Hướng dẫn chi tiết về theo dõi đường huyết liên tục
Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo khoa học "Hướng dẫn triển khai theo dõi Glucose máu liên tục cho người bệnh đái tháo đường". Hướng dẫn này được kỳ vọng sẽ góp phần mang lại những thay đổi lớn đối với quản lý đái tháo đường.
Đây là hướng dẫn chi tiết đầu tiên về theo dõi đường huyết liên tục (CGM), trong đó nêu rõ những bước cụ thể để chuyên viên y tế và người mắc đái tháo đường thực hiện CGM.
Trước đây, Bộ Y tế đã khuyến nghị theo dõi đường huyết liên tục đối với những người mắc đái tháo đường tuype 2 muốn quản lý đường huyết tốt hơn và những người nhập viện cần theo dõi sát đường huyết.
GS.Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam đánh giá, nhìn tổng thể, vận dụng công nghệ CGM không chỉ giúp quản lý đái tháo đường hiệu quả hơn mà còn làm giảm gánh nặng chi phí cho người dân và cả hệ thống y tế. Do đó, việc xây dựng hướng dẫn theo dõi glucose máu liên tục vô cùng quan trọng.
Theo hướng dẫn của Hội Nội tiết và Đái tháo đường Việt Nam (VADE), CGM sử dụng một cảm biến được đưa vào dưới da để đo lượng đường trong dịch mô kẽ trong một khoảng thời gian nhất định, từ đó thể hiện mức đường huyết ước tính liên tục theo thời gian.
Hướng dẫn này hỗ trợ chuyên viên y tế bằng cách liệt kê các thiết bị CGM và hướng dẫn sử dụng; chỉ định và chống chỉ định; các chỉ số quan trọng, đặc biệt ở người già và phụ nữ mang thai; cũng như các phân tích dữ liệu. Hướng dẫn cũng giúp người bệnh đái tháo đường hiểu tổng quan về CGM, cách thiết bị hoạt động và cách sử dụng thiết bị CGM.
Tại Việt Nam, số người mắc bệnh đái tháo đường đang ngày một gia tăng, tỷ lệ người bệnh tăng gấp đôi so với 10 năm trước. Đáng chú ý, hơn một nửa số người mắc bệnh, chưa được chẩn đoán, nghĩa là không được điều trị. Trong số những người đã được chẩn đoán và điều trị, chỉ có khoảng 1/3 đạt được mục tiêu điều trị.
Chuyên gia lưu ý, với bệnh nhân đái tháo đường, việc kiểm soát đường huyết ổn định, gần mức bình thường là rất quan trọng để giúp họ phòng tránh được các biến chứng của bệnh.
Và CGM cung cấp bức tranh toàn diện về thực trạng đường huyết theo thời gian thực, giúp bác sĩ nắm bắt tình trạng của bệnh nhân để đưa ra quyết định điều trị phù hợp hơn, nâng cao hiệu quả điều trị.
Đồng thời, công nghệ này giúp người bệnh hiểu rõ tình trạng đường huyết của bản thân, thay đổi lối sống, từ đó quản lý tình trạng đái tháo đường tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Một trong những thiết bị CGM được nêu trong hướng dẫn của VADE là FreeStyle Libre, công nghệ theo dõi glucose liên tục được Công ty chăm sóc sức khỏe toàn cầu Abbott giới thiệu tại Việt Nam giúp theo dõi mức đường huyết mỗi phút thông qua một cảm biến nhỏ đeo ở mặt sau cánh tay với kích thước chỉ bằng một đồng xu.
Cảm biến được sử dụng liên tục trong 14 ngày, là thiết bị đo và theo dõi glucose có thời gian sử dụng lâu nhất thế giới hiện nay. Công nghệ này đã giúp thay đổi cuộc sống của khoảng 6 triệu người bệnh đái tháo đường ở hơn 60 quốc gia trên thế giới.
Loại bỏ khối u khổng lồ nặng 8kg trong ổ bụng cho người bệnh
Anh Lò Kim P. sinh năm 2001 (23 tuổi) nhập viện Bệnh viện K vào tháng 6/2024. Trước đó, vùng bụng bệnh nhân to lên bất thường, nghĩ là do sinh hoạt tăng cân nên không đi khám. Khi vùng bụng ngày một to lên mới đi siêu âm tại bệnh viện địa phương phát hiện khối u rất lớn trong bụng, bác sĩ đề nghị chuyển đến Bệnh viện K.
