiệp đặt 1 stent vào động mạch vành phải, tái thông dòng máu nuôi tim. Ngay sau thủ thuật, bệnh nhân hết hẳn triệu chứng đau bụng, nôn ói, nhịp tim và huyết áp ổn định, được chuyển ra phòng hồi sức.

Bác sĩ Minh nhận định, thủ phạm gây ra nhồi máu cơ tim cấp đã được giải quyết, nhưng bệnh nhân vẫn còn hẹp nặng nhánh thân chung và động mạch liên thất trước, cần tiếp tục nong mạch đặt stent.

Tuy nhiên, bà Hoa tuổi cao, hệ mạch vành vôi hóa rất nặng nên tiên lượng thủ thuật khó khăn và phức tạp, những dụng cụ can thiệp cơ bản như bóng có kích thước nhỏ, microcatheter không thể đi qua được đoạn mạch vành tổn thương. Do đó, cần có sự hỗ trợ của mũi khoan kim cương (Rotablator).

Ba ngày sau ca thủ thuật đầu tiên, ê kíp tiến hành can thiệp lần hai, cứu nhánh mạch vành trái trước nguy cơ tắc hoàn toàn. Bác sĩ đưa mũi khoan kim cương với đường kính chỉ 1,5 mm đến vị trí đoạn mạch vôi hóa, thực hiện khoan cắt mảng xơ vữa mạch vành.

Từng đợt khoan diễn ra sau mỗi 5-10 giây, đảm bảo trái tim được tưới máu liên tục. Bác sĩ tán mịn mảng xơ vữa thành những tinh thể nhỏ hơn hồng cầu, nhờ đó không gây tắc mạch.

Sau 5 lần thực hiện khoan cắt mảng xơ vữa (Rotablation Atherectomy), lòng mạch trơn nhẵn, thuận lợi để nong bóng, đặt stent. Bà Hoa được khơi thông dòng máu nuôi tim thành công, hồi phục nhanh và xuất viện sau 7 ngày nhập viện.

Bác sĩ Minh thông tin, nhồi máu cơ tim cấp có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, nhất là người có các yếu tố nguy cơ gây xơ vữa mạch máu như hút thuốc lá nhiều, chế độ ăn mặn, nhiều chất béo bão hòa, thường xuyên căng thẳng, ít vận động, tiền căn tăng huyết áp, đái tháo đường, tăng cholesterol, thừa cân, béo phì…, có tiền sử gia đình bị nhồi máu cơ tim.

Các biến chứng của nhồi máu cơ tim cấp phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh mạch vành, thời gian phát hiện và xử lý. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dễ gặp biến chứng trước mắt như suy tim cấp, rối loạn nhịp nguy kịch, vỡ tim… và lâu dài gồm suy tim do bệnh cơ tim, huyết khối trong buồng tim, phình vách thất…

Theo bác sĩ Hiếu, đối với những trường hợp mạch vành vôi hóa nặng như bà Hoa, các dụng cụ hỗ trợ cho can thiệp đặt stent mạch vành như bóng kích thước nhỏ, Microcatheter không đi qua được chỗ hẹp khít, khoan cắt mảng xơ vữa bằng mũi khoan kim cương là chỉ định hàng đầu trong điều trị, giúp tối ưu hóa can thiệp mạch vành, giảm tái hẹp trong stent.

Thủ thuật Rotablator còn là “cứu cánh” cho những bệnh nhân có hệ mạch vành vôi hoá nặng không thể thực hiện mổ bắc cầu do tuổi già, nhiều bệnh nền, nguy cơ phẫu thuật cao, hẹp lan tỏa nhiều nhánh và nhiều chỗ…

Nhận biết triệu chứng cảnh báo đóng vai trò quan trọng, giúp người bệnh được điều trị sớm, ngăn ngừa nhồi máu cơ tim cấp. Nếu xuất hiện các dấu hiệu điển hình (đau nặng ngực lan đến vai, cổ, hàm hoặc lưng, khó thở, buồn nôn, choáng váng, chóng mặt) và không điển hình (đau vùng thượng vị, nôn ói, khó tiêu, đổ mồ hôi lạnh, mệt mỏi), nên đến bệnh viện khám ngay.

Tin liên quan
Tin khác