Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 26/6: Các loại bệnh trẻ em hay gặp trong mùa hè
D.Ngân - 26/06/2024 10:01
Một số bệnh đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của trẻ bố mẹ cần lưu ý như bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, viêm màng não, viêm não, viêm phổi…

Nhiều bệnh tật truyền nhiễm đe dọa tính mạng

Bệnh tật ở trẻ em chủ yếu là do ảnh hưởng của môi trường lên cơ thể bé. Trong khoảng thời gian gần đây, khí hậu có nhiều sự thay đổi, nắng nóng, mưa gió thất thường nên trẻ rất dễ mắc bệnh.

Một số bệnh đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của trẻ bố mẹ cần lưu ý như bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương như viêm màng não, viêm não, viêm phổi…

Một số bệnh đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng của trẻ bố mẹ cần lưu ý như bệnh nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương viêm màng não, viêm não…

Bệnh truyền nhiễm: Sốt xuất huyết, tay chân miệng. Bệnh về hô hấp: viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suyễn…

Bệnh về đường tiêu hóa: Tiêu chảy. Điều quan trọng là bố mẹ cần phải biết được những dấu hiệu nguy hiểm để đưa bé đến bệnh viện chữa trị kịp thời, nhất là khi trẻ mắc những bệnh về hệ thần kinh trung ương, với các biểu hiện lừ đừ, lơ mơ, co giật… hay khó thở, tím tái, có dấu hiệu ngưng tim, ngưng thở hoặc đau bụng, xuất huyết…

Trong giai đoạn hiện nay, các bệnh về hô hấp ở trẻ như viêm phổi, viêm tiểu phế quản, suyễn… là các bệnh lý hiện đang chiếm số đông tại một số cơ sở y tế chuyên khoa nhi.

Ngoài ra, còn có một số bé bị sốt xuất huyết, tay chân miệng và tiêu chảy cấp. Hầu hết các trường hợp mắc bệnh đều do sự thay đổi của môi trường và hệ miễn dịch của trẻ còn non nớt.

Chia sẻ thêm về sự tác động yếu tố môi trường đối với sức khỏe của trẻ, ThS.Lê Thị Lan Anh, Phó trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết, thời tiết Hà Nội hiện cũng đang có thay đổi, gây ảnh hưởng không ít đến các em bé, nổi bật nhất là các bệnh về đường hô hấp; tiêu hóa và một ít bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết; viêm não, viêm màng nào.

Hệ miễn dịch của bé hiện chưa hoàn thiện nên sự thay đổi của thời tiết khiến bé dễ bị bệnh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển thể chất, vận động của bé mà còn ảnh hưởng đến những người thân chăm sóc bé.

Bố mẹ nên tăng cường hệ miễn dịch cho bé bằng cách: Đảm bảo về mặt dinh dưỡng, bé ăn đủ các nhóm chất. Uống đủ nước. Bổ sung vitamin, khoáng chất. Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường sống. Đảm bảo bé có một thời gian vận động đủ ở ngoài trời.

Thường xuyên vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý. Đảm bảo thân nhiệt bé không bị thay đổi quá đột ngột.

Đặc biệt, hạn chế cho bé tiếp xúc với những người bệnh truyền nhiễm, ví dụ virus cúm. Các bệnh về hô hấp ở trẻ đôi khi chỉ là những bệnh thường gặp như viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, viêm Amidan; bệnh đường hô hấp dưới, viêm phổi, viêm tiểu phế quản, hen suyễn, hen phế quản hay những bệnh lý nặng nề hơn như áp xe phổi, viêm mủ màng phổi.

Bệnh lý hô hấp vẫn là bệnh lý phổ biến nhất ở trẻ, tiếp đó là tiêu hóa. Bệnh đường tiêu hóa sẽ gặp theo mùa.

Mùa đông trẻ hay mắc tiêu chảy do virus Rota, các loại vi khuẩn; mùa hè trẻ hay mắc bệnh do các loại vi khuẩn liên quan đến ngộ độc thức ăn, di chuyển, du lịch. Bên cạnh đó, bệnh về đường tiêu hóa ở những trẻ lớn còn gặp các bệnh về dạ dày, tá tràng…

Tùy theo từng bệnh cảnh, bệnh có thể diễn ra ở những mức độ nguy hiểm khác nhau. Ví dụ, ở bệnh tiêu hóa, trẻ bị tiêu chảy dấu hiệu nguy hiểm là bị mất nước, đi tiêu hoặc nôn quá nhiều, rối loạn điện giải là những hậu quả đầu tiên và cấp tính nhất. Tiếp theo đó, hậu quả xa hơn là trẻ bị suy dinh dưỡng.

Từ đây, trẻ rất dễ rơi vào vòng lặp suy dinh dưỡng và các bệnh lý về nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, hô hấp. Một hệ quả khác là hệ miễn dịch trẻ giảm, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý khác.

Khi mắc bệnh, trẻ có sốt, phụ huynh cần hạ sốt đúng cách cho trẻ và theo dõi chặt chẽ các triệu chứng, đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ có dấu hiệu bệnh nặng, nguy hiểm.

Sốt siêu vi, phát ban hay những bệnh lý gây sốt khác thì sau khi hết sốt bé tỉnh, có thể chơi bình thường không kèm các triệu chứng nặng khác.

Nhưng nếu sốt kèm thở nhanh, thở mệt hay trẻ quấy khóc, li bì, bỏ ăn, bỏ bú hay có các triệu chứng đường tiêu hóa thì chúng ta không thể loại bỏ hoàn toàn ngay bệnh lý sốt phát ban, sốt siêu vi được. Sốt siêu vi có thể lành tính nhưng cũng có thể diễn tiến nghiêm trọng, vì trong bản chất của sốt siêu vi có sốt xuất huyết.

