Nguy cơ của béo phì
Theo TS.Đỗ Minh Hùng, Giám đốc Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, một người được xem là béo phì khi chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 trở lên.
Béo phì làm tăng nguy cơ cao huyết áp, tiểu đường do tích tụ chất béo ảnh hưởng hoạt động các bộ phận cơ thể, kể cả với người trẻ. |
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2022 toàn cầu có hơn một tỷ người béo phì, trong đó 650 triệu người trưởng thành, 340 triệu thanh thiếu niên.
Béo phì là nguyên nhân gây nhiều bệnh tật. Ở người béo phì, lượng mỡ bọc kín tim khiến tim khó co bóp hoặc mỡ tích tụ quá nhiều làm tăng dung lượng máu tuần hoàn, tăng gánh nặng cho tim.
Người béo phì thường bị huyết áp cao, lượng đường và cholesterol bất thường – những yếu tố làm tăng nguy cơ xơ cứng mạch máu não, đột quỵ.
Tại Mỹ năm 2010, kết quả 25 nghiên cứu với 2,3 triệu người tham gia, cho thấy người béo phì có nguy cơ đột quỵ cao đến 64%
Mỡ dư quá nhiều trong cơ thể còn khiến hormone insulin hoạt động không hiệu quả. Lúc này, tuyến tụy sản sinh nhiều insulin hơn. Nếu tình trạng kéo dài khiến sản sinh insulin của tuyến tụy giảm dẫn đến bệnh tiểu đường type 2.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), cứ ba người béo phì có một trường hợp viêm xương khớp. Tăng 5 kg cân nặng, nguy cơ mắc bệnh viêm khớp gối tăng lên 36%.
Béo phì cũng tác động xấu đến hoạt động của hormone sinh dục, theo bác sĩ Hùng. Hàm lượng chất béo lớn trong cơ thể phụ nữ có thể suy giảm chức năng của buồng trứng, rối loạn kinh nguyệt, khó thụ thai, tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa.
Thai phụ bị béo phì nguy cơ cao sẩy thai, tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, biến chứng khi chuyển dạ và sinh nở. Nam giới thừa cân dễ rối loạn cương dương, vô sinh hơn do lượng testosterone giảm.
Ghi nhận tại Trung tâm Nội soi và Phẫu thuật Nội soi Tiêu hóa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, nhiều trường hợp trẻ tuổi nhưng mắc nhiều bệnh do hậu quả béo phì.
Tương tự, chị H., 26 tuổi, nặng 161 kg, BMI 56,48 (siêu béo phì). Chị mắc nhiều bệnh như gan nhiễm mỡ độ ba, huyết áp cao, rối loạn chuyển hóa lipoprotein, tăng lipid máu, viêm dạ dày và tá tràng.
Chị H. giảm cân bằng nhiều cách nhưng không kết quả, quyết định phẫu thuật thu gọn dạ dày hình ống. Trước phẫu thuật, chị được điều trị ổn định tình trạng viêm dạ dày do vi khuẩn HP (Helicobacter pylori).
Theo TS.Hùng, phẫu thuật thu gọn dạ dày là phương pháp giảm cân sau cùng khi người bệnh đã áp dụng các phương pháp tập luyện, ăn kiêng, điều trị nội khoa thất bại. Có nhiều kỹ thuật mổ nhưng đây là phương pháp được thực hiện nhiều nhất trên thế giới.
Phẫu thuật thu nhỏ dạ dày được chỉ định cho người có chỉ số BMI từ 40 trở lên hoặc 35-39,9 và có kèm theo ít nhất một bệnh khác như cao huyết áp, tiểu đường, ngưng thở khi ngủ, cholesterol cao, xương khớp… Bác sĩ một số nước châu Á chọn BMI là 37 hoặc 32 kèm bệnh lý chuyển hóa để chỉ định phẫu thuật.
Điều trị béo phì, giảm cân thành công còn đồng thời cải thiện các chỉ số sức khỏe đi kèm như huyết áp, đường huyết, cholesterol… Bệnh nhân sau khi điều trị béo phì tiếp tục ăn uống, luyện tập theo hướng dẫn của bác sĩ, khám sức khỏe định kỳ để theo dõi, đánh giá các chỉ số sức khỏe khác.
TS.Hùng khuyến cáo phẫu thuật thu gọn dạ dày là phương pháp an toàn và tỷ lệ thành công cao, tuy nhiên người bệnh cần chọn đơn vị điều trị uy tín.
Phòng tránh bệnh liên cầu khuẩn lợn
Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 đang đến gần. Tại nhiều vùng nông thôn, miền núi, người dân thường rủ nhau mổ lợn chung để cùng nhau đón Tết.
Trong ngày mổ lợn liên hoan tất niên, người dân có thói quen ăn tiết canh lấy may. Thói quen này tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh liên cầu khuẩn lợn.
Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, bệnh liên cầu khuẩn lợn do vi khuẩn có tên Streptococcus suis gây nên, là bệnh lây truyền từ động vật sang người.
Thông thường, vi khuẩn liên cầu cư trú ở vùng hô hấp trên, đặc biệt là ở vùng họng, xoang mũi, hạch hạnh nhân, đường tiêu hóa và sinh dục của lợn mà không gây bệnh cho con vật. Tỷ lệ mang Streptococcus suis không triệu chứng trong một đàn lợn khoảng 60-100%.
Do đó, những con lợn này trở thành lợn lành mang mầm bệnh và bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu. Hầu hết các ca bệnh liên cầu lợn là do bệnh nhân đều có giết mổ, ăn tiết canh hoặc các món đồ chưa nấu chín.
Người nhiễm bệnh liên cầu lợn có biểu hiện lâm sàng chính là: Viêm màng não, xuất huyết, viêm phổi, viêm cơ tim và viêm khớp. Những người bị bệnh nặng có thể tử vong do độc tố vi khuẩn gây sốc nhiễm khuẩn, nhiễm trùng ở màng trong của tim và các van tim, suy đa phủ tạng, nhiễm khuẩn huyết. Tỷ lệ tử vong có thể tới 7%.
Để chủ động phòng, chống bệnh liên cầu lợn, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân không sử dụng lợn chết, thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Đặc biệt, không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn khi chưa được nấu chín từ trên 70 độ C. Những người có vết thương hở phải đeo găng tay khi tiếp xúc với thịt lợn tái hoặc sống.
Phải giữ các dụng cụ chế biến ở nơi sạch sẽ, rửa sạch tay và các dụng cụ chế biến sau khi tiếp xúc, chế biến thịt lợn. Dùng riêng các dụng cụ chế biến thịt sống và thịt chín.