Các bác sĩ Bệnh viện K vừa loại bỏ khối u sarcoma mô mềm có đường kính 40cm, nặng 8kg, chiếm toàn ổ bụng, chèn các tạng cho bệnh nhân 23 tuổi, người dân tộc Thái, Sơn La. |
Ngay lập tức bệnh nhân được làm các xét nghiệm cần thiết, chụp cắt lớp, siêu âm, xét nghiệm máu,... phát hiện có khối u đặc chiếm toàn bộ ổ bụng, kích thước khoảng 40cm, chẩn đoán ban đầu là u sarcoma mô mềm.
Sarcoma mô mềm là một loại ung thư ác tính, có nguồn gốc trong các mô mềm của cơ thể (bao gồm cơ, gân, mỡ, bạch huyết, mạch máu và dây thần kinh). Những bệnh ung thư này có thể phát triển bất cứ nơi nào trong cơ thể nhưng được tìm thấy chủ yếu ở ngực và bụng...
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng I, Bệnh viện K, chia sẻ, người bệnh khi đến Bệnh viện K thì chức năng bài tiết dù vẫn ổn định, nhưng do u quá lớn, chiếm toàn bộ ổ bụng khiến bệnh nhân khó chịu, kèm theo khó thở do u chèn ép lên các tạng như gan, tụy, bàng quang, đại trực tràng,...
"Trường hợp này do tổn thương quá to, nếu không mổ được, u sẽ gây cản trở hoạt động của các cơ quan khác trong ổ bụng, chèn ép tạng ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe thậm chí sinh mạng của người bệnh, nếu không phẫu thuật thì không có biện pháp nào khả thi hơn để điều trị”, bác sĩ Nam cho hay.
Khối u quá lớn là thách thức với cả ê-kíp phẫu thuật. Trước khi thực hiện, ca bệnh này được hội chẩn, thông qua mổ với các phương án dự phòng trong và sau mổ cho người bệnh. Các bác sĩ khoa Ngoại bụng I đã có sự phối hợp chặt chẽ với chuyên khoa Ngoại tiết niệu để bàn luận, trao đổi.
Đánh giá các khó khăn trong mổ, bác sĩ Hà Hải Nam cho biết, u lớn chiếm toàn ổ bụng, tiên lượng ban đầu có thể phải cắt thận thì mới có thể cắt được trọn vẹn khối u, đề phòng u tái phát nhanh.
Để loại bỏ khối u này, các bác sĩ thảo luận kỹ vấn đề kiểm soát mất máu trong mổ và đặc biệt khả năng biến chứng suy tim bởi u kích thước quá lớn nên sau khi loại bỏ, thì máu sẽ được bơm về tim khá nhiều, tâm nhĩ giãn ra, có thể dẫn đến suy tim. Ca bệnh được cân nhắc rất cẩn trọng, dù có nhiều thách thức nhưng vẫn cần phải thực hiện.
Vừa qua, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của PGS-TS.Phạm Văn Bình, Phó Giám đốc chuyên môn Bệnh viện K và ê-kíp phẫu thuật là các bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, tiết niệu Bệnh viện K đã tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân.
Theo bác sĩ Bình, thách thức trong phẫu thuật cho bệnh nhân là khối u ôm quanh thận phải, thận niệu quản phải nằm gọn trong khối u. Các bác sĩ tỉ mỉ bóc tách từng phần khối u, đến khu vực u tiếp xúc với thận và niệu quản, bắt buộc phải cắt một phần niệu quản.
Bệnh nhân được truyền 3 đơn vị máu, điều chỉnh huyết động. Với sự chuẩn bị kỹ càng, ê-kíp đã phẫu thuật loại bỏ hoàn toàn khối u 8kg, bảo tồn thận cho người bệnh, cắt 1 phần niệu quản và sau đó nối lại thành công.
Khi phẫu thuật, hình thái đại thể của khối u hướng đến là liposarcoma, là ung thư mô liên kết, u mỡ. Phương pháp điều trị duy nhất với những trường hợp u sarcoma này là mổ, đúng như chẩn đoán ban đầu của bác sĩ.
Ca phẫu thuật thành công tốt đẹp, người bệnh được duy trì huyết động ổn định trong 72 giờ sau mổ. Người bệnh được chuyển về khoa, theo dõi và tiếp tục điều trị.