Vậy nên, nếu bé sốt 1-2 ngày và khi hết sốt bé tưởi tỉnh, chơi bình thường, không bỏ ăn, bỏ bú và không kèm theo các triệu chứng bệnh lý nào khác thì đó có thể là bệnh lý siêu vi đơn thuần. Còn kèm theo các triệu chứng trên thì bố mẹ cần đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất để bác sĩ thăm khám và điều trị kịp thời.

Với những bé không có tiền căn co giật thì sốt nhẹ, bố mẹ có thể hạ sốt cho trẻ bằng cách cho trẻ mặc đồ thoáng, bổ sung nước, lau nước mát, bổ sung dinh dưỡng đầy đủ.

Nếu trẻ sốt trên 38.5 độ, bố mẹ cho trẻ dùng thuốc hạ sốt với liều lượng phù hợp. Liều hạ sốt phải dựa trên cân nặng của trẻ, thông thường là 10-15 miligam nhân với cân nặng của trẻ, khoảng cách 4-6 tiếng.

Dịch sốt xuất huyết “nóng” trở lại

Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, nếu vào cuối tháng 5/2024 số ca mắc sốt xuất huyết vào khoảng 20 ca/tuần thì trong tháng 6/2024 đã tăng lên từ 30-70 ca/tuần.

Trong tuần qua (từ ngày 14 đến 21/6), thành phố có thêm 73 ca sốt xuất huyết (tăng 35 ca so với tuần trước đó). Tính từ đầu năm 2024 đến nay, thành phố có 856 ca sốt xuất huyết (tăng hơn 1,7 lần so với cùng kỳ năm 2023). Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đã ghi nhận 14 ổ dịch sốt xuất huyết, đã có 10 ổ dịch đã được khống chế.

Trong số 4 ổ dịch đang hoạt động có 3 ổ dịch trên địa bàn huyện Đan Phượng và 1 ổ dịch tại quận Đống Đa. Thời gian qua, ngành Y tế Thủ đô đã tăng cường giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết. Trong quá trình điều tra, các chỉ số giám sát bọ gậy, muỗi Aedes truyền bệnh sốt xuất huyết, chỉ số BI (Breteau index) có vai trò quan trọng để xác định tình hình.

Theo đó, nếu chỉ số BI ghi nhận từ 20 trở lên (quy định ở khu vực miền Bắc) là tại cơ sở giám sát đang có nguy cơ cao về bùng phát dịch.

Với cơ sở dữ liệu này, kết quả giám sát tại ổ dịch năm 2024 của huyện Đan Phượng và các ổ dịch cũ năm 2023 trong tuần qua cho thấy, chỉ số côn trùng ở một số nơi vượt ngưỡng nguy cơ từ 2-5 lần.

Cụ thể, trong hai ngày 17 và 18/6, giám sát tại 2 ổ dịch trên địa bàn huyện Đan Phượng đều có chỉ số BI gấp 2 lần ngưỡng nguy cơ; trong đó thôn Đồng Vân có BI=42,8 và cụm 1 thôn Đoài Khê có BI=40. Tại những khu vực này, ổ bọ gậy được phát hiện chủ yếu tại bể nước, xô, thùng chứa nước, chậu cây cảnh.

Ngoài ra, giám sát các ổ dịch sốt xuất huyết cũ từ năm 2023 như tại xã Phương Tú (huyện Ứng Hòa) đã ghi nhận BI=110 (gấp 5 lần ngưỡng nguy cơ); thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) có BI=40; phường Kim Mã (quận Ba Đình) có BI=40…

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương nhận định, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết năm nay sẽ có những diễn biến phức tạp. Nguyên nhân là do điều kiện khí hậu, cùng với nhiều nơi người dân có thói quen xả rác bừa bãi, tích trữ nước mưa, nước sinh hoạt, tạo ra môi trường để muỗi truyền bệnh sinh trưởng và phát triển.

Hiện đang bước vào tháng cao điểm của mùa dịch sốt xuất huyết, do đó, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế Nguyễn Lương Tâm cho rằng, ngành Y tế Thủ đô cần tăng cường phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch, trong đó tập trung quyết liệt việc diệt lăng quăng, bọ gậy.

Cùng với đó, thành phố cần huy động sự vào cuộc của các ngành, các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc phòng, chống sốt xuất huyết.

Ngay trong tuần này, tại những khu vực có kết quả giám sát chỉ số côn trùng cao vượt ngưỡng nguy cơ, Sở Y tế Hà Nội đề nghị phải tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy và chiến dịch phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành.

Bên cạnh đó, các đơn vị cần kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch bệnh tại các khu vực có nhiều ca bệnh, ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao, nhằm đánh giá tình hình, từ đó triển khai các biện pháp phù hợp và kịp thời.

Riêng với huyện Đan Phượng, UBND huyện cần tiếp tục chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức xử lý ổ dịch tại xã Đồng Tháp bảo đảm triệt để, bao gồm việc phun hóa chất diện rộng có hiệu quả.

Để loại bỏ hoàn toàn muỗi gây bệnh, Phó Giám đốc CDC Hà Nội Khổng Minh Tuấn khuyến cáo, người dân nên chú ý thường xuyên kiểm tra các vật dụng trong nhà như: Bình hoa, các thùng, lu, các mảnh vỡ, chai lọ, phế phẩm đọng nước, các vật dụng trữ nước...

Các vật dụng này khi không sử dụng cần được lật úp. Việc loại bỏ môi trường sinh sôi, phát triển của muỗi là biện pháp phòng bệnh căn cơ, lâu dài, hiệu quả và tiết kiệm nhất.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống để người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống và điều trị bệnh kịp thời, hạn chế ca bệnh nặng và tử vong.

Tin liên quan
Tin khác