Y tế - Sức khỏe
Tin mới y tế ngày 28/5: Gần 382.000 trẻ Hà Nội được uống vitamin A
D.Ngân - 28/05/2024 08:38
Hà Nội đặt mục tiêu chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ năm 2024 là 99,8% trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao. Theo đó, Hà Nội có gần 382.000 trẻ được uống vitamin A trong ngày 1/6 và 2/6.

Hà Nội gần 382.000 trẻ được uống vitamin A

Đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ năm 2024 sẽ diễn ra trong 2 ngày 1 và 2/6, uống vét từ ngày 3 đến 4/6.

Đối tượng được bổ sung vitamin A liều cao là trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi đang có mặt tại địa phương, kể cả trẻ vãng lai, trẻ đang điều trị tại các cơ sở y tế.

Hà Nội đặt mục tiêu chiến dịch bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ năm 2024 là 99,8% trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao. Theo đó, Hà Nội có gần 382.000 trẻ được uống vitamin A trong ngày 1/6 và 2/6.

Cùng với chiến dịch bổ sung vitamin A, từ ngày 1 đến 7/6, TP cũng triển khai chiến dịch cân, đo để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thiếu cân (cân nặng/tuổi), thể thấp còi (chiều cao/tuổi), thể suy dinh dưỡng gầy còm, cấp tính (cân nặng/chiều cao) và tỷ lệ thừa cân béo phì (cân nặng/tuổi).

Theo điều tra đối tượng, số trẻ trong độ tuổi được uống vitamin A đợt này là 381.956 trẻ; trong đó trẻ từ 6 đến 11 tháng là 68.829; trẻ từ 12 đến 35 tháng là 313.127. Tổng số điểm uống vitamin A trên toàn TP là 1.665 điểm.

Mục tiêu đặt ra của chiến dịch là 99,8% trẻ từ 6 đến 35 tháng tuổi được uống vitamin A liều cao; đồng thời cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần giảm tỷ lệ tử vong, giảm gánh nặng bệnh tật và nâng cao sức khỏe cho bà mẹ và trẻ em.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương yêu cầu, điểm uống, điểm cân đo phải tổ chức theo quy trình một chiều, được vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng.

Mặt khác, bố trí đủ ghế ngồi chờ ở nơi có mái che tránh nắng, nóng cho đối tượng đến uống. Đặc biệt, phân bổ số trẻ hợp lý, mời trẻ uống theo giờ, tránh tình trạng quá đông gây ùn tắc, quá tải.

Cán bộ y tế trực tiếp cho trẻ uống vitamin A phải sàng lọc trước khi cho trẻ uống. Những trẻ có dấu hiệu chống chỉ định thì tạm dừng và cho uống bù vào thời gian thích hợp sau khi hết các dấu hiệu chống chỉ định này.

TP.HCM: Gia tăng số trẻ em mắc bệnh tay chân miệng

Tính đến ngày 19/5, trên địa bàn TP.HCM đã có 4.471 ca bệnh, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Ngành Y tế cảnh báo tay chân miệng là bệnh lý truyền nhiễm nguy hiểm đối với trẻ em, phụ huynh cần hết sức tuân thủ các biện pháp phòng bệnh.

Đại diện Sở Y tế TP.HCM cho hay luôn trong tư thế chủ động phòng chống dịch và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tay chân miệng có thể xảy ra.

Các hoạt động giám sát dịch tễ, giám sát tác nhân gây bệnh tay chân miệng được duy trì thường xuyên nhằm cung cấp dữ liệu cho việc dự báo tình hình dịch bệnh. Các kịch bản phân tuyến điều trị ca bệnh triển khai từ năm 2023 vẫn tiếp tục duy trì tại các bệnh viện trên địa bàn.

Theo chuyên gia, bệnh tay chân miệng do nhóm virus đường ruột (Enterovirus) gây ra, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện của bệnh có thể từ nhẹ (như nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, loét miệng) đến nặng (tổn thương não, tim) và có thể tử vong.

Đến nay hệ thống giám sát tác nhân gây dịch của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM chưa phát hiện virus EV71 - tác nhân thường gây ra những vụ dịch tay chân miệng với nhiều ca bệnh nặng.

Mặc dù vậy, Sở Y tế TP.HCM cũng yêu cầu hệ thống phòng, chống dịch, hệ thống điều trị phải trong tư thế chủ động phòng, chống dịch và sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch bệnh tay chân miệng có thể xảy ra.

Hiện, chưa có vắc-xin phòng bệnh tay chân miệng tại Việt Nam. Do đó để phòng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng cần chủ động thực hiện theo phương châm 3 sạch: Ăn (uống) sạch, ở sạch, bàn tay và chơi đồ chơi sạch.

Cụ thể, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy nhiều lần trong ngày (cả người lớn và trẻ em). Đặc biệt, trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn/cho trẻ ăn, trước khi bế ẵm trẻ, sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã và làm vệ sinh cho trẻ.

Đồng thời, lau sạch các bề mặt, dụng cụ tiếp xúc hàng ngày của trẻ, như đồ chơi, dụng cụ học tập, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang, mặt bàn/ghế, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường. Thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày.

Chú ý, không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh. Khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám ngay tại cơ sở y tế gần nhất.

Tin liên quan
Tin khác